Ở Ấn Độ, đi chân đất vào những nơi linh thiêng là hành động thể hiện lòng tôn kính và tránh mang những thứ dơ bẩn vào bên trong. Tuy nhiên, ở ngôi làng nhỏ Andama, quy tắc này áp dụng ở tất cả mọi nơi, bất kể là trong nhà hay ngoài đường.
Người dân làng Andaman đi chân đất còn giày, dép thì cầm trên tay. Nguồn: BBC
Andaman, một ngôi làng nhỏ nằm ở miền Nam Ấn Độ, cách thành phố Chennai 450km, chỉ có 130 gia đình sinh sống, chủ yếu làm nông trên những cánh đồng quanh làng. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, hầu hết mọi người đều ngạc nhiên bởi không thấy một ai mang giày hay dép, trừ những người tuổi cao, sức yếu hay bị bệnh. Từ những đứa trẻ đang đi bộ đến trường, đến những người đi dạo trên đường, đi chợ… tất cả đều đi chân đất, có người vẫn có giày, dép nhưng lại cầm trên tay giống như đó là một phụ kiện thời trang.
Theo lời ông Karuppiah Pandey, một họa sĩ 53 tuổi sống trong làng nói rằng, 4 thế hệ sống ở làng này đã làm theo luật lệ “vô hình” này. Bản thân ông cũng đem giày theo nhưng người vợ ông đang đi làm ngoài đồng thì không, bà ấy chỉ đem theo giày khi ra khỏi làng. Mọi người tự nguyện làm theo chứ không ép buộc hay có luật là sẽ bị phạt khi mang giày. Khi có khách từ nơi xa đến họ sẽ giải thích rõ về điều này và không bắt buộc tất cả phải làm theo. Những đứa trẻ trong làng khi lớn lên và đi làm ở các thành phố lân cận vẫn mang giày bình thường nhưng khi về làng chúng vẫn đi chân đất. Điều này xuất phát từ truyền thuyết rằng, có một vị thần là Muthyalamma bảo vệ cả ngôi làng nên người dân đi chân đất thể hiện lòng tôn kính.
Khoảng 5-8 năm một lần, làng Andaman lại tổ chức một lễ hội tỏ lòng thành kính với thần Muthyalamma. Dịp này, tượng thần bằng đất sét đặt dưới gốc cây, người dân sẽ tổ chức nhảy múa, ca hát và cầu nguyện. sau đó đập vỡ tượng nữ thần để trả về đúng yếu tố ban đầu, tiếp tục phù hộ, che chở cho dân làng. Do kinh phí mỗi lần tổ chức khá đắt đỏ nên lễ hội không diễn ra hàng năm, lần gần nhất mà họ tổ chức là vào năm 2011.
THIÊN NGỌC (theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét