KTNĐ – Hobart là thủ phủ của bang – đảo Tasmania, một đảo rất lớn ở phía đông nam nước Úc. Năm 1803, Hobart được lập nên như là nơi lưu đày tù nhân của đế quốc Anh và được xem là thủ phủ cổ xưa thứ nhì của Úc sau Sydney. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thành phố Hobart đã gia tăng đáng kể. Du khách khắp thế giới đến Hobart không chỉ để chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp, mà còn để tham quan MONA – The Museum of Old and New Art. Một kiến trúc bảo tàng độc đáo được xây ẩn dưới mặt đất.
Rất nhiều người từ phương xa đến Hobart vài ngày chỉ để tham quan bảo tàng có một không hai này. Đáp xuống sân bay quốc tế Hobart (với kiến trúc hiện đại nhưng khá khiêm tốn) bạn sẽ dễ dàng tìm thấy quầy vé xe buýt tới thẳng MONA. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cách di chuyển bằng phà MONA ROMA, khởi hành từ bến cảng trong trung tâm thành phố và chỉ phục vụ cho du khách đi khứ hồi từ cảng Hobart tới MONA. Từ khi chính thức được mở cửa đầu năm 2011, MONA thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Theo một số liệu thống kê của Tourism Tasmania, tổ chức quảng bá du lịch thuộc chính phủ, số lượng khách đến MONA đã chiếm 28% tổng số du khách đến Tasmania trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2014.
Một điều rất đáng ngưỡng mộ là MONA thuộc sở hữu tư nhân. Từ công trình kiến trúc đến các hiện vật trưng bày trong bảo tàng đều là tài sản của tỷ phú David Walsh. Nhiều nghệ sĩ được Walsh mời đến để sáng tác các tác phẩm dành riêng cho bảo tàng. Chính điều này làm nên sự độc đáo cho MONA. Khác với các bảo tàng quốc gia, nơi các hiện vật được tuyển lựa bởi những người giám tuyển nghệ thuật chuyên nghiệp, thường sắp xếp các hiện vật theo thời kỳ hoặc theo thể loại. Walsh là “tay chơi” trong việc sưu tập tác phẩm nghê thuật và ông tuyển lựa tác phẩm theo sở thích riêng của mình. Các hiện vật được trưng bày theo kiểu ngẫu hứng và phi truyền thống. Đa phần tác phẩm mang nhiều tính đột phá và khá nổi loạn. Walsh thậm chí không ngại nói rằng bảo tàng của ông được trưng bày như vậy nhằm “chọc điên” các nhà giám định nghệ thuật.
Bảo tàng có tổng cộng 4 tầng. Ba tầng dành cho tác phẩm trưng bày được nhấn chìm hoàn toàn xuống lòng đất, tầng trên cùng với lối vào chính và sảnh đón là tầng duy nhất lộ lên trên mặt đất. Khi phà cập bến bảo tàng, du khách theo một lối đi với nhiều bậc thang dẫn lên đồi dốc, sau khi đi qua một khoảng sân rộng với các tác phẩm trưng bày ngoài trời là đến cửa vào chính. Qua cửa chính là sảnh đón có phòng bán vé, quầy giữ hành lý, quán ăn và cửa hàng bán đồ lưu niệm. Giữa sảnh đón là một thang máy hình ống với vách kính đưa khách đến ba tầng trưng bày ở phía dưới. Theo thiết kế của bảo tàng, nhân viên sẽ hướng dẫn bạn xuống tầng sâu nhất để bắt đầu chuyến tham quan và tiếp tục đi theo hướng dần lên trên để trở lại tầng đầu tiên trên mặt đất. Chung quanh lồng kính thang máy và dọc theo một số hành lang, bạn sẽ được nhìn thấy các vách đá “nguyên thủy” được giữ lại theo ý đồ thiết kế. Cấu trúc độc đáo này làm tăng thêm cảm giác mạnh khi bạn đang di chuyển sâu trong lòng đất và cảm giác này không thể có được ở các công trình bảo tàng khác. Giống như ở rất nhiều bảo tàng hiện nay, MONA trưng bày hiện vật trong những không gian rất tối. Đây không chỉ đơn thuần tạo hiệu quả thị giác mà còn là để bảo vệ hiện vật, đặc biệt là những vật cổ xưa làm từ vải, đất sét… Khi được đặt dưới ánh sáng không phù hợp chúng sẽ bị phá hỏng.
Cũng vì lý do này, người ta cho phép bạn chụp hình trong bảo tàng nhưng không được mở đèn flash. Khi vào MONA bạn được phát cho một thiết bị gọi là “O” có hình dạng như chiếc iPod Touch với màn hình cảm ứng và tai nghe. Khi đi xem các hiện vật được trưng bày, bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ bảng chú thích nào về tác phẩm. “O” luôn định vị được bạn đang ở đâu và cung cấp cho bạn một danh sách các hiện vật ở gần chỗ bạn đang đứng, từ đó bạn có thể lựa chọn xem thông tin về tác phẩm bạn muốn. Không chỉ cung cấp lý lịch tác phẩm, “O” còn lưu các lời bình của chính Walsh về tác phẩm và lý do ông trưng bày nó trong bảo tàng của ông. Ông không hề sử dụng các từ ngữ khoa trương hay cầu kỳ, đôi lúc còn chen lẫn chửi thề khi
hào hứng quá mức. “O” cho phép nguời xem tỏ cả thái độ yêu và ghét cho các tác phẩm: nhấn nút “yêu” khi bạn thích tác phẩm và nút “ghét” khi bạn không thích.
hào hứng quá mức. “O” cho phép nguời xem tỏ cả thái độ yêu và ghét cho các tác phẩm: nhấn nút “yêu” khi bạn thích tác phẩm và nút “ghét” khi bạn không thích.
Quan điểm của Walsh hoàn toàn cởi mở: sở thích nghệ thuật là chuyện cá nhân, có thể yêu hay ghét mà chẳng cần lý do. Ở MONA, bạn có thể thoải mái yêu ghét một tác phẩm nào đó!
MONA thu hút nhiều du khách trên thế giới không phải vì là công trình đắt tiền nhất hay những danh hiệu cao nhất, rộng nhất… mà vì cái “hồn” độc đáo của nó. Hồn vía MONA lại mang đậm dấu ấn của chủ nhân David Walsh. Có thể ta có rất nhiều lý do để ghét hay thích MONA nhưng không thể nào phủ nhận nó là công trình công cộng có giá trị nhiều mặt: văn hóa, nghệ thuật, kinh tế… Càng đáng ngưỡng mộ hơn cả là những giá trị này được tạo nên chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi và bởi một cá nhân…
BÀI & ẢNH: CAO KHANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét