Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

George – viên ngọc của Penang

KTNĐ – Penang là thành phố đa sắc tộc, đa văn hóa và thủ phủ George là nơi phản ánh rõ nét nhất sự giao thoa và hòa hợp đến kinh ngạc của câu chuyện lịch sử. Một thành phố cổ sống động và giàu có về văn hóa, kiến trúc bởi tầng tầng lớp lang lịch sử, khiến bạn luôn cảm thấy bối rối trong sự ngưỡng mộ và trầm trồ.

IMG_4307 copy_resize

George là thành phố cổ lâu đời nhất ở Penang, Malaysia với nhiều dấu ấn lịch sử, kiến trúc và văn hóa.  Thành phố sở hữu những ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi trong sự giao thoa hòa hợp của các tôn giáo: Thiên chúa, Hindu và đạo Phật.
Khu Hoa kiều với những đền chùa hội quán nằm bên cạnh những công trình kiến trúc thời thuộc địa của người Anh, những ngôi đền Hindu hay nhà thờ Hồi giáo của người Ấn nằm trong khu Tiểu Ấn…
THÀNH PHỐ DI SẢN
Nếu như ở một góc đường Kapitan Keling là nhà thờ thánh George được xây dựng vào năm 1817-1818, là nhà thờ kiểu Anh quốc cổ nhất ở khu vực Đông Nam Á, thì phía ngược lại là sự xuất hiện của ngôi đền Hồi giáo nổi tiếng nhất Penang, Kapitan Keling được xây dựng vào những năm 1800.
Nếu như khu Tiểu Ấn sầm uất và lộng lẫy sắc màu saree với ngôi đền Hindu Sri Mahamariamman cổ kính thì cạnh đó là khu Hoa kiều rực rỡ với đèn lồng đỏ, chùa chiền và nhà thờ tổ với mái đầu đao cong vút, trang hoàng họa tiết rồng phượng trong mùi hương trầm nồng nàn.
Cách không xa là các công trình kiến trúc thuộc địa được người Anh xây dựng từ thế kỷ 18-19 như tòa thị chính, pháo đài Cornwallis, tháp đồng hồ Pesara King Edward. Không xoắn xuýt, rối rắm mà song hành tồn tại, nương tựa và yên bình.
Kiến trúc của George ở mỗi con đường, mỗi lối đi, mỗi ngã rẽ là một cánh cửa mới, mở ra vô tận với những người say mê khám phá. Con đường di sản dài hay ngắn, đi từ Trung Hoa sang Tiểu Ấn, kiến trúc đi từ Á sang Âu luôn mang trên mình sức cuốn hút lạ lùng.
Nghệ thuật đường phố ở Penang nói chung và George nói riêng là một tour khám phá tuyệt vời đưa du khách đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
IMG_4800 copy_resize

IMG_4680 copy_resize

IMG_4608 copy_resize

Năm 1786, một nhà hàng hải người Anh Francis Light thuộc công ty Đông Ấn sau khi thuyết phục được vua Kedah nhượng quyền quản lý vùng đất Penang cho công ty đã đặt tên cho thị trấn chính nằm ở phía đông bắc đảo là George theo tên vua George đệ tam của nước Anh, đồng thời cho xây dựng pháo đài Cornwallis ở phía đông bắc đảo.
Dưới sự quản lý của công ty Đông Ấn và sự có mặt của các thương lái đến từ Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện cùng với các nhà buôn bản địa, Georgetown đã phát triển trở thành một vùng thương cảng sầm uất trên trục đường hàng hải Á – Âu, khởi đầu của “con đường gia vị” nối châu Á với thế giới.
Cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, George được đánh thức và hồi sinh sau một thời gian dài chìm trong bụi mờ thời gian và sự hoang phế.
Dưới sự quản lý nghiêm ngặt của hội đồng thành phố và sự ủng hộ hết mình của cư dân địa phương, những căn nhà cổ, những dãy phố bị bỏ quên đã được sửa chữa và được phục hồi, bảo tồn gần như nguyên trạng.
Ngày 7-7-2008, cùng với Melaka, George đã được Unesco chính thức công nhận là di sản thế giới với nhiều công trình kiến trúc quý giá và nhiều nền văn hóa độc đáo cùng tồn tại song song.
Có ba loại hình nghệ thuật đường phố ở đây gồm Making George Town là dự án đánh dấu việc thành phố được công nhận là di sản văn hóa thế giới, với 52 hình ảnh được uốn bằng thép đặt ở nhiều tuyến đường phố cung cấp những hình ảnh và câu chuyện thú vị về đời sống lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Thứ hai là dự án Mirrors George Town thực hiện nhân dịp Festival 2012 với những bức họa 3D kỳ diệu xuất hiện bất ngờ trên tường nhà, mô tả sống động, chân thực một hình ảnh đời sống thường nhật.
Và ba là bộ sưu tập 101 Lost Kittens – dự án liên quan đến những chú mèo đi lạc. Lebuh Chulia, Lebuh Armenian, Lebuh  Canon, đường Lorong Soo Hong quanh khu Hoa kiều là nơi tập trung nhiều hình ảnh nghệ thuật đường phố này nhất.
IMG_4591 copy_resize
IMG_4730 copy_resize
IMG_4836 copy_resize
Lịch sử đã mặc cho thành phố ở phía bắc Malaysia tấm áo phồn hoa, thịnh vượng trong suốt thế kỷ 18-19 cho đến khi George town mất dần lợi thế bởi trung tâm của sự phát triển kinh tế Malaysia dịch chuyển về
phía Kuala Lumpur.
Trong nửa đầu của thế kỷ 20, thành phố dường như bị lãng quên, hàng loạt bến cảng, đường phố bị bỏ hoang, những căn nhà cổ trở nên hư nát.
NGÔI NHÀ MÀU XANH
Những ngày lang thang ở George thực sự tôi đã “bị” ngôi nhà này cuốn hút.
Biệt thự Cheong Fatt Tze (gọi theo tên của vị thương gia đã xây dựng căn nhà này) nằm trên phố Lebuh Leith ở giữa phố Lebuh Chulia
và đường Jalan Sultan Ahmad Shah được xây dựng vào những năm 1880 bởi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công bậc thầy đến từ Trung Quốc với 38 phòng, 5 sân trời lát đá, 7 thang bộ và 220 cửa sổ.
Nổi bật và khác biệt ở thủ phủ Penang với màu xanh chàm, một trong bảy dải màu cơ bản, Cheong Fatt Tze sở hữu kiểu kiến trúc pha trộn giữa phương Đông và phương Tây với những mảng chạm khắc gỗ, sành, sứ lộng lẫy, cửa sổ kiểu Gothic, tường gạch nâu đỏ và những tấm tranh kính sắc màu.
IMG_4069 copy_resize
IMG_4028 copy_resize
Năm 2000, tòa biệt thự Cheong Fatt Tze, còn có tên khác là Blue Mansion – ngôi nhà màu xanh đã nhận được giải thưởng Bảo tồn di sản Unessco châu Á – Thái Bình Dương sau công trình phục hồi lên tới 7,6 triệu Malaysia ringit.
Hằng ngày có hai tour cho khách du lịch tham quan lúc 11 giờ và lúc 15 giờ, giá vé cho người lớn là 12 ringit (khoảng 70.000 đồng).
Mặt tiền ngôi nhà hướng ra biển, sau lưng là đồi Penang, giữa nhà có giếng trời và những vườn cây nhỏ.
Các chi tiết từ mái nhà, cầu thang, hành lang, cửa sổ, gạch lát sàn, những mảng trang trí tường đến đồ vật trong nhà đều được bố trí dựa trên các nguyên tắc phong thủy giúp cho căn biệt thự trở nên sang trọng, cuốn hút, kiêu kỳ và bí ẩn.
Một bộ sưu tập lớn các tác phẩm điêu khắc, chạm khắc, thảm trang trí, cổ vật giàu có và xa hoa được trưng bày trong các căn phòng.
Căn nhà được làm mát bởi hệ thống ống hứng nước mưa được bố trí dọc theo tường nhà theo phương thức vào nhanh ra chậm vì theo quan niệm của người Hoa, nước cũng là tiền.
Penang là một điểm đến tuyệt vời và thủ phủ George là trái tim nạm ngọc của Penang. Tôi đã đến, và không chỉ một lần, đủ để nghe mùi hương trầm Trung Hoa lan tỏa dưới mái vòm trắng tinh của nhà thờ
Hồi giáo, hay ngồi say mê trong khu Tiểu Ấn để vẽ henna lên đôi bàn tay…
BÀI: THỦY TRẦN
ẢNH: ĐỨC HÙNG

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 4-2016

Không có nhận xét nào: