Những năm gần đây, khái niệm Thiền và Chánh niệm được thảo luận nhiều và truyền cảm hứng hơn bao giờ hết.
GẶP NHAU LÀ DUYÊN
Nửa năm trước, sau hơn ba năm gắn bó với công việc nhiều áp lực, cảm giác mệt mỏi và bế tắc, tôi quyết định dừng lại, nghỉ ngơi và tìm cảm giác “sống chứ không chỉ tồn tại”. Tôi quyết định thực hiện kế hoạch mình đã ấp ủ từ nhiều tháng trước đó: tham gia khóa thiền định Vipassana 10 ngày và du lịch trải nghiệm một tháng ở Myanmar, đất nước Phật giáo xinh đẹp với người dân hiền hòa, thân thiện. Nơi tôi đăng ký học thiền là trung tâm Thiền Vipassana Dhamma Joti tại Yangon. Đây là một trung tâm thiền định lâu đời tại Myanmar với nhiều khóa thiền 10 ngày diễn ra thường xuyên dành cho thiền sinh Myanmar và quốc tế.
Trung tâm thiền định được đặt tại thành phố Yangon nên trước khóa thiền tôi đã dành một ngày để nghỉ ngơi và khám phá thành phố, trong đó có chùa Shwedagon nổi tiếng. Trải rộng trên diện tích 50.000m2, chùa Shwedagon (hay còn gọi là chùa Vàng) được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, với tháp cao nhất lên tới 99m được dát bằng vàng thật, khảm kim cương và đá quý lấp lánh trong nắng khiến ai cũng choáng ngợp. Đứng từ bất cứ đâu trong thành phố, bạn cũng có thể nhìn thấy công trình ấn tượng này. Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon có hơn 2.500 năm lịch sử, là công trình Phật giáo linh thiêng nhất Myanmar. Mặc dù mỗi ngày đều có rất đông sư tăng và khách du lịch đến tham quan và hành hương, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được sự tĩnh lặng tôn nghiêm. Tôi chọn một chỗ ngồi và ngắm nhìn một nhà sư già ngồi thiền bất động trước một pho tượng Phật, gương mặt bình thản. Ngắm những đàn chim bồ câu bay lượn trên những tầng tháp, mặt trời đỏ hồng như lòng trứng gà dần buông, tôi thấy lòng bình yên và thầm cảm ơn duyên lành đã đưa tôi đến đây.
Vào buổi sáng trước khi rời khách sạn, tôi tình cờ biết được cô bạn người Áo cùng phòng cũng đến thiền hôm đó, thậm chí cùng một trung tâm. Nếu đây là sự trùng hợp, thì là một sự trùng hợp thật kỳ diệu vì nhờ vậy tôi đã quen một người bạn mới thật dễ thương, với những trăn trở quá đỗi giống nhau và cùng động viên nhau không những trong khóa thiền mà cho đến thời điểm hiện tại.
10 NGÀY TRẢI NGHIỆM VIPASSANA
Trung tâm thiền định Dhamma Joti với khuôn viên rộng rãi có nhiều cây xanh, một hồ nước lớn, một ngọn đồi nhỏ và luôn ngập tràn tiếng chim hót – một không gian yên bình lý tưởng để các thiền sinh thư giãn và tu tập. Trên đỉnh đồi là một tòa nhà trắng với nhiều ô cửa sổ nhỏ mà sau này, tôi biết được trong tòa nhà có nhiều gian phòng nhỏ khác dành cho các bạn thiền tập tốt. Họ sẽ có thời khóa thiền cách biệt một mình trong những gian phòng này. Sau khi đăng ký, tôi được phân ở cùng phòng với một cô bạn người Mỹ gốc Hoa. Mỗi phòng với hai giường được trang bị chăn màn, gian vệ sinh và gian tắm riêng biệt để tiện sinh hoạt, tuy đơn giản nhưng đầy đủ phục vụ các nhu cầu cơ bản. Buổi tối hôm đó, mọi người được tập hợp để nghe về các quy định cũng như giới thiệu về khóa thiền và thầy S. N. Goenka – người thành lập trung tâm thiền và đã tận tụy cả đời truyền dạy phương pháp thiền Vipassana. Tuy thầy đã mất nhưng khóa thiền vẫn được hướng dẫn bởi thầy qua các đoạn ghi âm và video cùng sự hỗ trợ của các thiền sư là học trò của thầy.
Thiền định Vipassana 10 ngày luôn được biết đến bởi tính nghiêm khắc trong quá trình thiền, như quy định không được nói chuyện, không giải trí bằng bất cứ hình thức nào (dùng điện thoại, đọc sách, kể cả viết nhật ký), và không tương tác với các thiền sinh khác. Về sau tôi đã hiểu ý nghĩa sâu xa của những quy định này và khâm phục tâm tư của những người sáng lập khóa thiền nhằm mục đích duy nhất là giúp thiền sinh có một khóa thiền hiệu quả nhất. Nếu hiểu rằng các nghiệp đều do thân, khẩu, ý mà phát sanh ra, thì những quy định này giúp thiền sinh hạn chế phát sinh các nghiệp ngoài ý muốn; không nói chuyện giúp tịnh khẩu, giúp không gây các nghiệp khẩu ngoài ý muốn; không giao tiếp giúp tâm tập trung, không bị xao nhãng và phát sinh các ý niệm không cần thiết. Khi tâm đã không còn bị xao nhãng, ta sẽ ngừng hướng tâm ra ngoài và bắt đầu hướng về chính mình.
Thiền đường là một gian phòng rộng rãi được trang bị máy điều hòa (cơ sở vật chất ở đây tuy cơ bản nhưng vẫn đầy đủ hơn nhiều so với một số trung tâm khác). Nhắm mắt ngồi yên lặng trong suốt hàng giờ quả thật là một thử thách, không chỉ về thể chất với những cảm giác như tê chân, mỏi lưng mà còn về tâm trí khi chỉ sau chưa đầy một phút quan sát hơi thở, tâm đã bị kéo đi xa lúc nào không hay. Nhưng ngay khi nhận biết được và quay lại với hơi thở, đó đã là một thành công. Với sự kiên nhẫn, quyết tâm của chính mình và sự hướng dẫn tận tâm của thiền sư, những người vượt qua được khóa thiền này chắc chắn sẽ có được nhiều lợi lạc cho bản thân. Ngày thứ 3 hoặc thứ 4 thường là ngày mang tính quyết định, vì nếu không vượt qua được sự mệt mỏi, chán chường, cơn thèm mạng xã hội, cơn thèm thịt hay những cơn đau, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
KHÔNG PHẢI NHẮM MẮT MỚI LÀ THIỀN
Mỗi tối thiền sinh sẽ được nghe giảng pháp sau một ngày thiền định (có hỗ trợ headphone phiên dịch nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt giúp các thiền sinh hiểu đúng lời pháp). Đây là lúc các vấn đề thiền sinh gặp phải sẽ được giải thích qua lời hướng dẫn cùng với bài pháp thực tế mà sâu sắc vô vàn. Nếu tìm hiểu về Phật pháp hẳn bạn đã nghe về Giới – Định – Tuệ. Khóa thiền này được thực hiện xoay quanh ba điểm chính yếu này. Đầu tiên là giữ Giới, vào khóa tu mọi người sẽ ăn chay, đó là giữ giới không sát sanh, tách biệt nam nữ là giữ giới sắc; khi được hướng dẫn quan sát (quán) hơi thở vào ra của mình là Định, giúp thanh lọc tâm và tập trung tư tưởng. Sau khi nhận biết được hơi thở và cơ thể của chính mình, thiền sinh sẽ được hướng dẫn sâu hơn về Vipassana – vốn nghĩa là nhận biết các sự việc như là chính nó (không thêm vào định kiến hay cảm xúc), và đây chính là những ngày giúp thiền sinh hiểu về Tuệ (mọi người sẽ có một cảm nhận rất riêng cho mình).
Sau khi kết thúc khóa thiền định, tôi đã có rất nhiều cảm xúc và chiêm nghiệm cho bản thân. Thế nhưng, nếu có ai hỏi tôi nhớ nhất điều gì sau 10 ngày tu tập này, trong đầu tôi sẽ xuất hiện ngay hai điều: Đầu tiên là cảm giác gian khổ khi phải vất vả chống lại cơn buồn ngủ trong những giờ thiền sáng sớm. Đã nhiều lần, tôi ngủ gục và giật mình tỉnh giấc rồi lại tiếp tục thiền. Lúc đó tôi nghĩ điều này quá khó và chưa thể làm được. Nhưng những ngày sau đó, tôi đã vượt qua, có thể ngồi thiền xuyên suốt thời khóa sáng. Khi ấy, tôi chợt nhận ra “được” hay “không được” chỉ mang tính tương đối. Không được lúc này nhưng sẽ được lúc khác, quan trọng là không bỏ cuộc và tiếp tục cố gắng. Điều thứ hai, đó là cảm giác yên bình tràn ngập trong tim tôi khi thiền định trong không gian tĩnh mịch chỉ nghe tiếng những cây tre cọ xát với nhau và mưa rơi tí tách bên ngoài thiền phòng. Tôi chỉ muốn giữ mãi cảm giác này và nguyện sẽ cố gắng tu tập để ôm trọn sự yên bình trong tâm.
Đây là chuyến đi thiền đầu tiên của tôi và sẽ không là duy nhất. Tôi có kế hoạch sẽ quay lại hoặc tham gia khóa thiền ở Ấn Độ. Nhưng thật sự, thiền ở đâu không quan trọng, bởi tôi biết mỗi nơi đều sẽ có những cơ duyên, bài học và trải nghiệm tuyệt vời đang chờ đón mình. Và quan trọng hơn cả là việc tập áp dụng thiền vào từng giờ từng phút trong cuộc sống ở bất cứ đâu, vì không phải chỉ ngồi xuống nhắm mắt mới là Thiền.
Thông tin:
Thông tin và đăng ký tại: www.dhamma.org/ en/schedules/schjoti. Bạn tự mua vé máy bay qua Yangon, đến trung tâm hoàn tất đăng ký và bắt đầu khóa thiền.
Khóa thiền định liên tục 10 ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, bao gồm các thời khóa thiền (có thời gian nghỉ giữa các buổi thiền) và thời khóa nghe giảng pháp vào buổi tối.
Khóa thiền hoàn toàn miễn phí, nhưng sau khóa có thể đóng góp theo ý muốn của mình. Vì tôn chỉ của khóa thiền là người tham gia sau nhờ sự gieo duyên đóng góp của người đi trước, cứ thế mà nối tiếp.
Lưu ý đem theo thuốc chống côn trùng và dù (vào mùa mưa) để tiện di duyển trong trung tâm. Nước uống luôn có sẵn tại trung tâm và ban tổ chức luôn có mặt khi bạn cần trong trường hợp ốm đau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét