Không phải là chuyện nơi đây từng có người sinh sống từ 6000 năm trước Công nguyên và là phế tích bị bỏ rơi ngót nghét gần 6 thế kỷ bên bờ Địa Trung Hải; cũng không phải là đền thờ nữ thần Artemis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại và hàng chục kỳ quan không tưởng khác. Đọng lại trong tôi sau khi rời phế tích thành phố Ephesus của Thổ Nhĩ Kỳ chính là những lùm cây ô liu nở bạt ngàn…
Ở Thổ Nhĩ Kỳ người ta làm du lịch không có “chu đáo” như mình. Ví như từ cố đô Istanbul, tôi mua tour đi thăm thành Ephesus cách đúng 564km bằng máy bay. Đến sân bay của thành phố Izmir, tôi và nhiều du khách khác cứ viết tên mình lên một tờ giấy rồi đội lên đầu, tự khác sẽ có người đến đón, sau đó “lùa” tất cả lên một chiếc xe lớn chở đi Ephesus – một thành phốkhông người với những trụ đá lởm chởm cùng những hố đào bới nham nhở.
Trong lịch sử, thành Ephesus từng qua tay nhiều thế lực và triều đại, cho đến khi bị bỏ rơi và chôn vùi không còn dấu viết trong thế kỷ 15, dưới thời Thổ Nhĩ kỳ. Ông Murat – người hướng dẫn cho tôi hôm ấy bảo lịch sử nghiên cứu khảo cổ ở Ephesus được tính từ năm 1863, khi kiến trúc sư người Anh John Turtle Wood, bắt đầu tìm kiếm Đền Artemis – kỳ quan thứ 4 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.
Năm 1869, ông phát hiện ra mặt lát của ngôi đền và dừng lại. Năm 1895 nhà khảo cổ người Đức Otto Benndorf, đã tái tục các cuộc khai quật. Năm 1898 Benndorf thành lập Viện Khảo cổ Áo, cơ quan đóng một vai trò hàng đầu trong việc khảo cổ ở Ephesus ngày nay.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là dấu tích còn sót lại của đền thờ Artemis – đền thờ nữ thần mặt trăng trinh nguyên, sinh nở, săn bắn hùng mạnh, bảo hộ các thành phố, phụ nữ và súc vật non… được xây dựng vào khoảng năm 550 trước CN. Ngôi đền là một sự tráng lệ về kiến trúc và khác thường về kích thước khi được xây dựng bằng đá cẩm thạch, dài 115m, rộng 55m với 127 cột đá.
Ngôi đền bị phá hủy nhiều lần, trong đó lần nổi tiếng nhất là năm 356 trước CN, Herostratus – kẻ hủy diệt văn minh đã dùng một ngọn lửa thiêu rụi ngôi đền chỉ với mục đích tên mình được lưu danh vào sử sách.
Bây giờ thì trước mắt tôi, đền thờ Artemis chỉ còn là một bãi hoang đầy lau sậy và cỏ dại, những tảng đá đổ nát vương vãi khắp nơi như thể vừa trải qua một trận bom. 127 cột cẩm thạch màu trắng, mỗi cột cao 18,4m, giờ chỉ còn hai chiếc cột được phục chế và gia cố bằng bê tông.
Một cột cao khoảng 15m, cột kia chừng 5m đứng chơ vơ, bên cạnh là tấm bảng văn tắt về ngôi đền cùng một bản vẽ mô hình ngôi đền khá sơ sài. Theo gợi ý của Murat, tôi mua một cuốn sách có hình ngôi đền lộng lẫy, được vẽ lại theo sự phục chế của các nhà khảo cổ học được bày bán trong các quầy hàng lưu niệm. Tiện thể, tôi mua thêm một bản mô phỏng pho tượng thần Artemis bằng cẩm thạch sản xuất hàng loạt, hiện được trưng bày trong bảo tàng khảo cổ Efes ở gần đấy về làm kỷ niệm…
Nhà hát ngoài trời lớn nhất thế giới cổ đại
Kể từ lần khảo cổ học đầu tiên vào năm 1863, đến thời điểm này, ước tính khoảng 15% di tích cổ La Mã ở thành phố phía đông Địa Trung Hải này được khại quật. Khá khiêm tốn, nhưng các di tích hữu hình này cho ta một số ý tưởng về vẻ huy hoàng nguyên thủy của thành phố, và những cái tên gắn liền với các di tích gợi nhiều liên tưởng về sự tồn tại trước đây của chúng.
Ví như di tích nhà hát 25.000 chỗ ngồi, hình tròn, giống hình một sân vận động, hàng ghế là những bậc tròn cao dần lên đến ba mươi mét, được khởi dựng từ thời hoàng đế Nero (cai trị năm 54-68 Công nguyên) và phải sang thế kỷ II mới hoàn thành. Đứng trên những bậc tròn khán đài này nhìn xuống sân khấu cũng thấy chóng mặt. Sân khấu ở đằng trước và bên dưới là một tòa nhà cẩm thạch hai tầng.
Kiến trúc cũng tính đến khuếch âm để cho hai vạn rưỡi khán giả có thể ngồi tít trên cao mà vẫn nghe được âm nhạc và tiếng nói đài từ của diễn viên. Và đây cũng là nhà hát ngoài trời lớn nhất thế giới thời cổ đại. Cùng với nó là Odeon - một nhà hát nhỏ có mái che được xây dựng vào khoảng năm 150 sau Công nguyên.
Đó là một phòng nhỏ để diễn kịch và trình diễn âm nhạc, có chỗ ngồi cho khoảng khoảng 1.500 người. Có 22 bậc cầu thang trong nhà hát. Phần trên của nhà hát được trang trí bằng những cây cột đá granite màu đỏ theo phong cách Corinthian.
Một di tích vĩ đại nữa là thư viện Celsus. Khánh thành vào năm 117 CN, thư viện bị người Goth hủy diệt năm 262, phần di tích hiện nay là do Viện khảo cổ Áo khai quật và phục chế vào những năm 1970. Đây là một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại (hai thư viện kia ở Alexandria -một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại và ở Pergamon).
Thư viện được đặt theo tên viên thống đốc Celsus của phần châu Á thuộc đế chế La Mã trong ba năm 105 đến 107. Pho tượng bốn thiếu nữ ở tầng một tượng trưng cho bốn đức tính của ngài Celsus: Sophia tượng trưng cho sự uyên bác, Arete tượng trưng cho đạo đức, Episteme tượng trưng cho tri thức, Ennoia tượng trưng cho sự thông tuệ. Những bức tường có các ngăn âm tường để đặt giá sách, chứa sách và các cuộn bản thảo. Chống ẩm, người ta thiết kế tường đôi, khoảng cách giữa hai bức tường là gần một mét.
Hay đền Hadrian có từ thế kỷ thứ II sau CN, trải qua các sửa chữa trong thế kỷ thứ 4 và đã được xây dựng lại từ các mảnh vỡ kiến trúc còn sót lại. Các bức tượng nổi ở các phần trên là tượng đúc (các tượng gốc nay được trưng bày tại nhà Bảo tàng khảo cổ Ephesus). Một số nhân vật được mô tả trong các bức tượng đúc nổi, trong đó có hoàng đế Theodosius I với vợ và người con trai cả. Ngôi đền được mô tả ở mặt sau của tờ tiền giấy 20 triệu lira năm 2001-2005 và trong tờ tiền giấy 20 lira mới năm 2005-2009 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cháu còn bé lắm...
Trong vô vàn những phế tích gắn liền với nền văn minh Hy Lạp – La Mã rực rỡ một thời làm mưa làm gió cả vùng Địa Trung Hải rộng lớn, tôi dành nhiều thời gian ở những nhà vệ sinh công cộng. Đó là những hố vệ sinh xếp thành dãy chạy dọc theo ba phía của ba bức tường. Bên dưới là hệ thống cống nước liên tục chảy đẩy trôi chất thải. Nhà vệ sinh công cộng tất nhiên dành cho những công dân trong phường phố. Và không tin được là thời ấy lại có cả… phiếu sử dụng dài hạn, như kiểu vé tháng bây giờ.
Nhưng chuyện ở khu vệ sinh công cộng vẫn chưa lạ và thú vị như ở khu nhà thổ gần đó, được xây dựng dưới triều hoàng đế Trajan, cai trị từ năm 98 đến năm 117 sau CN. Khu nhà thổ gồm hai tầng, phía trên dành cho các kỹ nữ, ở dưới dành cho khách và không gian xướng ca. Tại khu nhà thổ này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một pho tượng Priapus - một người đàn ông mang cái dương vật ngoại cỡ được mệnh danh là Thần tình dục trong thần thoại Hy Lạp.
Và trong một số ngôn ngữ Châu Âu, “chứng cương đau” được đặt tên dựa trên tên của vị thần này. Pho tượng hiện bày trong bảo tàng khảo cổ học Efes gần đó. Và tượng mô phỏng bằng đồng bằng đá thì bán đầy trong các cửa hàng lưu niệm với giá “cắt cổ”.
Vui nhất là trên con đường lát cẩm thạch mang tên Curates, ở lối vào nhà thổ, có một phiến cẩm thạch lớn khắc hình bàn chân đàn ông. Truyền thuyết kể rằng, ngày ấy, khách làng chơi bước đến trước cửa phải rửa chân rồi đặt bàn chân mình lên đấy, phiến đá lập tức in hằn dấu chân khách.
Người Hy Lạp La Mã cổ đại tin rằng dấu chân tiết lộ kích thước dương vật. Vậy nên rất nhiều anh chàng vừa in dấu chân lên phiến cẩm thạch thì bị kỹ nữ đứng trên tầng hai nhìn xuống lớn tiếng khuyên răn, đại ý: “Thôi về nhà với mẹ đi, cháu vẫn còn bé lắm...”.
Tôi chỉ được chưa tròn ngày lang thang ở Ephesus nhưng đó là một ngày dài đến ngàn ngàn năm với cảm giác như nền văn minh Hy Lạp - La Mã từng thống trị cả Địa Trung Hải bị chôn vùi đang vọng về theo từng cơn gió rít qua những khe đá. Những vàng son một thuở giờ chỉ thấp thoáng trong hoang tàn và thê lương đến mức có du khách phát khóc vì không kìm nén được cảm xúc.
Nhưng trên tất cả là những cánh đồng ô liu nở hoa bạt ngàn. Trong văn hóa Hy – La, hoa ô liu là biểu tượng của chiến thắng và niềm vui, hạnh phúc… Và thú vị là theo một thống kê, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có khoảng 70 triệu dân nhưng có đến… 144 triệu cây ôliu. Tức bình quân mỗi người Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu 2 cây ôliu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét