Sau hơn nửa thế kỷ chia cắt, người Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chia sẻ nhiều phong tục Tết Nguyên đán như các món ăn và trò chơi truyền thống.
Seollal, hay Tết Nguyên đán, là một trong những ngày lễ truyền thống được chờ đợi nhất trên bán đảo Triều Tiên. Dịp lễ này đã bị quên lãng mãi đến năm 1989, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il hồi sinh truyền thống ăn tết theo lịch âm. Trước đó, người dân Triều Tiên thường đón chào năm mới theo lịch dương. Còn ở Hàn Quốc, lễ hội năm mới được tổ chức hai lần, theo cả lịch dương và lịch âm, theo Korea Times.
Đây là một trong số ít những dịp lễ chung của hai miền Nam, Bắc. Ở cả hai miền, các gia đình quây quần, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống như tteokguk (súp bánh gạo) và dành thời gian chơi các trò chơi dân gian như yut nori hay chơi nhảy dây.
Trẻ em từ nhiều vùng của Triều Tiên đổ về tham gia cuộc thi thả diều tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ngoài ra, truyền thống mừng tuổi cho trẻ em cũng được duy trì ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc.
Trong những năm gần đây, người trẻ Triều Tiên đã quen với việc tổ chức Tết Nguyên đán nhờ có sự quảng bá toàn quốc về phong tục truyền thống dịp "Seollal". UPI cho biết không như nhiều quốc gia châu Á, người Triều Tiên không di chuyển ồ ạt về quê trong dịp Tết Nguyên đán do hạn chế về việc tự do đi lại trong nước.
Trong những ngày này, người dân Triều Tiên cũng có nghĩa vụ đến thăm và dâng hoa trước hai bức tượng đồng của nhà lập quốc Kim Nhật Thành và con trai ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Trong khi đó, Tết Nguyên đán lại là thời điểm nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc hướng về miền Bắc, nơi cha mẹ hoặc người thân của họ đã ở lại trong cuộc chiến Triều Tiên (1950 - 1953).
Trong dịp này, khu vực biên giới liên Triều là nơi nhiều người Hàn Quốc đến để dâng lễ cho người thân họ ở miền Bắc. Bên mâm lễ vật gồm các món ăn truyền thống và rượu được đặt gần hàng rào dây thép gai, những người con cầu nguyện cho cha mẹ mình.
Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, nhiều gia đình trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt bởi ranh giới giữa hai nước và không có cơ hội gặp lại. Rất nhiều người sống cảnh gần đất xa trời ở Hàn Quốc mà không biết cha mẹ hay người thân mình có còn sống không, cũng không biết liệu họ có cơ hội gặp lại người thân trước khi chết hay không.
Tháng 8/2018, khoảng 330 người Hàn Quốc, thuộc 89 gia đình, đã được lựa chọn ngẫu nhiên để đoàn tụ với 185 người thân thất lạc đang sống ở Triều Tiên. Hai miền bán đảo đã khởi động lại hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh sau thời gian dài căng thẳng tăng cao vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cuộc đoàn tụ tháng 8/2018 là lần đoàn tụ đầu tiên trong 3 năm qua. Khoảng 57.000 người đủ điều kiện tham gia nhưng chỉ có 89 người, tức 0,16%, được chọn. Những người còn lại, đều đã cao tuổi, vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Tại Hàn Quốc, khoảng 132.600 người nằm trong danh sách bị chia cắt với gia đình, nhưng Hội Chữ Thập đỏ chỉ xác định được 57.000 người còn sống. Trong số đó, 41% ở độ tuổi 80 và 21% ở độ tuổi 90, theo số liệu của chính phủ. Hai nước đã tiến hành 20 cuộc đoàn tụ kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét