Bố mẹ Hà Lan không ngại để con vui đùa giữa trời mưa, không bắt con tập đọc từ sớm và để con dùng đồ chơi cũ.
Rina Mae Acosta và Michele Hutchison, hai bà mẹ Mỹ đều lấy chồng Hà Lan và nuôi dạy con tại Amsterdam chia sẻ những trải nghiệm về phương pháp dạy con ở đất nước cối xay gió trên Telegraph.
Hai đứa trẻ mới chập chững biết đi đang rượt đuổi nhau trên nhà chơi cầu trượt và chen nhau lượt xuống. Các bà mẹ của chúng mải mê chuyện trò trên ghế công viên. Ở gần đó, một chú chó sủa vang và một cậu bé di chuyển từ từ trên chiếc xe đạp thăng bằng được ông kéo bằng xe buggy phía trước.
Giữa bãi cỏ, nhóm bé gái đang chơi trò ném bóng, những tiếng hét vui vẻ lấp đầy không gian. Cách đó không xa, vài cậu bé đang tập luyện để thực hiện nhuần nhuyễn động tác trượt ván. Không đứa trẻ trong độ tuổi đi học nào có bố mẹ đi kèm.
Cảnh tượng hạnh phúc này không phải trong một bộ phim. Đó chỉ là một chiều thứ tư vào mùa xuân ở công viên Volderpark (Amsterdam), bình thường như mọi buổi chiều khác trên khắp đất nước Hà Lan mỗi ngày.
Theo báo cáo năm 2013 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF, trẻ em Hà Lan hạnh phúc nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu khẳng định trẻ ở đây đang đi trước bạn bè khi so sánh với 29 nước giàu nhất thế giới. Vương quốc Anh đứng thứ 16 và Mỹ đứng thứ 26, ngay trên Lithuania, Latvia và Romania - ba nước nghèo nhất trong khảo sát.
Trong văn hóa Hà Lan, trẻ em được đặt ở vị trí trung tâm. Phụ huynh xem con là những cá nhân riêng biệt thay vì là "phần mở rộng" của bản thân. Họ hiểu rằng thành công không đảm bảo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc có thể nuôi dưỡng thành công. Họ kiềm chế sự lo lắng, căng thẳng và những mong đợi khi nuôi dạy con, định nghĩa lại về thành công và hạnh phúc.
Không áp lực học tập
Trẻ ở trường tiểu học không làm bài tập về nhà và không học gạo để thi. Đó là hình ảnh của thời thơ ấu mà rất nhiều người trong chúng ta hoài niệm.
Trong mọi trường tiểu học ở Hà Lan, trẻ bắt đầu đi học từ bốn tuổi nhưng đến sáu tuổi (năm thứ ba) mới chính thức theo chương trình học tập có cấu trúc, gồm đọc, viết và số học. Nếu tỏ ra quan tâm đến các môn học này sớm hơn, trẻ được cung cấp tài liệu để tự khám phá. Cả hai đứa trẻ của Michele đều học cách đọc và viết trong năm đầu tiên, nhưng không chịu áp lực nào. Bạn bè của chúng không gặp bất lợi khi biết đọc muộn hơn.
Những đứa trẻ của Michele và Rina tận hưởng sự tự do cùng bạn bè khi lớn lên ở Hà Lan. Ảnh: Clara Molden
|
Ở Hà Lan, trẻ em thích đi học, và đây là điều được phản ánh trong nghiên cứu của UNICEF năm 2013. Trẻ Hà Lan thuộc top những người ít chịu áp lực học tập nhất và đánh giá cao sự thân thiện của bạn học.
Người Hà Lan chắc chắn không quan tâm ai là thần đồng piano nhí hay nhà vô địch cờ vua nhí. Họ không mở đĩa Baby Einstein (dùng để giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi) để con học tập. Không có lớp học làm giàu cho trẻ, ít nhất là bên ngoài các thành phố lớn. Họ không quan tâm con có trở thành người thông minh nhất hay không. Họ chỉ muốn con thoải mái nhất.
Bố mẹ hạnh phúc tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc
Phụ huynh rất thực tế, hiểu rằng bản thân và con cái đều cách xa sự hoàn hảo. Điều này không có nghĩa họ không đấu tranh với những rắc rối trong cuộc sống. Tuy nhiên, họ biết tha thứ cho những thiếu sót của mình.
Xã hội Hà Lan đã đấu tranh để giành được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Người Hà Lan làm việc trung bình 29 giờ mỗi tuần, dành ít nhất một ngày trong tuần cho con. Những bà mẹ Hà Lan luôn tìm được thời gian dành cho bản thân ngoài thời gian làm mẹ và làm việc. Họ không bắt đầu tỏ ra lo lắng về việc lấy lại vóc dáng ngay khi vừa rời khỏi bệnh viện với đứa trẻ sơ sinh trên tay. Họ không làm giúp trẻ những việc chúng có thể tự làm, họ tin tưởng vào việc khuyến khích độc lập ở độ tuổi thích hợp. Họ tự tin và bình tĩnh khi làm cha mẹ.
Các ông bố Hà Lan không lo sợ bị đánh giá ẻo lả. Họ giữ vai trò bình đẳng trong nuôi dạy con và chăm lo nhà cửa. Họ trông con vào những ngày nghỉ, giúp chúng đi ngủ. Bạn cũng có thể nhìn thấy một người cha đang đẩy chiếc xe nôi chở trẻ như một bà mẹ bất kỳ.
Kỷ luật không dựa trên hình phạt
Tại Hà Lan, trẻ được khuyến khích hành động tự phát. Chơi đùa tốt hơn lặng lẽ vâng lời. Người Hà Lan tin tưởng vào việc truyền cảm hứng cho trẻ khám phá thế giới xung quanh và học hỏi từ đó. Trong khi đó, phụ huynh ở nhiều nước thường không chịu được việc con làm ồn và có thể gây rối cho người khác.
Kỷ luật không được hình thành dựa trên hình phạt. Đối với người Hà Lan, bản chất của kỷ luật là giảng dạy hành vi phù hợp với xã hội. Trẻ Hà Lan được kỳ vọng tỏ thái độ thân thiện với người lớn tuổi nhưng không nhất thiết phải làm theo họ. Tranh luận lịch sự là một kỹ năng sống hữu ích được khuyến khích.
Các chuyên gia nuôi dạy con Hà Lan đề nghị người lớn luôn là tấm gương tốt để trẻ noi theo. Bên cạnh đó, thay vì đưa ra các lựa chọn, bạn hãy nói dứt khoát “Mẹ muốn con…” để chúng có được chỉ dẫn rõ ràng.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ kỷ luật không phải là buộc con làm gì, theo dõi, giám sát, đe dọa hay la mắng chúng. Hành vi đúng đắn cần được củng cố bằng lời khen, hành vi không thể chấp nhận nên được ngăn chặn ngay lập tức, một cách kiên quyết.
Niềm vui đạp xe trong mưa
Trẻ em Hà Lan được hưởng tự do rất lớn: chúng đạp xe đến trường, chơi trên đường phố và ghé thăm bạn bè sau giờ học, tất cả đều không cần người lớn đi kèm. Đó là một phần tính cách của người Hà Lan, họ luôn ra ngoài trong mọi điều kiện thời tiết. Khi trời mưa, trẻ vẫn hạnh phúc chơi ngoài trời, mặc áo khoác có mũ trùm đầu hoặc mang theo ô. Những hoạt động thể thao hiếm khi bị hoãn vì lý do thời tiết.
“Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ tốt”, một phụ huynh Hà Lan nhận xét.
Trẻ luôn được khuyến khích vui chơi ngoài trời, bất kể thời tiết. Ảnh: Google Plus
|
Với vai trò bình đẳng trong gia đình, trẻ được dạy tự túc và nhận trách nhiệm từ khi còn nhỏ. Chơi ngoài trời mà không có người giám sát dạy cho chúng sự độc lập và cứng rắn.
Một đứa trẻ má hồng, tóc vàng bay trong gió là hình ảnh lý tưởng trong văn hóa Hà Lan. Vui chơi ngoài trời được xem là liều thuốc giải độc cho những đứa trẻ ù lỳ, ngồi cả ngày xem TV hoặc thiết bị điện tử.
Bữa sáng cùng gia đình
85% trẻ em Hà Lan ở độ tuổi 11, 13 và 15 được hỏi trong khảo sát của UNICEF năm 2013 xác nhận chúng ăn sáng hàng ngày. Món ăn phổ biến là "hagelslag", bánh mì rắc chocolate.
Hiếm đất nước nào mà gia đình ngồi ăn sáng cùng nhau thường xuyên như Hà Lan. Trong gia đình Mỹ và Anh, bữa sáng thường bị bỏ qua, ai nấy vội vàng để ra khỏi nhà đúng giờ. Tuy nhiên, người Hà Lan hiểu tầm quan trọng của bữa sáng. Khi ăn sáng đầy đủ, họ giảm nguy cơ ăn vặt các thực phẩm không lành mạnh trong ngày, giảm nguy cơ béo phì và tăng khả năng tập trung của trẻ ở trường. Việc ở bên nhau trong khoảng thời gian đầu ngày cũng giúp các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.
Trẻ Hà Lan thường ngồi cùng cả nhà và ăn "hagelslag" vào bữa sáng. Ảnh: Alamy
|
Thanh thiếu niên không nổi loạn
Hà Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất thế giới. Những đứa trẻ được chuẩn bị kỹ, có khả năng đối phó với những thử thách trong cuộc sống trưởng thành.
Thêm vào đó, việc thanh thiếu niên tụ tập chè chén say sưa không phải mối bận tâm của phụ huynh Hà Lan. Theo một nghiên cứu của OECD, Hà Lan nằm ở cuối trong danh sách 26 quốc gia được khảo sát về vấn đề này, cùng với Mỹ (do luật quy định chặt chẽ về độ tuổi được uống rượu), Italy và Iceland. Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em có quan hệ tốt với cha mẹ uống ít hơn nhóm còn lại.
Với cách tiếp cận tự do của chính phủ, cần sa được mua bán thoải mái trong các “cửa hàng cà phê”. Người dưới 18 tuổi không được lui tới đó. Không cửa hàng nào được phép mở trong phạm vi 250m của một trường học.
Tuy nhiên, số liệu chính thức từ năm 2011 cho thấy khoảng 19% nam sinh và 14% nữ sinh cấp hai đã thử cần sa. Chồng của Michele, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Lan tin rằng việc trẻ có thể thử cần sa khá dễ dàng khiến chúng khó sa ngã, không khao khát sử dụng chất kích thích này như một thói quen.
Cuộc sống đơn giản
Các gia đình Hà Lan có xu hướng lựa chọn hoạt động chi phí thấp, dễ tiếp cận. Mỗi năm, nhân Ngày Nhà vua Hà Lan vào tháng 4, công viên Vondelpark ở Amsterdam biến thành khu chợ trẻ em rộng lớn ngoài trời. Hình thức này được nhân rộng ở các ngôi làng và thị trấn trên khắp đất nước.
Nhiều trẻ em Anh và Mỹ được nuôi dưỡng bởi những lợi ích của nền kinh tế tiêu dùng đang bùng nổ, có nhu cầu dùng đồ chơi đời mới và quần áo sành điệu nhất. Trong khi đó, trẻ em Hà Lan đang vui đùa ngoài trời với đồ chơi và giày trượt băng cũ. Về điểm này, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Trong những dịp sinh nhật hay lễ kỷ niệm, người Hà Lan tập trung vào việc quây quần bên nhau. Họ không cố gắng tìm trang phục hào nhoáng hay mua những món quà đắt tiền. Thậm chí, họ ngầm quy ước món quà dành cho con của bạn bè không nên vượt quá 10 euro. Người Hà Lan chọn thời gian, chứ không phải tiền bạc. Họ xét tính thực tế của món quà hơn giá tiền của chúng.
Những bài học hàng ngày trong thời thơ ấu khiến trẻ trẻ Hà Lan phát triển thành những người thực tế, tự tin, không bị khống chế bởi những lo lắng về địa vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét