>>Khang Nguyễn
Nếu không tính các đảo lớn ở gần cực Bắc, diện tích Na Uy nhỏ hơn Việt Nam một chút, nhưng chiều dài Bắc Nam lại trải suốt 13 vĩ tuyến - từ 58 độ Bắc đến 71 độ Bắc, với bề ngang chỗ hẹp nhất chỉ vỏn vẹn có... 2 km! Không phải vô cớ mà người ta gọi Na Uy là đất nước có chiều dài kỷ lục ở châu Âu. Cũng không phải vô cớ mà nước này lại mang danh là một trong những quốc gia có bờ biển quanh co nhất thế giới, với khoảng 1190 cái "fjord" - vịnh hẹp.
Xin dài dòng một chút về cái gọi là vịnh hẹp, một trong các yếu tố quan trọng - mà có lẽ là quan trọng nhất - tạo nên địa hình địa mạo Na Uy. Như mọi vịnh biển khác, vịnh hẹp cũng là một dạng biển ăn sâu vào đất liền, tuy nhiên điều khác thường là trong vịnh hẹp có nhiều chữ "rất": biển ăn rất sâu, hai bên được khép lại bằng những bức tường thành núi đá rất dựng, và rất tương phản với chiều rộng rất "hẹp" của vịnh. Bởi bờ biển Na Uy có phương từ Nam lên Bắc với Đại Tây Dương ôm lấy mé Tây, nên những vịnh hẹp ở Na Uy thường chạy theo hướng Tây sang Đông, ăn sâu khoảng vài, cho đến vài mươi cây số vào đất liền, có vài vịnh cá biệt lên đến hơn trăm cây số, và không thể không nhắc đến Sognefjord, mệnh danh là Vua-vịnh-hẹp với độ dài đến 205 km sâu vào đất liền.
Một đoạn vịnh hẹp
Chính vì len lách trong vùng địa mạo chằng chịt núi non và vịnh hẹp này, mà đường sá ở Na Uy hầu như chẳng có mấy đoạn thẳng. Nhớ lại câu khôi hài của một bạn khác trong nhóm:
"Đâu mình thử đếm coi cái đoạn đường thẳng dài nhất kéo dài được mấy giây nha!"
Thử tới thử lui, và chúng tôi đếm được đoạn dài nhất "tồn tại" được sáu giây.
Một cung đường uốn lượn qua rừng cây, làng mạc
Suốt nhiều ngày trên xe, đi và nghiệm, thì chúng tôi thấy biết ơn dân xứ này đã không xây dựng cầu đường theo phong cách "chinh phục thiên nhiên". Thay vì "san rừng, bạt núi" để mở những tuyến đường thẳng tít mù tắp, thì những con đường của họ cứ vòng vèo, có đoạn thì leo qua chân núi, chỗ thì lượn viền theo mép vịnh biển, nhẫn nại và chăm chỉ y như đường may của một cô thợ lành nghề. Từ trên chiếc xe đang "chao liệng", bạn có thể chiêm ngưỡng một rặng núi răng cưa bạc đầu từ nhiều góc độ, hay giật mình thích thú với khoảng trời nước của một cái vịnh hẹp thình lình hiện ra sau một khúc quanh, và chốc chốc lại ngạc nhiên sững sờ trước vẻ đẹp của một xóm nhà nằm yên bình sát bờ nước trong những vịnh hẹp kia. Quanh co tiếp quanh co, 18 tuyến đường Danh thắng Quốc gia - National Scenic Route - dẫn dụ du khách đi sâu vào từng miền đất xinh đẹp của đất nước này.
Dù sao thì cũng có lúc phải vượt qua những vịnh hẹp để rút ngắn hành trình. Ngược về tận nguồn gốc của hệ ngôn ngữ Ấn - Âu, từ "fjord" lại có chung nguồn gốc với động từ "fare" - đi xa, hoặc "ferry" - phà. Vâng, các bến phà luôn chờ sẵn ở những nút giao thông quan trọng, cung cấp cho các bác tài Na Uy lựa chọn để vượt nhanh qua các vịnh hẹp mà không cần phải đi vòng. Những chuyến phà to lừng lững, vững chãi đủ để ôm vào lòng rất nhiều xe hơi, xe tải, để rồi vượt biển, nhanh thì vài mươi phút, biển rộng thì phà đi đến vài giờ đồng hồ. Trên phà luôn có căn-tin rất rộng và ấm áp cho hành khách nghỉ ngơi, nhấm nháp một tách ca cao nóng, hoặc một bữa ăn nhẹ trong khi chờ đợi. Vài tuyến phà đi xa còn có cả ghế nằm ngủ. Sạch sẽ, tiện nghi và lịch sự, căn-tin trên phà luôn là nơi nở rộ những mẩu chuyện phiếm giúp cho đường xa hóa gần.
Vượt vịnh hẹp bằng phà, vượt núi non thì đã có hầm. Ngoài việc phải điều tiết mắt do chênh lệch ánh sáng giữa bên trong và ngoài, thì việc lái xe trong hầm cơ bản là an toàn. Khi đã quen đường, các bác tài của chúng tôi thậm chí có thể giữ nguyên tốc độ khi vào hầm. Hệ thống hầm đường bộ, đường sắt Na Uy lên đến hơn 900 cái. Những đường hầm thông thường kéo dài từ một đến ba cây số, cá biệt có hầm Lærdal dài đến... 24,5 cây số, đây cũng là hầm giữ danh hiệu dài nhất thế giới.
Cung đường lừng danh của Na Uy Atlantic Ocean
Nói về giao thông đường bộ của Na Uy, không thể không nhớ đến công trình tuyệt đỉnh mang tên Atlantic Ocean Road - tạm dịch: Cung đường Đại Tây Dương. Ngoài vị trí là một trong 18 tuyến đường Danh thắng Quốc gia, Cung đường Đại Tây Dương còn giữ danh hiệu Công trình xây dựng thế kỷ của Na Uy. Không có nhiều nơi đem bạn đến gần để trở thành một phần của đại dương như cung đường này. Dài tám cây số, con lộ - thực ra là tập hợp của tám chiếc cầu và những đoạn đường nối liền chúng - đưa bạn lượn cong chơi vơi lần lượt lên rồi lại xuống, nhảy cóc qua rất nhiều đảo nhỏ - mà không, phải gọi là nhiều mỏm đá mới đúng - rải rác xa bờ cùng sóng và gió biển ầm ào bủa vây. Tâm điểm của cung đường là cầu Storseisundet, nổi tiếng với kết cấu dầm công-xôn - kiểu dầm vươn ra xa mà không có gì đỡ bên dưới - và nét cong duyên dáng lượn vòng để đạt độ cao 23 mét trên mực nước biển, cho tàu thuyền lưu thông dễ dàng bên dưới. Được xây dựng xuất phát từ nhu cầu giao thương nghề cá, thế nhưng từ khi hoạt động năm 1989 đến nay, Cung đường Đại Tây Dương đã trở thành một trong top 10 điểm du lịch hàng đầu Na Uy.
Chu du Na Uy bằng đường bộ trên xe tự lái không phải là kiểu du lịch dành cho số đông, vì nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỹ năng tự hoạch định chuyến đi, đồng thời là tính thích phiêu lưu, sẵn sàng ứng biến với những tình huống lớn nhỏ trên đường. Thế nhưng dấn thân vào rồi mới thấy, tuy chọn cách khó, nhưng chúng tôi đã tự mở cho mình rất nhiều cơ hội để tận hưởng tối đa, để chiêm ngưỡng cận cảnh những gì chúng tôi đến Na Uy để tìm kiếm: con người lịch thiệp, cuộc sống bình yên, thiên nhiên mỹ mãn, môi trường tinh khiết. Và cuối cùng thì giàu sang và hạnh phúc không phải là điều làm cho tôi phải trầm trồ, mà chính là cái cách mà người Na Uy tôn trọng miền đất tổ tiên, tôn trọng thiên nhiên.
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Khang Nguyễn
Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét