(HNMO) - Trên thế giới có những bảo tàng trở thành hiện tượng văn hóa, báu vật quốc gia mà màu thời gian càng làm tôn thêm giá trị của chúng. Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Tretyakov (Moscow) là một trong số đó.
Kho báu nghệ thuật hội họa của nước Nga
Kho báu nghệ thuật hội họa của nước Nga
Bảo tàng nghệ thuật Tretyakov nằm ở trung tâm Moscow |
Nằm ở trung tâm Moscow, gần Điện Kremlin, toàn bộ tổ hợp Bảo tàng nghệ thuật Tretyakov nằm trong nhóm các tụ điểm được gọi là “Vòng vàng Moscow” - bao gồm các địa danh lịch sử và văn hóa nổi tiếng của thành phố. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về ngõ phố cổ yên tĩnh Lavrushinsky để được chiêm ngưỡng kho báu nghệ thuật vô giá này.
Các tác phẩm nổi tiếng của hội họa Nga được trưng bày ở Bảo tàng Tretyakov |
Danh tiếng của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Tretyakov nổi tiếng khắp toàn cầu. Được coi là "hòn ngọc" của Moscow, là niềm tự hào của nền hội họa Nga và xếp thứ 2 trong số 15 viện bảo tàng đẹp nhất và cũng thuộc lại lớn nhất thế giới, Bảo tàng Tretyakov đang sở hữu hơn 170 ngàn tác phẩm nghệ thuật Nga từ thế kỷ XI đến XXI, rất phong phú và đa dạng. Mỗi bức tranh, mỗi bức tượng ở đây đều thật sống động.
Một phòng tranh ở Bảo tàng Tretyakov |
Bà Ekaterina Seleznhyova, phụ trách công tác bảo tồn của Tretyakov tự hào chia sẻ: "Nửa số khách thăm của chúng tôi là người nước ngoài, và tên gọi Bảo tàng Tretyakov đối với họ đồng nghĩa với “tất cả những gì giá trị nhất của nền nghệ thuật Nga”. Bộ sưu tập của chúng tôi phong phú và đa dạng nên mỗi khách tham quan đều có thể tìm thấy sự lựa chọn thú vị cho mình".
Quả thật, những bức tranh trưng bày ở Tretyakov mang giá trị lớn không chỉ về mặt thẩm mỹ. Các danh họa Nga đã khắc họa cảnh chiến trận, cảnh sinh hoạt, những đề tài cuộc sống, tôn giáo… bằng tất cả sự rung động về màu sắc và đường nét, qua đó phản ánh toàn bộ lịch sử đất nước và tính cách dân tộc Nga: Vĩ đại, bao dung, nhân ái.
Bức chân dung Anton Chekhov (1898) do họa sĩ Iosif Braz vẽ vào thời gian cuối đời của nhà văn được trưng bày trong Bảo tàng Tretyakov |
Khách tham quan tìm thấy ở Tretyakov một tập hợp những tranh chân dung các nhân vật xuất chúng Nga như: Pyotr Đại đế, Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị, đại thi hào Pushkin, các nhà văn lớn Lev Tolstoy, Dostoievski, Gogol, Lermontov, nhà soạn nhạc Tchaikovsky... Các tác phẩm nghệ thuật nổi bật ở đây là bức sơn dầu Người đàn bà không quen biết (1883) của họa sĩ Ivan Kramskoi; Sự yên tĩnh vĩnh hằng (1894), Mùa thu vàng (1895) của họa sĩ Issac Levitan...
Trái tim lớn của ông chủ dệt
Bức tượng Pavel Tretyakov đón du khách ngay bên lối vào bảo tàng |
Tháng 12 này, người Nga kỷ niệm 120 năm ngày mất của Pavel Tretyakov (1898 - 2018) - người sáng lập và là chủ sở hữu đầu tiên của Bảo tàng Tretyakov. Trên phố Lavrushinsky, bức tượng ông đón du khách ngay bên lối vào. Trong di chúc, Tretyakov đã viết về nguyện vọng hàng đầu của mình: “Hiến tặng cho tất cả một kho tàng mỹ thuật hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích, niềm vui cho mọi người”...
Chân dung Pavel Tretyakov |
Sinh năm 1832, khi mới 24 tuổi, chàng thương gia kiêm chủ xưởng dệt Pavel Tretyakov bắt đầu sưu tầm những bức tranh đầu tiên. Tretyakov thu thập kiệt tác không chỉ cho bản thân, mà ông dự định lập một bộ sưu tập nghệ thuật quốc gia mở đón công chúng vào xem. Ban đầu, bộ sưu tập được trưng bày trong ngôi biệt thự gia đình, nhưng đến khi số lượng tranh tăng đáng kể, Tretyakov xây dựng bảo tàng tại nhà số 10 ngõ Lavrushinsky vào năm 1874, bắt đầu mở cửa miễn phí cho công chúng vào năm 1881.
Pavel Tretyakov là nhà sưu tập "bẩm sinh". Những người sống cùng thời vô cùng ngạc nhiên trước trí thông minh trời phú cũng như khiếu thẩm mỹ tinh tế của ông. Ông mua những bức tranh mà ông thích, bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích, chê bai. Ông chọn tranh đôi khi không chỉ vì phù hợp với quan điểm cá nhân mà vì ông thấy tác phẩm đáp ứng tinh thần thời đại. Bộ sưu tập không chỉ đáp ứng thị hiếu và sở thích cá nhân ông mà còn phản ánh khách quan sự phát triển của nền hội họa Nga.
Bức sơn dầu “Người đàn bà không quen biết” (The Unknown Lady) của danh họa Kramskoi được trưng bày tại Bảo tàng Tretyakov |
Họa sĩ Ivan Kramskoi đã mệnh danh ông là “thần nhạy cảm về hội họa". Khiếu thẩm mỹ, sự nghiêm túc trong việc chọn lựa cũng như tính hào hiệp của Tretyakov đã mang lại cho ông uy tín trong giới họa sĩ. Ông được họ dành cho sự ưu ái mà không một nhà sưu tập nào có được, đó là quyền được xem sớm nhất các tác phẩm mới hoàn thành ngay tại xưởng vẽ hay tại các cuộc triển lãm trước khi công chúng được chiêm ngưỡng. Mỗi cuộc viếng thăm của Tretyakov tới xưởng vẽ của các họa sĩ là một sự kiện gây chú ý. Các họa sĩ, dù là lão làng hay mới bắt đầu sự nghiệp, đều hồi hộp chờ đợi câu nói nhỏ nhẹ của nhà sưu tập: “Tôi đề nghị hãy coi bức tranh của ngài là của tôi”...
Năm 1892, Pavel Tretyakov đã trao tặng bảo tàng cùng toàn bộ bộ sưu tập độc đáo gần 2.000 bức tranh, bản vẽ và tác phẩm điêu khắc mà ông đã dày công sưu tầm trong suốt cuộc đời mình cho thành phố Moscow. Ông được mời làm giám đốc suốt đời của bảo tàng và được tặng danh hiệu “Công dân danh dự của thành phố”.
“Sự yên tĩnh vĩnh hằng” (1894) với những dự cảm đầu tiên về sự sống và cái chết, những cảm thương cho sự mong manh và phù du của kiếp người của danh họa Issac Levitan là bức tranh cuối cùng trong bộ sưu tập của Pavel Tretyakov |
Ngoài việc dành phần lớn tài sản của mình cho sưu tập nghệ thuật và mở rộng bảo tàng, Pavel Tretyakov còn tích cực hoạt động từ thiện, lập quỹ tài trợ cho các họa sĩ, xây trường cho học sinh câm điếc... Sa hoàng Alexandre Đệ tam phong tặng tước quý tộc cho Tretyakov nhưng ông từ chối. Ngay cả khi đã chuyển giao bảo tàng cho Moscow, hằng năm Pavel Tretyakov vẫn tiếp tục mua tranh để bổ sung cho sưu tập của bảo tàng. Năm 1898, dù lâm bệnh nặng, Tretyakov vẫn lặn lội từ Moscow đến Saint Petersburg xem triển lãm và mua bức tranh "Sự yên tĩnh vĩnh hằng" của danh họa Issac Levitan - bức tranh cuối cùng trong bộ sưu tập của ông. Đầu tháng 12-1898, trước khi mất, ông chỉ kịp nhắn nhủ người thân: “Hãy giữ lấy bảo tàng”.
Chung tay đóng góp
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, nhà nước Xô viết đánh giá cao tầm quan trọng của Bảo tàng Tretyakov và luôn tôn trọng ý tưởng ban đầu của nhà sáng lập. Bộ sưu tập tranh - chỉ gồm những tác phẩm của các họa sĩ Nga có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà như ý tưởng ban đầu của Pavel Tretyakov - nhanh chóng được bảo tồn và bổ sung bằng kinh phí của nhà nước.
Phòng tranh của danh họa Issac Levitan tại Bảo tàngTretyakov |
Công tác trưng bày và triển lãm đòi hỏi thêm không gian và những tòa nhà mới đã được xây kế tiếp trên ngõ Lavrushinsky. Năm 1932, nhà thờ Thánh Nikolai ở Tolmachi - một di tích kiến trúc thế kỷ XVI trở thành một phần của bảo tàng. Suốt 9 năm, từ 1986 đến 1995, một cuộc trùng tu quy mô diễn ra trong tòa nhà cũ và bảo tàng, hoàn thành vào năm 1998 - đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Tretyakov.
Một góc của bảo tàng |
Sau khi nâng cấp và mở rộng, vấn đề chiếu sáng (có sự hòa quyện giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo) cùng hệ thống điều hòa nhiệt độ ở Tretyakov đạt chuẩn bảo tàng quốc tế. Hằng ngày, có rất nhiều người Nga và du khách đến đây để tưởng nhớ Tretyakov và ôn lại lịch sử đất nước Nga qua những kiệt tác hội họa vô giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét