CHUỒN CHUỒN GIÓ, THEO HELINO
Một số chuyên gia ẩm thực so sánh natto của Nhật khá giống với đậu hũ thối khi cả hai món đều kén người ăn, hương vị có phần khá khó chịu. Thậm chí natto còn có kết cấu nhơn nhớt kéo sợi dài mỗi khi gắp. Tuy nhiên, nếu ai đã thích thì đây đúng là món ăn tuyệt hảo.
Nhắc đến văn hóa ẩm thực của đất nước mặt trời mọc, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sushi với những cuộn cơm ngâm giấm được nắm chặt, đặt ngay ngắn bên dưới miếng sashimi béo ngậy, tan chảy ngay đầu lưỡi, thấm đẫm vị đại dương hay một tô mì ramen nóng hổi nghi ngút khói trong các xe mì bên đường với nước dùng sệt mặn vị thịt bằm.
Nhưng còn một món ăn khác được coi là hạt ngọc ẩn giấu của nền văn hóa ẩm thực Phù Tang. Hạt ngọc ẩn giấu ấy nho nhỏ và mang hình hài của những hạt đậu tương bé xíu xiu - natto.
Natto là một món ăn truyền thống của người Nhật làm từ đậu nành lên men và thường được dùng trong buổi ăn sáng với mùi vị và vẻ ngoài đặc trưng. Một số chuyên gia ẩm thực so sánh Natto của Nhật với đậu hũ thối của Hong Kong khi cả hai món đều khá kén người ăn do hương vị có phần khá khó chịu và ngoại hình nhơn nhớt kéo sợi dài mỗi khi gắp.
Tuy nhiên, ai một khi đã thích lại dễ cảm thấy sức quyến rũ kỳ lạ của món ăn đến nỗi khó lòng từ chối khi nhìn thấy nó được bày xếp ngay ngắn trên đĩa. Khi mới ngửi, natto có mùi hơi ngai ngái do làm từ đậu nành lên men cùng các túm rơm. Đưa vào miệng nếm, natto để lại một vị nhẫn nhẫn bên ngoài và mằn mặn ở trong khi hạt đậu tương vỡ đôi. Tất cả hoà quyện thành một khúc ca hài hòa trên đầu lưỡi khiến người ta cứ muốn ăn mãi không thôi.
Để có được món ăn đặc sắc đó, người ta chọn những hạt đậu tương nhỏ, ngâm nước cho mềm rồi đem luộc chín. Đậu tương sau khi xử lý được gói vào các túm rơm rồi lên men ở nhiệt độ 40 độ C.
Nguồn gốc của natto đến nay vẫn còn là một cuộc tranh cãi không hồi kết. Có người bảo rằng nguồn gốc của món ăn được bắt nguồn từ những ngôi chùa ở vùng quê nghèo Nhật Bản. ở đó, các vị sư lên men đậu tương và cúng Phật. Do từ "nassho" (nộp vào chùa) gần nghĩa nên món ăn được có tên natto.
Hay có một giả thuyết khác cho rằng món ăn này được sinh ra một cách vô tình giữa cuộc chạy giặc vào đầu thế kỷ 19. Khi quân giặc đột ngột kéo đến, các binh sĩ đang nấu ăn vội vã bỏ đậu tương đang nấu dở vào túi rơm và để đó suốt mấy ngày liền. Đến khi mở ra, đậu nành đã lên men và có hương vị kỳ lạ ngất ngây. Đó chỉ là hai trong số hằng hà sa số những truyền thuyết về sự khai sinh của natto.
Natto thường được ăn với cơm và hành ngò, wasabi, củ cải trắng xay thành bột, trứng và nước tương shoyu vào bữa sáng. Tuy nhiên, có nhiều gia đình thường trộn thẳng natto với tương shoyu nhằm giúp mùi đậu nành lên men ngậy và ngon hơn.
Ngoài ra, ở miền Bắc nước Nhật, natto còn được trộn với đường. Không chỉ ăn với cơm, natto còn được chế biến và kết hợp với nhiều món khác nhau như natto sushi, natto nướng, ăn cùng với súp miso, salad hoặc bánh xèo Nhật okonomiyaki.
Nghe phong phú là thế nhưng thực chất, có gần 40% người Nhật rất ghét natto vì độ nhớt và mùi nặng đặc trưng. Tỷ dụ như ở những nơi phía Tây như Osaka, Kobe. Và hiển nhiên, một khi ai đã thích lại vô cùng mê mẩn món này. Đa phần cư dân ở miền Đông như Tokyo hay miền Bắc Hokkaido vô cùng ưa chuộng đặc sản này.
Ngoài việc đơn thuần là một món ăn truyền thống của người Nhật, natto còn mang giá trị dinh dưỡng cao được công nhận bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Pyrazine (một hợp chất ngăn chặn xơ vữa động mạch) và nattoukinase (một loại men được sinh ra trong natto có tác dụng ngăn gừa tụ huyết, đau tim, tắc mạch) thường được nhắc đến mỗi khi phân tích về natto.
Ngoài ra, trong lịch sử Thế chiến thứ II, natto được quân đội Nhật sử dụng như thuốc trị kháng sinh, kiết lỵ. Hiện tại, natto đang được các dược sĩ nghiên cứu để chiết xuất các thành phần cho thuốc chống lão hoá và béo phì.
Hiện nay ở Việt Nam đã có loại natto làm sẵn bán trong các siêu thị đồ ăn Nhật Bản, giá của nó vào khoảng 70.000 đồng/3 hộp nhỏ là tiêu chuẩn cho 3 người ăn. Bạn có thể sử dụng sản phẩm này làm men khi tự làm natto cho gia đình mình.
Nếu so sánh với giá đậu nành và rơm khô ở nước ta (những thứ này vốn là nguồn cung cấp khuẩn natto tự nhiên) thì giá này là quá đắt. Nhưng bạn vẫn nên mua natto về ăn thử và chỉ nên bắt tay vào tự làm nó khi đã quyết định là bạn có thể ăn nó lâu dài.
(Nguồn: Tsunagu Japan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét