Lễ Tạ ơn thể hiện lòng biết ơn cho sự hào phóng của thiên nhiên vì những vụ mùa bội thu. Vì thế, bữa ăn ngày này được xem là bữa tối thịnh soạn nhất trong năm của người phương Tây.
Gà tây nướng: Một con gà tây mới nướng với lớp da nâu thẫm, căng bóng là biểu tượng của bàn tiệc ngày lễ Tạ ơn. Vào dịp này, những con gà tây ngon nhất được mua về, sau đó người ta nhồi đầy bên trong bụng những nguyên liệu như vụn bánh mì, hành, thảo mộc, các loại hạt và nướng nguyên con trong lò. Gà được nướng kèm với các loại rau củ, bơ và lá xô thơm để làm tăng hương vị. Ảnh: Jennifer Causey.
Khoai: Dù là nướng hay nghiền, khoai tây hay khoai lang thì món khoai vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong bữa ăn ngày lễ Tạ ơn. Sau món gà đầy chất đạm, khoai là loại lương thực bổ sung tinh bột tuyệt vời, cân bằng bữa ăn. Ảnh: J. Kenji López-Alt.
Sốt nam việt quất: Sốt quả nam việt quất (cranberry) hay mứt nam việt quất là loại sốt thường được dùng kèm với món gà tây vào lễ Tạ ơn. Quả nam việt quất được đun nhừ với đường cho đến khi đặc quánh lại, tạo thành một loại sốt có vị chua để cân bằng với vị béo của gà tây và món khoai tây nghiền. Ảnh: Jessica Gavin.
Nước sốt thịt: Món gà tây sẽ không hoàn thiện nếu người nấu để phí mất phần nước thịt và mỡ được chiết ra trong lúc thịt đang nướng trong lò. Nước sốt thịt thu được sau khi gà nướng đã ngấm gia vị và hương thơm của các loại rau củ và thảo mộc, sau đó được nấu với bột mì hoặc bột ngô để làm đặc. Vị ngọt và đậm đà của loại sốt này là linh hồn của món gà tây, giúp món thịt không bị nhạt và ngán. Ảnh: Taste of Home.
Nhân nhồi gà: Hỗn hợp vụn bánh mì, thảo mộc và hạt đã nhồi và nướng cùng món gà tây sau đó được lấy ra để làm món phụ ăn kèm. Món ăn này có mùi vị rất hấp dẫn, bởi mọi thành phần trong đó đã thấm mỡ và nước thịt từ món gà. Ảnh: Craig Lee.
Đậu que hầm: Đậu que hầm được tạo ra bởi công ty súp Campbell (Mỹ) vào năm 1955. Thành phần món này bao gồm đậu xanh, sốt kem nấm và hành tây chiên. Món ăn sau đó được đón nhận nồng nhiệt và dần trở thành một phần của bữa ăn vào lễ Tạ ơn truyền thống nước Mỹ. Ảnh: Tessemae.
Bánh mì ngô: Bánh mì được dùng phổ biến trong các bữa ăn của người Mỹ, vì thế vào dịp lễ Tạ ơn cũng không thể thiếu món ăn cơ bản này trên bàn tiệc. Bánh mì ngô đơn giản là một loại bánh mì với thành phần chính là bột ngô thay vì bột mì. Ảnh: Joshua Bousel.
Bánh bí ngô: Cuối năm là thời điểm bí ngô chín và vào vụ thu hoạch. Người phương Tây sử dụng bí ngô phổ biến trong bữa ăn hàng ngày và cả ngày lễ Tạ Ơn. Món bánh bí ngô có phần đế chủ yếu làm từ bột, bơ và sữa, được nướng xốp giòn. Phần nhân bí đỏ đặc mịn, được trộn chung với kem sữa và gia vị. Khi phục vụ, mỗi lát bánh thường kèm chút kem tươi được đánh bông và rắc thêm bột quế. Ảnh: Little Passports.
Đồ uống: Lễ Tạ ơn cũng có những loại thức uống đặc trưng như những dịp lễ lớn khác. Tùy vào từng gia đình mà bữa tiệc của họ sẽ có những loại đồ uống truyền thống khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là rượu táo. Rượu táo thực chất là nước táo ép không cồn và rất dễ làm. Táo được đem đi ép để lấy nước, sau đó đun sôi, lọc bã và để lạnh. Ảnh: E. Jason Wambsgans.
Lễ Tạ ơn hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia. Có ý nghĩa lúc đầu là mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã cho sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức, cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada.
Tại Mỹ, lễ Tạ ơn được tổ chức vào ngày thứ năm trong tuần cuối cùng của tháng 11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét