Lần đầu tiên trong đời tôi thấy nguyên vẹn hình hài một cab-shelter là ở quảng trường Russell. Ngay vào giờ đóng cửa nên bề ngoài chỉ thấy đó là ngôi nhà nhỏ xinh, sơn xanh mà sau này tìm hiểu tôi mới biết màu sơn ấy có tên gọi khá quý tộc: “Dulux Buckingham Paradise 1 Green”. Thoạt nhìn qua ngôi nhà nằm chình ình như chắn lối ngay quảng trường Russell, hẳn không chỉ tôi mà bao lữ khách khác dễ nghĩ đấy chỉ là một cửa tiệm bán đồ lưu niệm, hay một hiệu sách nhỏ ế ẩm, tiêu cực hơn thì đấy là một điểm... tập trung rác (bởi màu xanh khá giống màu thùng rác ở xứ ta).
Thật bất ngờ khi Elisa - cô bạn sinh viên báo chí Đại học Westminster - giới thiệu đấy là quán cà phê cho người lái taxi ở London.
Xếp hàng chờ lượt phục vụ ở cà phê cab-shelter trên đường Pont Street
Từ một đêm mưa gió
Câu chuyện quán cà phê tí xíu ở quảng trường Russell khiến tôi tò mò, bởi lẽ trước một rừng công trình kiến trúc vĩ đại của London, ngôi nhà quá giản đơn với thiết kế, ngay cả chất liệu hình thành, chi tiết trang trí chẳng có gì đặc biệt, nhưng được công nhận là di sản cần được bảo tồn và quan tâm đặc biệt, hẳn phải có dụng ý.
Chuyện bắt đầu vào một đêm tối trời băng tuyết tháng 1.1874, nhà báo nổi tiếng của tờ Globe khi ấy là George Armstrong cần gọi chiếc xe ngựa về nhà - Hansom cab, giao thông công cộng phổ biến và đặc trưng của London khi ấy.
Hansom cab và nài ngựa ở London, chiều dài của một cab-shelter không được vượt quá Hansom cab
Tên gọi “Hansom cab” là do phương tiện này được kiến trúc sư đến từ York - Joseph Hansom thiết kế và được cấp bằng sáng chế từ 1834. Chiếc Hansom cab gồm một ngựa kéo theo thùng xe bốn bánh, có mái che, hành khách ngồi trong thùng xe còn nài ngựa ngồi ngoài, ngay sau đuôi ngựa để điều khiển. Gặp thời tiết xấu, các nài ngựa thường tìm chỗ ẩn trú, và không đâu lý tưởng hơn là quán rượu. Xui cho George Armstrong khi cần xe vào đúng thời điểm nghiệt ngã của thời tiết, giới nài ngựa mải bia rượu, nên chẳng tìm ra được Hansome cab về nhà.
Nhờ được xếp vào di sản kiến trúc nhóm II, đời sau và nhiều đời sau nữa các thế hệ ở Anh quốc và thế giới vẫn được tiếp tục nghe chuyện kể về những nài ngựa, những tài xế taxi từ ngôi nhà trú ẩn giữa phố của họ. Qua đó mới thấy, giá trị của di sản, của bảo tồn, không cứ phải là những gì quá to tát, cao siêu, hào nhoáng.
Sau đêm định mệnh ấy, Armstrong ấm ức bày tỏ cùng chiến hữu là bá tước thứ bảy của xứ Shaftesbury, nêu ra ý tưởng thành lập quỹ từ thiện, lập nên nơi ẩn trú, cung cấp đồ ăn ấm nóng, thức uống không cồn với giá ưu đãi cho các nài ngựa khắp London khi gặp thời tiết xấu hoặc đơn thuần là trạm dừng chân nghỉ trong giờ lao động.
Mối lợi khi thiết lập các nơi ẩn trú này cũng nhằm lôi đám nài ngựa khỏi quán rượu bù khú, nhờ vậy nhu cầu kiếm một chiếc Hansom cab của mọi người dễ được đáp ứng hơn. Quỹ từ thiện có tên Cabmen’s Shelter Fund ra đời, trụ sở ở 19 đường Buckingham.
Chỉ một năm sau, ngày 6.3.1875 nơi trú ẩn cho nài ngựa (cab-shelter) đầu tiên hình thành trên đại lộ Acacia, gần nhà George Armstrong. Số lượng cab-shelter quanh London cứ thế tăng dần, đến 1914 đã là 61 điểm, với kinh phí xây dựng mỗi điểm chỉ 200 bảng Anh. Khi phương tiện giao thông công cộng ở London phát triển, Hansom cab dần được thay thế bằng xe taxi màu đen (black cab), còn gọi là London taxi.
Lịch sử ghi nhận có 25 chiếc black cab năm 1897, hơn 50 chiếc 1898, và hoàn toàn thay thế Hansom cab từ 1947.
Không gian chật hẹp ở cab-shelter được sắp xếp rất khoa học để tiện phục vụ khách
Di sản của London
Ra đời vào thời kỳ Victoria (1837 - 1901), cab-shelter thường có vị trí đắc địa nhất trên những con đường nhộn nhịp quanh London, thế nên việc thiết kế được tuân thủ nghiêm ngặt để vừa dễ nhận dạng, lại không gây cản trở lưu thông. Những quy định bắt buộc cho một cab-shelter gồm: tất cả hoàn toàn giống nhau về kích cỡ, độ cao, phong cách trang trí, màu sơn, ống khói - lỗ thông hơi.
Quan trọng hơn là không được dài quá một chiếc Hansom cab. Từ độ dài quy định ấy, tính là bảy thì chiều rộng một cab-shelter sẽ là ba. Bộ khung, vách, mái được làm hoàn toàn bằng gỗ, sơn màu xanh duy nhất là Dulux Buckingham Paradise 1 Green. Một cab-shelter có thể chứa tối đa 10 - 13 người.
Bản thiết kế một cab-shelter vào 5.4.1878
Quỹ Cabmen’s Shelter Fund cũng có những quy định về tài trợ và hoạt động khi nghỉ chân ở cab-shelter, nghiêm cấm tuyệt đối thức uống có cồn, cờ bạc, chửi thề và bàn chuyện chính trị. Quỹ cũng tìm nguồn sách báo cung cấp miễn phí để nài ngựa, tài xế taxi cập nhật thông tin trong lúc nghỉ chân.
Từ số lượng 61 cab-shelter đầu thế kỷ XX, qua giai đoạn thế chiến, hầu hết các cab-shelter bị phá hủy, đến nay toàn London chỉ còn lại 13 điểm, vẫn được hỗ trợ bởi quỹ Cabmen’s Shelter Fund và lối phục vụ như ngày xưa, chỉ có điều khách hàng là đủ mọi giai tầng trong xã hội.
Kể từ ngày phát hiện ra cab-shelter, cứ mỗi lần nhìn thấy một trong 13 điểm còn sót lại, kiểu gì tôi cũng phải đến mua một phần bánh và thức uống mang đi, để có thêm cái cớ tận hưởng một di sản của London đã 143 năm tuổi, tất nhiên với mức giá không thể tìm được chốn quán xá khác khắp London.
Lấy ví dụ một cái bánh nhân đậu bơ, kèm ly trà nóng hoặc cà phê cỡ bự chỉ 2 bảng Anh (khoảng 60 ngàn đồng), món rẻ hơn có bánh trái cây và một ly cà phê 1,6 bảng Anh (khoảng 50 ngàn đồng), đủ cho một bữa ăn vội, ấm nóng nhưng cực rẻ so với mức sống chát chúa quanh London.
London taxi ở khu trung tâm Oxford Circus
Nhìn tòa nhà nhỏ bé của cab-shelter giữa London, thật khó hình dung nét văn hóa phục vụ tầng lớp bình dân ấy lại có khả năng tồn tại trường kỳ đến vậy. Được biết để trùng tu, tôn tạo một cab-shelter hiện hữu theo nguyên bản, mất đến 25.000 bảng Anh (khoảng 740 triệu đồng). Và mỗi ngày, trừ giờ đóng cửa, cab-shelter lúc nào cũng có người xếp hàng mua đồ mang đi, phần nhiều là lữ khách đến từ các vùng miền khác và cả dân du lịch quốc tế.
Nhờ được xếp vào di sản kiến trúc nhóm II, đời sau và nhiều đời sau nữa các thế hệ ở Anh quốc và thế giới vẫn được tiếp tục nghe chuyện kể về những nài ngựa, những tài xế taxi từ ngôi nhà trú ẩn giữa phố của họ. Qua đó mới thấy, giá trị của di sản, của bảo tồn, không cứ phải là những gì quá to tát, cao siêu, hào nhoáng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét