Nơi thiên thần cư ngụ
thegioitiepthi.vn Trong hành trình du hành đến châu Âu, đất nước nhỏ xinh, nhưng luôn để lại trong tôi ấn tượng nhiều nhất chính là Thuỵ Sĩ. Hành trình đến miền đất mộng mơ ấy giữa Trung Âu, với tôi chưa bao giờ gọi là đủ, bởi cứ mỗi điểm đến, lại là một khám phá mới đầy hấp dẫn, khác lạ.
Nếu trái đất này có một địa danh các thiên sứ chọn làm nơi cư ngụ, đấy hẳn phải là Engelberg - vùng thung lũng đẹp như cổ tích dưới chân đỉnh Titlis, chỉ cách Zurich chưa đầy hai giờ tàu chạy.
Biển hiệu duyên dáng của một khách sạn trên đường phố Engelberg
Xét về địa lý, Engelberg là một ngôi làng nhỏ, ở khu vực miền trung Thuỵ Sĩ, với khoảng 5.000 dân, nhưng mỗi năm đón ít là 1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Tính bình quân một người dân ở Engelberg hàng năm phải đón khoảng 200 khách du lịch, con số cho thấy độ hấp dẫn và quyến rũ của Engelberg đến mức nào.
Hầu hết các ngôi nhà trong làng đều dùng làm dịch vụ đón khách du lịch
Tên gọi của miền đất kỳ diệu ấy có từ 1120. Lịch sử kể lại rằng, ngày xa xưa, vùng đất ấy chưa có tên, những tu sĩ của dòng Biển Đức chọn được địa điểm dưới chân núi Hahnenberg xây nên tu viện, công việc hoàn tất vào năm 1120.
Toà nhà trắng mái nâu, có hình tháp nhọn chính là tu viện Biển Đức
Vị sáng lập tu viện là Konrad von Sellenburen khi ấy mới nghĩ đến chuyện đặt tên cho miền đất mới, trong một ngày trời đẹp, ông nhìn lên núi Hahnenberg và nghe như có tiếng hát reo mừng thượng đế vẳng trên không trung. Ông nghĩ rằng tiếng hát kỳ diệu ấy phải do một dàn đồng ca hùng tráng tạo nên, và ở chốn hoang vu thanh vắng này, chỉ có thể là những thiên thần trên trời mới tạo nên được âm thanh hoang liêu đến thế. Nghĩ vậy, ông định danh ngay cho miền đất mới là “núi các thiên thần” - Engel-Berg. Một tên gọi quá đẹp và không thể thay thế bằng một danh xưng ưu việt hơn. Kể từ đó, miền đất của các thiên thần nơi hạ giới được xác lập, ngôi làng quanh tu viện Biển Đức được cư dân quần tụ, hình thành nên cộng đồng nhỏ xinh. Cư dân nơi đây cũng đầy tự hào khi nhận mình là người của núi các thiên thần - Engelberger.
Vẻ đẹp ngoạn mục của Engelberg nhìn từ trên cao
Engelberg đón tôi trong cái nắng thu đầy quyến rũ, trời xanh trong vắt, hiện ra một ngôi làng với nhà cổ san sát, cùng núi non trùng điệp bao quanh, người thưa vắng. Tôi có cơ hội lang thang tản bộ đi quanh phố xá, đến đâu cũng gặp hình ảnh trang trí là biểu tượng thiên thần với đôi cánh cách điệu cùng bộ trang phục muôn hình muôn dạng, như một dấu chỉ xác định đây chính là miền đất của thiên thần cư ngụ.
Kiến trúc nhà gỗ truyền thống của Thuỵ Sĩ được gìn giữ nguyên vẹn ở làng cổ Engelberg
Ở Engelberg, mọi thứ thật ngăn nắp, gọn gàng, đi khắp ngôi làng nhỏ, nhìn quanh đâu cũng là góc đẹp. Đẹp từ đường phố, lùm cây, đẹp đến kiến trúc nhà ở mà từ thế kỷ 18, dân phương tây khắp chốn đã phát hiện ra và tìm đến Engelberg, tận hưởng những kỳ nghỉ xa xỉ để được hoà mình vào phong cảnh thiên nhiên và con người nơi miền đất thiên thần.
Vẻ đẹp thanh bình, chan hoà cùng thiên nhiên ở Engelberg
Mải thong dong nơi phố xá, khi đã mỏi chân, tôi ghé vào một tiệm cà phê vỉa hè, nấp dưới giàn hoa nở rực rỡ trong nắng để tận hưởng những phút giây sống chậm với Engelberg. Matter - anh bạn dẫn đường bảo: “Đang vào thu nên chưa phải mùa du lịch cao điểm, nếu bạn đến đây vào mùa đông, cả ngày lẫn đêm phố xá đều kín người, bởi quanh vùng Engelberg là thiên đường cho những người chơi trượt tuyết, trekking núi tuyết Titlis”.
Góc quán duyên nơi vỉa hè trong làng Engelberg
Hiếm một ngôi làng nào ở vùng châu Âu mang lại cho tôi nhiều cảm xúc từ ngay khi gặp mặt như Engelberg. Chẳng kiêu xa, hào nhoáng, chẳng ồn ào, náo nhiệt, cũng không quá ân cần, vồ vập, Engelberg thật đằm thắm, nhẹ nhàng. Đi quanh đường làng, gặp những cư dân bản địa, ai cũng vui vẻ gật đầu chào, nở một nụ cười đầy thân mật, rồi nhiệt tình chỉ đường đi nước bước, hướng dẫn chỗ tham quan, những góc máy đẹp. Cả chuyến lang thang suốt buổi chiều ở Engelberg, cảm giác mọi giây phút trôi qua luôn bình yên đến lạ.
Cảnh quang ruộng đồng bình yên chỉ cách Engelberg sau vài bước chân
Đi về phía cuối làng, đoạn giáp với chân núi, tôi chạm mặt với một công trình kiến trúc đồ sộ, hoá ra đấy chính là tu viện Biển Đức ngày xa xưa, nơi có chút liên quan đến tích truyện hình thành tên gọi miền đất thiên thần. Ngày nay, tu viện là một công trình kiến trúc Baroque đồ sộ, là tâm điểm của cả ngôi làng Engelberg.
Vẻ đẹp cổ điển là một nét quyến rũ rất riêng ở Engelberg
Thiên sứ được cách điệu trong chi tiết trang trí trên nhà cổ
Đứng trước sân tu viện nhìn ra phía xa, đỉnh Titlis với cao độ 3.239m từng là một tử địa cho các nhà leo núi trước khi được chinh phục năm 1744. Tôi đến với Engelberg lần này, cũng một phần mong đến giờ phút được đứng trên đỉnh Titlis huyền thoại.
Đường lên đỉnh Titlis
Ở dãy Apls huyền thoại, mái nhà châu Âu, Titlis từng được Plazidus - Tu viện trưởng dòng Biển Đức ở làng Engelberg dưới chân núi miêu tả từ 1650 là một đỉnh núi “rất cao và đáng sợ”.
Mãi đến 1744, với những thiết bị leo núi hiện đại nhất của thời đó, Titlis mới được chinh phục. Hơn 270 năm sau, phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online có được cơ hội tham gia vào hành trình lên đỉnh Titlis.
Vẫn chưa hết ngây ngất bởi cảnh đẹp của ngôi làng nên thơ Engelberg dưới chân núi Titlis, nhưng anh bạn dẫn đường Matter - người của xứ thiên thần "bật mí" thêm: “Đường lên Titlis mới thực sự hấp dẫn, có hai cách để lên núi, giản đơn nhất là đi bộ với quãng thời gian khoảng 6 giờ đồng đồ. Cách lý tưởng hơn là ngồi cáp treo qua ba chặng nối từ Engelberg đến Trübsee (1796m), lên Stand (2428m) và cuối cùng là Klein Titlis ở cao độ 3020m, ngay cạnh đỉnh Titlis 3239m kế cận”.
Cung đường tuyết mùa thu trên đỉnh núi Titlis
Tìm hiểu ra, tôi biết được đường cáp treo lên đỉnh Titlis được hoàn thiện từ 1912, là một trong số những đường cáp treo vượt núi mang quy mô hiện đại bậc nhất của Thuỵ Sĩ và cả thế giới lúc đương thời. Nhờ tuyến cáp treo này, Titlis trở thành một “thiên đường” dành cho du lịch núi tuyết, nhất là vào mùa đông. Người Engelberg có một câu ví von thú vị về tầm quan trọng của tuyến cáp treo rằng: “Nếu một ngày tuyến cáp treo lên đỉnh Titlis dừng hoạt động, toàn bộ hệ thống dịch vụ và nền kinh tế của Engelberg bị ảnh hưởng ngay lập tức”.
Bề mặt núi tuyết Titlis vào mùa đông là thiên đường cho người trượt tuyết
Lên đỉnh Titlis chuyến này, tôi không có ý định mạo hiểm với tuyến đường bộ vượt núi, chọn cách di chuyển phổ biến là cáp treo như những lữ khách thông thường, để có thể ngắm nhìn một Engelberg từ trên cao, và những giây phút hoà mình vào miền thiên nhiên trong xanh khi lướt trên vách núi đá Titlis.
Dòng lữ khách đổ về đỉnh núi Titlis
Ngồi trong lồng cáp treo Gondolas có sức tải 6 người, tôi chầm chậm rời khỏi mặt đất, với hành trình kéo dài 20 phút từ Engelberg đến Trübsee. Nếu gọi Engelberg là miền đất thiên thần như người bản địa tự hào, thì cảm giác theo tuyến cáp treo lên cao dần trên đỉnh Titlis, cứ như được đến gần hơn nữa với thiên đường, bởi mở ra cả một vùng cảnh quan đẹp ngoạn mục.
Tôi đến Titlis đúng vào mùa cây cối xanh tươi, nhìn vạt rừng thông, những ngôi nhà cổ ẩn nấp trong đó, rồi cánh đồng cỏ men theo triền núi, trên đó là gia súc chăn thả, điểm xuyết những gam màu nâu sáng. Ngồi trên cáp treo, cảm giác thật đã bởi như đang xem bức tranh phong cảnh diễm lệ của tạo hoá bày ra trước mặt.
Toàn cảnh ngôi làng Engelberg nhìn từ cáp treo Gondolas
Phong cảnh từ Trübsee lên Stand cũng vẫn là những mảng xanh tuyệt đẹp, nổi bật trên đó là hồ Trübsee nằm chơi vơi giữa lưng chừng núi, tuyến cáp treo này chỉ kéo dài 5 phút và tải cùng lúc đến 80 người trong khoang. Chặng hành trình từ Stand lên đỉnh Titlis lại mang một trải nghiệm mới lạ khi được đứng trong chiếc lồng của cáp treo Titlis Rotair có khả năng xoay vòng 360 độ. Đây là tuyến cáp treo lồng xoay đầu tiên trên thế giới, hoàn thiện từ 1992 cũng với sức chứa đến 80 người.
Toàn cảnh đỉnh Titlis mở ra trong tầm mắt, không còn những mảng xanh, thay vào đó là xám xịt của đá núi, trắng muốt của băng tuyết điểm xuyết khắp không gian.
Cáp treo lồng xoay có khả năng xoay vòng 360 độ
Cáp treo lồng xoay Titlis Rotair với phía dưới là toàn cảnh hồ Trübsee
Tiết trời thu trên đỉnh Titlis thật đẹp, nắng vàng ươm, trời xanh trong vắt, dưới chân là tuyết, bốn phía là núi non trùng điệp. Con đường nhỏ ngay trạm cáp treo dẫn tôi vào một vùng băng giá khác, ấy chính là hang băng vĩnh cửu. Hang băng này nằm dưới lớp núi đá ở độ sâu 20m, với nhiệt độ trong hang luôn ở mức âm 1,5 độ.
Bước chân vào hang băng, cảm giác như đang đi trong một cục nước đá khổng lồ, được đục khoét thành các lỗ hổng lớn, có cả những bức tượng trang trí muôn hình dạng, rồi một quầy bar… tạo nên điểm khám phá thực sự ấn tượng. Hang băng vĩnh cửu còn được thiết kế với hơn 8.450 bóng đèn chiếu, thay đổi ánh sáng theo nhịp điều khiển máy tính, tạo cho vẻ đẹp giản đơn của băng tuyết trở nên long lanh, lung linh hơn dưới ánh đèn.
Hệ thống âm thanh cũng được thiết lập trong hang băng, sau mỗi 6 phút, người tham quan nghe được rõ tiếng bão tuyết quét qua bề mặt hang băng khi mùa đông về, cùng tiếng nước băng tan vang vọng trong hang khi mùa hè đến. Mỗi năm, hang băng trên đỉnh Titlis tiêu tốn khoảng 1.000 giờ lao động thủ công để bảo tồn, tôn tạo, giúp ổn định hình dáng và vẻ đẹp để đón khách tham quan.
Trang trí trong hang băng vĩnh cửu trên đỉnh Titlis
Khối băng khổng lồ được đục khoét tạo nên một hang động kỳ ảo
Vẻ đẹp của hang băng thắp sáng dưới ánh đèn
Rời không gian lạnh giá nơi hang băng vĩnh cửu, toàn cảnh đỉnh núi tuyết Titlis không quá nguy hiểm như những gì tôi nghĩ ban đầu, cảm giác như đỉnh Titlis là một công viên vui chơi đầy hấp dẫn, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Tôi có thể thong dong tản bộ trên những con đường ngập tuyết, đến các khu trượt tuyết ngoài trời vui đùa cùng nắng - gió. Đến được đỉnh Titlis, chỉ là một trạm dừng, và là sự khởi đầu, bởi từ vị trí này, mở ra rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác mà lữ khách khi đến với Titlis, đều mong được trải nghiệm.
Chơi trò mạo hiểm trên đỉnh Titlis
Chinh phục vách núi đá dựng, thám hiểm khe băng, lao dốc núi bằng xe trượt tuyết cổ điển, chơi dù lượn, hay nín thở đi trên cầu treo cao nhất Châu Âu… những trò vui mạo hiểm ấy chỉ có thể trải nghiệm trên đỉnh núi tuyết Titlis.
Với lữ khách phương Tây, nhất là dân xứ tuyết, Titlis được mệnh danh là thiên đường dành cho dân trượt tuyết, bởi những đường dốc đầy lý tưởng, dài nhất là 12km, quá đủ để phiêu với những môn thể thao trên tuyết mùa đông. Thế nhưng với dân xứ nhiệt đới, những khái niệm trượt tuyết hẳn thật xa lạ. Anh bạn dẫn đường bản địa trấn an: “Cậu đừng lo, còn vô số trò chơi khác, đều là thể thao mạo hiểm mà đã đến Titlis phải nên thử”.
Nghe lời mời gọi, tôi vừa mong muốn khám phá, vừa hồi hộp lo sợ, bởi rằng toàn thú chơi mạo hiểm, hẳn không dành cho những chuyến du lịch ngoạn cảnh thông thường. Thấy tôi lộ vẻ lo lắng, anh bạn cười xoà: “An tâm đi, gọi là thể thao mạo hiểm, chứ tất cả thiết bị, đội ngũ hướng dẫn, cùng những cung đường khám phá đều được thiết kế đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ở xứ này, bạn cứ an tâm tham gia, sứt một móng tay cũng là chuyện xưa nay hiếm”. Câu nói khiến tôi lấy lại chút bản lĩnh đàn ông để đồng ý nhập cuộc vào những trò chơi mang tính mạo hiểm của núi tuyết Titlis.
Đỉnh Titlis có 5 tuyến đường leo núi mang đủ cấp độ từ dễ đến khó
Lỉnh kỉnh với dây nhợ, móc khoá, nón bảo hộ, găng tay, giày chuyên dụng, cùng khoảng nửa giờ huấn luyện tại chỗ cách sử dụng thiết bị, lắng nghe hiệu lệnh… vậy là tôi đạt chuẩn để tham gia vào hành trình chinh phục vách núi. Ở núi tuyết Titlis có 5 đường leo núi đã được thiết lập sẵn, với các cấp độ từ dễ đến khó dành cho mọi đối tượng và độ tuổi.
Từ chân vách núi, tôi được hướng dẫn móc các đai an toàn vào sợi dây cố định, nối dần lên đỉnh núi, rồi cứ thế lần theo vách đá đi lên. Cảm giác như đang trở thành một nhà leo núi thực thụ khi cao độ được nâng dần, khoảng cách lên đỉnh vách núi thêm ngắn lại. Đứng trên vách núi, nhìn ra quanh vùng, vừa thấy cái nhỏ nhoi của con người trước hùng vĩ thiên nhiên, vừa thấy cả một vùng cảnh quan núi tuyết, đẹp đến mê hoặc, quên cả bước tiếp đi vì… sướng.
Cảnh đẹp ngoạn mục của băng tuyết Titlis mùa đông
Cũng là leo núi, nhưng cấp độ và trải nghiệm khác biệt hẳn, ấy là khám phá những khe băng trải khắp đỉnh núi Titlis. Do cấu tạo địa chất đặc biệt, những vách đá nứt tạo nên nhiều kẽ hở lớn, có độ rộng khi vài mét, khi chỉ cách nhau một thân người, băng tuyết khiến cho các vách nứt trở thành những hang động kỳ ảo. Để chinh phục khe băng, cần đến bộ giày đinh chuyên dụng, một chút máu liều, một chút sức khoẻ để đu dây xuống đáy các khe nứt. Nhìn lên vòm trời khi ấy chỉ là một khe hẹp, bao quanh là băng tuyết lạnh tê người, vách băng sừng sững như thách thức, như trấn áp, đem lại cảm giác rùng mình. Khi đã xuống tận đáy khe, rồi vượt lên khỏi nó, người ngập tràn cơn phấn khích tột độ bởi thấy mình như đang trong vai một nhà thám hiểm hang băng đầy kỳ bí.
Chuẩn bị vượt khe núi tuyết
Chuẩn bị thám hiểm những khe băng trên núi tuyết Titlis
Thám hiểm khe băng trên đỉnh Titlis
Chinh phục vách núi thẳng đứng ở Titlis
Những môn thể thao ở Titlis được yêu thích là dù lượn. Các huấn luyện viên sẽ bay đồng hành cùng lữ khách, thế nên chỉ cần một chút sức khoẻ, một chút đam mê, là có thể tham gia vào những giây phút bay lượn để ngoạn cảnh toàn vùng Titlis hấp dẫn dưới chân mình. Các dốc núi Titlis ở mọi mùa trong năm cũng đều là khu vực lý tưởng cho thú vui trượt tuyết, với dân xứ nóng như tôi, trượt tuyết bằng ván trượt chuyên nghiệp hẳn là trò xa xỉ, nhưng cái thú sử dụng xe trượt kiểu cổ điển, ngồi lên đó rồi tuột xuống đường dốc xa, có vẻ dễ dàng và vui thú hơn nhiều. Chỉ cần lên nơi đỉnh dốc, ngồi lên xe đẩy nhẹ, rồi phiêu cùng tốc độ xuống cuối dốc, ngã xoài ra tuyết mềm như một tấm thảm nhung, thật đã.
Chơi dù lượn là môn thể thao hấp dẫn ở Titlis mùa hè
Trượt tuyết bằng xe kéo cổ điển
Ngoài những trò thể thao, đỉnh Titlis cũng để lại dấu ấn với lữ khách phương xa bằng một công trình không dành cho người sợ độ cao, đấy chính là chiếc cầu treo bắc ngang vách núi, cao đến hơn 3.000m trên mực nước biển, hiện được mệnh danh là cầu treo cao nhất toàn Châu Âu. Đi trên cầu treo, cảm rõ từng cơn gió quật qua trước mặt, nhìn phía xa là trùng điệp núi non, dưới chân là vách núi… khiến từng bước đi phải rùng mình vì sợ, nhưng bù lại là nỗi vui sướng khi thấy mình như được chan hoà trong cảnh đẹp của thiên nhiên.
Chiếc cầu treo cao nhất Châu Âu trên đỉnh Titlis
Vượt cầu treo mạo hiểm
Đỉnh Titlis là nơi hiếm hoi của Châu Âu, nơi lữ khách có đủ những trò vui để trải nghiệm, khám phá ở mọi mùa trong năm. Khi đã kinh qua những môn thể thao mạo hiểm đầy hấp dẫn trên đỉnh Titlis, không chỉ tôi mà nhiều lữ khách đều mong sẽ có ngày được trở lại, bởi thèm được cảm giác rùng mình vì sợ, vì hồi hộp, đến cả những phút giây ngây ngất bên một vùng cảnh quan đẹp và huyền ảo như thiên đường cổ tích.
Lạc lối ở Lucerne
Một cây cầu cổ, một kiến trúc baroque lừng danh, một hồ nước, một tượng sư tử đá buồn… chỉ thế thôi cũng đủ khiến người ta phải ngẩn ngơ. Nơi ấy chính là Lucerne, thành phố lớn thứ 8 trên đất nước Thuỵ Sĩ.
Đến nhà ga trung tâm Lucerne sau 54 phút đi tàu từ Engelberg, chị Rickli - cư dân bản địa, một hướng dẫn viên kỳ cựu của Trung tâm Du lịch Lucerne - cho tôi hình dung đầu tiên về thành phố ven hồ này: “Ở thời Trung Cổ, Lucerne chỉ là làng chài bé nhỏ, nghèo và bèo nhèo đến nỗi người ta miệt thị bằng một tên gọi rất chim chóc: Cái tổ cò tí hon”.
Vừa lên khỏi đường hầm của nhà ga trung tâm, tôi đối mặt với hồ Lucerne rộng mênh mông, và choáng ngợp bởi thay thế cho “tổ cò” năm xưa, là một đô thành đẹp như những thước phim tình cảm lãng mạn.
Vẻ đẹp cổ kính, thanh bình và đầy thơ mộng của Lucerne
Từ tận thời Trung Cổ, người ta đã gọi Lucerne là thành phố của những cây cầu, chẳng phải bởi nó có quá nhiều cầu, nhưng vì cầu ở Lucerne mang một vẻ đẹp đặc biệt. Chỉ sau vài phút đi bộ, tôi đến với cây cầu kinh điển nhất Lucerne, ấy là Chapel, xây nên từ 1333, là cây cầu gỗ có mái che lớn nhất, cổ nhất, đẹp nhất toàn Châu Âu còn tồn tại.
Ấn tượng đầu tiên khi đứng trước Chapel - một kiểu thức cầu gọi theo Á Đông là “Thượng gia hạ kiều” - ấy là nó quá đẹp, đẹp từ dáng thế bắc ngang dòng Reuss, không thẳng băng từ bờ này nối sang bờ kia như những cây cầu thông thường mà lắt léo, zic zac theo một chiều dài ban đầu đến 270m, bởi ngoài nhiệm vụ bộ hành, cây cầu cũng là mảng phòng vệ, chở che cho Lucerne khỏi những đợt tấn công bằng đường thuỷ.
Sau hơn 7 thế kỷ tồn tại, chiều dài cây cầu bị rút ngắn lại do những thay đổi và bồi lắp của bờ sông, hiện Chapel có tổng chiều dài là 204,7m, tạo thành con đường bộ hành nổi, trang trí bằng những giỏ hoa li ti nở rộ đầy màu sắc, đẹp toàn diện.
Chapel là một trong mười kiến trúc cầu gỗ nổi tiếng nhất thế giới
Cầu cổ Chapel và tháp nước hình bát giác lúc bình minh
Vẻ đẹp kỳ ảo của cầu gỗ Chapel mùa cuối thu
Bước vào lối đi trên Chapel, tôi chạm vào một bất ngờ thú vị khác, ấy là cảm giác không phải như đang đi trên một cây cầu, mà là lạc vào không gian nghệ thuật, nơi các bức tranh sơn dầu trên gỗ có niên đại từ thế kỷ 17 được trang trí liên hoàn trên các vì kèo dưới nóc mái. Kiểu thức trang trí tranh ở Chapel cũng là chi tiết độc đáo, vừa che đi khoảng trống ở phần góc mái tam giác, vừa truyền tải những thông điệp về lịch sử phát triển của thành phố, phong cảnh đất nước Thuỵ Sĩ, cả những tích truyện huyền thoại về sự sống và cái chết của hai vị thánh bảo hộ Lucerne là Maurice và Leger.
Đi đến không gian giữa cầu, rất nhiều mảng tranh trang trí bị khuyết đi, chỉ còn lại những tấm ván nhám lửa, đen đúa, phần tranh phủ đã cháy mất sau vụ hoả hoạn thiêu huỷ hơn hai phần chiều dài cây cầu ngày 18/8/1993.
Hiện Chapel chỉ còn lại 47 bức tranh đã chỉnh sửa, phục chế và tôn tạo nguyên trạng trong tổng số 147 bức tranh trang trí quý giá hiện hữu trước 1993.
Tranh trang trí trên cầu cổ Chapel đã được phục chế sau hoả hoạn 8/1993
Cũng ở khoảng giữa dòng Reuss, nối vào cầu cổ Chapel là toà tháp bát giác cao đến 34,5m, ra đời trước cây cầu khoảng hơn 30 năm, mang công năng là nơi cất giữ chiến lợi phẩm của Lucerne, rồi chuyển đổi thành kho bạc, trại giam giữ, nơi tra khảo tù binh sau những cuộc chiến.
Những bước chân trên Chapel còn mở ra một không gian sống động khác, chính là những toà nhà cổ kính dọc đôi bờ sông Reuss, với bên là dãy khách sạn hạng sang, đều trên trăm năm tuổi, bên là ngôi giáo đường Dòng Tên Lucerne - một kiến trúc Baroque lớn nhất toàn Thuỵ Sĩ do vị linh mục Christoph Vogler xây dựng từ 12/1666, mãi đến 1677 mới được đưa vào sử dụng.
Cầu bộ hành Rathaus Steg với dãy phố khách sạn hạng sang bên dòng Reuss
Nhà thờ kiến trúc baroque lớn nhất Thuỵ Sĩ từ 12/1666 ở Lucerne
Chỉ với 204,7m chiều dài trên cầu cổ Chapel, nhưng những dấu ấn lịch sử của Lucerne được tái hiện một cách sống động qua bao câu chuyện, hình ảnh, cùng chuyện kể thú vị, càng khiến Chapel trở nên thêm nổi tiếng, xứng đáng là biểu tượng và là điểm tham quan nhất định phải đến ở Lucerne.
Rời cầu cổ Chapel, tôi lang thang vào khu phố cổ, thích nhất là những con đường dốc dẫn lối lên đồi cao, nơi tường thành Lucerne bao bọc lấy các công trình nhà ở, tháp canh, xây dựng trong thời điểm từ 1350 - 1408.
Cái thú len lỏi trong phố xá giúp tôi khám phá nhiều nét duyên ngầm của Lucerne, ấy là những bức tranh tường trang trí nơi mặt tiền các toà nhà quanh khu quảng trường trung tâm. Từ những lối vẽ đương đại, cách điệu ở mặt tiền nhà hàng Fritschi, đến khách sạn cổ Hotel des Alpes với bức vẽ huy hiệu cả bốn bang vùng Vierwaldstattersee trên cùng một lá cờ treo trên phà của tuyến đường thuỷ hồ Lucerne. Nhưng bức vẽ khiến nhiều người bàn tán nhất là mảng tranh trang trí mặt tiền của tiệm thuốc có từ 1530, với dòng chữ nổi bật Amor Medicabilis Nuliis Herbis (bệnh tương tư là vô phương cứu chữa). Đây hẳn là câu quảng cáo thú vị, cũng là lời cảnh báo những kẻ khi đã vướng bệnh tương tư, đừng tìm đến tiệm thuốc bởi chứng nan y ấy không có liều hoá giải.
Phố cổ Lucerne cũng sở hữu một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác, ấy là bức điêu khắc vào vách núi đá hình tượng “Sư Tử buồn” - biểu tượng kiêu hùng của các chiến binh Thuỵ Sĩ. Tác phẩm nổi tiếng này được mệnh danh là giọt nước mắt của nghệ thuật điêu khắc rơi trên nền đá thời gian.
Trang trí tranh tường trên mặt tiền tiệm thuốc ở phố cổ Lucerne
“Sư tử buồn” trên vách đá thời gian
Từ kiếp “tổ cò”, Lucerne đã trở mình, và giờ là trung tâm giao thương, văn hoá, nghệ thuật của Thuỵ Sĩ, nổi tiếng với những lễ hội âm nhạc đỉnh cao, những mùa lễ hội đường phố với các hình nhân được trang trí sặc sỡ, đồng hành cùng bộ nhạc cụ gõ, tạo nên một rừng âm thanh, hình ảnh sôi động trong đám rước quanh trung tâm phố cổ.
Nói về mua sắm, Lucerne cũng là miền thiên đường để những tín đồ của đồng hồ Thuỵ Sĩ thoả sức chọn lựa, từ những dòng đồng hồ “thượng vàng” với giá trị triệu đô đến “hạ cám” đều có khắp các cửa tiệm đồng hồ danh tiếng ở trung tâm Lucerne.
Lễ hội hoá trang đường phố ở Lucerne
Du khách ngắm nghía đồng hồ hạng sang của nhà Bucherer qua lớp kính
Lang thang ra khỏi phố cổ, tôi theo chuyến tàu hơi nước từ bến Schweizerhof làm chuyến ngoạn cảnh trên tuyến đường thuỷ quanh hồ. 2018 đã là 181 năm kể từ ngày chuyến tàu hơi nước đầu tiên khởi hành trên hồ Lucerne, và nay vẫn còn hoạt động để tôi cùng những lữ khách đi cùng hôm ấy có cơ hội phiêu vào một miền trong xanh của mây trời, hồ nước, gặm nhấm từng giây phút thư giãn trước khi khép lại một ngày dài thú vị khi lần đầu đến với Lucerne.
Lucerne là một trong bốn hồ nước lớn và đẹp nhất của Thuỵ Sĩ
Tàu cổ chạy bằng hơi nước trên tuyến đường thuỷ ở hồ Lucerne
Choáng ngợp với Bảo tàng Giao thông Thuỵ Sĩ
Cái cớ để tôi tìm đến Verkerhshaus (Bảo tàng Giao thông) ở Lucerne, bởi đấy là nơi đang lưu giữ một đầu máy xe lửa chạy hơi nước trên đường ray răng cưa hiếm hoi của Việt Nam, tuyến Đà Lạt - Krong Pha ngày trước.
Thụy Sĩ là đất nước nhỏ xíu giữa Trung Âu, nhưng có đến hơn 1.000 bảo tàng, trong số ấy, Verkerhshaus ở Lucerne được du khách tham quan nhiều nhất. Đây cũng là nơi trưng bày bộ sưu tập đồ sộ nhất thế giới với hơn 3.000 hiện vật về đề tài giao thông từ sơ khai đến hiện đại.
Các tòa nhà trưng bày mang thiết kế đặc biệt, gắn liền với đề tài giao thông
Trực thăng cứu hộ và các loại máy bay của hàng không Thụy Sĩ thời sơ khai
Bảo tàng Giao thông tọa lạc ở ngoại ô Lucerne. Tôi theo chuyến xe buýt số 2 từ nhà ga trung tâm, chỉ mất 15 phút, Verkerhshaus đã hiện hữu trước mặt. Dù đã tìm hiểu sơ bộ thông tin về Verkerhshaus, biết đây là bảo tàng hàng đầu thế giới của giao thông nhân loại, nhưng từ ngay khi đứng bên ngoài tòa nhà bảo tàng, tôi vẫn bị hớp hồn bởi một hình khối kiến trúc kỳ lạ, đậm chất đương đại. Bao bọc trên đó là hàng ngàn mâm xe hơi trang trí, cùng hình khối khổng lồ, trông như một bánh xe đến từ hành tinh khác - sau này tôi mới biết đó chính là mũi khoan phá đá của đường hầm vượt núi Gotthard, hoàn thiện từ 1/6/2016 với tổng chiều dài lên đến 57.09km, hiện đang giữ kỷ lục là hầm vượt núi dành cho đường sắt dài nhất thế giới.
Góc trưng bày xe hơi, xe máy được điều khiển theo ý người xem
Mũi khoan khổng lồ của đường hầm vượt núi Gotthard trưng bày trước Bảo tàng Giao thông
Qua cổng chính của bảo tàng vào khu tham quan, tất nhiên nơi trưng bày tôi mong chờ nhất chính là không gian quy tụ ngành giao thông đường sắt, bởi đó là nơi có một trong bốn đầu tàu hơi nước mà Thụy Sĩ mua lại từ Việt Nam (với mức giá phế liệu) năm 1990.
Kiến trúc ấn tượng của Verkerhshaus nhìn từ lối vào chính của bảo tàng
Nhắc lại chút chuyện xưa, lịch sử ngành giao thông nhân loại ghi nhận có hai địa danh sở hữu tuyến đường sắt răng cưa chạy bằng tàu hơi nước là Thụy Sĩ (tuyến đường lên núi Furka - từ cuối thế kỷ 19) và Việt Nam (tuyến đường đèo Krong Pha - đầu thế kỷ 20). Đường sắt răng cưa được hiểu nôm na là ở những đoạn vượt núi có độ dốc cao, các nhà thiết kế phải lắp thêm thêm một đường ray hình răng cưa, đặt song song giữa hai thanh tà vẹt, đầu tàu được gắn một bộ phận bánh răng móc vào răng cưa giúp di chuyển qua những đoạn đường đèo có độ dốc cao mà đầu tàu thông thường không thể kéo cả đoàn tàu lên được. Ở chiều ngược lại, khi xuống dốc núi, việc vận hành hệ răng cưa giúp đoàn tàu giảm tốc, bám đường ray theo tốc độ điều khiển và di chuyển xuống núi an toàn.
Không gian trưng bày các phương tiện giao thông của ngành đường sắt
Đường sắt răng cưa nối từ Krong Pha đến Đà Lạt được hoàn thiện từ 1932 sau 10 năm thi công. Tuyến đường dài 44km, do công ty chuyên thi công đường ray răng cưa của Thụy Sĩ là Schweizerische Lokomotiv - und Maschinenfabrik (SLM) thực hiện. 9 đầu tàu răng cưa chạy bằng hơi nước kiểu HG 4/4 của hãng SLM được nhập khẩu từ Thụy Sĩ, mỗi đầu tàu nặng đến 46 tấn, được đánh số thứ tự từ 701 - 709, vận hành trên tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm.
Lịch sử ghi nhận ở năm 1945 - 1946, 4 trong số 9 đầu tàu đã bị phá hỏng do chiến tranh, chỉ còn lại các đầu tàu mang số hiệu 702 (Hỏa xa Việt Nam đổi thành 40-302), 703 (40-303), 704 (40-304), 706 (40-306) và 708 (40-308) vẫn còn khả năng hoạt động. Kể từ năm 1969 tuyến đường ray răng cưa dừng hoạt động vì không hiệu quả, các đầu tàu hơi nước nằm phơi sương gió ở ga Đà Lạt, đường ray răng cưa dần bị tháo sạch phần giúp khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, phần còn lại bị… bán phế liệu.
Chiếc Lockheed Orion còn lại duy nhất của hàng không Thụy Sĩ từ năm 1932
Tiếc cho những đầu máy hơi nước vẫn còn khả năng hoạt động nhưng bị xếp xó, người Thụy Sĩ đã tìm sang Việt Nam, thương lượng mua lại bốn trong số những đầu máy cổ ở ga Đà Lạt, đưa về Thụy Sĩ trong một chiến dịch hồi hương có tên gọi “Trở về Thụy Sĩ” (Back to Switzerland). Năm 1990, bốn đầu máy rời ga Đà Lạt, xuống cảng Vũng Tàu và lên đường trở lại Thụy Sĩ, được phục chế và một trong số ấy đã vận hành trên tuyến đường núi Furka từ 1993. Hiện Thụy Sĩ tự hào là nước duy nhất trên thế giới có tuyến đường sắt răng cưa chạy bằng đầu máy hơi nước này.
Tôi hồi hộp bước vào không gian trưng bày lịch sử hỏa xa, với hy vọng gặp lại một chút yếu tố Việt trong những ngày rong ruổi, hỏi cô nhân viên trực bảo tàng hôm ấy về đầu máy hơi nước từ Việt Nam, thật thất vọng khi nhận được câu trả lời rằng chiếc đầu máy vừa được đưa về xưởng để phục chế lại, hy vọng vẫn còn khả năng vận hành như người anh em của nó đang ngày ngày chạy trên tuyến đường núi Furka.
Thấy vẻ mặt không vui của tôi, cô nhân viên chia sẻ: “Để phục chế các đầu tàu này rất phức tạp, chúng tôi phải kêu gọi những thợ máy cũ, họ là các chuyên gia trong ngành hỏa xa nhưng về hưu lâu rồi, hầu hết nay cũng đã trên 80 tuổi, chỉ có họ mới có khả năng làm các cỗ máy này sống lại. Và thật may khi chúng tôi nhận được sự hưởng ứng từ các bậc tiền bối ấy”. Nói rồi cô an ủi thêm: “Lần sau bạn đến Thụy Sĩ, có khi không cần phải vào bảo tàng này để kiếm nó đâu, mà đến Furka hoặc các vùng núi nổi tiếng nào đó trên dãy Apls, nơi chiếc đầu máy răng cưa chạy bằng hơi nước từ Việt Nam đã được hồi sinh”.
Không gian trưng bày ở Verkerhshaus với thiết kế và trang trí rất lạ mắt
Ở Verkerhshaus, mỗi không gian trưng bày theo chuyên đề riêng, ngoài đường sắt với hàng loạt các loại đầu máy sắp đặt trên đường ray dài đến 1km, các tuyến đường núi của ngành đường sắt Thụy Sĩ cũng được giới thiệu theo mô hình để người xem hình dung về một đất nước có ngành đường sắt phát triển với hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Mỗi phút ở Thụy Sĩ có khoảng 150 chuyến tàu đang vận hành, chuyên chở trung bình 1,25 triệu hành khách mỗi ngày.
Không gian trưng bày hấp dẫn khác ở Verkerhshaus là các phương tiện giao thông đường bộ, với xe máy, xe hơi đủ loại, điều lý thú là không gian này được trưng bày hiện đại, người xem chỉ cần đứng một chỗ, chọn vào chiếc xe yêu thích và sử dụng bảng điều khiển để chiếc xe theo hệ thống cẩu nâng xuất hiện trước mặt. Bên cạnh đó, các không gian trưng bày về đường thủy, về đường hàng không với hàng loạt các máy bay gắn liền với lịch sử phát triển hàng không Thụy Sĩ từ những ngày đầu tiên… như chiếc Dufaux 04, ra đời từ 1906 với trọng lượng chỉ vỏn vẹn 17kg, cũng là những điểm nhấn gây choáng ngợp bởi số lượng hiện vật, kiểu trưng bày hiện đại, cùng câu chuyện từng phương tiện giao thông hiện hữu tại Verkerhshaus.
Máy bay phản lực Coronado 990 (đã "nghỉ hưu") của Swiss Air trưng bày trong sân bảo tàng
Du khách trải nghiệm bay trên đôi cánh trong không gian trưng bày các phương tiện hàng không
Chỉ một ngày ngắn ngủi để tham quan Verkerhshaus, nhưng tôi có được những hình dung bao quát về thế giới các phương tiện giao thông đa dạng không chỉ riêng với đất nước Thụy Sĩ mà cả toàn cầu. Trong không gian trưng bày rộng đến 20.000m2, mỗi hiện vật là một phát minh giá trị của nhân loại, một ghi nhận của lịch sử ngành giao thông, bởi thế Verkerhshaus hàng năm luôn là bảo tàng có lượng người tham quan đông nhất trong số hơn 1.000 bảo tàng ở Thụy Sĩ.
Đến thành Bern, hãy nói: Cứ từ từ!
Bàn đến cái triết lý sống “Chầm chậm thôi cưng”, người Việt bảo: “Cứ từ từ!”, người Thái thì “Chai zen zen!”, còn người Thụy Sĩ sẽ là: “Entschleunigung”. Và Bern - Thủ đô của Thụy Sĩ sẽ là nơi hoàn hảo để… “Entschleunigung” cùng người bản địa.
Để tả về Bern, chỉ cần ngắn gọn “quá xá đẹp”, cái “dã man” và “gian ác” của sự đẹp ở Bern, ấy là đẹp từ viên đá lót đường lên tận tới mái ngói - dường như vẫn chưa đủ thỏa - Bern còn đẹp cả dưới những tầng hầm. Bern đẹp thế, nên người Thụy Sĩ hẳn có cái lý - cái quyền khi tung hê khẩu ngữ “Entschleunigung” để sống và cảm nhận về Bern. Ngay đến cả vĩ nhân của nền văn chương thế giới Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) cũng đã phải “càm ràm” về Bern - trong thư gửi người bạn thân Charlotte von Stein - khi ông đến ngoạn cảnh nơi này năm 1779, rằng: “Đây là nơi đẹp nhất tôi từng thấy”.
Từng góc nhỏ ở Bern đều là nơi để người ta thư giãn, sống chậm
Vẻ đẹp của Bern tôi cảm nhận từ ngay phút giây chạm mặt, lại không phải là phố xá của một đô thị nguyên vẹn thời Trung Cổ với tuổi đời hơn 800 năm, mà từ nét gợi cảm một cô gái. Nàng đeo mặt nạ ngầu đời, diện trang phục cực… mát, thân hình săn chắc, ngồi vắt vẻo nơi vỉa hè ngay tháp đồng hồ thiên văn Zytglogge.
Tháp đồng hồ Zytglogge nhìn từ đường Kramgasee
Đang tơ vương cô gái xinh trước mắt, tôi bỗng giựt mình bởi tiếng gà gáy trên tháp đồng hồ, rồi tiếng chuông dồn dập, ngân vang, cùng hình ảnh chuyển động các hình tượng gà, ngựa, gấu, chiến binh… khiến tôi cùng hàng trăm lữ khách có mặt lúc ấy mải ngước nhìn. Hóa ra đã 12 giờ trưa, cũng là lúc chiếc đồng hồ thiên văn làm nhiệm vụ không biết chán là điểm báo thời gian một cách chính xác, đúng thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, với cỗ máy kỷ lục tuổi thọ vận hành khi đã qua 8 thế kỷ vẫn chạy tốt.
Mải ngắm Zytglogge báo giờ, quên khuấy đi người đẹp. Khi màn báo giờ của đồng hồ kết thúc, cô em xinh đẹp ban nãy hóa ra là nhân vật trong hoạt cảnh lịch sử tháp đồng hồ, đưa tôi ngược dòng thời gian về quá khứ thành Bern bằng màn trình diễn thú vị.
Qua hoạt cảnh, chuyện tháp đồng hồ Zytglogge không đơn giản là cái đồng hồ. Cô gái xinh đẹp, ăn mặc mát mẻ kia là diễn viên trong vai một ả gái điếm. Câu chuyện xưa của tháp Zytglogge mở ra. Tòa kiến trúc này xây nên trong giai đoạn 1218 - 1220, công năng là tháp canh, phòng vệ cho Bern, qua sự “nở nồi”, mở diện tích về hướng Tây của Bern, những tháp canh khác gồm Käfigturm (xây nên từ 1270 - 1275), tiếp đến là Christoffelturm (1344 - 1346) lần lượt thay thế vai trò của Zytglogge, khiến tòa tháp chuyển đổi công năng thành… nhà tù, dành riêng cho các ả gái điếm bày trò dụ dỗ, hủ hóa các ông thầy tu bị phát hiện, sẽ được đưa về Zytglogge bóc lịch.
Không rõ trang phục xưa kia của kỹ nữ thành Bern có “mát” như cô nàng trong hoạt cảnh hay không? Chứ nếu cứ đúng chóc hình ảnh thế, thầy tu thật khó mà trọn đạo, còn tương lai nghề của nàng vào Zytglogge “an dưỡng” là cái chắc.
Nữ nghệ sĩ trong cổ trang mát mẻ dưới chân tháp đồng hồ trước giờ diễn hoạt cảnh thành Bern xưa
Rời khỏi Zytglogge, ngó đồng hồ, tôi bắt đầu ngộ dần ra triết lý sống chầm chậm “Entschleunigung”. Tôi đi tiếp vào “miền di sản” ở Bern, bởi cổ thành này được công nhận là Di sản Thế giới từ 1983. Con đường mua sắm Kramgasee nối từ tháp đồng hồ hướng ra dòng Aare, với mặt tiền vòm cong, đậm phong cách kiến trúc Baroque, trên đó là ngập tràn hàng quán, thương hiệu thời trang, được mệnh danh là con đường mua sắm dài nhất Châu Âu với độ dài tổng thể áng chừng lên đến 6km. Điểm đặc biệt ở con đường là tầng hầm từng tòa nhà được tận dụng thành các quán cà phê ấm cúng, các tiệm sách danh tiếng. Chỉ bước qua cánh cửa gỗ dẫn lối vào tầng hầm trông giản đơn, cả một thế giới khác biệt mở ra, thanh vắng, yên tĩnh, khác biệt hẳn những náo nhiệt bên ngoài.
Dòng nước trên sông Aare cũng là một di sản của Bern, không chỉ đẹp mà còn bởi độ tinh khiết có thể uống được trực tiếp
Du khách nơi thiên đường mua sắm dài nhất Châu Âu trên Kramgasee ở thành Bern
Lối vào một quán cà phê dưới tầng hầm phố mua sắm Kramgasee
Ngoài chuyện mua sắm, Kramgasee còn sở hữu một điểm đến đặc biệt ở số 49 - ngôi nhà của thiên tài Albert Einstein, nơi ông cư ngụ từ 1903 - 1905, cũng là nơi Einstein cho ra đời 32 công trình khoa học, nổi bật trong đó có thuyết Tương đối (công bố 1916).
Ngôi nhà xưa nơi Einstein cư ngụ, giờ thành một bảo tàng nhỏ có tên Einsteinhaus, rộng cửa đón khách tham quan. Tầng hầm của tòa nhà, cũng được tận dụng trở thành quán cà phê Einstein để lữ khách tha hồ nghiền ngẫm sự đời trong lúc mỏi gối dừng chân nghỉ. Nếu là tín đồ bia bọt, nơi đây cũng có bia mang tên Einstein để lữ khách nếm trải mùi vị độc đáo kèm chút tưởng bở biết đâu mình sẽ thành… thiên tài sau khi uống thứ bia bác học này.
Trở lại phố xá, trong số những kiến trúc công cộng ở Bern, có Berner Münster (Nhà thờ chính tòa Bern) hấp dẫn tôi hơn cả bởi đây là công trình kiến trúc Gothic đẹp nhất Thụy Sĩ, xây nên từ 1421, có điểm nhấn nổi bật là tháp chuông cao đến 100,6m, với chiếc đại hồng chung nặng hơn 10 tấn - đúc từ 1611. Thêm chi tiết khiến tôi ấn tượng ở công trình này, ấy là phần trang trí mặt tiền mang tích truyện “ngày phán xét” nơi cổng chính. Mảng điêu khắc cùng kỹ thuật chạm trổ tài tình trên nền đá, tạo nên một tác phẩm gồm 170 bức tượng liên hoàn, phân chia thiên đàng - hỏa ngục một cách rõ nét. Tác phẩm này là một trong số rất hiếm hoi hiện vật lưu dấu nhà điêu khắc lừng danh Erhard Küng.
Mảng điêu khắc thiên đàng - địa ngục trong tích truyện Công giáo: Ngày phán xét của điêu khắc gia Erhard Küng
Len lỏi trong phố xá cổ kính của Bern để tận hưởng vẻ đẹp nguyên thủy từ những viên đá lót đường, đến các tòa nhà, con đường, được quy hoạch một cách chuẩn mực, đẹp hoàn hảo. Tìm hiểu lại lịch sử phát triển của thành cổ này, hóa ra ban đầu hình thành Bern không đẹp đến thế, chỉ là những ngôi nhà gỗ đan díu nhau, nhưng rồi một trận hỏa hoạn khủng khiếp xảy đến 1405, thiêu rụi hầu hết kiến trúc bằng gỗ. Công cuộc tái thiết được bắt đầu, dân thành Bern không dựng nhà bằng gỗ nữa, thay vào đó là dùng đá sa thạch địa phương làm chất liệu chính, tạo nên các kiến trúc nhà ở, mái ngói đỏ thâm trầm, đẹp bền vững.
Các nhà hoạch định kiến trúc của Bern khi ấy thật có tầm và có tâm, khi tạo nên một quy hoạch đồng bộ, hài hòa, xây dựng và kiến thiết cho tương lai chứ không đua theo lợi nhuận nhất thời mà nay lắm chủ đầu tư và công trình sư tham lam làm quy hoạch đểu. Nhờ vậy, Bern xứng đáng được công nhận là một thành cổ bậc nhất của Châu Âu về vẻ đẹp hiện trạng cũng như tính khoa học và giá trị kiến trúc nguyên vẹn thời Trung Cổ.
Quy hoạch khoa học và kiến trúc đồng bộ khiến Bern xứng đáng là thành cổ đẹp nhất Châu Âu
Tên gọi của Bern, nghĩa là “gấu”, thế nên không khó để thấy hình ảnh gấu ở khắp nơi, trên lá cờ, trên huy hiệu, trên tháp đồng hồ, đồ lưu niệm.... Thong dong phố cổ Bern, tôi lại có thêm cơ hội khám phá câu chuyện ra đời của tên gọi Bern từ một đài phun nước trên Kramgasee. Đài nước có tên khá loằng ngoằng và khó nhớ là Zahringerbrunnen, xây nên từ 1535 ghi dấu người lập ra thành Bern là Berchtold V, công tước xứ Zähringen.
Lịch sử kể lại trong chuyến Berchtold đi săn bên dòng Aare, ông hạ được một con gấu và lấy luôn tên gấu để đặt cho Bern như hiện thời. Từ phố cổ đi tiếp đến bờ sông, đứng trên cây cầu thế kỷ Nydegg bắc ngang dòng Aare, tôi gặp được biểu tượng của Bern là những chú gấu khổng lồ, tự do tung tăng trong công viên dành riêng cho gấu có từ thế kỷ 16.
Nghệ sĩ đường phố biểu diễn trong phố cổ Bern
Công viên gấu bên dòng sông Aare rộng đến 6.000 mét vuông
Lang thang ở Bern, một trong những cái thú tôi ưa thích, ấy là băng qua dòng Aare, từ công viên gấu thẳng hướng lên đỉnh đồi đối diện thành cổ. Đây là nơi tuyệt nhất để ngắm nhìn dung nhan của Bern diễm lệ bên dòng sông Aare. Không khó để nhận ra tháp chuông của Münster, nhà Liên bang, Ngân hàng Thụy Sĩ… đặc biệt là những ngôi nhà mái ngói đã ngả màu thời gian, chen hòa vào nhau, tạo nên một miền Di sản cổ xưa, đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy hiện đại.
Chia tay Bern với vẻ đẹp của ngày dài, tôi hẹn Bern ở một buổi tối thật lãng mạn nơi hầm rượu vang khổng lồ, đẹp và quyến rũ bậc nhất trời Âu để cùng say với Bern bởi câu nói bất hủ: “Venice ở trên nước còn Bern ở trên… rượu”.
Xuống hầm, thăm chợ rượu, say vang ở Bern
Hàng năm, Thụy Sĩ sản xuất trung bình 100 triệu lít rượu vang, chỉ 1% trong số ấy xuất khẩu, bởi thế khi đến Bern, tôi không thể bỏ qua cơ hội thử vang trong một hầm rượu kinh điển, từng khiến binh lính của Napoleon “chết đuối” vì ngập trong vang.
Rượu vang ở Thụy Sĩ chỗ nào cũng có, nhưng để dẫn dắt đến cái cớ phải uống vang ở Bern mới đã, ấy chính là từ câu cửa miệng đầy… khích tướng của cư dân Bern rằng: “Nếu Venice được mệnh danh là thành phố nổi trên mặt nước, thì Bern đây phải được mệnh danh là thành phố nổi trên rượu vang”. Một kiểu so sánh thật dữ dội, khác hẳn với phong cách nho nhã, thanh cảnh, chậm rãi của nhịp sống ở Bern, khiến tôi nôn nóng phải ít là một lần được lâng lâng cùng Bern trên vang.
Ngoài danh sách rượu vang của toàn vùng Thụy Sĩ, bộ sưu tập các loại rượu pha cocktail cũng là một ấn tượng ở Kornhaus
Trước khi vào thẳng vấn đề tìm chỗ lý tưởng thưởng vang Thụy Sĩ ở Bern, tôi có thêm chút số liệu từ bộ phận Xúc tiến Tiếp thị và Quảng bá rượu vang Thụy Sĩ rằng mỗi cư dân Thụy Sĩ trung bình hàng năm uống 31 lít rượu vang. Con số thật ấn tượng. Và càng ấn tượng hơn nữa khi ở Bern, rượu vang từng chảy ra từ vòi nước công cộng phục vụ đại chúng.
Chuyện lạ có thật này xảy ra lần đầu từ 1848, khi ấy cả hai thành phố Bern và Zurich đang trong cuộc đua ráo riết “chạy chức” thủ đô Thụy Sĩ. Tương truyền cư dân Bern khi ấy hầu hết đều là người trực tiếp hoặc gián tiếp trồng nho, sở hữu các vườn nho làm rượu vang. Nhờ lợi thế của nhà mần được, ý tưởng phục vụ rượu vang cho công chúng theo cách ấn tượng nhất, gắn liền với lịch sử, văn hóa, và sự phát triển của Bern được giới chức Bern ủ mưu thực hiện.
Dông dài thêm về Bern, thứ chất lỏng nổi tiếng nhất khi nói đến xứ này ngoài rượu vang, chính là nước. Nước ở Bern tinh khiết vô cùng, chẳng cần phải ở tận thế kỷ 18 - 19, mà ngay cả ở thế kỷ 21 này dân tình vẫn ngày ngày uống nước trực tiếp từ sông Aare chẳng qua đun nấu. Hơn 100 đài nước trong thành cổ Bern khắp các ngả đường đều là tụ điểm… giải khát, là nơi tám chuyện của cư dân và khách bộ hành, nơi nguồn nước trong mát quanh năm chưa bao giờ cạn.
Quầy bar của Kornhaus, nơi thích hợp cho những thực khách một mình
Ở góc độ lịch sử, Bern có một truyền thuyết về rượu vang gắn với đài phun nước có tên rất khiếp đảm: “Đài nước quái vật ăn thịt trẻ con” - (Kindlifresserbrunnen), tọa lạc cạnh tòa nhà Kornhausplatz và tháp đồng hồ Zytglogge với hình ảnh quái vật hình người tay phải đang cầm đứa trẻ nhai ngấu nghiến, tay trái giữ cái bị lủng lẳng thêm ba chú nhóc đang khóc lóc kêu la. Đài nước này do điêu khắc gia nổi tiếng Hans Gieng làm nên trong thời gian từ 1545 - 1546. Truyền thuyết kể rằng cứ nửa đêm Giáng Sinh, rượu vang sẽ chảy ra từ đài nước này, nhưng ai uống sẽ bị trở thành người của ma quỷ. Truyền thuyết này được lưu truyền ở Bern như một bài học răn dạy làm người chớ tham lam.
Xâu chuỗi lại các giá trị từ truyền thuyết đến thực tế, dân thành Bern chơi một cú ngoạn mục ngay trong bữa yến tiệc trình bày trước Hội đồng Quốc gia và Hội đồng Liên bang, rượu vang tuôn tràn trề từ một đài nước phục vụ mọi người. Cú chơi này quả thực hiệu nghiệm, chỉ ba tuần sau đó, Bern chính thức được công nhận là thủ đô Thụy Sĩ, dù rằng thực trạng của Bern khi ấy “rất bèo” về tài chính so với Zurich.
Thêm cái lý để người ta nói Bern nổi trên rượu vang, ấy là chuyện dây dưa vào tòa nhà Kornhausplatz được xây dựng từ 1711 - 1718, với ba tầng bề nổi trên mặt đất dùng làm kho chứa lương thực cho Bern, riêng tầng hầm sâu dành họp thành khu chợ chuyên mua bán rượu vang, với các kho chứa đầy ắp rượu. Bern nổi trên rượu chính là từ chợ rượu cổ xưa này.
Từ 1893, chợ rượu dưới tầng hầm giải tán, Kornhausplatz cũng bỏ luôn công năng làm nhà kho, biến thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của thành Bern. Mãi đến 1998, nhà kho Kornhaus ngày xưa trở thành một hầm rượu cùng tên, cũng là một nhà hàng đẳng cấp, phục vụ rượu vang đặc hữu của vùng, đặc biệt là vang trắng nặng độ (12,1%), làm từ giống nho Chasselas nổi tiếng của Bern.
Nơi đây xưa kia từng là một chợ rượu vang của người dân thành Bern
Chui vào những nấc thang dẫn lối xuống tầng hầm, Kornhaus khiến tôi ngất ngây bởi vì nó quá đẹp, đẹp đến bất ngờ vì chưa từng gặp một không gian quán, một hầm rượu vang quy mô với kiến trúc, trang trí nội thất, cùng hệ đèn chiếu lung linh đến thế. Từ ngay sau nấc thang cuối cùng dẫn xuống hầm, tôi quên khuấy chuyện thưởng vang, bởi cảm giác như đang bước vào một thánh đường với vòm trần cao tít, không gian thanh tịnh, uy nghiêm, phô diễn trên đó là ánh sáng vàng ấm cúng, đủ soi rọi vẻ đẹp từng nấc cầu thang, từng bàn ăn, từng mảng tranh tường và các phong cách trang trí đậm chất Baroque.
Lối vào hầm rượu vang Kornhauskeller
Cầu thang xuống tầng hầm với vẻ đẹp kiêu sa không kém gì các lâu đài thời Trung Cổ
Nhìn không gian này, thật khó để hình dung đây là một hầm rượu cổ
Định thần nhìn kỹ, trên các mảng tường, từ cột, đến vòm trần của Kornhaus đều là bích họa vẽ từ năm 1897. 12 trụ chính gồm các bức vẽ hình ảnh phụ nữ Bern trong trang phục truyền thống, trên đầu các trụ cột áp phần mái vòm là 31 vị nhạc công thời Phục Hưng đang chơi các nhạc cụ đa dạng… Phần cuối của Kornhaus ở không gian chính diện, là một sắp đặt thùng rượu vang khổng lồ. Tương truyền khi binh lính Napoleon đến hầm rượu, không thể cưỡng lại cơn thèm muốn đã khui ngay thùng vang này uống và tất cả đều bị “chết đuối” - một lối ám chỉ sức hấp dẫn của rượu vang thành Bern khiến binh lính mải say quên cả chuyện chiến đấu.
Cột trụ, vòm trần với các trang trí tranh tường đậm chất nghệ thuật
Thùng rượu vang đặt trang trọng cuối Kornhaus, nếu thùng này khui ra, hẳn lắm người “chết đuối”
Thực khách khi vào hầm vang Kornhaus, dễ “say” theo cảnh quan bởi vì nó quá đẹp.
Còn ở thế kỷ 21 này, tôi chưa kịp uống giọt vang nào ở Kornhaus, đã bị say ngay bởi vẻ đẹp diễm lệ của nó. Khi đã chán chê mê mỏi khám phá khắp ngóc ngách của Kornhaus, giây phút ngồi lại trên bàn ăn chờ được phục vụ ẩm thực mang phong vị pha trộn của các vùng miền Địa Trung Hải, ẩm thực Ý và ẩm thực Bern, tôi học theo triết lý “Entschleunigung” (cứ từ từ) để nhâm nhi từng giọt nồng của chai vang trắng - mang giống nho bản địa Chasselas - xuất xứ từ Bern. Cảm giác hình như vang hôm ấy tươi mới và ngon thơm hơn gấp nhiều lần. Tôi lại có thêm một lần say, lần này là bởi men nồng, ngay tại chợ rượu xưa và hầm vang nay ở Bern - miền di sản quyến rũ trên đất nước Thụy Sĩ.
THIÊN AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét