Còn có tên gọi là Bảo tàng hải quân Istanbul, ý tưởng xây dựng bảo tàng đã hình thành từ cuối thế kỷ XIX, nhưng mãi đến năm 1961 mới chính thức được thành lập, nhằm kỷ niệm và vinh danh lịch sử hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những cuộc hải chiến quan trọng trong lịch sử đế chế Ottoman. Đây là đế chế kéo dài hơn 600 năm từ thế kỷ XIII đến XIX, với những cuộc chinh phạt ra khu vực châu Âu, châu Phi và châu Á, đặc biệt là các nước quanh bờ đông nam biển Địa Trung Hải.
Nằm kề bến xe buýt và bến phà Besiktas, tòa bảo tàng ba tầng lầu mang đậm dấu ấn của một công trình đương đại với không gian trưng bày hơn 15.000 mét vuông, chứa đựng toàn bộ thông tin và một số di tích của quá trình phát triển hàng hải và hoạt động của hải quân, như mô hình tàu chiến, vũ khí, bản đồ, các thiết bị định vị và vật dụng liên quan của ngành hàng hải cũng như thám hiểm đại dương. Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm hội họa mô tả về các hoạt động của ngành hàng hải trong lịch sử cũng được trưng bày, mang đến cái nhìn sống động hơn về một giai đoạn lịch sử của đế chế Ottaman.
Bộ sưu tập những chiếc thuyền gỗ được trưng bày song song tại tầng 1 và 2 của bảo tàng, cùng các khoang trống, tạo tầm nhìn tổng thể rõ hơn cho khách tham quan
Độc đáo nhất là bộ sưu tập 40 chiếc thuyền gỗ, không động cơ, điển hình được các hoàng đế thuộc đế chế Ottoman (thường được gọi là sultan) và thành viên gia đình hoàng tộc sử dụng từ thế kỷ XIV-XIX, là một trong những bộ sưu tập hấp dẫn nhất so với các bộ sưu tập cùng thể loại trên thế giới.
Những chiếc thuyền gỗ được đóng bằng tay, có chiều dài 20 - 45m với các vị trí đặt mái chèo, các điêu khắc, chạm trổ tinh tế dọc con thuyền, mỗi thuyền lại có một biểu tượng linh vật khác nhau trên mũi. Hầu hết các thuyền đều có một vòm che ở một phía, với kiểu trang trí đa dạng.
Ngoài việc dùng kỹ thuật để kiểm tra niên đại các con thuyền ứng theo từng thời kỳ của các sultan, hoa văn và điêu khắc, cũng như tượng các linh vật trên thuyền, là thông tin quý giá giúp các nhà nghiên cứu xác định được các con thuyền này thuộc triều đại hoặc vua quan nào.
Tượng linh vật, thường là các loại động vật có sức mạnh như sư tử, hổ, đại bàng, ngựa được đặt trên mũi thuyền, thể hiện sức mạnh xua đuổi ma quỷ
Trước khi đưa vào trưng bày và bảo quản ở một nhiệt độ và môi trường tốt hơn tại Bảo tàng, những con tàu gỗ này từng nằm rải rác ở nhiều cảng biển hay sân vườn của các tòa lâu đài và bị hư hại. Cơ quan về di sản của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện nhiều dự án trùng tu, sửa chữa trước khi đưa bộ thuyền gỗ này về trưng bày tại Bảo tàng hàng hải hiện nay.
“Chiếc thuyền lịch sử” là tên gọi dành cho chiếc thuyền gỗ đặt ngay ở vị trí thứ nhất của bộ sưu tập, được cho là chiếc thuyền có mái chèo cổ nhất còn lại trên thế giới. Với chiều dài 39,64m, rộng 5,72m và tổng trọng lượng khoảng 57 tấn, chiếc thuyền lịch sử này được đóng với nhiều loại gỗ khác nhau như sồi, tuyết tùng, du, dẻ gai, thông đen, hoàng dương và óc chó.
Với 24 cặp mái chèo và ba người chèo mỗi bên, các nhà nghiên cứu cho rằng, thuyền cần hơn 100 người chèo mỗi khi di chuyển. Mặc dù nhiều ghi chép cho rằng chiếc thuyền do một công tước xứ Venice (nay thuộc Ý) đóng dâng tặng cho sultan Mehmet the Hunter (1648 - 1687), nhưng chất liệu con tàu lại cho thấy nó đã được đóng rất lâu trước đó tại Istanbul.
Một số mái chèo gỗ
Trong Bảo tàng còn lưu trữ sợi dây xích sắt lớn, có tuổi cả ngàn năm từ thời Byzantine dùng ngăn chặn tàu chiến của kẻ thù xông qua cửa Golden Horn vào thành Istanbul.
Một bộ sưu tập khẩu pháo và súng, được mua hoặc là quà tặng từ nhiều nước như Pháp, Anh, Phổ, phần lớn được trưng bày phía không gian bên ngoài Bảo tàng.
Những di vật tại Bảo tàng đã được sắp xếp và trình bày một chuyến đi dọc thời gian đưa người xem trở về với một thời thịnh vượng, hùng hậu của đế chế Ottoman và lịch sử phát triển của ngành hàng hải, mặc dù vẫn có nhiều người cho rằng tất cả chỉ là một chấm nhỏ so với quá trình lịch sử hàng trăm năm của đế chế.
Tuy nhiên, cơ quan về di sản tại Istanbul cũng đã có những quan tâm và đầu tư kịp thời nhằm bảo tồn những di sản hiếm hoi còn lại của lịch sử. Năm 2004, lần đầu tiên cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng về kiến trúc cho Bảo tàng được thực hiện, với yêu cầu xây dựng một kiến trúc đương đại nằm bên dòng Bosphorus, tại một khu vực hành chánh nổi tiếng với các quy định khắt khe về bảo tồn và được hai đơn vị gồm Sở Lập pháp Bosphorus và Hội đồng Di tích Quốc gia giám sát chặt chẽ.
Thuyền lịch sử và các chi tiết hoa văn, khắc trang trí trên thuyền như mũi thuyền, mái che cuối thuyền
Đặc biệt, công trình này sẽ được tích hợp và cải tạo dựa trên tòa Bảo tàng hải quân, cùng nhiều hiện vật đang được lưu trữ ngay tại vị trí đó. Năm 2008, chính quyền thành phố bắt đầu cho cải tạo, trùng tu Bảo tàng trước khi được mở cửa trở lại vào năm 2013.
Công ty Teget Architecture - từng thực hiện nhiều công trình công cộng, công trình văn hóa, nhà ở tại Istanbul - đơn vị thắng giải thiết kế, đã kết hợp với một số kiến trúc sư danh tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện dự án. Công trình được yêu cầu phải hài hòa và tăng thêm giá trị, cũng như bao hàm những giá trị, để tận dụng các di sản sẵn có bao quanh như hai đền thờ hồi giáo Sinan Pasa và Ortakoy, quảng trường nơi có tượng đài và lăng mộ của đô đốc Barbaros Hayreddin, từng rất nổi tiếng quanh vùng Địa Trung Hải. Mục đích là tạo nên một công trình không chỉ chứa đựng, cung cấp thông tin về văn hóa lịch sử mà còn là một điểm du lịch thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Điều đặc biệt nữa là Bảo tàng nằm gần lâu đài Dolambache (Dolambache Palace) rộng lớn, như một phần bổ sung độc đáo về cuộc sống của các sultan dành cho khách đến thăm.
Thiết bị hỗ trợ thở dưới nước đầu tiên từng được phát minh vào thế kỷ 16
Mô tả về công việc, kiến trúc sư Mehmet Kutukcuoglu, là đối tác của Teget viết rằng yêu cầu của thiết kế là “tạo ra một không gian triển lãm, trong đó mang lại những điều kiện hợp lý và kế hoạch hậu cần cần thiết mà không phải vận chuyển bộ sưu tập mong manh này ra khỏi vị trí, cũng như quản lý tất cả trong một không gian hạn hẹp”. Vì thế họ đã phải thực hiện nhiều giai đoạn và cách thức nhằm giảm thiểu di chuyển bộ sưu tập khi lắp ráp, xây dựng công trình.
Lấy cảm hứng từ di sản hàng hải, thiết kế của Bảo tàng dùng những khối hình học, vật liệu đồng, đá với những tấm sợi trắng cũng như bề mặt quay ra dòng nước. Cách bài trí, thiết kế mang lại tầm nhìn tối đa cho bộ sưu tập trải dài phía bên trong và hướng tầm mắt ra bên ngoài. Thêm vào đó, bảo tàng tạo nên sự kết nối năng động và khác biệt đối với người thăm viếng và không gian bên ngoài. Từng góc trong tòa nhà sẽ là một vị trí giúp khách khám phá những ngóc ngách khác nhau của thành phố phía bên ngoài, từ dòng Bosphorus cho đến những con tàu, phà qua lại trên sông, hay công viên luôn đông đúc những bạn trẻ trượt ván và những khách bộ hành vội vã bước đi.
Thuyền gỗ nhỏ dùng di chuyển cự ly ngắn
Hơn chục năm trước, một nhóm nhân viên các chương trình nhân đạo và cựu chiến binh Mỹ từng có ý định quyên góp tiền giúp Việt Nam xây dựng một công trình tương tự như Bảo tàng hàng hải Istanbul, vì lịch sử của Việt Nam cũng gắn bó chặt chẽ với giao thương hàng hải và các trận chiến trên sông nước. Tuy nhiên, dự án này dường như đã đi vào dĩ vãng, trong khi dấu ấn lịch sử cũng như những dấu tích về các hải cảng dọc biển Việt Nam, từ bãi cọc Bạch Đằng ở Quảng Ninh đến thương cảng Hội An hay xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn, đều bị phân tán và mất hết dấu vết do quá trình đô thị hóa thiếu các kế hoạch bảo tồn hay tích hợp di sản vào các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng hiện đại... tại Việt Nam.
Bài và ảnh: Ninh Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét