Belarus (tên chính thức Cộng hòa Belarus) là quốc gia không giáp biển ở phía đông châu Âu. Nước này có biên giới với Ukraine, Ba Lan, Nga, Litva và Latvia. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Belarus và tiếng Nga.
Lâu đài Nesvizh tại thành phố Nyasvizh của Belarus, được công nhận là di sản thế giới năm 2005. Ảnh: Flickr
|
Belarus rộng hơn 207 nghìn km vuông, xếp thứ 84 thế giới về kích thước. Theo Visit Belarus, trái với suy nghĩ của nhiều người, đây không phải là quốc gia nhỏ bậc nhất châu Âu mà có diện tích trung bình khi so với các nước khác trong khu vực. Lãnh thổ của nó tương đương Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ và Hungary cộng lại.
Dân số Belarus tính đến năm 2018 gần 9,5 triệu, xếp thứ 94 thế giới. Mật độ dân số khá thấp, chỉ 47 người trên một km vuông. Điều thú vị là các quốc gia được đề cập ở trên, có thể chứa gọn trong lãnh thổ Belarus, có tổng dân số lên đến 46,3 triệu.
Thủ đô Belarus là Minsk
Bạn có biết Minsk đã bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh thế giới thứ hai? Theo Visit Belarus, kế hoạch đầu tiên của chính phủ là xây dựng lại thành phố này ở một nơi khác, cách nơi ban đầu khoảng 30 km. Tuy nhiên, noi gương Warsaw (thủ đô Ba Lan), thủ đô được xây dựng lại ở cùng một địa điểm và giờ đây sở hữu rất nhiều điểm hấp dẫn du khách.
Không chỉ lớn nhất cả nước (gần 350 km vuông), Minsk là thành phố rất an toàn. Trong danh sách 378 thành phố nguy hiểm nhất do Numbeo xếp hạng, Minsk đứng thứ 351 về độ nguy hiểm, tức an toàn nhất trong số nước thuộc Liên Xô cũ. Belarus cũng là một trong số quốc gia an toàn nhất trên thế giới theo thống kê.
Independence Avenue, con đường dài nhất Belarus (15 km) nằm ở thủ đô Minsk. Ảnh: Dmitry Shytsko
|
Khác với nhiều thành phố lớn, Minsk rất ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và các phương tiện công cộng luôn đúng giờ, đôi lúc chênh lệch chỉ vài phút. Nó cũng tương đối yên tĩnh vào ban đêm, có ít câu lạc bộ và quán bar.
Thư viện Quốc gia Belarus mở cửa năm 2006 tại Minsk, là một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Với tổng diện tích 112 nghìn mét vuông, trong đó sách chiếm 55 nghìn mét vuông, toàn bộ kiến trúc này nặng 115 nghìn tấn.
Con đường dài nhất ở Belarus là Independence Avenue ở Minsk. Trong suốt chiều dài lịch sử, nó không chỉ phát triển về chiều dài và chiều rộng, mà còn đổi tên nhiều lần, trải qua 14 tên gọi. Đây là một trong những con đường dài nhất châu Âu, một ứng cử viên trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO
Belarus là đất nước rất 'xanh'
Những nhận xét đầu tiên của nhiều du khách khi ghé thăm Belarus là xanh, sạch và an toàn. Rừng, sông và hồ chiếm một phần lớn lãnh thổ Belarus, khiến đất nước này được mệnh danh là "lá phổi của châu Âu". Tỷ lệ rừng là 40%, thể hiện qua một phần màu xanh lá cây trên quốc kỳ Belarus.
Rừng Bialowieza ở biên giới Belarus và Ba Lan là khu rừng lớn nhất và lâu đời nhất châu Âu.
Rừng Bialowieza là nơi sinh sống của 800 con bò bison châu Âu, loài động vật hoang dã nặng nhất châu lục này. Ảnh: Just Fun Facts
Đỏ là màu chủ đạo trên quốc kỳ Belarus
Quốc kỳ Belarus có hai sọc ngang không đều nhau màu đỏ và xanh lá cây, một sọc dọc in hình thêu màu đỏ và trắng ở phía cán cờ. Tỷ lệ chiều rộng và chiều dài của cờ là 1:2. Màu đỏ chiếm diện tích lớn nhất trên lá cờ.
Các dân tộc Slav của Belarus trong quá khứ từng bị cai trị bởi Phổ, Ba Lan, Litva và Nga. Do đó không có biểu tượng quốc gia đặc biệt nào được phát triển cho đến thế kỷ 20, khi Belarus lần đầu giành độc lập. Với sự sụp đổ của Đế quốc Nga gần cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Cộng hòa Nhân dân Belarus ra đời và tồn tại trong thời gian ngắn. Lá cờ đầu tiên màu trắng trơn, phản ánh tên của quốc gia, có nghĩa "Bạch Nga".
Sau đó, một sọc ngang màu đỏ đã được thêm vào vị trí trung tâm của lá cờ. Những màu sắc này bắt nguồn từ quốc huy truyền thống được Belarus sử dụng dưới sự cai trị của Litva, có hình chiếc khiên màu đỏ với một con ngựa trắng và một hiệp sĩ.
Có thời điểm các lực lượng cộng sản ở Belarus đã sử dụng một lá cờ đỏ trơn, sau đó in thêm chữ màu vàng hoặc trắng. Năm 1951, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorussia, một trong 15 nước cộng hòa của Liên Xô, tiền thân của Cộng hòa Belarus đã tạo ra một lá cờ đặc biệt, có hai sọc ngang không đều nhau, gồm màu đỏ (tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản) và màu xanh lục nhạt (tượng trưng cho các cánh đồng và khu rừng của đất nước); cây búa vàng, liềm và ngôi sao của chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trên dải màu đỏ. Ngoài ra, một sọc dọc đặc biệt đã được thêm vào phía trái, đó là mẫu thêu màu trắng trên nền đỏ, thiết kế điển hình trên áo cánh và áo sơ mi của người nông dân.
Sau sự sụp đổ của chính phủ cộng sản vào năm 1991, lá cờ trắng - đỏ cũ lại được thông qua. Tuy nhiên, vào ngày 7 tháng 6 năm 1995, thiết kế cờ của Liên Xô cũ được hồi sinh, mặc dù búa, liềm và biểu tượng ngôi sao bị xóa bỏ, mẫu thêu chuyển thành màu đỏ trên nền trắng.
Lập trình viên ở Belarus được trả lương vượt trội so với các nước khác
Ở Belarus, nhiều trẻ mơ ước trở thành lập trình viên. Tại đất nước này, đó là một nghề rất uy tín, mức lương cao hơn tất cả nước láng giềng, trong khi mức lương trung bình ở Belarus thuộc nhóm thấp nhất ở châu Âu.
Belarus được coi là "thung lũng Silicon" của Đông Âu. Khoảng 10 năm trước, High Tech Park (Khu Công nghệ cao) đã ra đời, hiện có khoảng 170 công ty và 27.000 chuyên gia công nghệ thông tin làm việc.
EPAM nổi bật trong số các công ty công nghệ thông tin, được đăng ký trên thị trường chứng khoán New York với doanh thu hàng năm hơn 1 triệu USD. Công ty Wargaming, hãng sáng lập trò chơi World of Tanks phổ biến, hiện có 6.000 nhân viên và 120 triệu người dùng trên toàn thế giới.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét