Vatican là quốc gia độc lập có diện tích nhỏ nhất thế giới đồng thời cũng là nước có dân số ít nhất.
Bản đồ Vatican. Ảnh: Geographic Guide
|
Theo Fact Monster, Thành quốc Vatican (Vatican City State, tiếng Italy là Stato della Città del Vaticano) có diện tích 0,44 km2, chỉ bằng 1/8 công viên trung tâm ở New York (Mỹ). Đất nước này nằm gọn trong lòng thành phố Rome của Italy và được bao bọc bởi các tường thành kín.
Còn theo cổng thông tin điện tử Vatican City State, dân số nước này hiện khoảng 800 khiến Vatican là quốc gia ít dân nhất. Trong đó 450 người có quốc tịch Vatican, số còn lại là dân cư trú tạm thời hoặc vĩnh viễn mà không có quyền công dân. Khoảng một nửa số công dân của Vatican không sống trong đất nước của họ bởi nghề nghiệp của những người này chủ yếu là nhân viên ngoại giao.
Khi nhắc tới Vatican cần phân biệt hai khái niệm "Tòa thánh Vatican" (the Holy See) và "Thành quốc Vatican (Vatican City State). Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo Roma toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước. Còn Thành quốc Vatican là vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh và có những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, bệnh viện, bưu chính...
Lực lượng bảo vệ an toàn cho Vatican là đội vệ binh Thụy Sĩ
Theo The Telegraph, “The Swiss Guard” - đội vệ binh người Thụy Sĩ là những người chịu trách nhiệm bảo vệ Đức Giáo hoàng - người đứng đầu Vatican và sự an toàn của Vatican nói chung.
Đội vệ binh người Thụy Sĩ ở Vatican. Ảnh: Italy Magazine
|
Khi đến Vatican, du khách có thể dễ dàng nhận ra đội vệ binh người Thụy Sĩ trong bộ trang phục gồm ba màu đỏ, vàng, xanh theo phong cách thời Phục hưng. Đội quân này gồm hơn 100 người, thường xuyên đi tuần và canh phòng cẩn mật cho cả Thành quốc Vatican. Họ được huấn luyện bài bản, có sức mạnh, kỷ cương và là những tay thiện xạ.
Ngoài đội quân The Swiss Guard, cộng đồng lớn nhất ở Vatican là những vị cha xứ từ khắp các nước đến sống và học tập.
Vatican sử dụng đồng Euro
Đơn vị tiền tệ của Vatican là đồng Euro. Theo tài liệu đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, khác với các quốc gia thông thường, Tòa thánh Vatican có nền kinh tế khá đặc thù với ba nguồn thu chính.
Thứ nhất là Ngân hàng Vatican - nơi quản lý mọi hoạt động tài chính, dùng đồng Euro và đồng xu riêng. Thứ hai là khoản thu St Peter's Pence - đóng góp tự nguyện của du khách khi thăm quảng trường St Peter. Thứ ba là khoản đầu tư của Vatican ở các ngân hàng, tổ chức tài chính toàn cầu.
Các khoản thu này dùng để chi cho các hoạt động của Giáo triều, các cơ quan đại diện ngoại giao và các ấn phẩm báo chí. Còn Thành quốc Vatican có ngân sách riêng thu từ việc bán tem thư, đồng xu, đồ lưu niệm, vé vào bảo tàng và in sách.
Ngoài ra, hàng năm các giáo phận có các cuộc quyên góp cho quỹ Peter's Pence để Giáo hoàng dùng làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo và trợ giúp các nước đang phát triển.
Vatican không áp bất kỳ khoản thuế nào đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh tế trong phạm vi thành Vatican. Nhân viên của Vatican không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế xăng dầu hay hàng hóa mua tại đất nước này.
Quốc kỳ Vatican hình vuông
Vatican được biết đến là một trong hai quốc gia có chủ quyền sử dụng lá cờ hình vuông. Nước còn lại là Thụy Sĩ.
Quốc kỳ Vatican. Ảnh: Flag of countries
|
Theo World Atlas, quốc kỳ Vatican còn có tên gọi khác là cờ Tòa thánh, được thông qua vào ngày 7/6/1929. Và theo Britannica, nó được đưa vào sử dụng một ngày sau đó.
Nền cờ Vatican được chia làm hai phần bằng nhau với hai màu vàng và trắng tượng trưng cho màu sắc của chìa khóa Thánh St. Peter. Trong phần màu trắng có một biểu tượng với một chiếc chìa khóa vàng và một chiếc chìa khóa bạc được gắn kết với nhau bởi một sợi dây màu đỏ. Phía trên hai trước chìa khóa là vương miện của Giáo hoàng.
Vatican có một di sản được UNESCO công nhận
Vatican chỉ có một di sản được UNESCO công nhận vào năm 1984 là thành Vatican. Đây là di sản duy nhất trên thế giới gồm trọn vẹn một quốc gia.
Nằm trong lòng Italy, Vatican như một thế giới thu nhỏ của kiến trúc, điêu khắc và hội họa Italy. Mọi ngóc ngách của đất nước này đều có những công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật mà UNESCO mô tả là “bộ sưu tập kiệt tác nghệ thuật và kiến trúc độc đáo".
Quảng trường St Peter. Ảnh: Wired
|
Nhắc tới Vatican, không thể không nhắc tới quảng trường St. Peter - một trong những quảng trường cổ kính nổi tiếng nhất thế giới. Giữa quảng trường này là một ngọn tháp lớn có trọng lượng khoảng 350 tấn và những hàng cột uy nghiêm.
Cùng với quảng trường là thánh đường St. Peter được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4. Tiếp giáp với khu vực này là cung điện và khu vườn. Vườn thành Vatican chiếm hơn một nửa lãnh thổ đất nước, được trang trí với đài phun nước và nhiều tác phẩm điêu khắc.
Ngoài ra, Vatican còn có nhà nguyện Sistine, nơi trưng bày các tác phẩm hội họa thời kỳ Phục hưng của nhiều danh họa nổi tiếng như Michelangelo, Perugino, Botticelli hay Cosimo Roselli; hay thư viện, bảo tàng Vatican.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét