Hy Lạp (tên chính thức Cộng hòa Hy Lạp) nằm ở châu Âu, gồm phần đất liền trên bán đảo Balkan, gần 3.000 hòn đảo ở biển Ionia (Địa Trung Hải) và biển Aegean (vùng vịnh nối dài của Địa Trung Hải). Hy Lạp giáp Albania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Macedonia. Diện tích là 131.957 km2, dân số tính đến năm 2018 đạt hơn 11 triệu, theo Worldometers.
Hy Lạp sở hữu nền văn minh rực rỡ bậc nhất thời cổ đại, là cái nôi văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của không chỉ Địa Trung Hải mà còn có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Thế vận hội (Đại hội Thể thao Olympic), một trong những cuộc tranh tài thể thao lớn nhất thế giới, ra đời ở Hy Lạp từ thời cổ đại.
Vòng nguyệt quế từng là phần thưởng dành cho người chiến thắng trong thời cổ đại. Ảnh: Villa Hurmuses
|
Theo History, Thế vận hội cổ đại đầu tiên được tổ chức năm 776 trước công nguyên tại Olympia, địa danh ở miền nam Hy Lạp, nhằm vinh danh thần Zeus. Cuộc thi diễn ra bốn năm một lần trong suốt thời gian dài đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, và được hồi sinh cuối thế kỷ 19.
Thế vận hội hiện đại đầu tiên diễn ra vào năm 1896 tại Athens, gồm 280 người tham gia từ 13 quốc gia. Từ năm 1994, Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội mùa đông được tổ chức riêng biệt, luân phiên hai năm một lần.
Kidz Search cho biết, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, vòng nguyệt quế (hình móng ngựa hoặc hình tròn) đã được dùng để trao cho người chiến thắng tại Olympic, hoặc một số cuộc thi thơ ca. Hoàng đế La Mã cũng thường xuất hiện với hình ảnh đội vòng nguyệt quế.
Câu nói “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” ám chỉ việc một người ỷ lại vào thành tích trong quá khứ và không cố gắng cho hiện tại. Ngày nay, ở một số nơi, vòng nguyệt quế được trao cho sinh viên đại học khi hoàn thành các dự án lớn ngay trước khi tốt nghiệp.
Athens là thành phố lớn nhất Hy Lạp
Thành phố Athens lớn nhất Hy Lạp về diện tích (2.929 km2), theo sau là Thessaloniki và Patras. Dân số Athens năm 2016 là khoảng 665.000.
Theo Culture Trip, với lịch sử 3.400 năm thành lập, hơn 4.000 năm có người sinh sống, Athens là thủ đô lâu đời nhất châu Âu và bậc nhất thế giới.
Athens đã trải qua hầu hết hình thức nhà nước: chế độ quân chủ, dân chủ, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Ra đời từ thời cổ đại, thành phố sở hữu hàng nghìn phong cách kiến trúc, từ Greco - La Mã, tân cổ điển đến hiện đại.
Athens, thủ đô lâu đời nhất châu Âu. Ảnh: Telegraph
|
Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Athena và thần Poseidon từng tranh giành quyền làm người bảo hộ thành phố này. Họ tặng một món quà cho người dân, nhưng cây olive của Athena được cho là có giá trị hơn mạch nước mặn của Poseidon, do đó tên của thành phố được đặt theo tên nữ thần.
Athens không phải là thủ đô duy nhất từ trước tới nay của Hy Lạp. Trong và sau cuộc chiến giành độc lập, thủ đô của đất nước này từng là Nafplio (1821-1834).
Quốc kỳ Hy Lạp có màu trắng và xanh lam
Britannica thông tin, quốc kỳ Hy Lạp gồm chín sọc ngang màu xanh lam và trắng xen kẽ, góc trái trên cùng là hình chữ thập trắng trên nền xanh. Tỷ lệ chiều rộng và chiều dài của lá cờ là 2:3.
Quốc kỳ Hy Lạp tung bay ở làng Oia, đảo Santorini. Ảnh: Matteo Colombo Travel Photography
|
Vào thế kỷ 19, Hy Lạp chịu sự cai trị của Đế quốc Ottoman, nhưng khát khao tự do về tôn giáo và phát triển văn hóa khiến một cuộc nổi loạn dân tộc nổ ra, dẫn đến việc Hy Lạp tuyên bố độc lập vào năm 1821. Tháng 3 năm 1822, màu xanh lam và trắng, thể hiện niềm tin vào Chính thống giáo Hy Lạp, được chính thức sử dụng trong hai phiên bản của quốc kỳ.
Trên đất liền, người dân dùng lá cờ nền xanh với chữ thập trắng kéo dài đến các mép, tượng trưng cho “sự thông thái của Thiên Chúa, tự do và đất nước”. Trên biển, quốc kỳ có năm sọc ngang màu xanh và bốn sọc ngang màu trắng, đại diện cho chín âm tiết của câu khẩu hiệu được các binh sĩ hô vang trong trận chiến giành độc lập, được dịch là “tự do hoặc chết”.
Quốc kỳ Hy Lạp trải qua nhiều lần thay đổi cho đến khi hoàn thiện như ngày nay, trong đó màu xanh đã được điều chỉnh đậm hơn. Luật quốc kỳ hiện tại được thông qua ngày 22/12/1978.
Núi cao nhất Hy Lạp là Olympus
Hy Lạp có địa hình hiểm trở với khoảng 80% diện tích là đồi núi. Pindus là dãy núi chính, nằm ở miền trung đất nước.
Theo World Atlas, Olympus (2.918 m) là ngọn núi cao nhất Hy Lạp và cao thứ hai bán đảo Balkan, sau núi Rila với đỉnh Musala cao 2.925 m. Núi Olympus là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có hệ động thực vật rất phong phú với 32 loài thú, 108 loại chim, nhiều bò sát và các loài rắn, côn trùng, bướm. Công viên quốc gia đầu tiên của Hy Lạp được thành lập năm 1938 tại núi Olympus.
Núi Olympus. Ảnh: Steemit
|
Ngày nay, Olympus là điểm du lịch rất phổ biến, du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Các nhà leo núi xem đây là một mục tiêu để chinh phục. Không chỉ sở hữu khung cảnh hữu tình, Olympus còn là ngọn núi thiêng nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp khiến nhiều người muốn khám phá để tìm hiểu nét đẹp văn hóa cổ đại.
Núi Olympus có 12 vị thần cai trị
Theo thần thoại Hy Lạp, đỉnh núi Olympus do 12 vị thần cai trị (cũng là 12 vị thần chính trong điện thờ của người Hy Lạp): thần Zeus (người lãnh đạo cuộc chiến với các thần khổng lồ Titan và giành được quyền cai trị), Hera (nữ thần hôn nhân và gia đình), Poseidon (thần biển), Demeter (nữ thần sinh sản), Athena (thần trí tuệ), Hestia (thần của bếp lửa), Apollo (thần ánh sáng), Artemis (nữ thần săn bắn), Ares (thần chiến tranh), Aphrodite (thần tình yêu), Hephaestus (thần thợ rèn) và Hermes (người đưa tin cho các thần).
Sau này, Dionysus (thần rượu, tiệc tùng và hoan lạc) thế chỗ cho Hestia. Tùy từng thời điểm lịch sử và địa điểm, một số vị thần trong danh sách cũng được thay thế.
12 vị thần cai trị Olympus. Ảnh: Blogspot
|
Greekmythology thông tin, Platon, nhà triết học lừng danh thời Hy Lạp cổ đại liên hệ 12 vị thần đỉnh Olympus với 12 tháng trong năm, và đề nghị tháng cuối cùng nên dành để vinh danh Hades (thần cai quản địa ngục, phần lớn thời gian sống ở âm phủ) và những người đã khuất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét