TP - Nhắc đến tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), người ta thường nhớ ngay đến núi Hoa Sơn, tháp Đại Nhạn, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Hoa Thanh Trì… Đây được coi là xứ sở của du lịch với gần 36.000 di tích, mỗi điểm đến đều là một tuyệt tác của tạo hóa hay sự công phu của con người, mỗi phút mỗi giờ không lúc nào vắng dấu chân du khách. Nhưng ít ai biết được, ở nơi chốn sầm uất này lại có một nền du lịch bình dị, chân phương đến bất ngờ.
Nếu hỏi đến Thiểm Tây vào mùa nào đẹp nhất, chắc chắn câu trả lời sẽ là mùa Xuân. Mùa này vẫn còn tuyết, ít mưa và thỉnh thoảng hửng lên chút nắng khiên cho trời đất càng long lanh.
“Đại sứ” nông dân
Từ Đà Nẵng, sau chuyến bay bốn giờ, chúng tôi đáp xuống sân bay Hàm Dương Tây An nằm ở rìa thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Từ đó, chạy chừng vài chục cây số nữa, qua cung đường rộng rãi nối tiếp hầm chui sẽ vào trung tâm. Tây An đông đúc, người dân sống trong những tòa chung cư dày đặc cao ngút. Giữa phố, những đền đài, thành trì xưa cổ vẫn giữ vẹn nguyên. Khôi Thiết, cô gái người bản xứ, dẫn chúng tôi đến khu trượt tuyết cách trung tâm hơn một giờ ngồi ô tô. Chúng tôi xuống xe bình thản dạo bộ qua những dãy nhà đơn sơ mộc mạc hai bên đường. Nếu Khôi Thiết không nói, chắc cũng không ai nhận ra đây là lối lên khu trượt tuyết mỗi ngày đón cả ngàn lượt khách.
Khu trượt tuyết là một con dốc thoai thoải nằm giữa hai ngọn núi. Trước khi mang đồ bảo hộ vào tập thử, 3-4 chàng trai bản xứ ngỏ ý sẽ làm người hướng dẫn cho chúng tôi, với mức giá 50 nhân dân tệ mỗi người (tức hơn 150 ngàn đồng). Cả đoàn phân vân, họ vẫn kiên nhẫn đứng chờ, không mặc cả, kì kèo và sẵn sàng miễn phí cho một người trong nhóm làm quà. Vậy thời gian chơi là bao lâu? “Chơi đến khi nào bạn muốn dừng thì thôi”, họ vui vẻ đáp. Những chân trượt nghiệp dư, vụng về ở xứ sở chưa hề thấy tuyết “hành hạ” họ suốt buổi chiều, nhưng họ luôn đáp lại bằng nụ cười và sự khích lệ mạnh dạn trải nghiệm. Họ nói bản thân không phải chân trượt cừ khôi, chỉ là người dân địa phương đã quá sành trượt tuyết. Từ khi có khu này, họ đến hướng dẫn đường trượt cơ bản với giá mềm để tất cả các du khách gần xa đều có thể trải nghiệm. Mùa tuyết tan, họ lại là những anh nông dân thực thụ.
Trời xuống âm 2 độ, cái lạnh ngấm vào da thịt, mọi người ra về và ghé lại dãy nhà ban nãy ngang qua. Ra đó là những nhà hàng phục vụ ăn uống cho du khách. Không tin được vào mắt mình. Không bảng hiệu rình rang, không người hướng dẫn, thậm chí bộ bàn ghế cho khách ngồi còn đơn sơ hơn những bộ bàn đặt trong phòng bếp của mỗi gia đình Việt Nam. Chủ nhà với khuôn mặt quê mùa mời chúng tôi uống trà nóng. Bà vợ từ bếp bưng lên đĩa cơm cùng vài chiếc bánh mỳ to như bánh đa nhưng dày và đặc ruột. Tiếp đó là rau xào, đậu xào, canh hạt kê…, gần 10 món ăn toàn rau củ quả. Bà nói rằng, đây là đặc sản của vùng này, của nhà trồng được, du khách thập phương tới đây đều ăn bữa cơm với các món rau củ đặc trưng như vậy. “Họ có gì thì đãi khách nấy, không mang đặc sản từ nơi khác về. Khí hậu ở đây lạnh nên rất khó nuôi gia súc, gia cầm, thành thử rất hạn chế các món thịt. Bữa ăn của du khách cũng chính là bữa cơm hằng ngày của họ”, Khôi Thiết giải thích. Nhìn quanh, nhiều đoàn du khách nước khác vẫn ăn ngon lành, thích thú trước bữa cơm đầy rau củ. Khi mọi người vừa ngưng đũa, ông chủ nhà hớt hải chạy lên, kêu vẫn còn thêm món cá sông đang chuẩn bị làm. Mọi người nói đã dùng đủ, ông tỏ vẻ ái ngại, không quên dặn thêm ở xứ lạnh này, nấu món nào xong là ăn món đấy, không nấu sẵn, nên các món lên bàn ăn không cùng lúc. Mọi người hãy để ý để bữa ăn của mình trọn vẹn hơn.
Trên đường lên ngọn Hoa Sơn hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng, chúng tôi bắt gặp người dân gùi hàng từ dưới chân núi lên hàng trăm mét. Lạ nỗi lúc bán giá vẫn không đổi, dù mọi người đã bằng lòng đắt gấp năm gấp bảy cũng mua vì thương họ bỏ công. Hỏi ra mới biết, họ cũng như những người ở núi tuyết và nhà hàng lúc trước, đều là nông dân tranh thủ lúc ruộng đồng “giải lao” mùa lạnh đi làm du lịch. Và chính sự chân chất, dễ chịu đã khiến họ trở thành những “đại sứ” du lịch thân thiện để lại ấn tượng ấm áp trong lòng chúng tôi.
Mời thăm bếp hàng tôi
Sau ngọn Hoa Sơn đỏ thắm một góc trời dây ruy băng của các cặp tình nhân thắt lại và bút tích “Hoa sơn luận kiếm” của Kim Dung, Hoa Thanh Trì đẹp đẽ với quần thể cung điện hoành tráng, Binh mã dũng kỳ bí bởi đội quân đất nung…, chúng tôi tìm đến chợ. Bởi chợ chính là văn hóa sống của địa phương.
Chợ đêm bắt đầu vào cuối chiều, khi ấy dãy phố dài cả cây số đã nườm nượp người đi. Hàng khăn, mũ, trái cây sấy khô xếp đầu tiên. Vào sâu bên trong, con phố trở thành căn bếp khổng lồ rộn lên tiếng búa nện thình thịch vào gỗ, tiếng dầu réo sôi, tiếng máy xay rù rù và cả những tràng pháo tay tán thưởng của thực khách. Góc này, hàng bán món bánh chiên thơm phức, cạnh bên chảo giò dê ninh thuốc bắc đỏ tươi bắt mắt, đằng sau là dãy người dài vô tận xếp hàng mua cho bằng được chiếc hamburger phiên bản thịt cừu… Sầm uất hơn cả chợ tết. Có một điều rất khác Việt Nam, tất cả các quầy ăn uống đều rinh căn bếp ra trước, thay vì đằng sau. Nghĩa là cả quá trình chuẩn bị, chế biến, nấu nướng đều phơi cho du khách thấy từ A – Z.
Ở hàng bánh, anh thanh niên gồng đôi tay lực lưỡng vác bao bột đổ xuống thau, cật lực nhào trộn, từng quai búa nhịp nhàng nện xuống mặt gỗ để bột dẻo ra. Tốp người phía ngoài chuyển bột ra thớt chắn từng miếng nhỏ đặt trên bếp nướng rồi cho vào bao. Gian bếp không mấy chốc đã chật ních du khách tới xem, thậm chí xắn tay áo làm bánh cùng họ. Bên hàng thịt xiên, chiếc đùi cừu treo ngay phía trước, ông chủ xẻo từng thớ một, cắt nhỏ, xâu que, đôi tay thoăn thoắt bốc từng nắm gia vị “quăng” xối xả vào thịt trước khi cho lên bếp nướng trước hàng chục cặp mắt mở to. Ông nở nụ cười hiền, mời mọi người ghé thăm gian bếp của mình. Ở hàng miến cừu, chủ quán chẳng ngần ngại bưng nồi nước hầm toàn xương để ngay trước mặt tiền, những bộ xương còn để nguyên nhìn qua đến rùng mình. Thấy chúng tôi có vẻ dè dặt, bà chủ nói rằng, đó là bộ xương cừu sau khi đã lóc thịt. Nếu không có những bộ xương này thì món miến cừu sẽ không bao giờ nên hương vị.
Khôi Thiết giãi bày, đó là văn hóa, đặc trưng ở đây. Một văn hóa không che giấu. Các tiệm ăn muốn mọi người biết được món ăn gồm những gì, nấu như thế nào, và ai là người nấu, nên đều không ngần ngại bưng phần bếp ra trước. Du khách thập phương thoải mái soi xét, giám sát trước khi quyết định ăn hay không. Bà Nguyễn Ngọc Khuyến (62 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vừa thưởng thức món thịt cừu nướng, vừa gật đầu: “Tôi đã đi rất nhiều nước, nhiều khu chợ ẩm thực, song đa số chỉ bán những món ăn liền, đơn giản nên có thể xem họ nấu. Còn khu chợ này, các món đều kỳ công, phức tạp mà vẫn tự tin đem bếp ra trước, không gian hàng nào cấm kỵ phần bếp cả. Mọi người vẫn có thể ra vào, đứng xem hoặc thậm chí nấu cùng. Tôi cho rằng, đây không chỉ là tập tính, văn hóa của họ, mà còn là cách tạo ấn tượng cũng như sự tin tưởng, an tâm trong mắt du khách. Làm sao có thể bất an khi dùng bữa hay mua một sản phẩm mà mình tận mắt chứng kiến cả quá trình làm ra”.
Không chỉ vậy, chợ ẩm thực này còn lôi kéo hàng ngàn thực khách mỗi đêm bởi các siêu đầu bếp không khác gì trong phim. Họ bận áo quần cổ trang, điêu luyện ném từng chiếc bánh mì từ lò nướng tới bàn trúng phóc, cầm dây kẹo kéo dài đến vài mét múa lượn hay xiếc lửa trên các chảo dầu.
Thiểm Tây là tỉnh có tài nguyên du lịch lớn tại Trung Quốc, có 35.800 di tích, 151 bảo tàng, 900.000 văn vật với mật độ dày đặc, đứng đầu cả nước. Thiểm Tây có các tàn tích kiến trúc thành cổ, cung điện cổ, miếu chùa cổ, lăng mộ cổ. Đây cũng là tỉnh nổi trội với các ngành công nghiệp trụ cột như sản xuất hóa chất, luyện kim màu, chế phẩm khoáng sản phi kim, sản phẩm y dược….
THANH TRẦN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét