Nếu bạn hỏi tôi Ai Cập có đáng đi hay không? Tôi sẽ trả lời công bằng mà nói Ai Cập không phải là nơi cảnh đẹp nín thở, nếp người hoang dã mơ mộng như Ladakh (Ấn Độ) hay Iran đã in trong đầu tôi trước đó. Còn Ai Cập, tôi không biết có muốn quay trở lại hay không, nhưng tôi thấy đủ hài lòng vì mình đã có những trải nghiệm trực tiếp ở vùng đất đầy bí ẩn và lịch sử, chứ chẳng phải trong bất kỳ một bộ phim điện ảnh nào đó.
Lịch trình chuyến đi Ai Cập 21 ngày
Ngày 1: Cairo
Cuối cùng chúng tôi cũng đến được Cairo. Sau khi sắp xếp hành lý, ổn định chỗ nghỉ ngơi, tôi cùng nhóm bạn dạo quanh khu chợ Khan El Khalili. Khu chợ cổ này có tuổi đời gần 700 năm, được vua Djaharks el Khalili cho xây dựng năm 1382, và lấy tên của chính ông. Bên cạnh khu chợ là Nhà thờ Hồi giáo Al Hussein Mosque.
18h30 là thời điểm show Al Guri Sufi ở Wikalat al Ghuri, diễn 2 ngày thứ tư và thứ bảy trong tuần. Bạn nên đến sớm khoảng 1 tiếng để lấy vé và chọn chỗ ngồi đẹp, giá vé khoảng 20 EGP (đồng tiền của Ai Cập).
Ngày 2: Chợ Lạc Đà Birqash Camel, thành phố rác Manshiyat Nasr
Sáng thứ sáu, chúng tôi bắt Uber tới chợ Lạc Đà - Birqash Camel Market - nơi chuyên bán lạc đà ở ngoại ô Cairo, cách trung tâm thành phố 60 km. Chợ chỉ mở vào sáng thứ sáu hàng tuần, từ 6h-12h. Vé vào Birqash Camel khoảng 50-70 EGP.
Tới đây bạn sẽ thấy khá ám ảnh khi chứng kiến những chú lạc đà bị thương, còi cọc do quá trình vận chuyển, bị cột 1 chân có lẽ để phô diễn sự dẻo dai hoặc để chủ của chúng dễ kiểm soát.
Trở lại Cairo, chúng tôi tới "thành phố rác" Manshiyat Naser, trước khi tham quan khu ổ chuột và toà nhà vẽ tranh graffiti. Đây là một trong những khu phố nghèo nhất và là nơi sinh sống của cộng đồng Coptic (người Công giáo ở Ai Cập) chuyên nghề lượm rác giữa lòng Cairo.
Từ một ngọn đồi sát bên khu phố Manshiyat Naser, bạn có thể nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật pha trộn tinh tế giữa thư pháp Ả Rập và hình vẽ nguệch ngoạc trên tường với sắc màu rực rỡ đánh bạt hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu của một phố rác.
Ngày 3: Chúng tôi tới Mohamed Ali Mosque, Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất của Ai Cập, mang tên Muhammad Ali, người sáng lập ra nhà nước Ai Cập. Nơi đây được xây dựng theo kiểu kiến trúc Ottomans dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Hy Lạp - Yusuf Bushnak - đến từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tiếp theo là các địa danh như nhà thờ Hồi Giáo Madrassa (mở cửa tất cả các ngày trong tuần), thành cổ Saladin Citadel, và đặc biệt là bảo tàng Ai Cập Egyptian Museum. Tại bảo tàng có xác ướp Hoàng gia được trưng bày trong triển lãm riêng. Du khách sẽ mất thêm phí và không được chụp ảnh (trong hình là quan tài không phải xác ướp).
Xác ướp được bảo quản nhiệt độ riêng, lông mi và tóc vẫn còn nguyên vẹn. Quy trình ướp xác được đánh giá là tỉ mỉ và hoàn hảo nhất là dành cho các Pharaoh, những vị vua tối cao của Ai Cập cổ đại.
Ngày 4, 5: Giza
Khu lăng mộ Giza cách Cairo khoảng 20 km, đi bằng tàu điện bạn sẽ tốn khoảng 20 EGP và tầm 15-20 phút. Chiều bạn có thể thuê khách sạn quanh Giza để nghỉ ngơi vì tầm 17h là hết giờ tham quan.
Bạn lưu ý từ 17h-20h hàng ngày có show Âm thanh và Ánh sáng ở Great Pyramid (kim tự tháp lớn nhất ở Giza), với giá 150 EGP/show. Nếu bạn chọn ở khách sạn có mặt hướng ra quảng trường là có thể ngồi xem nguyên show không cần mua vé.
Great Sphinx, nhân sư tượng nổi tiếng ở Giza, đang đưa mắt như muốn dò xét tôi. |
Ra ngoài thuê khách sạn sau một ngày tham quan, chúng tôi phải lựa chọn đến khách sạn thứ 5 những vẫn không thấy hài lòng. Bỗng tiếng kinh kệ vang lên một cách đồng loạt từ những đỉnh tháp Hồi giáo báo giờ cầu nguyện cho tín đồ. Tiếng kinh thật sự làm tôi sởn da gà, không phải chỉ vì giọng hát cầu nguyện quá hay (chỉ truyền cho người có chất giọng tốt nhất trong các buổi thử giọng) mà còn vì ý nghĩa của thứ âm thanh đẹp đẽ này. Đó chính là cuộc trò chuyện giữa bản thân bạn và thánh Allah?
Kết thúc của lời cầu nguyện bằng cách nói, "as salaam alaikum", peace be unto you, như việc bạn kết thúc một cuộc gặp gỡ với bất cứ ai. Một cuộc gặp gỡ với thượng đế, "hẹn gặp lại, thật tốt đẹp khi được nói chuyện với bạn".
Tiếng kinh kệ vang lên một cách đồng loạt từ những đỉnh tháp Hồi giáo nơi muezzin báo giờ cầu nguyện cho tín đồ. |
Ngày 6, 7, 8, 9: Luxor
Sáng ngủ dậy và tham quan Giza, chúng tôi bắt chuyến tàu từ ga Giza tới Luxor, quãng đường 400 km mất khoảng 10 tiếng. Sau một đêm trên tàu, cả nhóm bắt đầu tham quan Luxor từ khinh khí cầu để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Ngoài ra từ trên cao bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thung lũng các vị Vua và đền Hatshepsut, một trong địa danh nổi tiếng quen thuộc trong các bộ phim của Hollywood.
Lịch trình tiếp theo là tham quan những ngôi đền Luxor Temple, Karnak Temple, tìm hiểu những di tích của cố đô Thebes của Ai Cập.
Ngày 10, 11: Aswan
Kết thúc chặng Luxor, chúng tôi lại lên tàu lửa men theo sông Nile xuống hướng thành phố Aswan, cách đó 225 km.
Địa điểm đầu tiên là làng Nubian, có thể dễ dàng nhận ra ngôi làng ngay từ đầu nhờ vào những ngôi nhà được trang trí sơn phết đầy màu sắc, và những người Nubian (còn gọi là Kush) mang màu da châu Phi khỏe mạnh khác với người Ai Cập da trắng. Họ là dòng dõi con cháu còn sót lại của vương triều hùng mạnh một thời ở thủ phủ Thebes bên bờ sông Nile.
Có thể nhận ra ngay ngôi làng ngay từ đầu nhờ vào những ngôi nhà được trang trí sơn phết đầy màu sắc. |
Địa điểm tiếp theo là đền Philae, còn gọi là Temple of Isis, thờ nữ thần Isis, nữ thần tình yêu, tọa lạc trên hòn đảo phía Nam của Aswan gọi Agilika. Đền Philae trước kia ở đảo Philae, bị chìm ngập trong nước khi xây đập High Dam, được UNESCO và một số quốc gia khác trên thế giới giúp di dời đến Agilika.
Ngày tiếp theo ở Aswan chúng tôi tới tham quan đền Abu Simbel, đây là một khu khảo cổ bao gồm hai ngôi đền lớn tạc từ đá ở phía Tây hồ Nasser và khoảng 290 km phía Tây Nam của Aswan. |
Ngày 12, 13: Từ Luxor đến Hurghada, tham gia vui chơi và lặn biển Đỏ, nhưng thật đang tiếc vì không có bức hình nào.
Ngày 14, 15: Về lại Cairo, lên tàu di chuyển từ Cairo đến thành phố Alexandira.
Có lẽ Alexandria là thành phố tôi thích nhất trong chuyến đi, vì nét cổ kính của những toà nhà, vì gió biển Địa Trung Hải len vào các ngóc ngách đến tận tâm hồn con người ở đây. Một chút gì đó như gã thi sĩ đa tình bị lãng quên...
Thành phố Alexandria dài khoảng 32 km dọc theo bờ Địa Trung Hải. Trước thời huy hoàng của thành Roma, Alexandria là thành phố đông dân nhất của khu vực Địa Trung Hải. Alexandria cũng nổi tiếng nhờ ngọn hải đăng Alexandria, một trong 7 kỳ quan của thế giới thời thượng cổ, khu văn hóa Museion nơi tập trung tinh hoa của giới trí thức Cổ Hy Lạp, và nhiều tòa kiến trúc nổi tiếng khác.
Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, và là hải cảng lớn nhất xứ này. |
Những địa điểm chúng tôi lựa chọn tham quan ở đây là phế tích bến cảng, lò rèn ở bến tàu, khu thành cổ Old Citadel, và thư viện Bibliotheca Alexandrina. Thư viện có những phòng đọc sách chứa được đến 2.000 người đọc, 3 viện bảo tàng, 5 viện nghiên cứu, và nhiều phòng triển lãm. Có đến 7 tầng đọc sách, trong đó 4 tầng nằm dưới mực nước biển.
Thư viện Alexandria là thư viện lớn nhất thế giới, được khánh thành ngày 16/10/2002. |
Ngày 16, 17, 18: Oasis Siwa
Ốc đảo Siwa mang nét kiến trúc cổ kính, nhưng điều ấn tượng ở đây là có rất nhiều cây chà là, đến nỗi quả chà là rụng kín lối đi cũng không ai bận tâm nhặt. Một số địa điểm nhóm lựa chọn tham quan là hồ muối Siwa, hồ muối El Aswat Aughurmi, và khu phố cổ Shali.
Khu phố cổ Shali là một khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt, tuy nhiên một số tòa nhà của khu phố vẫn còn đang được sử dụng. Nhưng do xây dựng từ muối, bùn, đá và thạch cao, nên chúng có xu hướng đổ nát dần mỗi năm. Khu vực này có từ thế kỷ 13.
Khu bảo tồn phố cổ Shali nằm ở trung tâm ốc đảo Siwa. |
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của chúng tôi, khi cả đoàn tiến vào biển cát bất tận của sa mạc Sahara. Chúng tôi được đưa đi tham quan sa mạc bằng xe địa hình, đến tối ngủ lại lều trại giữa sa mạc.
Điều bất ngờ ở đây là khi mấy người đầu bếp đào cát lên một nồi gà chôn sâu dưới lớp than, gọi là "gà nướng sa mạc", ăn rất ngon. Màn đêm buông xuống là lúc mọi người tụ tập quanh đống lửa trại, hay kiếm một góc nhìn ngắm bầu trời đầy sao.
Ngày 19, 20, 21: Cairo, Faiyum
Trở lại Cairo, chúng tôi lựa chọn Faiyum làm điểm tiếp theo cuộc hành trình, cách Cairo 100 km về hướng tây nam. Kế tiếp hướng đó là thung lũng cá voi Wadi Al Hitan, một địa điểm cổ sinh vật tại thung lũng Faiyum của Ai Cập, cách Cairo khoảng 150 km. Wadi Al Hitan có chứa hóa thạch của phân bộ cá voi cổ đã tuyệt chủng, sự tiến hóa của cá voi từ trên cạn sang động vật có vú dưới biển.
Một số thông tin cần biết
Tỉ giá: 1 USD = 17.65 EGP (Egypt Pound)
Di chuyển: Sử dụng tàu điện ngầm hoặc uber. Ưu điểm là giá tốt hơn taxi thông thường mà không sợ bị chặt chém. Nhưng nhược điểm là vào giờ cao điểm rất dễ kẹt xe, và chỉ có ở các thành phố lớn như Cairo, Giza, Alexandria. Di chuyển ở những vùng khó khăn hơn bạn có thể lựa chọn tàu hỏa, xe bus.
Tổng chi phí cho chuyến đi này tôi ước tính khoảng 35 triệu đồng, trong đó tiền vé máy bay là tốn kém nhất, dù đặt trước 1 tháng nhưng cũng mất tới 18 triệu đồng. |
Travel blogger Nhị Đặng
Cover: Phượng Nguyễn
Cover: Phượng Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét