Những con rắn hổ mang hoang dã, cực độc và hung dữ lại trở nên hiền lành, quấn quýt với con người, thậm chí bị con người thôi miên và sai bảo. Đó là hình ảnh thường thấy ở những ngôi làng của người Vadi - bộ tộc được mệnh danh là "mê" rắn bậc nhất thế giới, sống ở phía Nam bang Gujarat, Ấn Độ.
Bộ tộc Vadi có khoảng 600 người, họ sống cuộc sống du mục nay đây mai đó. Thôi miên rắn không chỉ là tập tục lạ lùng, độc đáo trong đời sống tinh thần của người Vadi mà còn là cách để họ thích nghi với việc thay đổi môi trường sống liên tục.
Người Vadi quan niệm rằng, vì họ không bao giờ ở lại một nơi nào quá 6 tháng, nên phải tập làm quen với loài rắn, đặc biệt là rắn hổ mang, nếu muốn sinh tồn. Vì vậy, với họ việc học thôi miên rắn không phải chỉ để kiếm tiền, mua vui, mà nó là thước đo đánh giá sự trưởng thành của một đứa trẻ.
Tuy nhiên, việc thôi miên rắn, sai khiến những con rắn say sưa lắc lư theo tiếng kèn của mình không hề đơn giản, những người Vadi phải làm quen, sống và học thôi miên rắn tại một ngôi trường đặc biệt từ năm 2 tuổi. Quá trình học diễn ra liên tục và kéo dài đến tận 10 năm, khoảng thời gian mà theo người Vadi thì vừa đủ để hiểu mọi thứ về loài rắn hổ mang và trở thành một người thôi miên rắn chuyên nghiệp.
Trong trường học đặc biệt này, những đứa trẻ được đảm nhận công việc riêng theo giới tính của chúng. Những bé trai học cách để thôi miên rắn theo tiếng kèn của mình, học cách thổi kèn, cách mở nắp những chiếc mũ để những con hổ mang bành mình vươn dậy và lắc lư theo điệu nhạc.
Trong khi đó, những bé gái sẽ được dạy cách chăm sóc cho những con rắn để chúng luôn được khỏe mạnh và sạch sẽ. Bên cạnh đó, các bé gái cũng học cách quan sát, gần gũi những con rắn, đề phòng lúc bố, anh trai hoặc chồng không có ở nhà.
Đến năm 12 tuổi, khi đã hiểu hết về loài rắn, chúng sẽ được “tốt nghiệp”. Đứa trẻ nào có khả năng thôi miên hay kỹ năng chăm sóc rắn kỹ lưỡng hơn được đánh giá là trưởng thành hơn.
Với người bình thường, việc đối mặt với những con rắn hổ mang bành thực sự là điều đáng sợ. Tuy nhiên, với bất kỳ đứa trẻ nào ở bộ tộc Vadi, việc ôm ấp, kéo đuôi, vắt con rắn lên vai, quấn quanh cổ, nô đùa, nghịch ngợm cùng những con rắn là điều rất đỗi quen thuộc. Được biết, trẻ em Vadi có thể vô tư chơi đùa với các loài rắn độc, bởi chúng đã được cho ăn một loại lá cây có tác dụng vô hiệu hóa nọc độc. Vì vậy, rắn hổ mang như những người bạn thân thiết của trẻ em bộ tộc Vadi.
Theo kinh nghiệm của người Vadi, họ bắt rắn từ tự nhiên để thuần hóa, song họ chỉ giữ rắn bên mình không quá 7 tháng. Nếu sau 7 tháng, con rắn hổ mang chưa được thả tự do thì sẽ rất hung dữ và dễ gây nguy hiểm cho con người, kể cả người gắn bó với nó nhất.
Từ năm 1991 cho đến nay, chính quyền Ấn Độ đã ra lệnh cấm việc thôi miên rắn vì nhận định đó là việc rất nguy hiểm với những đứa trẻ, đồng thời ảnh hưởng không tốt đến đời sống hoang dã của loài rắn. Với lý luận của mình, người Vadi kiên quyết không từ bỏ phong tục truyền thống đã có từ hàng ngàn năm của bộ tộc mình.
Mặc dù vậy, những thành viên trong bộ tộc vẫn luôn tự hào về mối quan hệ bí ẩn giữa họ với loài rắn hổ mang bành và mong muốn truyền thống này sẽ được con cháu những người Vadi gìn giữ cho đến muôn đời sau. Người Vadi tin rằng, việc họ làm sẽ không bao giờ khiến những con rắn bị tổn thương, chúng cũng không bao giờ làm hại bất kỳ ai nếu người đó không có ý đồ làm bị thương nó.
Theo Báo Giao thông