(NLĐO) – Chưa có món ăn nào làm vị giác của chúng tôi đảo điên như món bún xào chan nước sốt ở Indonesia, nhưng vì thể diện người Việt Nam, tôi cố nuốt trong ngọt bùi và cay đắng.
Tôi là một đứa dễ ăn và chưa bao giờ từ chối thử món lạ trên đường du lịch. Với phương châm không bỏ mứa thức ăn và không làm mất mặt người Việt, đi đâu tôi cũng ăn hết phần của mình dù ngon dù dở. Trong một lần đi bụi ở Indonesia, tôi khư khư giữ lập trường đó và phải trả giá đắt với món bún trộn tỏi ớt, vỏ chanh, đường tán ở đảo Samosir, hồ Toba, Sumatra.
Tô bún xào sốt ngũ vị ám ảnh
Hôm đó là một sáng đẹp trời, tôi cùng người bạn thuê xe máy chạy loanh quanh trên đảo. Thấy người ta bu đông một quầy hàng bán đồ ăn sáng chúng tôi cũng háo hức sà vào.
Trong cái thau lớn đựng bún gạo đã trụng chín, một góc khác là bắp cải, lá mì, đậu đũa, dưa leo xắt nhỏ. A, hóa ra ở Indonesia cũng có món bún gạo xào chay như ở Việt Nam, chúng tôi gọi 1 tô ăn thử. Trong khi chị chủ chế biến thì chúng tôi loay hoay chụp ảnh chợ búa.
Bún và rau trông khá dễ ăn
Đến khi nhận tô bún trong tay chị, nếm vào một đũa và rất kiềm chế để không phun ra: Sợi bún nhạt thếch, bắp cải dưa leo giòn rao ráo trong khi nước sốt thì ngọt lịm trong cổ.
Tôi trợn mắt nuốt mà không biết mình đang ăn chè hay ăn bún, chưa kể và vị cay của ớt, nồng của vỏ chanh cứ xộc vào mũi.
Tôi ngừng đũa, quan sát cái quy trình cho ra tô bún thần thánh mà bà chủ đang thoăn thoắt chế biến cho rất nhiều người đứng đợi xung quanh.
Trên cái cối đá nhỏ xinh chị lạng một mớ vỏ chanh cho vào, 3-4 trái ớt (hèn chi cay xè), 2 tép tỏi xắt mỏng rồi dùng một hòn đá nghiền nát. Tiếp theo chị cho xíu muối, 1 muỗng đậu phộng đã giã giập cho vào. Và… trời ơi, một cục đường tán to bằng ba ngón tay cũng được nghiền nát trong mớ hỗn hợp đó.
Nghiền gia vị làm sốt trên cối đá
Khi mọi thứ được nghiền nát, trộn lẫn thành một dung dịch sền sệt, chị vét tất cả vào tô có để sẵn bún gạo, rau các loại. Khách cứ thế trộn lên mà ăn.
Là bún, là rau nhưng lại được ăn cùng với nước sốt có đủ thứ vị: Ngọt của đường; béo của đậu phộng; cay của ớt; nồng của tỏi, vỏ chanh, nhàn nhạt của rau, bún. Những mùi, những vị như vậy kết hợp một cách kỳ quặc như vậy khiến vị giác tôi đảo điên.
Tuy nhiên, mọi người ở đây đều ăn cái món kỳ quặc đó với vẻ rất ngon miệng nên chúng tôi không dám làm điều gì vô duyên và cố nuốt.
Ừ thì có đậu phộng, có mùi vỏ chanh nên có vẻ giống như món gỏi của người Bắc. Ừ thì có vị béo vị ngọt và bún thì có vẻ như là bánh tằm miền Tây. Có đường ngọt lịm lại hòa với đậu phộng thì coi như đang ăn bánh trôi vậy.
Cũng may tô bún không quá lớn nên mỗi đứa và 5 đũa là sạch trơn. Mọi người xung quanh cười thích thú, cứ ra dấu hỏi ngon không và chúng tôi chỉ biết cười méo mó.
Người Toba rất hồn hậu, vui tính
Đặt tên cho món ăn đó là bún xào sốt ngũ vị, chúng tôi xem đó là kỷ niệm nhớ đời trong quá trình lê la, khám phá ẩm thực của xứ vạn đảo.
Mà đúng là nhớ đời bởi đã mấy tháng trôi qua nhưng tôi vẫn chưa ăn lại được món gỏi gà trộn theo phong cách Bắc. Bởi cái mùi đậu phộng và vỏ chanh cứ thoang thoảng, nhắc nhớ cái món bún xào sốt ngũ vị thần thánh ở Toba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét