TP - Hơn 2.000 năm trôi qua, nhưng đến nay, người dân ở thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh vẫn duy trì lễ cầu an sông Hằng hàng ngày. Với người Ấn, tục đốt xác trên sông Hằng, uống nước sông Hằng, tắm trên sông Hằng để gột rửa bụi trần dường như chẳng liên quan gì đến việc sông Hằng đang trở thành một trong 5 con sông ô nhiễm nhất thế giới.
Cuộc sống bao đời nay ở Ấn Ðộ vẫn chưa dễ thay đổi: Ðàn ông đi bán hàng, đàn bà đi mua sắm. Ảnh: L.A.
Check in khách sạn mất 4 tiếng
Trước khi sang Ấn, tôi được một số người bạn đã từng đi Ấn Ðộ cảnh báo: "Giờ giấc Ấn Ðộ còn cao su hơn cả Việt Nam đấy". Quả thật, phần lớn lịch trình làm việc của đoàn công tác chúng tôi sang Ấn Ðộ hồi tháng 10/2016 đều bị chậm lại từ 30 phút đến một tiếng là chuyện bình thường.
Chúng tôi tới New Delhi vào lúc tối muộn. Ai cũng đều khá mệt mỏi sau một chặng bay dài. Thế nhưng, mọi mệt mỏi dường như tan biến khi được đón tiếp khá trọng thị tại khách sạn. Từng du khách đều lần lượt được tặng vòng hoa vào cổ với lời chúc mừng quý vị đã tới Ấn Ðộ. Sau đó, các quý khách dài cổ chờ nhận phòng, dù nhân viên khách sạn khá đông. Tôi có cảm tưởng toàn bộ nhân viên khách sạn được huy động để đón tiếp những vị khách lúc nửa đêm như chúng tôi. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi háo hức đi dạo quanh khách sạn một vòng (khách sạn khá rộng lớn), chụp ảnh ở các góc đẹp, độc, lạ của khách sạn, chụp đủ các tư thế đứng ngồi... mà vẫn chưa tới lượt nhận phòng. Tính ra, chúng tôi phải chờ đợi 3-4 tiếng đồng hồ. Có người mệt quá, tranh thủ ra ghế sofa ở phòng chờ của khách sạn chợp mắt.
Hôm chúng tôi bay từ New Dehli tới bang Varanasi, cả đoàn gần 300 người được bay bằng hai chuyên cơ riêng, mỗi chuyến cách nhau 1 tiếng đồng hồ. Ðoàn chúng tôi đi chuyến trước. Sau khi tất cả mọi người xuống lấy hành lý, làm thủ tục hải quan và lên xe bus chờ gần hai tiếng đồng hồ mới được đưa về khách sạn. Sau đó,chúng tôi mới được biết do có 2 hành khách bị trục trặc về mặt giấy tờ, nên hơn 150 con người bị ách lại ở sân bay. Cuối cùng, đoàn của chuyến bay trước và chuyến bay sau đều cùng nhau lăn bánh về khách sạn. Cũng tự an ủi rằng, đây là đoàn VIP và vì lý do an ninh nên không thể có chuyện người đi trước, người đi sau.
Sáng sớm hôm sau, đoàn khởi hành đi thăm bảo tháp Dhamekh, chúng tôi cố gắng ra xe đúng giờ để không làm ảnh hưởng tới lịch trình chung của cả đoàn, vì chỉ một người ra xe chậm, cả đoàn sẽ phải chờ. Vậy mà khi lên xe, xe nổ máy đi được khoảng dăm mét, cả đoàn được lệnh dừng lại. Ðoàn xe hơn 10 chiếc cứ thế đứng giữa đường chờ đợi. May thành phố Varanasi cũng khá vắng vẻ nên không gây ách tắc giao thông, dù là ngày thứ hai đầu tuần.
Lễ cầu an sông Hằng duy trì hơn 2.000 năm nay
Nhờ có thời gian chờ đợi này, tôi tranh thủ xuống xe ngắm cảnh làng quê Ấn Ðộ. 7 giờ sáng, tôi vẫn thấy một vài người ra sông tắm khi những tia nắng đầu ngày rọi xuống dòng sông. Theo một cán bộ của Bộ Du lịch Ấn Ðộ, ở những vùng có sông Hằng chảy qua, người dân vẫn thường tắm táp ở bên sông.
Hơn 2.000 năm qua, lễ cầu an cho sông Hằng, gọi là Arti, vẫn được duy trì đều đặn, tại bờ sông Hằng chảy qua địa phận thành phố Varanasi, bang Ultar Pradesh của Ấn Ðộ. Nghi lễ cầu an được tiến hành vào buổi chiều hằng ngày tuỳ theo mùa (mùa lạnh làm sớm hơn, mùa nóng muộn hơn). Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến lễ cầu an trên sông Hằng vào một tối tháng 10. Cả khúc sông sáng rực đèn, nhộn nhịp tiếng nhạc, người dân đứng kín dọc bờ sông để chứng kiến nghi lễ cầu an. Người dẫn đoàn cho tôi biết, đêm nào khúc sông này cũng như ngày hội, không lớn thì nhỏ.
Trong nghi lễ cầu an, người chủ lễ sẽ thành kính thả xuống sông một chút sữa bò, một chút gạo, một vài nhánh cây, một vài bông hoa... với mong muốn dòng sông mẹ vĩ đại mang lại cho họ cuộc sống an lành. Ðiều cần lưu ý, khi bước xuống nước, bạn phải để chân trần ( hoặc có thể mang tất). Họ tối kị đi giày dép bước xuống sông, vì hành động đó làm ô uế và xúc phạm dòng sông mẹ. Một số du khách nước ngoài không biết điều cấm kị này đã bị người dân Ấn la ó hoặc bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Toàn cảnh khu vực đốt xác.
Ðốt xác thả sông, tắm và uống nước sông Hằng
Sông Hằng được coi dòng sông mẹ thiêng liêng của người Ấn. Nó dài hơn 2.000 km và chảy qua nhiều bang của Ấn Ðộ với số lượng cư dân lên tới hàng triệu người. Người Ấn có niềm tin tuyệt đối vào dòng sông mẹ. Tất cả những gì được nhúng xuống dòng sông mẹ đều được cho là sẽ tẩy sạch tội lỗi. Chính vì thế, gia súc chết, họ cũng thả xuống sông. Người chết được rửa bằng nước sông Hằng, rồi đem thiêu ngay bên sông và tro lại được thả xuống sông. Họ hy vọng làm thế thì người chết được siêu thoát. Người sống thì tắm nước sông Hằng, uống nước sông Hằng cũng với mong ước tẩy sạch tội lỗi.
Những hoạt động này hiện nay vẫn diễn ra thường ngày dọc các vùng bên sông Hằng. Người ta xây các bậc thập cấp, hay còn gọi là Ghats, để thiêu xác chết. Nhiều thành viên trong đoàn của tôi đều là những người đã từng học tiến sỹ ở Ấn Ðộ cảnh báo, nếu ai người không khỏe, khi gần đến khu vực Ghats thì nên đeo khẩu trang vì ám khí rất nhiều, mùi rất khó chịu.
Bên này khúc sông, người ta thiêu xác chết, cách đó một đoạn, người dân vẫn tắm rửa, giặt giũ bình thường, thậm chí người ta vẫn uống nước sông Hằng mà chẳng hề hấn gì.
Sóc chạy nhảy tung tăng ở đền thờ.
Ngày nghỉ đi đền, chùa
Ở thủ đô New Dehli hầu như không có hoạt động vui chơi giải trí, ngoài các trung tâm mua sắm. Vào dịp cuối tuần, tôi thấy từng tốp gia đình người Ấn gồm ông bà, cha mẹ, con cái đưa nhau đi lễ đền, chùa. Người Ấn Ðộ không sát sinh. Họ không ăn thịt bò, thịt lợn. Khắp thủ đô New Dehli, ta có thể bắt gặp các chú chim bồ câu tụ tập ríu rít ở các ngã tư. Ở các đền, chùa, ta có thể gặp những chú sóc chạy nhảy tung tăng, vui đùa với con người. Khỉ tượng trưng cho thần Hanu trong Ấn Ðộ giáo,vì thế không ai dám giết khỉ và chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh, chạy tung tăng khắp đường phố trung tâm New Delhi.
Có một ngày Chủ nhật ở New Dehli, tôi thấy đường phố vắng hoe, các cửa hiệu đóng cửa hàng loạt. Hóa ra đó là ngày đại lễ của người theo đạo Sikh. Lúc về đi ngang qua một nhà thờ của người Sikh, tôi thấy dòng người rồng rắn kéo nhau tới nhà thờ rất đông vui như trẩy hội.
Người Ấn còn nghèo, nhưng đâu đâu tôi cũng bắt gặp những ánh mắt và nụ cười hiền hậu của họ. Phải chăng Ấn Ðộ giáo và Phật giáo đã dạy cho con người ta không tham sân si? Cuộc sống vội vã, gấp gáp trong thời đại công nghiệp hóa chắc gì đã là hay?
Lan AnhNgười hướng dẫn đoàn là thổ dân vùng Varanasi. Tôi hỏi anh: “Tất cả mọi thứ đều được ném xuống sông thì không sợ ô nhiễm à?” Anh ta bảo: Không. Lại hỏi anh có dám uống nước sông Hằng không, anh ta đáp: “Tại sao không? Chúng tôi uống nước sông Hằng cả ngàn đời nay, có ai bị sao đâu?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét