Metrocab, hệ thống cáp treo bay qua thành phố đi vào hoạt động từ năm 2004 ở Medellin. Đây là niềm tự hào của thành phố lớn thứ 2 cũng là đô thị hiện đại nhất Colombia.
Xây dựng cáp treo thành giải pháp giao thông đô thị, thậm chí được đưa ra trong các cuộc thảo luận nghiêm túc tại Hội nghị Habitat 3 - Hội thảo lớn nhất thế giới về đô thị và phát triển nhà ở do Liên Hợp Quốc - tổ chức tháng 10/2016 tại Quito (Ecuador).
Thành phố ở dưới chân
Medellin (Colombia) là thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng cáp treo như một phương tiện giao thông công cộng. Metrocab đi vào hoạt động từ năm 2004, là niềm tự hào của thành phố lớn thứ 2, cũng là thành phố hiện đại nhất Colombia.
Carolina Jimenez, phóng viên tờ El Colombiano nói rằng từ khi có metrocab, việc đi lại của người dân giữa các khu đã nhanh đáng kể. Chẳng hạn từ khu Santo Domigo vào trung tâm chỉ còn 20-30 phút, trong khi trước kia, nếu bình thường họ phải mất tới 2 tiếng rưỡi.
Ngồi cáp treo ngang qua thành phố không phải chuyện lạ ở Medellin. Ảnh: Mai Nguyên. |
Bản đồ metrocab của Medellin tương đối dễ hiểu, chia làm hai phần metro và cab (cáp treo). Metro trong thành phố chỉ có 2 tuyến A và B. Còn cáp treo có 3 tuyến: Tuyến K xây dựng đầu tiên năm 2004, dài 1,8 km nối trung tâm thành phố với khu phố ổ chuột Santo Domingo.
Bốn năm sau, tuyến J dài 2,7 km đi vào hoạt động phía tây thành phố. Tuyến L là tuyến mới nhất, hoàn thiện năm 2010, mục đích thu hút du khách trải nghiệm cáp treo và lên đỉnh núi cao nhất Medellin - đỉnh Avril.
Chúng tôi lên metro từ bến Universidad trung tâm Medellin, đi về phía bắc, chúng tôi đổi sang tuyến cáp treo ở bến Acevedo, cách bến cũ 3 bến. Nếu chỉ di chuyển bằng trong các tuyến A, B, K, J sẽ chỉ mất 2.000 pesos (khoảng hơn 15.000 đồng).
Trên cáp treo, tôi có thể nhìn thành phố ngay dưới chân, theo đúng cách đang “bay qua” thành phố. Hệ thống cáp treo tuyến K được dựng dọc theo các trục đường bộ lên núi, có 4 ga chính. Ba năm sau khi tuyến này hoàn thành, chính quyền thành phố xây dựng thư viện Espana.
Khu phố ổ chuột Santo Domingo nhìn từ trên cáp treo. Ảnh: Mai Nguyên. |
Từ trên cáp treo, có thể nhìn thấy rõ kiến trúc 3 khối nhà màu đen của thư viện trên sườn đồi Santo Domingo. Nếu xuống ga Santo Domigo, đi bộ chừng 15 phút qua các dãy nhà mới được cải tạo, là có thể tới thư viện. Cáp treo và thư viện Espana là 2 biểu tượng “đổi đời” của người Santo Domingo.
Từ ga Santo Domingo, mua thêm vé cáp treo cho tuyến L, chúng tôi chuyển sang đi lên đỉnh cao nhất Medellin - Avril. Tuyến L là tuyến chạy thẳng, phải trả thêm 7.000 pesos/2 chiều (khoảng hơn 53.000 đồng).
Để lên đến đỉnh núi Avril từ bến Universidad, tôi mất chừng một tiếng, tính cả thời gian tranh thủ tham quan khu Santo Domingo. Medellin miễn phí vé cáp cho những hộ buôn bán, hay làm dịch vụ trên đỉnh Avril. Vậy nên chợ Avril họp mỗi cuối tuần rất đông đúc, chủ yếu bán các loại nông sản của vùng.
Tôi cũng không phải xếp hàng quá lâu, có lẽ vì không phải giờ cao điểm. Nếu vào tan tầm, có thể tôi sẽ mất chừng nửa tiếng để chờ lên cáp.
Toàn bộ hệ thống metrocab do tập đoàn Metro của Medellin quản lý. Kinh phí cho hệ thống lấy từ ngân sách thành phố. Cáp treo mỗi ngày chở hơn 30.000 lượt khách và vì tích hợp được cả hệ thống metro, buýt nên hành khách có thể đến các tuyến chính thành phố mà không sợ tắc đường giờ cao điểm.
Nói không ngoa rằng cáp treo đã thay đổi đời sống người dân ở đây. Có hệ thống giao thông này, người Santo Domingo có thể đi làm, trẻ em được đi học thuận tiện hơn, có các dự án hỗ trợ, du lịch trên công viên Avril khởi sắc.
Cơn bão cáp treo
Các thành phố nằm trên dãy Andes có địa hình rất đặc trưng, đều nằm trên các sườn núi cao và dốc. Cáp treo Medellin dường như là nguồn cảm hứng cho một loạt các thành phố Mỹ Latinh khác trong vấn đề tìm hướng giải quyết giao thông đô thị.
Ở Hội nghị Habitat 3, các diễn giả nhận định cáp treo ở Mỹ Latinh đang lan như một cơn bão. Sau Medellin, thêm 5 thành phố Mỹ Latinh tiến hành các dự án tương tự.
Carlos Luis Barreto, kiến trúc sư chuyên ngành cáp treo tại Caracas (Venezuela) nói rằng: “Dù metrocab của Medellin lấy cảm hứng từ hệ thống Caracas Aerial Tramway (một hệ thống cáp treo theo tuyến cố định để đưa khách lên các khu resort trên núi) nhưng việc dùng nó để trở thành phương tiện giao thông đưa các khu phố nghèo liên kết với trung tâm thành phố thì chính Caracas phải học hỏi Medellin”.
Cáp treo gần khu vực thư viện Espana trên đồi Santo Domingo. Ảnh: Uncovercolom |
Caracas cũng đang vận hành hệ thống tương tự từ năm 2010. Một vài thành phố Nam Mỹ khác cũng sử dụng phương thức “bay ngang thành phố” này là La Paz (Bolivia), Rio De Jainero (Brazil). Metrocab trở thành giải pháp “cách mạng” để cải tạo giao thông cho các khu ổ chuột như các nước Mỹ Latinh.
Thậm chí Bogota, thủ đô của Colombia, vốn được coi là điển hình của sự thành công trong việc áp dụng hệ thống buýt nhanh BRT cũng đang sôi sục chuyện học tập Medellin.
Một vài cuộc biểu tình đã nổ ra ở các ga BRT Bogota, nhằm phản đối cách thức xây dựng và mập mờ tài chính khi xây BRT. Hàng nghìn người đã ký thỉnh nguyện thư lên thị trưởng thành phố yêu cầu tái khởi động dự án Metro.
Chẳng phải đơn giản mà Medellin từ thành phố nổi đình đám với các vụ giết người, chiến thắng cả Tel Aviv lẫn New York để trở thành "Thành phố Sáng tạo của năm", theo bình chọn của tờ Wall Street Jounal năm 2013.
Du học sinh tại Colombia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét