Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

“Phượt” trên đỉnh gió hú

(PLO) -Mãi ngày cuối cùng ở đảo Santorini, tôi mới dự định vào làng Pyrgos. Nếu như các làng Oia, Fira, Imerovigli và Firostefani khá giống nhau về mặt địa hình và phong cách với những ngôi nhà mái xanh nằm dọc vách đá cheo leo trông xuống vụng biển, đường làng đôi khi ngang bằng với sân thượng và chỉ một bước từ đường cái là đã đứng trên đỉnh đầu nhà người thì Pyrgos lại khác biệt hoàn toàn. Nó cũng nằm tận chóp núi như Thera cổ xưa. 
“Phượt” trên đỉnh gió hú
Đồi gió hú
Lần này tôi đi chiếc Liberty màu vàng đã tróc sơn, chật vật leo ngược gió lên triền núi. Ngước lên từ lưng đèo, làng Pyrgos giống như một trường quay cho phim trung cổ với tòa lâu đài đổ nát nằm chót vót dưới mây vần vũ.
Đầu làng có bãi đất trống cho khách du lịch để xe, từ đó không còn cách nào khác phải leo bộ vì ngôi làng dốc đứng với những ngôi nhà bám quanh đỉnh núi. Pyrgos quả là một ngôi làng độc nhất vô nhị và tôi có cảm giác như mình đang đóng phim kinh dị. Cần phải nói thêm rằng từ lúc ở Athens cho đến khi ra đảo, tất cả các ngôi làng (trừ Fira và Oia) đều không một bóng người, ngay cả những ngày nắng đẹp tháng Tư thế này. 
Dường như tất cả dân làng đều ngồi im trong nhà từ sáng chí tối và đóng kín cửa lại không giao tiếp. Vì thế cũng rất khó khăn mỗi khi tôi đi lạc mà lại muốn hỏi đường. Pyrgos thì còn tệ hơn nữa, giống như một ngôi làng hoang phế với những nóc nhà xiên xẹo cổ xưa nằm dọc đường làng ngoắt ngoéo dẫn lên đỉnh núi. Những hành lang mái vòm tăm tối gấp khúc trên lối vào làng càng tăng thêm cảm giác “trường quay trung cổ”. 
Có nhiều quầy hàng lưu niệm, nhưng đều không người đứng bán. Chủ nhà treo những dây chuyền kim loại hình thù cổ quái quái lúc lỉu trên tường nhà (trong khi nền nhà thì thụt sâu xuống dưới như một cái hang). Họ cũng bày biện những món đồ handmade kỳ dị lên một chiếc bàn gỗ tạp ngay trước cửa. Lối bày hàng càng củng cố cho hình ảnh của một ngôi nhà phù thủy. 
Nơi này không có trộm cắp, vì thế chủ hàng cứ ngủ trưa trong nhà, khách muốn hỏi mua gì chắc còn phải réo lâu. Nhưng hình như người bán cứ theo thói quen bày hàng từ buổi sáng mà cả ngày… chẳng có ai mua gì. Chỉ bày bán một cách thích thú chứ không cần người mua, sự kỳ lạ này càng chứng tỏ tính huyền thoại, cổ tích, lãng mạn và liêu trai của ngôi làng.
Sau một hồi lang thang qua những ngõ hẹp khúc khuỷu, những bức tường trắng câm lặng và các ô cửa đóng kín thì tôi nghe văng vẳng một bản giao hưởng phát ra từ ngôi nhà nào đó trong làng, giai điệu u linh quyện vào tiếng gió. Ôi làng Pyrgos, sao người ta có thể sống vui tươi trong ngôi làng nguyên sơ này, và làm gì mà sống, mỗi lần có việc đi vào thị trấn lại lắc lẻo đường đồi thế ư. 
Miết rồi cũng gặp một người làng, là cô gái trẻ đứng bán đồ lưu niệm với những món hàng chẳng mấy ai mua. Thấy chúng tôi ngơ ngác giữa đàng, cô gái bảo chắc hẳn các bạn đang tìm lối lên lâu đài, không phải đường ấy đâu, đi hướng này, rẽ phải, lâu đài nằm sau quán cà phê Franco. 
Quán cà phê Franco thì biết, vì nó được chỉ dẫn ngay từ đầu làng. Có vẻ như Franco là trung tâm của Pyrgos, và nó đây, tường gạch xây theo lối trung cổ, trên ban công nhỏ tí xíu có đôi trai gái đang ngồi uống cà phê. Lâu đài ở ngay đằng sau Franco. Bản thân từ Pyrgos trong tiếng Hy Lạp đã có nghĩa là lâu đài. Công trình huyền ảo mà chúng tôi nhìn thấy từ lưng đèo ở ngay trước mắt, còn nguyên vẹn, từ tầng mái có thể bao quát cả một vùng bao la trên đảo.
Việc mà ai cũng muốn làm khi đến Santorini là ngắm hoàng hôn. Vị trí đắc địa là pháo đài cổ trong làng Oia, phía cực Tây, nơi mặt trời sẽ bị sóng biển nhấn dần cho đến khi nuốt chửng vào lòng đại dương. Nhưng sau tôi tìm ra nơi ngắm hoàng hôn cũng đẹp không kém, đó là lúc dò đường đến nhà thờ thánh Nicolaus.
>>> Những việc nên làm <<<
- Bạn nên tránh đến Santorini từ tháng 11 đến tháng 3 bởi trong quãng thời gian này, hầu hết các đảo ở Hy Lạp chứ không riêng gì Santorini đều đóng cửa. Chỉ lác đác rất ít cửa hàng hoặc một số người dân làm việc. Santorini những ngày này rất vắng vẻ và xơ xác.
- Có hai phương tiện chính để đến Santorini từ Athens là máy bay và phà. Nếu đi phà thì bạn sẽ mất gần 1 ngày nhưng lại được chiêm ngưỡng phong cảnh kỳ vĩ của biển Aegea. Bạn cũng có thể đi bằng phà và chuyến về bằng máy bay để tiết kiệm thời gian. 
- Đến Santorini, bạn đừng bỏ qua món Salad Hy Lạp và hải sản nướng. 
- Phương tiện đi lại phổ biến trên đảo là thuê xe máy và ATV. Vì vậy bạn nên mang theo bằng lái xe, nếu không những chủ thuê rất tôn trọng luật pháp sẽ từ chối bạn.


Người Hy Lạp phần lớn theo đạo Kitô (Cơ đốc giáo – Chính thống giáo Đông Phương) và thánh Nicolaus thì được cho là đã sống trong thời tiên khởi Kitô giáo, nên những nhà thờ thánh Nicolaus màu trắng với mái tròn xanh lam có mặt ở khắp nơi trên đảo, nhưng to đẹp nhất vẫn là công trình tôn giáo nằm ngay cuối làng Imerovigli.
Mặc dù đề rõ lịch mở cửa nhưng đến giờ nào cũng thấy nhà thờ đóng cửa im ỉm, cuối cùng chúng tôi đành lọ mọ đi dạo trong làng cho đến khi hoàng hôn buông xuống. 
Những ngôi làng trên vụng biển đều tận dụng địa thế tuyệt đẹp để kinh doanh khách sạn, nhà hàng và quán cà phê, nên liên tục bắt gặp những bể bơi nhỏ nhắn xanh màu ngọc ngự trên các sân thượng. 
Hoàng hôn Santorini buông dần với tiếng gió hú, hơi lạnh buốt đầu hạ và mây trắng treo đỉnh đầu. Mây nơi này lạ, nó sà thấp đến mức mang lại cảm giác có thể bắc thang lên mà với. Ban ngày, mây dày như bông và bay vùn vụt qua nền trời xanh thẳm.
Khi hoàng hôn xuống, vùng trời chuyển dần sắc cam, hồng và tím nhạt, rồi đến tím sẫm, nhưng mây thì ngày càng dày đặc. Gió thốc thác lạnh thấu xương và hú u u từng chập. Gió gọi những đám mây vội vã. Mây lang thang xuống tận lưng đồi và tất tả về trời.
Ngôi làng lặng câm như cổ tích, thản nhiên bao thế kỷ chìm đắm trong không gian huyền hoặc này. Tôi co ro trong tiếng gió, cố khép lại tà áo mỏng manh trong khi những người bạn đồng hành vội vã đuổi mặt trời bằng những cú bấm máy liên hoàn không đèn flash.
 “Người mẫu” ngồi ghế bể bơi, ra vẻ bâng khuâng ngắm ánh tàn nơi hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Hoàng hôn ở đâu thì nào có khác nhau, chỉ riêng đây, kéo theo tiếng gió u hoài về với biển. Ừ thì đồi gió hú, rừng gió hú, thảo nguyên gió hú đã trải qua hết rồi, nhưng chưa bao giờ tôi biết rằng biển Santorini ban ngày lặng câm không tiếng sóng vỗ để đêm đêm gọi gió về.
Hoàng hôn mùa hạ rơi vào quãng tám giờ, mãi đến chín rưỡi, vụng biển mới trở thành một vũng đen khổng lồ. Santorini lên đèn. Ánh vàng tím huyền ảo trên những ngôi nhà màu trắng. Không còn ai đi lại trên đường làng.
Chúng tôi cũng về thôi, chia tay hoàng hôn, và đối với dân ghiền phượt, chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai, bụng lại nghĩ đến việc sẽ đi đâu ngắm hoàng hôn vào năm sau: Hawai, Maldives hay Caribes, những vùng biển cổ tích?
>>> Tương tác <<<
Nguyễn Hồng Hạnh
Nguyễn Hồng Hạnh, giám đốc nhân sự Tập đoàn Mỹ Sơn
Đó là một chuyến viễn du tuyệt diệu vào xứ sở đầy nắng ấm của tinh thần con người. Ở nơi đó, khi mặt trời lên cao, cả hòn đảo chìm trong một màu xanh mê hoặc và sắc trắng tinh khôi quyện hòa vào nhau.
Dịu mắt vậy cho đến khi hoàng hôn tràn về để bắt đầu cuộc dạo chơi của sắc màu, mặt trời chuyển sắc từ đỏ sang vàng, vàng đổi màu anh đào và sau cùng là màu tím hòa quện vào nhau tạo nên sự huyền bí mê hoặc.
Lúc này, còn gì tuyệt vời hơn là tản bộ dưới những mái vòm quanh những ô cửa sổ đối xứng, dừng chân đâu đó thưởng thức cốc bia mát lạnh, nhấm nháp vài quả ô-liu để tận hưởng sự ngưng tụ của thời gian, sự mê đắm của không gian. Ở nơi đó, được mệnh danh là “thiên đường tình yêu”, nơi hoàng hôn đẹp nhất thế giới - Santorini. 
Nguyễn Mỹ Linh
Nguyễn Mỹ Linh, nhà thiết kế thời trang
Bạn có thể đã nhìn thấy hàng ngàn những bức ảnh tuyệt đẹp trên mạng, đọc thấy đâu đó hàng trăm những câu chuyện tình lãng mạn diễn ra trên hòn đảo nhỏ này. Và bạn băn khoăn liệu Santorini có phải là huyền thoại như những gì người ta vẫn nói hay không.
Tôi xin khẳng định, đó là sự thật. Không nơi nào khác, Santorini là nơi bạn có thể hình dung về thiên đường hạ giới. Một lần đặt chân đến nơi này và nó sẽ luôn quay lại trong những giấc mơ tuyệt đẹp của bạn.
Di Li

Không có nhận xét nào: