Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Bí ẩn miền đất Phật

Đường đến đất nước Triệu voi và cánh đồng chum bí ẩn

Một góc cánh đồng chum bí ẩn - Ảnh: Nguyên Minh
   Cùng với Campuchia, Lào là hai trong số ba quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương xem Phật giáo nguyên thủy là tôn giáo chính thức từ hàng trăm năm qua.
Và cũng giống như những quốc gia mà truyền thống Phật giáo được duy trì liên tục và lâu dài, các giá trị thiêng liêng của Phật pháp ảnh hưởng rất sâu và rộng lên đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trên đất nước này.
Sự thiêng liêng đó được thể hiện trên hàng vạn ngôi chùa cổ kính có lối kiến trúc Phật giáo nguyên thủy pha lẫn kiến trúc truyền thống dân tộc mà hàng trăm năm qua vẫn trường tồn trước bao biến thiên của thời gian và thời cuộc.
Đó là một không gian sống mà ở đó sự hiền hòa của con người, sự tĩnh lặng của thiên nhiên đan xen nhau tạo nên một không gian sống vừa huyền bí, vừa yên ả thanh bình...
Không chỉ có thế, đất nước Lào còn mang trong mình nhiều di tích có giá trị lịch sử mà đến tận ngày nay, nó vẫn còn là một bí ẩn...
Và đó là những lý do chính thôi thúc tôi thực hiện một chuyến viễn du vào đất nước này.
Từ Việt Nam đến Lào có thể đi bằng đường hàng không từ hai sân bay quốc tế ở hai đầu đất nước là sân bay Nội Bài ở phía Bắc hoặc sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM. Tuy nhiên, với lợi thế đường biên giới trên đất liền dài trên 2.340 km, đường bộ được xem là giải pháp hiệu quả nhất để đi từ Việt Nam sang Lào.


Được sự hướng dẫn của một người am hiểu về địa lý của đất nước Lào, tôi quyết định đến Lào theo hướng cửa khẩu Nậm Cắn, theo lịch trình vạch ra là Xiêng Khoảng, cố đô Luang Prabang và cuối cùng là thủ đô Viêng Chăn.
Sau gần 4 tiếng đồng hồ tính từ thời điểm vượt qua cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi chính thức chạm vào mục tiêu đầu tiên trong hành trình khám phá nước Lào.
Cánh đồng chum bí ẩn...
Nằm cách thị xã Phon Sa Vanh, trung tâm hành chính của tỉnh Xiêng Khoảng 30km, cánh đồng chum tọa lạc trên một bình nguyên rộng hàng chục ha. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc nên hiện chỉ có một phần cánh đồng chum được phát lộ cho du khách tham quan, nghiên cứu.
Được các nhà khoa học phát hiện ra cách đây hơn 1 thế kỷ, song đến giờ thì sự ra đời và công dụng của những chiếc chum này vẫn vẫn còn là một điều bí ẩn.

Theo các nhà khoa học, tuổi thọ ước chừng của những chum đá này vào khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm.
Từ những hình tròn đồng tâm được trang trí trên một số chum, các nhà khoa học đã cho rằng một số chum đá ở đây đã từng có nắp, tuy nhiên hầu hết số nắp đó đã biến mất một cách bí ẩn.
Hiện có nhiều luồng giả thuyết về sự ra đời của những chiếc chu đá khổng lồ này.
Giả thuyết thứ nhất xuất phát từ truyền thuyết của các bộ tộc người H’mông và người Dao sống nơi cuối dãi Trường Sơn, theo đó thì những chum đá này có nguồn gốc từ thế kỉ thứ 6 và chúng được tạo ra nhằm mục đích ủ rượu.
Truyền thuyết đó kể rằng, thưở xưa trên vùng đất này có một vị vua vô cùng tàn ác tên Chao Angka. Vị vua này đối xử rất tệ bạc với dân chúng nơi đây, vì vậy họ đã cầu xin sự giúp đỡ của Khun Jevam - một vị vua đến từ phương Bắc, ông này đã đến, giải thoát cho họ.
Để có rượu cho quân lính ăn mừng chiến thắng, vua Khun đã ra lệnh cho dân chúng làm những chiếc chum đá để ủ rượu.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cho rằng, thực tế nguồn gốc của những chum đá lại hoàn toàn không giống như truyền thuyết. Theo họ, việc tạo ra những chum đá và di chuyển chúng tới một nơi khác cần phải có một thời gian khá dài, thậm chí phải mất tới hàng thập kỉ.

Cánh đồng chum bí ẩn - Ảnh: Internet
Giả thuyết thứ hai cho rằng những chiếc chum đá này chính là nơi an táng dành cho những người đã khuất.
Giả thuyết này được một nhà khảo cổ người Pháp tên Henri Parmentier đưa ra khi ông phát hiện người dân địa phương bán những chuỗi hạt làm bằng cacnilian và thủy tinh trong quá trình điền dã. Từ những thực tế trên, ông cho rằng người ta đã lấy cắp các chuỗi hạt cùng với số đồ vật khác từ những chum đá, nơi chôn cất người quá cố.
Tuy nhiên, đến nay các giả thuyết trên vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học và đó lý do mà cánh đồng chum vẫn cứ tồn tại để thu hút hàng trăm ngàn du khách tò mò tìm đến đây hàng năm.
Rời Xiêng Khoảng với cánh đồng chum bí ẩn, theo đường 7 rồi đến đường 13, chúng tôi vượt gần 500 km đường đèo để tìm về cố đô Luang Prabang
Sau gần 8 giờ đồng hồ đi di chuyển bằng xe khách, chúng tôi có mặt tại cố đô xinh đẹp và hiền hòa vào loại bậc nhất trên bán đảo Đông Dương.
Luang Pha Bang bên dòng sông Mê Kong huyền thoại
Nằm trên bờ bắc của dòng Mê Kong huyền thoại, Luang Prabang từng là thủ đô của vương quốc Lang Xạn tức triệu voi trong nhiều thế kỷ trước khi vương quốc này tan rã để cùng các tiểu vương khác hình thành nên nước Lào ngày nay.
Và cũng từ đó, vai trò là trung tâm văn hóa và chính trị của Luang Prabang kết thúc để nhường lại cho Viêng Chăn.
Là thủ đô của nhiều vương triều xem Phật giáo là quốc giáo nên cố đô Luang Prabang hội đủ những tiêu chuẩn của một không gian Phật giáo thuần khiết.
Đó là những mái chùa cao vút, một không gian cổ kính và yên ả....

Luang Pra Bang với những ngôi chùa cổ kính - Ảnh: Internet
Và chính sự cổ kính thuần khiết Phật giáo ấy mà Luang Prabang luôn là lựa chọn hàng đầu cho du khách nước ngoài khi đặt chân đến đất nước Lào.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến cố đô Luang Prabang mà không đặt chân lên một đỉnh đồi có tên là Phousi, tức núi màu trong tiếng Lào, bởi từ vị trí cao nhất trên ngọn đồi này có thể phóng tầm nhìn ra khắp cố đô.
Theo chân du khách, chúng tôi quyết định vượt 329 bậc thang để lên đỉnh Phousi.
Trên đỉnh Phousi cánh mặt đất 80m, năm 1804, dưới triều vua Annourot người ta cho xây trụ tháp Vũ trụ, một biểu tượng thường thấy trong Phật giáo Lào, tháp cao 20 mét.
Để thêm phần linh thiêng và huyền bí, dưới chân tháp các nhà sư cũng cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ và một miếu thờ...
Tuy nhiên, điều thực sự thu hút phật tử và du khách vượt đường lên Phousi chính là khoảng không gian nằm dưới chân đồi.
Bởi từ đây có thể nhìn bao quát  Luang Prabang với dòng Mê Kong uốn lượn, một không gian sống yên bình....
Và đó chính là ấn tượng đầu tiên cuốn hút chúng tôi trong hành trình khám phá đất nước này.

Mách bạn

Hiện Việt Nam và Lào có 7 cửa khẩu quốc tế mà bạn có thể đi
Của khẩu Tây Trang thuộc tỉnh Điện Biên: cửa khẩu Na Mèo thuộc tỉnh Thanh Hóa; cửa khẩu Nậm Cắn thuộc tỉnh Nghệ An; cửa khẩu Cầu Treo thuộc tỉnh Hà Tĩnh; cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình; cửa khẩu Lao Bảo thuộc tỉnh Quảng Trị và cuối cùng là cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum.


 Động Phật Pak Ou linh thiêng và kỳ bí

Ảnh: thousandwonders
   Một ngày mới ở cố đô Luang Prabang bắt đầu bằng nghi thức khất thực của các nhà sư.

Khất thực là một trong những nghi thức cổ xưa và được các nhà sư theo hệ Phái Phật giáo Nguyên thủy Theravada ở Lào gìn giữ gần như nguyên vẹn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Sư khất thực ở Luang Prabang - Blogspot
Theo sử liệu Phật giáo được truyền thừa lại từ ngàn xưa, nếu con người muốn tu tập đạt đến cảnh giới như mong muốn, trước hết cần phải dẹp bỏ lòng sân si ngã mạn, tức là phải biết gác lại sự nóng giận, sự ngu muội, tự tôn và khinh thường kẻ khác. Và cách thức tốt nhất để diệt trừ những thứ ấy không gì hơn là chấp nhận làm kẻ-đi-ăn-xin-của-mọi-người. Ngoài ra, giáo lý đạo Phật cũng cho rằng, bằng cách này, người tu sĩ Phật giáo cũng gián tiếp tạo ra phước đức cho người cúng dường, giúp họ có được cuộc sống an lạc trong phần đời còn lại.
Và đó chính là hai lý do mà nghi thức khất thực trong giáo lý nhà Phật cứ thế tồn tại, thẩm thấu và trở thành một phần trong đời sống văn hóa lẫn tinh thần của người dân trên đất nước Triệu Voi.
Sau khi mục sở thị buổi khất thực kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, tôi quyết định tìm đến một địa điểm thú vị không kém nghi thức khất thực, đó là động Phật Pak Ou.

Bên ngoài khu vực động Pak Ou, trên dòng sông Ou
Pak Ou nằm cách cố đô Luang Prabang khoảng 30 km, ngay cạnh cửa sông Nậm U, một trong những nhánh quan trọng cung cấp nước cho dòng sông mẹ Mê Kong. Và đó cũng là cội nguồn cho tên gọi Pak Ou, tức động cửa sông Ou.


Được hình thành từ hàng loạt kiến tạo địa chất, núi lửa nên quang cảnh động Pak Ou nhìn từ xá khá hùng vĩ với những vách đá vôi dựng đứng, nhiều hình thù kỳ lạ và có lẽ chính điều này đã làm cho không gian xung quanh Pak Ou trở nên huyền bí hơn.
Do nằm trên một quả núi nhỏ và có mặt hướng ra sông nên để tiếp cận được hang động Pak Ou chỉ có cách duy nhất là dùng thuyền của người dân bản xứ.
Động Pak Ou có hai động chính là động Tam Ting nằm phía dưới và động Tam Phum nằm ở phía trên.
Điểm gây ấn tượng mạnh đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến hang động này chính là một hệ thống tượng Phật khổng lồ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Theo ước tính, số lượng tượng phật ở hai hang động nà lên đến con số 4.000, trong số đó có nhiều tượng Phật cổ có từ hàng trăm năm trước.

Bên trong hang động Pak Ou
Có 4.000 bức tượng linh thiêng bên trong hang động - Ảnh: thousandwonders
Hiện có hai giả thuyết để nói về nguyên nhân mà động Pak Ou trở thành nơi lưu giữ tượng Phật lớn đến như vậy.
Giả thuyết đầu tiên cho rằng chính địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn chính là nguyên nhân biến Pak Ou thành trung tâm lưu giữ tượng Phật.
Tương truyền rằng, hàng trăm năm trước, trong một lần giao chiến với kẻ thù, thành Luang Prabang thất thủ, để tránh sự tàn phá của kẻ thù, các nhà sư đã mang nhiều tượng Phật, giong thuyền vào vùng rừng núi hoang vu lánh nạn. Khi đến khúc sông này, đột nhiên giông tố nổi lên, thuyền của các nhà sư bị lật và trôi dạt vào ngọn đồi này. Cho rằng đây là ý Phật nên các nhà sư mang hết số tượng Phật vào đây cất giấu. Thời gian trôi qua, số tượng Phật cứ thế tăng dần....
Giả thuyết thứ hai cho rằng, động Pak Ou vốn là địa điểm linh thiêng từ trước khi Phật giáo có mặt trên đất nước Lào.  Giả thuyết này xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh hay còn gọi là tín ngưỡng đa thần vốn rất phổ biến vào thời cổ đại và người dân Lào cũng không ngoại lệ. Và người ta cho rằng, động Pak Ou nằm ngay ngã ba sông và đây chính mà khi xưa người ta đã dùng nơi này như là một khu vực thờ tự thần sông.
Khi Phật giáo được truyền du nhập vào, thuyết vạn vật hữu linh trong quá khứ vẫn tiếp tục phát triển để rồi sau đó sự kết hợp với tôn giáo này để hình thành nên động Phật huyền bí như ngày hôm nay.
Mặc cho những giả thuyết về nguồn gốc, động Pak Ou ngàn đời nay vẫn là chốn linh thiêng trong tâm thức của người dân Lào không phân biệt đẳng cấp, giai tầng.
Dân gian lưu truyền rằng, khi xưa các vị vua đang tại vị hàng năm đều tới thăm hang Phật vào ngày Tết Pimay, tức Tết té nước ở Lào và ở qua đêm ở khu vực này để chủ trì lễ cúng Phật trong động...
Trong những ngày vua lưu lại nơi này, dân chúng cũng tấp nập dùng ghe thuyền từ Luang Prabang ngược dòng Mae Nam Kong tới hang Pak Ou hành hương, cùng với nhà vua thực hiện nghi thức dùng nước hoa thơm tắm Phật.
Ngày nay, để thuận tiện cho khách hành hương và du khách viếng thăm, người ta cho xây một hệ thống tam cấp bằng đá trên 200 bậc nối từ động Tam Ting lên động Tam Phum.
Cũng giống như động Tam Ting, động Tam Phum cũng chứa rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ các loại được người dân cúng dường từ hàng trăm năm qua.
Tuy nhiên, do cấu trúc địa hình nên động Tam Phum có độ dài lớn hơn rất nhiều so với động Tam Ting. Chính cấu trúc này làm cho động Tam Phum trở nên lạnh lẽo.
Được cộng hưởng bởi ánh sáng mờ ảo và một không gian Phật giáo linh thiêng, động Tam Phum khiến bất kỳ ai cũng cảm giác kì bí khi bước chân vào động.

Động Tam Phum - Ảnh: Blog naver
Không chỉ tạo ra một không gian Phật giáo, quần thể động Pak Ou còn tạo ra một không gian sống vô cùng hiền hòa với hình ảnh những người phụ nữ miệt mài bên khung dệt.
Khi xưa, khi mà động Pak Ou chưa được nhiều người biết đến, người dân dệt vải chủ yếu là để phục vụ cho gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi động Pak Ou trở thành một trong những điểm du lịch lý thú ở cố đô Luang Pra Băng, sản phẩm dệt truyền thống này trở thành một món quà lưu niệm dành cho du khách.
Tuy nhiên, không giống như những điểm du lịch mà chúng tôi đi qua, việc buôn bán ở đây diễn ra khá nhẹ nhàng và đơn giản.
Và có lẽ, cái tính đơn giản ấy bắt nguồn từ không gian Phật giáo huyền bí Pak Ou có từ hàng trăm năm trước. Theo thời gian, cái không gian ấy đã từng bước thẩm thấu và trở thành cốt cách hiền hòa, nhẹ nhàng của người dân...
Một dấu nhấn đẹp và nhẹ nhàng trong hành trình khám phá miền đất Phật Triệu Voi.

Dấu ấn những ngôi chùa linh thiêng ở Luang Prabang

Ảnh: DulichVTV
   Dấu ấn của Phật giáo để lại rõ nét nhất chính là những mái chùa làng linh thiêng có mặt khắp nơi trên đất nước Triệu Voi.

Cũng  giống như một số quốc gia lân bang, Phật giáo được du nhập vào Lào từ rất sớm.
Lịch sử ghi lại rằng, vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau Công Nguyên, một nhóm người Môn, một tộc người có xuất nguồn ở khu vực biên giới Thái Lan và Myanmar, đã di cư xuống vùng đất Tây Lào.
Ngoài kinh Phật và những vật phẩm liên quan đến Phật giáo ra, trong hành trình di dân lịch sử này, những người Môn còn mang theo những tu sĩ am hiểu Phật giáo từ Srilanka và tại đây họ đã truyền bá Phật pháp Tiểu thừa Theravada cho cư dân bản địa. Đến thế kỷ XIII, công việc truyền bá Phật giáo đến vùng đất này cơ bản đã hoàn tất.
Sau hơn 1.500 năm tồn tại song hành cùng lịch sử dân tộc, Phật giáo với tinh thần bao dung, quảng độ đã từng bước thẩm thấu và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển của dân tộc Lào. Cho đến ngay nay, dấu ấn mà Phật giáo để lại rõ nét nhất chính là những mái chùa làng có mặt khắp nơi trên đất nước này.


Theo con số thống kê, hiện nay ở Lào có khoảng 6.300 ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rát trên khắp đất nước. Và mỗi ngôi chùa, tùy theo vị trí tọa lạc, đặc điểm dân cư mà nó mang trong mình một trọng trách, một chức năng rất riêng.
Tọa lạc trên đại lộ Si - Sa- Vang -Vong, cạnh tòa nhà bảo tàng hoàng gia Luang Prabang, nơi xưa kia là cung điện, là trung tâm kinh tế- văn hóa của quốc gia này trong một thời gian dài nên chùa Wat Mai Suwannaphumaham có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của cổ thành này.
Được xây dựng vào năm 1780 bởi vua A-Na-Rút của Vương quốc Luang Prabang, chùa Wat Mai Suwannaphumaham một thời được xem như là ngôi chùa dành riêng cho Hoàng Gia và giới quý tộc, các thương gia giàu có.
Trong khi nhiều ngôi chùa khác bị phá hủy trong cuộc chiến giữa vương quốc Luang Prabang và đội quân cờ đen, một nhóm vũ trang được bị triều đình phong kiến Trung Quốc thời bấy giờ xếp vào dạng phản loạn, vào năm 1887, thì chùa Wat Mai Suwannaphumaham hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy vốn có và đó chính là lý do mà ngôi chùa này trở nên thiêng liêng đối với người dân cố đô.

Wat Mai Suwannaphumaham, ngôi chùa linh thiêng của những người dân buôn bán - Ảnh: wikipedia
Như đã nói, do nằm ngay vị trí trung tâm của cố đô xưa, nên chùa Wat Mai Suwannaphumaham bao đời nay được xem như là điểm tựa tâm linh dành riêng cho những người buôn bán.
Bao thăng trầm của lịch sử đã đến rồi đi, song dấu tích về vai trò dẫn dắt thương mại của ngôi chùa Wat Mai Suwannaphumaham dường như vẫn còn đó thông qua hàng loạt những bức tranh được các họa sĩ Phật giáo cẩn thận khắc in vào tường.
Và có lẽ, đó cũng chính là lý do mà ngôi chợ Luang Prabang bao đời nay vẫn tồn tại một cách lặng lẽ dưới bóng ngôi cổ tự linh thiêng mặc cho biến thiên của thời gian và thời cuộc.
Người dân địa phương cho biết, trước đây chợ chỉ họp ban ngày.
Tuy nhiên, khi mà cố đô Luang Prabang được Unesco công nhận là thành phố di sản, ngành công nghiệp du lịch phát triển thì ngôi chợ này chuyển sang họp vào ban đêm để phục vụ cho khách du lịch.

Kiến trúc bên trong chùa
Tượng Phật -  Ảnh: wikipedia
Mặc dù có sự thay đổi về thời gian, song không gian của ngôi chợ vẫn không hề thay đổi, vẫn lặng lẽ thu mình bên mái chùa làng linh thiêng của các thế hệ tiểu thương bản địa.
Và cũng giống như những ngôi chợ mà chúng tôi có dịp tiếp cận trong hành trình khám phá đất nước Triệu Voi, cung cách buôn bán ở ngôi chợ đêm này diễn ra trong một không gian khá bình lặng, giống như lối sống thường nhật của đại bộ phận người dân trên mảnh đất này.
Bân cạnh chùa chùa Wat Mai Suwannaphumaham ra, ở cố đô Luang Prabang còn có một ngôi chùa khác cũng có vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của của thành phố, đó  là chùa Wat Xieng Thong.
Nếu như chùa Wat Mai Suwannaphumaham được ví như là biểu tượng dành cho giới tiểu thương thì Wat Xiêng Thong được xem như một bảo tàng nghệ thuật, nơi lưu giữ những tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật hội họa của Phật giáo nói riêng và của dân tộc Lào nói chung.
Nằm ở cuối đường Sakkarin, gần với ngã ba tiếp giáp giữa sông Mê Kông và sông Nam Khan, chùa Wat Xiêng Thông được xây dựng năm 1560 dưới thời vua Setthathirat.
Cùng với chùa Wat Mai Suwannaphumaham, chùa Wat Xieng Thong là một trong hai ngôi cổ tự được Đội quân cờ đen không cho phá hủy vào năm 1887.

Chùa Wat Xieng Thong
Tương truyền, sở dĩ ngôi chùa Wat Xieng Thong không bị phá hủy là do một trong những thủ lĩnh của đội quân này có một thời gian tu tập ở đây trước khi gia nhập lực lượng này.
Chùa Wat Xieng Thong có khuôn viên khá rộng với nhiều hạng mục lớn nhỏ, bao gồm một chánh điện mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Luang Prabang cổ với mái lợp ba tầng hạ sâu hướng về mặt đất.

Ngoài cổng chùa
Bên ngoài khu vực chánh điện, người xưa cho xây dựng một số nguyện đường nhỏ, mang phong cách kiến trúc pha lẫn giữa lối kiến trúc đặc trưng của dân tộc Lào và kiến trúc Phật giáo tiểu thừa Theravada và là nơi khi xưa, các nhà sư dùng làm nơi tịnh tâm nghĩ về đạo pháp trong mùa an cư kiết hạ.
Bên cạnh kiến trúc độc đáo trường tồn qua hàng thế kỷ ra, chùa Wat Xiêng Thông còn khiến nhiều người ngạc nhiên với hàng loạt bức tranh đa sắc màu về lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc. Tất cả đều được các họa sĩ cẩn thận dùng miễng sành, sứ lắp ghép lại với nhau hoặc trực tiếp vẽ lên tường. Đây được xem như là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo vào loại bậc nhất trên đất nước Triệu Voi.

Tượng phật bên trong chùa - Ảnh: Visit Laos
Cũng giống như nhiều dân tộc sống trên ban đảo Đông Dương, trước khi đạo Phật xuất hiện, cư dân cổ có khuynh hướng đa thần. Và khuynh hướng ấy vẫn âm thầm tồn tại bên cạnh đạo Phật cho đến ngày nay.
Và đó là lý do mà trong ngôi nhà này, người ta cho lưu giữ rất nhiều bức tượng, tranh vẽ về các vị thần trong truyền thuyết của các dân tộc Lào bên cạnh những bức tượng Phật có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Thời gian trôi qua, lịch sử dân tộc Lào trải qua nhiều biến động, song tính cách hiền hòa của người dân Lào dường như không thay đổi. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy giá trị của đạo Pháp dường như đã trở thành thành tố quan trọng hình thành nên giá trị con người ở đất nước này, cho dù họ là ai, làm nghề gì.
Và trong quá trình hình thành nên giá trị con người Lào hàng ngàn năm qua có vai trò của những mái chùa làng. Lưu giữ ký ức của những ngôi chùa mang trên mình nét đặc trưng riêng như chùa Wat Mai Suwannaphumaham và chùa Wat Xiêng Thong là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên đất nước Triệu Voi.

 Qua cổng Khải Hoàn Môn, khám phá Viêng Chăn

   Chia tay cố đô Luang Prabang, theo quốc lộ 13 ngược về phía Nam, tôi tìm về thủ đô Viêng Chăn.

Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, vượt qua đoạn đường dài gần 350km, cuối cùng Viêng Chăn cũng hiện ra.
Điểm đầu tiên đánh dấu trung tâm thủ đô Viêng Chăn chính là Khải Hoàn Môn, cổng chiến thắng hay còn gọi là Patuxai (hoặc Patuxay), biểu tượng của thủ đô Viêng Chăn.
Được khởi công xây dựng từ năm 1962 và đến năm 1968 thì hoàn thành, cổng chiến thắng Patuxai mô phỏng theo kiến trúc của Khải Hoàn Môn Paris (Pháp) và được xây lên nhằm mục đích vinh danh những người lính Lào anh dũng trong chiến đấu.


Trở lại với lịch sử phát triển của thủ đô Viêng Chăn.Theo sử thi Lào, Phra Lak Phra Lam, người lập ra thành phố Viêng Chăn là Hoàng tử Thattaradtha, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử của quốc gia này thời cổ đại và đặt tên là Maha Thani Si Phan Phao.
Năm 1354, khi Fa Ngum lập ra vương quốc Lan Xang, Viêng Chăn trở thành một thành phố hành chính quan trọng, dù nó không phải là thủ đô.
Mãi đến năm 1899, Viêng Chăn mới chính thức trở thành thủ đô của Lào khi người Pháp đặt nền cai trị thuộc địa trên toàn vùng.
Và cũng giống như nhiều địa phương khác trên đất Lào, sự phát triển của Viêng Chăn luôn đồng hành cùng Phật giáo. Theo các tài liệu Phật giáo còn lưu lại, tên gọi Viêng Chăn bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa, và những nghĩa ban đầu của nó là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, loại cây quý vì mùi hương của nó.
Và một khi nhắc đến Lào, nhắc đến thủ đô Viêng Chăn không thể không nhắc đến tháp Thạt Luổng, một trong những biểu tượng của Phật giáo Lào.
Trong các tài liệu kiến trúc Phật giáo, tháp đóng một vai trò quan trọng, biểu trưng cho vũ trụ quan, kiến trúc của một ngôi tháp luôn hội đủ ba yếu tố: vòm tháp biểu trưng thượng đế, đế tháp biểu trưng cho cõi trần và tầng hầm tháp cõi âm hay nói cách khác, tháp là biểu trưng của Tam Thế Phật và tháp Thạt Luổng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Về nguồn gốc ra đời của ngôi bảo tháp này có nhiều giả thuyết khác nhau.
Một trong những giả thuyết cho rằng, ngoài việc biểu trưng cho giá trị Phật giáo ra ngôi bảo tháp này được dựng lên nhằm lưu giữ xá lợi của Đức Phật.
Truyền thuyết đó kể lại rằng, vào năm 236 Phật lịch, tức thế kỷ thứ III trước công nguyên, một nhóm năm nhà sư người Lào sau khi tu học ở Ấn Độ trở về đã mang theo chiếc xương đầu gối của Đức Phật.
Năm nhà sư nói trên tới mường Viêng Chăn và thuyết phục Chăm-tha-bu-li Pạ Xit-thi xắc, người cai trị Viêng Chăn vào thời điểm này, cho dựng Thạt Luổng để cất giữ xá lợi Phật và tháp Thạt Luổng đã ra đời từ đó.
Về mặt kiến trúc, tháp Phật Thạt Luổng được xem là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với diện tích chân rộng 90m x 90m và cao 45m.
Nằm trong quần thể trên, ngoài tháp phật Thạt Luổng ra, còn có chùa Thạt Luổng, là nơi mà khi xưa, các nhà sư ở thủ đô Viên Chăng dùng làm nơi nghiên cứu Phật pháp, đào tạo tăng tài cho đất nước.
Ngày nay, nơi này trở thành nơi lưu giữ nhiều tác phẩm văn học liên quan đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo trên đất nước Triệu Voi và là trụ sở chính của trường Đại học Phật giáo Lào.
Tất cả những công trình kiến trúc ấy cứ hòa quyện, đan xen vào nhau tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa linh thiêng.
Và đó là lý do mà ngàn đời nay, ngôi bảo tháp này cùng những quần thể xung quanh nó trở thành biểu tượng đầy tự hào, một điểm tựa tâm linh cho các thế hệ Phật tử trên miền đất Phật Viêng Chăn.
Riêng với tôi, tháp Phật Thạt Luổng và những công trình phụ cận không chỉ mang giá trị về mặt tôn giáo mà nó còn là một minh chứng về khả năng kiến trúc tài ba của người Lào.
Nếu như tháp Thạt Luổng được xem là biểu tượng Phật giáo mang phong cách Lào thì ngôi chùa mà người hướng dẫn sắp đưa chúng tôi đến chính là linh hồn của người dân trên đất thủ đô, chùa Wat Si Muang (hay còn gọi là Sỉ Muông).

Chùa Sỉ Muông
Cùng với tháp Thạt Luổng, chùa Sỉ Muông là một trong hai công trình phật giáo cổ nhất ở thủ đô Viêng Chăn.
Sở dĩ người ta gọi ngôi chùa có tuổi đời gần 5 thế kỷ này là linh hồn bởi lẽ, nơi đây chính là chốn để người ta tháo bỏ những muộn phiền trần tục để khoát lên mình sự may mắn; là nơi người người nguyện cầu cho sự bình an của gia đình, bạn bè; nơi để các đôi nam nữ nguyện thề ước hẹn, kết tóc se duyên.
Nguyên do để người dân tin tưởng vào sự linh ứng của ngôi chùa xuất nguồn từ truyền thuyết về người phụ nữ tên Nàng Sỉ.
Tương truyền nơi chùa Sỉ Muông tọa lạc là địa điểm vô cùng linh thiêng, thế nên vương triều lúc đó đã quyết định dựng lên tại đây một chiếc cột trấn quốc.
Trong quá trình động thổ, chẳng may đụng phải một mạch nước ngầm mạnh, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng. Để ngăn nước ngầm không phun trào, một thiếu phụ tên Nàng Sỉ đã quyết định sử dụng mạng sống mình là nút chặn ngăn dòng nước.
Cảm kích tấm lòng trung trinh nghĩa liệt của thiếu phụ này, từ đó người ta gọi vùng đất này là Sỉ Muông tức lãnh địa của nàng Si.
Để tưởng nhớ đến công trạng của bà, người ta cho xây một ngôi chùa đặt tên là Sỉ Muông và tên gọi ấy tồn tại cho đến ngày nay.
Và có lẽ, chính sự linh thiêng ấy mà từ ngàn đời nay, chùa Sỉ Muông là nơi mà người dân ở thủ đô Viêng Chăn thường tìm đến để thực hiện nghi thức buộc chỉ may mắn ở cổ tay.
Nghi thức buộc chỉ mà người Lào gọi là "ba xỉ xù khoẳn"là một trong những nghi thức quan trọng đối với đời sống của người dân Lào từ ngàn đời nay.
Trong tiếng Lào, từ “ba”có nghĩa là nam giới và từ “xỉ” có nghĩa là nữ giới, gộp hai từ này lại trở thành "ba xỉ xù khuẳn"tức buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho nam-nữ.
Thực ra nghi thức cột chỉ cầu phúc xuất phát từ thói quen thờ cúng đa thần của người xưa và nó xuất hiện trước khi đạo Phật được du nhập vào Lào. Thế nhưng, theo thời gian nghi thức này tiếp biến và trở thành một phần trong tín ngưỡng Phật giáo Tiểu thừa Theravada.
Với người dân Lào ngày nay, nghi thức buộc chỉ không chỉ được dùng trong quan hệ nam nữ mà nó lan tỏa và ăn sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống và họ xem nó như là một sợ dây gắn kết những điều may mắn lại với nhau.
Chẳng hạn như gia đình anh Khon Say mà tôi có dịp tiếp xúc khi viếng thăm ngôi chùa linh thiêng này và tài sản mà anh cùng mẹ mình mang đến chùa là chiếc xe mà anh mới mua.
Như một lời cầu chúc cho sự may mắn, cho những chuyến đi an toàn, anh đã mang chiếc xe này đến chùa Si Mương cho các nhà như làm phép, thực hiện nghi thức buộc chỉ. Trong suy nghĩ của hai mẹ con anh, sợ chỉ chính là sợi dây liên kết họ lại với nhau.

Buộc chỉ tay may mắn là nghi thức truyền thống ở Lào - Ảnh mang tính minh họa
Sự linh nghiệm là điều thời gian sẽ trả lời, song niềm tin vào nghi thức buộc chỉ, vào sự linh thiêng của chùa Sỉ Muông là điều có thật và chính là một nét tạo ra sự thú vị cho chúng tôi trong hành trình đi qua vùng đất Phật Viêng Chăn.

Thế giới tượng phật bên dòng sông Mê Kông

   Nhắc đến tượng Phật, không thể không nhắc đến chùa Wat Sisaket, bởi lẽ, nơi đây từ hàng trăm năm nay đã trở thành nơi lưu giữ hàng ngàn bức tượng do Phật tử khắp nơi dâng cúng.

Tượng Phật này nay đã trở thành một phẩm vật linh thiêng và không thể thiếu trong bất kỳ cơ sở thờ tự nào. Vậy tượng phật ra đời từ khi nào?   
Cho đến nay, vẫn chưa có sự thống nhất về thời điểm mà những bức tượng đức Phật đầu tiên ra đời, nhưng chắc rằng, nó ra đời sau khi Đức Phật diệt nhập. Bởi lúc còn tại thế, việc tạc tượng hay sử dụng hình ảnh của ngài trong các nghi thức tôn giáo đã không được ngài ủng hộ.


Theo một số sử liệu Phật giáo, trước khi tượng Phật xuất hiện và trở thành biểu tượng linh thiêng của Phật giáo, để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, Phật tử thường sử dụng hình tượng cội bồ đề, bánh xe luân pháp, tháp Phật hoặc biểu tượng vườn Lâm Tì Nì để chiêm bái.
Tuy nhiên, theo thời gian tượng từng bước thay thế những biểu trưng trên, những tác phẩm điêu khắc, hình tượng ngài từng bước phát triển, biến tấu và trở thành một thành tố quan trọng vào loại bậc nhất trong đời sống tôn giáo của Phật tử khắp thế giới.
Là một thành viên quan trọng trong ngôi nhà Phật giáo thế giới, thế nên đối với người dân Lào những bức tượng Phật lại càng linh thiêng hơn. Và với họ, việc tôn kính tượng Phật được xem như là trách nhiệm của đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc giả từ cuộc sống để trở về vùng đất Phật.
Và khi nhắc đến tượng Phật, không thể không nhắc đến chùa Wat Sisaket. Bởi lẽ, nơi đây từ hàng trăm năm nay đã trở thành nơi lưu giữ hàng ngàn bức tượng do Phật tử khắp nơi dâng cúng.

Chùa Wat Sisaket được xây dựng bởi vua Chao Anuvong, vị vua cuối cùng của vương quốc Lan Xang.
Vào thời điểm này, Lào là quốc gia chư hầu của vương quốc Xiêm, tức Thái Lan ngày nay, thế nên về mặt kiến trúc, ngôi chùa này có kiểu dáng gần giống với những ngôi chùa ở Thái Lan với mái 5 tầng và hồi lang bao quanh chùa chính.
Và có lẽ đó cũng chính lý do mà Wat Sisaket đã không bị phá hủy khi quân Xiêm tấn công Vientiane năm 1828 và rồi để ngày nay, chùa Wat Sisaket được biết đến là ngôi chùa cổ nhất tại Vientiane.
Tuy nhiên, cũng có một giả thuyết khác cho rằng, sở dĩ chùa Wat Sisaket không bị phá hủy là do khi quân Xiêm định tấn công chùa thì bầu trời đột nhiên xuất hiện một đám mây đen, tất thảy quan quân thất kinh hồn vía, cho rằng đó cơn giận dữ của trời đất nên đã tự động rút lui. Nhờ thế mà duy nhất chùa Sisaket còn tồn tại, tiếp tục đóng vai trò là chốn tu hành thiêng liêng trong suốt thế kỷ XIX và cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, điểm thu hút và thực sự tạo nên linh danh của chùa Wat Sisaket không chỉ có điểm này, mà nó còn là những bức tượng linh thiêng.

Ngôi chùa nổi tiếng với những bức tượng cổ linh thiêng từ thế kỷ 16
Theo số liệu, chỉ tính riêng bốn dãy hành lang chùa đã có tổng cộng hơn  2.000 tượng phật lớn nhỏ, trong đó tượng  nhiều tuổi nhất có niên đại vào thế kỷ 16 và bức ít tuổi nhất được tạc vào thế kỷ 19.
Chiếm đa số trong số hàng ngàn tượng Phật ở đây được các nghệ nhân tạc theo điêu khắc Phật giáo Lào và được tạc bằng nhiều chất liệu gắn liền với đời sống của người dân như gỗ, đá và kim loại...
Với người dân Lào, phá hủy tượng Phật là một trong những điều cấm kỵ và đó là lý do mà tại đây, không khó để chúng ta bắt gặp nhiều những bức tượng đã bị hư hại trước sự tàn phá của thời gian.
Không chỉ là nơi chiêm bái và lưu giữ tượng Phật, chùa Wat Sisaket ngày nay còn là một địa điểm tham quan quan trọng của người dân Lào, đặc biệt nó còn là nơi mà các đôi uyên ương thời chọn làm nơi chụp ảnh cưới, lưu lại khoảnh khắc quan trọng và đáng nhớ nhât của đời người.
Rời chùa Wat Sisaket, chúng tôi tìm đến một không Phật giáo khác cũng ấn tượng và thú vị không kém công viên tượng Wat Xiengkuane.

Nằm trên bờ sông Mê Kong và có mặt hướng sang biên giới Thái Lan, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 28km về phía Đông, công viên tượng Phật Wat Xieng- kuane hiện có khoảng 200 bức tượng với nhiều hình dáng và phong cách khác nhau.
Thông qua những bức tượng, người tạo ra nó dường như muốn gởi vào người xem một bài học về đời, về đạo, về giáo lý của nhà Phật. Và đó chính là lý do mà những ai muốn tìm hiểu về nét đẹp Phật giáo luôn bị cuốn hút bởi một không gian huyền bí khi đặt chân đến khu công viên tượng Wat Xiengkuane.
Được biết, vườn tượng nghệ thuật Wat Xiengkuane do một người đàn ông tên là Boun- lua chủ trì xây dựng từ năm 1958.

Ở công viên này, những tượng Phật thô mộc mang một vẻ huyền bí
Boun- lua không phải là một hoà thượng thực thụ, ông không cạo đầu, không mặc áo cà sa. Thế nhưng, ông là người rất tinh thông về triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học…Ngoài ra, ông cũng không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc. Ông đã từng lý giải về vườn tượng kỳ lạ được ông cùng mấy người cộng sự tạo ra đến từ những giấc mơ và những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hàng ngày.
Trở lại với những bức tượng trong khu vườn Wat Xiengkuane.
Đây được xem như là một công trình vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính nghệ thuật vào loại bậc nhất trên vùng đất Phật triệu voi.
Về giá trị tôn giáo, những bức tượng này khi kết hợp lại với nhau sẽ trở thành một câu chuyện đầy đủ về lịch sự ra đời của Phật giáo kể từ lúc hoàng tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới cây sa la trong vườn Lam Tì Nì cho đến khi ngài nhập niết bàn để trở thành Đức Phật.
Ngoài ra, xen lẫn vào trong đó là câu chuyện về luật nhân quả, thuyết luân hồi mà kinh Phật đã đề cập.
Bên cạnh đó, vườn tượng Wat Xiengkuane còn là nơi mà ông Buon-lua và các đệ tự của mình thể hiện sự uyên thâm của mình trong việc nghiên cứu đạo Hin đu, tất cả được thể hiện qua hình tượng những thần nhân trong sử thi Ramayana, đó là thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama hay Sita…
Các tác phẩm tượng mà  Boun- lua đều sử dụng chất liệu xi măng, không qua sơn phết hay phủ lên bất kỳ một chất liệu gì khác. Và dường như chính sự thô mộc ấy đã góp phần tôn tạo thêm cho vườn tượng Wat Xiengkuane vẻ kỳ bí.
Với người dân Lào, những người vốn xem những giáo lý trong Phật giáo làm kim chỉ nam cuộc sống mà những bức tượng mang hình hài của Đức Phật là đại diện thì khu vườn này vô cùng thiêng liêng. Bởi trong không gian này, họ không chỉ có được cảm giác thư thái trong tâm hồn mà nó còn tạo ra cho họ một thời khắc để nghĩ về những giá trị thiêng liêng của đạo pháp.
Với tôi, khu vườn tượng Wat Xiengkuane một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của đạo Pháp và nghệ thuật điêu khắc Phật giáo trong đời sống của người dân Lào.
Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào: