Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Bosphorus – cây cầu là điểm nóng trong đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Bosphorus ở Istanbul, nổi tiếng là nhịp cầu nối châu Âu và Á, bị phong tỏa trong những phút đầu cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ tối hôm qua.

Cầu Bosphorus là nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn bắt đầu cuộc đảo chính khi cho binh sĩ, xe tăng phong tỏa vào tối qua. Đây là cây cầu treo nổi tiếng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nối liền lục địa Á - Âu. Cầu dài 1.510 m, rộng 39 m với chiều cao thông thuyền là 64 m và phục vụ 6 làn xe một lúc. Ảnh: Wikipedia.
 
Cầu Bosphorus có lịch sử dài và đầy những thăng trầm. Ý tưởng đầu tiên xuất hiện từ những năm 500 TCN, khi Hoàng đế Ba Tư Darius mong muốn có một cây cầu phao để chạy trốn kẻ thù trong thời điểm nguy cấp. Những cây cầu tạm được xây dựng từ rất nhiều mồ hôi xương máu, nhưng thực sự phải đến tháng 10/1973, cầu Bosphorus mới chính thức ra đời. Ảnh: Imgur.
 
Bosphorus là một trong những đường thủy tấp nập nhất thế giới với khoảng 48.000 tàu đi qua eo biển này hàng năm, nhiều hơn 3 lần so với kênh đào Suez và 4 lần kênh đào Panama. Bosphorus nằm ở vị trí đông bắc biển Marmara nối với biển Đen, kết nối 2 bờ Âu - Á. Nhờ thế, các tour du thuyền trên biển rất phát triển tại đây. Ảnh:Askidae.
 
Tên Bosphorus trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “eo biển bò”, dựa theo thần thoại về thần Zeus. Truyền thuyết kể rằng thần Zeus đem lòng yêu Io, một phụ nữ xinh đẹp, thông minh. Tuy nhiên, vợ thần Zeus là Nữ thần Hera phát hiện ra mối tình vụng trộm đã trở nên vô cùng giận dữ. Nhằm giúp người tình thoát khỏi sự ghen tuông của Hera, thần Zeus biến nàng thành con bò chạy trốn qua eo biển và cái tên Bosphorus ra đời. Ảnh: Alphacoder.
 
Eo biển Bosphorus có vị trí rất quan trọng về kinh tế và quân sự. Từ năm 1936, Bosphorus trở thành eo biển quốc tế. Tuy vậy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có quyền kiểm soát tàu bè khi đi qua eo biển này nhằm hạn chế những bất ổn về an ninh. Ảnh: Shutterstock.
 
Du ngoạn trên eo biển Bosphorus hoặc thưởng thức bữa tối lãng mạn ngắm cầu và tàu thuyền qua lại là những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Istanbul. Ước tính khoảng 15 triệu du khách đặt chân tới Istanbul mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, lượng du khách tới Istanbul đã giảm mạnh do những bất ổn về chính trị, khủng bố và gần đây nhất là cuộc đảo chính của quân đội ngày 15/7. Ảnh: Darelluski.
 
Hải Thu

Sự tái sinh của eo biển Bosphorus

Cái tên Bosphorus không chỉ xác định vị trí của Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ mà còn gợi lên cả lối sống của người dân nơi đây.

Eo biển Bosphorus chia cắt Thổ Nhĩ Kỳ thành hai phần lãnh thổ thuộc châu Âu và châu Á. Đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại giữa biển Marmara và biển Đen, bao gồm các tàu container từ Bulgaria, Romania, Georgia, các tàu ngầm của Nga, tàu chở dầu.
Thêm vào đó, hàng nghìn phà chở khách cùng tàu đánh cá và các tàu cao tốc hạng sang ngược xuôi qua eo biển dài 32 km này từ bình minh cho đến hoàng hôn, khiến nơi đây không còn nhiều chỗ trống. Điều này vừa làm Bosphorus trở nên hấp dẫn nhưng cũng đi kèm với sự tắc nghẽn và hiểm nguy.
image001-2446-1384422483.gif
Cây cầu Bosphorus nối liền hai bờ Âu - Á bị chia cắt bởi eo biển. Ành: bbc.com.
Tuy nhiên, theo dự án đầy tham vọng Kanal Istanbul của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Erdogan, tất cả những điều đó sẽ thay đổi. Ông đã lên kế hoạch xây dựng một kênh đào nhân tạo dài 50 km có trị giá 10 triệu USD để cạnh tranh với kênh Suez hoặc Panama. Nhờ đó Bosphorus sẽ trở về với thời kỳ hoàng kim của nó trước khi sự tắc nghẽn tàu thuyền xảy ra.
Tự nhận xét rằng kế hoạch của mình “vừa điên rồ vừa tuyệt vời”, ông Erdogan muốn ngừng các hoạt động giao thông thương mại và biến Bosphorus thành bến du thuyền hấp dẫn nhất thế giới nhân dịp kỷ niệm quốc khánh lần thứ 100 của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên một kế hoạch như vậy được đặt ra, nhưng ý tưởng về kênh đào nhân tạo khổng lồ đã khiến nhiều người dân Istanbul ngạc nhiên.
image002-9272-1384422483.gif
Minh họa dự án bến du thuyền mà ông Recep Erdogan lên kế hoạch xây dựng. Ảnh:gr8lakescamper
Trước khi kênh đào khởi công, cách tốt nhất để tham quan Istanbul chính là đi phà. Phà thường xuyên khởi hành đến đảo Princes bình dị, nơi những du khách thượng lưu rong chơi trong những căn hộ và biệt thự cạnh bờ biển của họ.
Du khách cũng có thể lựa chọn hành trình bắt đầu từ bến nghỉ của cầu Galata đến vùng ngoại ô thời thượng ở phía bắc Ortaköy, Bebek và Emirgan. Dọc theo bờ biển khoảng 20 phút về phía bắc vùng lân cận Sultanahmet, bạn có thể bắt gặp cuộc sống hiện đại của Istanbul ở ba vùng ngoại ô này.
Ở Ortaköy, người Istanbul thường nhâm nhi ly cocktail, thưởng thức những chiếc bánh kẹp và sushi trong các quán ăn như House Café, Banyan và Zuma. Ở Bebek, những cầu thủ bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ và các ngôi sao màn ảnh thường dạo chơi ở nhà hàng Italy - Lucca trên phố Cedvet Paşa, một địa chỉ đắt đỏ nhất của thành phố.  
image003-8034-1384422483.gif
Du khách đi phà thưởng ngoạn trên biển. Ảnh: bbc.com.
Tuy nhiên, những du khách tầm trung vẫn có thể thưởng thức món Anatolian dondurma (một loại kem) ở Mado trong công viên Bebek và xem người dân địa phương đánh cá trên thuyền trong bến cảng.
Do ngành du lịch ở Istanbul đang trong thời kỳ bùng nổ, nên gần như tất cả tên tuổi khách sạn nổi tiếng toàn cầu đều có mặt ở đây như Four Seasons on the Bosphorus (Bốn mùa ở eo biển Bosphorus), the A’jia và Çırağan Palace Kempinski... Ở hầu hết khách sạn này, bạn có thể thoải mái ngắm tàu thuyền qua lại mà không phải rời khỏi chiếc ghế cạnh hồ bơi của mình.
Thanh Phương (theo bbc.com)

Không có nhận xét nào: