Đặt chân xuống sân bay Lisbon (Bồ Đào Nha) khá khuya, nhưng tôi vẫn háo hức nhìn ra cửa sổ taxi để ngắm phố phường. Tôi hơi thất vọng khi thấy đường vào thành phố cứ nhàn nhạt những tòa nhà cao tầng, mang dáng dấp của một thành phố công nghiệp… Nhưng rồi, cứ chậm rãi thăm thú phố phường bạn sẽ cảm nhận ra Lisbon còn có nét duyên thầm.
Sáng hôm sau là ngày Chủ nhật, chúng tôi tranh thủ ra phố sớm. Đã đọc sách hướng dẫn trước đó nên chúng tôi không quá ngạc nhiên khi mọi cửa hàng và thành phố vắng ngắt, chỉ có khách du lịch đi lại nườm nượp tại khu trung tâm. Vì là đất nước có nhiều người theo Công giáo, mọi hoạt động trong ngày Chủ nhật đều gói gọn trong nhà thờ. Không hề gì, chúng tôi rảo bước trên vỉa hè, săm soi những viên đá lát rất đặc trưng và nổi tiếng ở Bồ Đào Nha. Chúng tôi ngẩn người ngắm những căn nhà lát gạch men có những hoa văn đẹp mắt, nhìn chúng cũ kỹ nhưng rất duyên dáng.
Thành phố ven biển Địa Trung Hải
Lisbon là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Bồ Đào Nha. Lisbon đón nhiều khách du lịch do có khí hậu của vùng Địa Trung Hải. Mùa hè ở đây kéo dài đến sáu bảy tháng. Chúng tôi đến thăm Lisbon vào tháng 6, người dân địa phương và khách du lịch ở Lisbon đeo kính mát, mặc áo hai dây khoe làn da rám nắng, bầu trời trong xanh, nắng hanh hao dịu nhẹ và đặc biệt không khí khô nên dù có đi bộ ngoài trời cũng ít thấy ai đẫm mồ hôi.
Hệ thống giao thông công cộng của Lisbon khá tốt. Mua một tấm vé giá 6,5 euro, bạn có thể sử dụng nó trong vòng 24 giờ đồng hồ cho tàu điện ngầm, xe buýt và đặc biệt tàu điện rất thú vị.
Cũng theo sách hướng dẫn, chúng tôi đến ngôi chợ lớn mang tên Mercado da Ribeira. Chợ nằm gần cửa sông nơi con sông lớn nằm ngay trung tâm thành phố đổ ra biển. Sáng Chủ nhật, nhiều gia đình và bạn trẻ đổ ra bờ sông sưởi nắng và ghé vào chợ để dùng bữa trưa. Chợ là một căn nhà lớn rất sạch sẽ, nơi tụ họp nông dân từ phương xa đến buôn bán nông sản tại Lisbon. Trưa Chủ nhật, chỉ có các cửa hàng ăn uống đón khách. Vì nằm ven biển, Lisbon rất nổi tiếng với hải sản. Tôi không ngần ngại gọi món xà lách bạch tuộc và món cá tươi ăn sống kiểu Nhật. Cả hai món đều được chế biến đơn giản, nhưng nhờ vào sự tươi sống của hải sản nên rất ngon miệng. Đặc sản của Lisbon cũng là cá sardine. Cá sardine chỉ đặt lên vỉ nướng, không ướp gia vị gì cả nhưng ngon lạ lùng, ăn kèm xà lách dầu giấm.
Một trong những đặc sản khác của Bồ Đào Nha là món bánh ngọt Pasteis de Belem, một loại bánh có lớp vỏ bằng bột nướng và nhân kem trứng với vị quế. Khi tôi mua về làm quà cho các bạn tôi, mọi người ai cũng tấm tắc khen ngon vì vỏ bánh mỏng và nhân bánh thanh tao.
Đến Lisbon, du khách cũng không bỏ qua dịp đi tàu điện, giống như tàu điện ở Hà Nội thời xa xưa. Lisbon là phố trập trùng giống Đà Lạt. Những con hẻm nhỏ nhưng khi đi bạn phải thở dốc vì độ cao của nó. Khi đi xuống cũng phải như chạy lúp xúp. Có khi, đứng ở vỉa hè, bạn bất ngờ nhìn xuống thấy một dãy phố nhấp nhô dưới chân đủ để biết độ chênh vênh của thành phố. Vì thế, có tuyến xe điện chỉ để đưa hành khách lên xuống một con dốc trong vòng năm phút. Cũng có tuyến xe điện đưa du khách và dân địa phương đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Có lẽ, đây là phương tiện lâu đời còn sót lại ở châu Âu.
Những khác biệt
Tàu điện cũ kỹ, có chiếc mất hết cả cánh cửa sổ, người lái tàu điện kiêm soát vé, kiêm bán vé. Có lẽ đây là điều tạo nên khác biệt giữa văn hóa và kinh tế của Bồ Đào Nha với các thành phố lớn khác. Trong khi ở London nước Anh, với tác phong nhanh nhẹn và mọi thứ đều qua máy móc, khi lên xe lửa hoặc xe buýt, bạn chỉ ấn thẻ vào máy và vào xe, chưa đến năm giây, thì ở Lisbon, người lái xe vẫn nhẫn nại chờ hành khách đếm tiền lẻ để mua vé, mặc cho mọi người vẫn xếp hàng dài mà không ai lên tiếng phàn nàn. Bạn tôi nói: “Có lẽ vì thế mà nền kinh tế của nước này tụt hơn so với châu Âu nói chung”. Tuy nhiên, có lẽ cũng nhờ vào sự khác biệt này mà du khách vẫn nhẫn nại chờ đến lượt mình để được vào chiếc tàu điện cũ kỹ, mà mỗi chiếc chỉ chở được tối đa khoảng 30 người, trong khi những chiếc xe buýt sáng loáng đỗ bên kia đường chờ khách hoàn toàn vắng bóng du khách đến từ phương xa.
Xe điện sẽ đưa bạn vào những con đường đá nhỏ hẹp, mà người đi bộ có khi phải đứng nép vào tường khi xe chạy ngang qua. Xe không đóng cửa nên gió lùa vào mát mẻ và thoáng gấp nhiều lần so với xe buýt có máy lạnh hay tàu điện ngầm có cảm giác ngộp thở. Có lẽ thế mà chúng hấp dẫn du khách đã quen với xe hơi và các phương tiện khác chăng? Riêng tôi, nó lại gợi cho cảm giác giống như hồi xưa đi trên những chiếc xe lam ở quê nhà cũng lộng gió, cũng nhỏ xíu chỉ chở được một ít người.
Trước khi chia tay Lisbon, chúng tôi được cô nhân viên khách sạn chỉ ra một quán ăn địa phương, nơi cô hay đến dùng bữa trưa. Cô ghi vào tờ giấy tên món: bitokue và giải thích, “đây là món ăn mà người địa phương muốn được khuây khỏa khi buồn hay khi đói, nó sẽ nhanh chóng làm bạn vui lên”. Quán nhỏ như những hàng cơm bình dân ở Việt Nam, chủ quán không nói tiếng Anh, nhưng cười niềm nở khi chúng tôi chìa tên món trong tờ giấy. Hóa ra, đó là món beefsteak, gồm một miếng thịt bò lớn, trứng chiên, khoai tây chiên, xà lách trộn dầu giấm và cơm, giá lại rất phải chăng.
Chia tay Lisbon, tôi lặng ngắm những căn nhà với những hoa văn, thầm so sánh, phải chăng ở Lisbon, không có cái vẻ hào nhoáng như những thành phố châu Âu khác, cái duyên ở đây nó lặn vào trong mà bạn chỉ thấy được khi tiếp xúc và cảm nhận nó một cách chậm rãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét