Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Đến “thành phố ma”, thăm hồng trăm tuổi

Lên máy bay ở San Francisco International Airport, chúng tôi tựa mình trên ghế, mơ màng đi vào một giấc mộng… đợi chờ. Giấc mộng thành sự thật sau khi đáp xuống sân bay Tucson, xe buýt rước chúng tôi về Tombstone-Arizona, nằm ở Tây Nam nước Mỹ, thủ phủ của dân cao bồi. Đội chiếc mũ da bò rộng vành, trang phục hệt dân đào vàng, hông đeo súng giả cùng băng đạn giả, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe ngựa lọc cọc tiến dần vào đường Allen, đoàn du khách chúng tôi bắt đầu quay về thời xưa nước Mỹ.
Đường Allen, con đường chính của Tombstone, đã từng chứng kiến nhiều cuộc đấu súng rùng rợn, cướp ngân hàng. Dãy nhà gỗ dọc đường, quán rượu, cột gỗ, sàn gỗ, các con đường đi bộ… chẳng khác gì thuở dân giang hồ mới tụ tập về đây; mặc dù sơn phết tráng lệ hơn. Dăm chàng râu ria bặm trợn, áo quần phong trần, giày leng keng các ngôi sao nho nhỏ rảo phố cùng mấy nàng vận váy đầm xòe sặc sở đỏ xanh lệch bệch tung bụi đường. Xe ngựa ngược xuôi tất tả đón khách, đường Allen chỉ dành cho khách bộ hành và xe ngựa.
Một thoáng nước Mỹ thế kỷ 18
Tombstone-Arizona_ALLENSTREET
TOMBSTONE-ARIZONA
OKCorral-Tombstone-Arizona001
Chợt tiếng súng nổ đoành đoành điếc tai, cả đoàn sợ sởn tóc gáy. Xe dừng ngay dưới bảng O.K. Corral-Gunfight Site. Một câu chuyện có thật nhưng dần trở thành truyền thuyết nổi tiếng miền Viễn Tây, đó là cuộc bắn nhau giữa anh em nhà Earp và băng đảng nhà Clanton-McLaury ngày 26 tháng 10 năm 1881. Anh em Earp đã bắn hạ nhóm Clanton-McLaury sau các phát súng thiện xạ chớp nhoáng tại bãi chăn bò OK Corral.
Ngày nay OK Corral được các bức tường vây quanh che kín mít, muốn vô phải mua vé. Thật thích thú khi chứng kiến màn tái dựng lại những cuộc đấu súng xa xưa, những cô nàng diện váy năm sáu tầng ren rua, tay phe phẩy quạt lông đà điểu, đàn ông quần áo chăn bò phì phèo xì gà. Tiện đường ghé qua Tombstone Epitaph Museum rồi Bird Cage Theatre, cảnh vật như hồi thế kỷ 18, các phòng đánh bài poker, quầy rượu, súng trường lăn lóc cùng các điệu nhảy Can Can, đoàn vũ nữ đầu cắm lông chim sặc sở váy xoay tròn lộng lẫy.
Tối đến, chúng tôi thưởng thức đủ hương vị của thuở “miền Tây hoang dã”, với thịt nướng xiên quay tròn trên than hồng thơm nức, gà gô to đùng rô-ti vàng ruộm da giòn… Tôi thích nhất món bánh phồng sữa còn xèo xèo mỡ rưới sốt phúc bồn tử ngon tuyệt, tráng miệng kem chiên ngồ ngộ với bên ngoài sô cô la, caramen, ở giữa đủ thứ hạt kèm quả anh đào chua chua.
Gần nửa đêm chúng tôi “phiêu lưu” với tour “ma”, tour thu hút cả triệu khách du lịch tới Tombstone hàng năm. Chui sâu xuống mỏ bạc Schieffelin Mine, không gian vắng lặng như lởn vởn bao hồn ma. Chính nơi đây đã từng chứng kiến sự lao động cực khổ của dân từ khắp nước Mỹ đổ về để rồi chết thảm do sụp hầm mỏ, hỏa hoạn, bệnh tật và bị cướp, hay bị treo cổ do cướp của người khác. Tombstone từng nổi danh là thành phố ma vì quá nhiều người chết trong các trận đấu súng xảy ra như cơm bữa vào thế kỷ 18, đến tận ngày nay vẫn còn nhiều du khách đoan chắc, thậm chí chụp hình được bóng ma chập chờn ở các quán rượu, vài con bài poker tự nhiên lật lên lật xuống… Thi thoảng dăm tia sáng đỏ lạ lùng leo lét cứ rọi qua rọi lại khe cửa sổ Bird Cage Theatre. Có những câu chuyện được thêu dệt nghe khá ly kỳ, như chuyện thiếu phụ áo trắng thường vẫy tay đi nhờ xe ngựa lúc rạng sáng, kỵ mã áo choàng đen lang thang trên đường Allen…
Sau tour “ma”, chúng tôi được trưởng đoàn cho biết sáng mai sẽ đi thăm “nữ hoàng” hoa trăm tuổi, hứa hẹn sẽ lạ lùng không kém!
Bụi hồng xõa bóng 740 m2
tombstone-_dien-kich-ban-sung
Nằm ở góc phố giữa đường số 4 và đường Toughnut cách OK Corral không xa là một bảo tàng khiêm tốn nhưng chứa đựng bên trong vật quý hiếm. Tấm bảng “World’s Largest Rose Bush” (Bụi hồng lớn nhất thế giới) đã khiến đoàn khách du lịch tò mò. Vừa bước ra sân sau mọi người ồ lên kinh ngạc. Một gốc hồng “vĩ đại” hai ba người ôm không giáp vòng, xòe tán rậm rạp che mát cả vùng mênh mông.
Du khách càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà Dorothy Devere – chủ nhân bảo tàng hoa – giới thiệu gốc gác cây hồng này. “Nữ hoàng” hoa được trồng từ năm 1885 thuộc dòng dõi Lady Banksia Rose. Cặp vợ chồng Mary và Henry Gee đã được người bà con của Mary ở Scotland gửi tặng một cành hồng trắng nhỏ bé. Tưởng rằng cành hồng này không chịu nổi cái nóng ở Arizona, ai ngờ cành hồng này phát triển nhanh, nhiều nhánh, nở ra những đóa hoa đẹp.
Bụi hoa tới bây giờ đã hơn 100 tuổi, vươn cành xõa bóng trên diện tích hơn 740 m2, cao gần 3 m. Người ta phải làm một dàn với nhiều chân chống để bảo vệ cho “nữ hoàng” hoa. Leo lên những bậc tam cấp tới sân ngắm hoa mà vợ chồng bà Dorothy đã bỏ công xây dựng cho du khách, mọi người gần như ngợp trong hoa hồng.
Mua sắm quà lưu niệm ở các cửa hiệu Tombstone thật thú vị, đủ thứ đồ ngộ nghĩnh làm từ gỗ, đá; các bộ đồ cao bồi leng keng chuông nhạc, nón rộng vành… Thời gian trôi qua mau, ngày về kế bên mà ai nấy cũng thấy luyến tiếc muốn ở lại thêm.
Dương Văn Minh Lộc

Không có nhận xét nào: