Khi định đóng cửa chuyến tàu ở nhà ga quá xa xôi Kami-Shirataki, JR nhận ra vẫn có một nữ sinh dùng nó hàng ngày để đến trường đi học và họ đã quyết định phục vụ thêm 3 năm.
Đã nhiều năm nay tại đảo Hokkaido cực Bắc nước Nhật, có một chuyến tàu duy nhất tại nhà ga có tên Kami-Shirataki phục vụ cho một hành khách duy nhất: Một nữ sinh trung học đến trường hàng ngày. Chuyến tàu chỉ dừng tại ga này 2 lần mỗi ngày, lần thứ nhất vào đầu giờ sáng khi nữ sinh đi học và lần thứ hai vào cuối giờ chiều khi em đi học về, theo bài báo được Strait Times đăng tải mới đây.
Khi biết đến câu chuyện này, chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng đó là một phân đoạn trong phim của đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki. Thế nhưng trên thực tế, đó là quyết định được công ty đường sắt Nhật Japan Railways (JR) hiện đang vận hành và quản lý mạng lưới đường sắt lớn nhất Nhật, đưa ra cách đây 3 năm.
Ở thời điểm đó, khi khảo sát địa bàn, đại diện của JR nhận thấy rằng số lượng người sử dụng chuyến tàu và nhà ga này giảm quá nhanh bởi nó nằm ở vị trí quá xa, với tần suất sử dụng như vậy tính ra JR đang phải chịu lỗ với tuyến tàu đó. Họ quyết định sẽ ngưng chuyến tàu và đóng cửa nhà ga vĩnh viễn.
Thế nhưng cuối cùng họ đã quyết định duy trì chuyến tàu đó thêm 3 năm bởi họ nhận ra hàng ngày luôn có một nữ sinh trung học dùng nó để đi đến trường và về nhà. Họ quyết định sẽ duy trì hoạt động của nhà ga cũng như chuyến tàu. Thậm chí họ còn điều chỉnh lịch tàu làm sao cho khớp với giờ học của nữ sinh đó. Tháng 3/2016 này, sinh viên đó sẽ tốt nghiệp và JR quyết định sẽ đóng cửa nhà ga và ngừng hoạt động chuyến tàu đó.
Sau khi câu chuyện được công bố trên khắp thế giới, rất nhiều người đã thể hiện sự kính phục lòng tốt của người Nhật. Một độc giả người Trung Quốc đã viết trên trang cá nhân của mình khi trích dẫn câu chuyện này như sau: “Tôi sẽ sẵn sàng hy sinh cho một đất nước mà chấp nhận đi thêm cả vài dặm chỉ vì tôi. Chính phủ Nhật đã thể hiện văn hóa quản trị tốt đến tận cùng đời sống của mỗi người dân. Không có một đứa trẻ nào bị đẩy ra bên lề xã hội.”
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của JR trong suốt 1 thập kỷ gần đây gặp khá nhiều khó khăn bởi doanh thu giảm khi tỷ lệ sinh ngày một thấp kỷ lục, dân số già. Từ nay đến năm 2060, nhiều khả năng dân số thuần chủng Nhật giảm đến 30%. Nhật đang đối diện với khả năng rất nhiều cuộc khủng hoảng dư thừa nhà ở, lực lượng lao động suy giảm trầm trọng sẽ xảy ra và làn sóng người trẻ đổ xô ra thành phố ngày càng nhiều.
Những thập kỷ trước đây, khi kinh tế phát triển mạnh, chính phủ Nhật đã đẩy mạnh mở rộng mạng lưới đường sắt ra khắp các khu vực dù là rất xa xôi, hẻo lánh. Ví như nhà ga Kami-Shirataki được nói đến ở trên nằm ở khu vực rất xa xôi ở phía Bắc đảo Hokkaido.
Ngoài nhà ga Kami-Shirataki, Japan Railways chuẩn bị đóng cửa thêm cũng sẽ đóng cửa thêm nhà ga Kyu-Shirataki và Shimo-Shirataki vào cuối tháng 3/2016 bởi số lượng người sử dụng quá ít.
Japan Railways là tập đoàn đường sắt lớn nhất của Nhật, nó bao gồm 7 công ty thành viên và được tư nhân hóa vào năm 1987. Hiện nay trên toàn nước Nhật có hơn 200 công ty cùng kinh doanh dịch vụ đường sắt nhưng lớn nhất vẫn là JR. Đường sắt Nhật vận chuyển 23,5 tỷ lượt hành khách mỗi năm, con số cao nhất thế giới.
Thạc sỹ người Việt học tại Nhật: Chuyến tàu 3 năm chỉ phục vụ 1 hành khách là hoàn toàn có thật!
Bà Diệp cho biết, đại diện công ty đường sắt JR của Nhật Bản đã xác nhận rằng họ biết câu chuyện đang lan truyền trên mạng và đó là câu chuyện có thật.
Câu chuyện công ty đường sắt JR của Nhật duy trì một chuyến tàu và nhà ga thêm 3 năm để phục vụ cho duy nhất một nữ sinh thực sự đã gây sốc khắp thế giới.
Mọi chuyện bắt đầu ồn ã từ một bài báo trên CCTV và sau đó nó lan truyền với tốc độ chóng mặt tại rất nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ cho đến châu Âu, Trung Đông, châu Á.
Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi làm gì có chuyện người Nhật vốn đề cao hiệu quả của từng đồng vốn đầu tư mà lại chấp nhận duy trì cả một chuyến tàu và nhà ga để phục vụ cho chỉ một nữ sinh? Rồi nhiều người khẳng định rằng chẳng nhẽ trong 3 năm mà trong thị trấn của cô này không có học sinh nào khác ngoài cô nữ sinh này?
Bà Ngọc Diệp, thạc sỹ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản đã gọi điện thoại cho hãng đường sắt JR của Nhật Bản để xác minh về câu chuyện này.
Dưới đây là chia sẻ của bà Diệp:
"Trước tiên để xác nhận về việc câu chuyện này là đúng hay sai, chúng tôi đã gọi điện trực tiếp đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của công ty đường sắt JR của Nhật chi nhánh Hokkaido.
Khi được hỏi về câu chuyện này, đại diện của JR đã xác nhận với chúng tôi rằng họ biết câu chuyện đang lan truyền trên mạng và đó là câu chuyện có thật.
Đại diện của JR Hokkaido cho biết cách đây 3 năm họ thực sự đã có kế hoạch đóng cửa nhà ga Kami-Shirataki và sau khi tìm hiểu thực tế, họ biết việc nữ sinh trung học đó cần tàu để đến trường, cùng với vài lý do khác nữa mà họ không thể công bố, nên họ đã quyết định duy trì tuyến tàu đó đến ngày 26/3/2016, thời điểm tốt nghiệp trung học ở Nhật.
Đại diện JR cho biết nếu có yêu cầu bằng văn bản từ một cơ quan báo chí/thông tấn của Việt Nam thì họ sẽ cho biết thêm các lý do còn lại.
Số điện thoại đường dây nóng của JR Hokkaido, nơi trực tiếp quản lý tuyến tàu được nói đến trong câu chuyện duy trì tàu cho nữ sinh Nhật
Như vậy đã có đủ căn cứ để khẳng định câu chuyện đang gây ngạc nhiên khắp thế giới là có thật và quyết định của JR trong việc duy trì tuyến tàu để hỗ trợ cho cô cũng không phải là chuyện bịa đặt.
Câu chuyện sẽ gây sốc với những ai chưa từng bao giờ thực sự hiểu cuộc sống tại Nhật nhưng sẽ là điều bình thường với những ai đã từng trải nghiệm cuộc sống trên đất nước tuyệt vời này.
Đối với nước Nhật, ngoài những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp thì những gì con người ta sống và cư xử với nhau trong đời sống hàng ngày mới là điều những người từng sống ở Nhật luôn ngưỡng mộ và yêu quý đất nước này.
Những lòng tốt khó tin trên đất Nhật
Những ai đã từng đến các sân bay ở Nhật, khi máy bay rời đi, nếu tinh ý họ sẽ nhận ra rằng tất cả nhân viên đang có mặt trên sân bay khi đó đồng loạt cúi chào chiếc máy bay đang cất cánh hay hạ cánh.
Họ cũng không cần biết việc hành khách có chú ý hay khen ngợi việc họ làm hay không, nhưng dù chỉ cần một hành khách biết đến sự chu đáo của họ thì họ cũng đã vui lòng.
Vậy thử hỏi một ngày nếu chỉ tính riêng sân bay Narita có đến hàng trăm chuyến bay, có ai có thể tưởng tượng nhân viên sân bay phải cúi chào đến bao nhiêu lần mà họ vẫn vui vẻ.
Đó là những ông chủ dù giữ chức vụ cao nhưng luôn sẵn sàng làm những việc tay chân để giữ cho nơi làm việc được sạch sẽ. Đó là những cô gái nhìn rất “sang chảnh” nhưng khi thấy rác bẩn trên đường sẵn sàng cúi xuống nhặt để giữ cho đường phố sạch sẽ mà không nề hà gì.
Sự chu đáo và quan tâm đến từng nhu cầu cá nhân của người Nhật thể hiện cả từ điều nhỏ nhất, đó là nhà vệ sinh công cộng. Với kinh nghiệm từng sống ở nhiều châu lục, tôi chưa từng thấy ở nước nào trên thế giới mà nhà vệ sinh công cộng có phòng trang điểm riêng cho phụ nữ, phòng thay tã kèm them một vài chiếc tã cho trẻ con, chỗ nằm nghỉ cho khách qua lại lỡ độ đường và tất cả hoàn toàn miễn phí.
Là một người từng sống, học tập và làm việc ở Nhật 2 năm, tôi từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện về sự tử tế, quan tâm đến từng cá nhân của người Nhật. Chắc chắn rằng khi người Việt Nam nghe cũng cảm thấy sốc và không tin tại sao họ lại phải tốt như vậy.
Cũng có lý do để thông cảm bởi khi mà trình độ phát triển và nhận thức của người Việt mình còn chưa bằng Nhật, người Việt mình còn chưa thể vượt qua được nỗi lo về cơm áo gạo tiền thường trực thì rất nhiều người không tránh khỏi việc nhận thức còn hạn chế.
Ở Nhật người Việt Nam rất tai tiếng về “ăn cắp vặt”. Những câu chuyện về ăn cắp của người Việt tại Nhật không thể đếm xuể. Thế nhưng trong những cuộc nói chuyện của tôi với một số cảnh sát Nhật, họ vẫn luôn giữ thái độ bao dung và muốn hướng thiện cho người Việt lầm lỗi.
Bác Takahashi, một người cảnh sát địa phương tại tỉnh Nagano ở Nhật, từng chia sẻ với tôi bác đã bắt được rất nhiều người Việt Nam trộm cắp trong siêu thị, và với từng trường hợp, bác luôn cố gắng thuê phiên dịch tiếng Nhật – Việt thật giỏi để hiểu được cặn kẽ lý do tại sao họ lại phải ăn trộm và cố gắng bằng hết khả năng của mình để thuyết phục họ hãy luôn hướng thiện.
Bác Takahashi đã rất nhiều năm luôn bằng sức lực và tiền bạc của mình cưu mang hỗ trợ cho nhiều sinh viên Việt Nam sang Nhật học chỉ với một lý do đơn giản rằng bác rất yêu người Việt Nam và luôn tin vào bản chất tốt của người Việt Nam chính vì vậy bác muốn giúp đỡ hết sức có thể.
Đó là con chưa kể rất nhiều những câu lạc bộ tiếng Nhật hoàn toàn miễn phí dành cho người nước ngoài do người Nhật tổ chức. Những người tham gia câu lạc bộ không những được học tiếng mà còn được các thầy cô giáo người Nhật đưa đi chơi rất nhiều địa điểm ở Nhật, được tổ chức tiệc miễn phí vào các dịp lễ, được tặng rất nhiều quà cáp trước khi về nước.
Người Việt phải chăng đã quá mất niềm tin?
Những câu chuyện trên có khó tin không? Chắc chắn rất khó tin với rất nhiều người Việt Nam chưa từng đến Nhật hoặc chỉ đến Nhật qua những chuyến du lịch ngắn ngày. Người Việt Nam mình khi được hỏi, từ trẻ con cho đến người lớn thường chỉ mơ ước được làm những điều to tát mà không có ai muốn làm điều bình thường để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hãy xem trẻ em Nhật nói gì?
Mới đây, báo Japan Today của Nhật đã tiến hành cuộc khảo sát đối với rất nhiều các em học sinh trung học và kết quả gây rất nhiều bất ngờ. Rất nhiều em trả lời mình mơ ước được làm người lái tàu, lái những chuyến tàu phục vụ cho hành khách, nhiều em khác mơ ước làm lính cứu hỏa để cứu người, nhiều em khác nữa mơ ước làm bác sỹ chữa bệnh để chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Không có một em nào nói muốn trở nên cực giàu có hay làm tỷ phú, triệu phú.
Việc sống như một người bình thường và làm những điều bình thường có ích cho xã hội dường như đang trở nên khó khăn với chúng ta.
Người Việt hiện tại đang rất mệt mỏi với những thông tin thực phẩm bẩn, dối trá, lừa lọc trong sản xuất, kinh doanh nên có lẽ nhiều người khó chấp nhận được việc có một câu chuyện đẹp như thế diễn ra trong lòng xã hội Nhật.
Nhiều người thậm chí còn dẫn ra câu chuyện ký túc xá Việt Nam 100 tỷ phục vụ cho 1 sinh viên hay cây cầu 3,5 tỷ phục vụ cho hai hộ dân. Xin hãy phân biệt rõ ràng giữa hiệu quả đồng vốn trong đầu tư và những mục đích nhân văn của các quyết định kinh tế.
Cách nghĩ của người Việt không thể đúng với xã hội Nhật và ngược lại. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình và nơi mình đang sống lên một đất nước mà trình độ phát triển và nhận thức của họ hơn mình đã rất xa".
Theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét