Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Tại sao socola Bỉ ngon nhất thế giới?

Đối với nhiều người Nhật vốn nổi tiếng về khó tính và sành ăn, một vài thương hiệu socola Bỉ là lựa chọn hàng đầu của họ.


Tại sao socola Bỉ ngon nhất thế giới?
Tại một con phố bán socola nổi tiếng bậc nhất thủ đô Brussels của Bỉ, 11h sáng, trong khi các cửa hàng khác đã mở cửa trước đó hàng tiếng đồng hồ để đón khách du lịch, thậm chí cho cả nhân viên ra ngoài lôi khách vào cửa hàng của mình. Chỉ riêng một hiệu socola nằm đối diện với tượng chú bé đứng tè Manneken Pis, vị trí có thể coi như đẹp nhất trên con phố, vẫn đóng cửa im ỉm. Mãi gần 12h trưa, hiệu mới mở cửa đón những vị khách đã xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ.
Đó là Godiva, một trong ba thương hiệu socola ngon và đắt nhất tại Bỉ. Socola của Godiva khác hẳn với socola của những hãng khác bởi công thức riêng độc đáo của hãng. Godiva là lựa chọn hàng đầu của những người Nhật vốn nổi tiếng khó tính và sành ăn khi đến châu Âu.

Những viên socola tươi ngon hảo hạng của thương hiệu socola nổi tiếng nhất thế giới.
Socola của Godiva không có nhiều kiểu dáng, màu sắc như socola của những hãng khác, nhưng chỉ khi nếm thử người ta mới có thể cảm nhận thấy sự khác biệt. Từ socola đen đến socola trắng hay socola tươi, tất cả đều ngon đến ngỡ ngàng. Godiva từng được bầu chọn là 1 trong 10 loại socola ngon nhất thế giới trong suốt nhiều năm. Socola Godiva được nhà sáng lập của nó đặt trong những chiếc hộp màu vàng đặc trưng dễ nhận biết.
Đi khắp nước Bỉ cũng như nhiều địa điểm mua sắm lớn ở châu Âu, Godiva cùng với Corne và Neuhaus luôn được bày bán ở những gian hàng sang trọng và lịch sự nhất, khách mua lúc nào cũng đông chật dù giá socola của các thương hiệu này đắt gấp đôi các loại bình thường. Và sân bay Brussels là nơi kinh doanh socola lớn nhất thế giới.
Một số thương hiệu socola Bỉ khác cũng nổi tiếng như Leonidas hay Guylian. Thế nhưng theo nhiều người Bỉ, có hai loại socola khác nhau, loại dành cho khách du lịch và loại cho người Bỉ. Guylian bán ra hàng triệu hộp mỗi năm, nhưng chủ yếu nó dành cho khách du lịch.

Những viên socola với đủ loại hình thức kiểu dáng đa dạng của các thương hiệu khác. Tuy nhiên những loại này chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, những thương hiệu socola nổi tiếng nhất không quá cầu kỳ về kiểu dáng của viên socola.
Brussels không chỉ nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Cung điện Hoàng Gia hay khối Atomium mà còn được mệnh danh là thủ đô socola của thế giới với 16 bảo tàng về socola và hơn 2000 cửa hàng bán socola chỉ riêng trong thành phố này.
Ai cũng biết Bỉ và Thụy Sỹ đều nổi tiếng với socola, nhưng ít người biết rằng, ban đầu,chính người Thụy Sỹ đã học cách làm socola từ người Bỉ. Khắp nước Bỉ, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp trường dậy làm socola với các khóa học từ sơ cấp cho đến trung và cao cấp. Một khóa học cơ bản nhất kéo dài 6 ngày có chi phí lên đến 4 nghìn euro, khoảng hơn 100 triệu đồng Việt Nam.
Lịch sử socola Bỉ, nước mắt và máu
Câu chuyện về socola của nước Bỉ bắt đầu từ cách đây hơn 2000 năm tại những khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ nơi người ta lần đầu tiên phát hiện ra cây cacao. Người Maya và Aztecs cổ đại đã biết pha hạt cây ca cao với một số nguyên liệu khác để tạo ra một thức uống có màu sẫm rất thơm ngon. Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã mang hạt ca cao và công thức đồ uống của người Maya về châu Âu và nhanh chóng được người dân nhiều nước châu Âu ưa chuộng.
Đến thế kỷ 17, người Tây Ban Nha thống trị nước Bỉ và đưa socola vào Bỉ. Rất nhiều những thành viên hoàng tộc, nghệ sỹ và giới giàu có của Bỉ đã lần đầu được trải nghiệm cacao tại Cung điện Hoàng gia. Thế rồi, đến cuối thế kỷ 17, Henri Escher, thị trường thành phố Zurich, Thụy Sỹ vì quá ưa thích loại đồ uống mà ông từng được nếm thử ở Bỉ, đã quyết định mang socola về Thụy Sỹ. Và ngày nay, tại châu Âu, Thụy Sỹ cạnh tranh quyết liệt với Bỉ về chất lượng và thương hiệu socola. Ở thời điểm này và nhiều năm sau đó, Bỉ vẫn phải phụ thuộc vào Tây Ban Nha để có nguồn cung cacao.
Cuối thế kỷ 19, vua Leopold của Bỉ xâm chiếm thành công Công Gô và ông đã tận dụng cơ hội này để mang đến cho nước Bỉ nguồn cung hạt ca cao chất lượng tốt, dồi dào. Những hạt ca cao làm nguồn nguyên liệu quý cho ngành sản xuất socola ở Bỉ đổi lại từ nước mắt, thậm chí cả máu của triệu triệu người dân Công Gô. Chính vì thế, người ta thường nói lịch sử ngành socola của Bỉ không phải trang nào cũng ngọt ngào.
Tại sao socola Bỉ ngon nhất thế giới?
Người Bỉ thành công nhất thế giới với socola cũng theo cách mà người Đức đã sản xuất ra những chiếc ô tô tốt nhất thế giới hay người Nhật làm được sushi ngon hơn bất kỳ nước nào khác: đó là công thức gia đình được truyền từ đời này sang đời khác. Socola ở Bỉ thường được làm thủ công chứ không sản xuất hàng loạt với số lượng lớn theo kiểu công nghiệp và những người thợ socola luôn tìm tòi sáng tạo trong khi sản xuất. Socola được sản xuất từ hạt cacao thông qua một quá trình chế biến bao gồm nhiều công đoạn.

Những thanh cờ lê, những chiếc ốc vít thô mộc. Thế mà nó lại là socola đấy!
Hạt cacao được rang rồi bóc vỏ và xay mịn thành bột, trong bột này có chứa bơ cacao. Bơ ca cao được chiết xuất riêng, còn lại được xay ra để thành bột cacao mịn và bơ cacao. Thành phần làm nên socola là bột cacao, bơ cacao và đường. Chất lượng hạt cacao, kỹ thuật rang xay và tỷ lệ bơ cacao góp phần quyết định chất lượng của socola. Ở Bỉ và Thụy Sỹ, hai nước sản xuất được socola ngon nhất thế giới, tỷ lệ bơ cacao ở mức khoảng 35 đến 50%.
Bậc thầy của ngành sản xuất socola Bỉ phải kể đến Joseph Draps người khai sinh ra thương hiệu Godiva và Jean Neuhaus, người khai sinh ra thương hiệu Neuhaus. Và chính sự sáng tạo của những người thợ bậc thầy như thế này mang đến công thức socola riêng của nước Bỉ, khiến cho nó khác biệt với các loại socola khác trên thế giới.
Neuhaus là người đầu tiên trong ngành công nghiệp socola thế giới nghĩ ra cách tạo ra các viên socola có vỏ cứng để chứa nhân bên trong. Kết hợp với tỷ lệ bơ ca cao cao hơn loại thường, từ 32 đến 39%, loại socola có vỏ ngoài cứng bao chặt lấy lớp nhân bên trong một cách hoàn hảo không khiếm khuyết giúp đảm bảo cho chất lượng socola bên ngoài mà vẫn giữ được chất lượng nhân bên trong.
Neuhaus còn nghĩ ra cách nung nóng chảy tất cả các loại nguyên liệu bao gồm đường, bơ cacao và bột cacao mịn theo công thức riêng để làm ra vỏ socola giữ hương vị ngon nhất. Phát minh này của ông từ đó đã thay đổi cách người ta ăn socola trên khắp thế giới.

Bản lề cửa và cờ lê hoen rỉ làm từ socola
Chính người Bỉ cũng đi đầu trong việc sản xuất socola tươi, loại socola được coi như đỉnh cao của socola thế giới bởi hàm lượng ca cao nguyên chất vượt trội, không có chất bảo quản để đảm bảo hương vị luôn tươi mới, ngọt ngào. Đỉnh cao của socola tươi phải kể đến socola Marzipan với hình thức là bánh hạnh nhân làm từ quả hạnh nhân tươi nguyên chất xay nhuyễn với đường và không thêm bất kỳ hương vị nào khác, rồi nó được bọc bên ngoài bằng socola hảo hạng, loại socola này trước đây không dành cho giới bình dân mà chỉ được sử dụng làm quà tặng cho quý tộc Anh, Pháp.
Mỗi năm, nước Bỉ sản xuất ra 660 nghìn tấn socola, trong đó khoảng 450 nghìn tấn được xuất khẩu, như vậy tính trung bình mỗi người Bỉ ăn khoảng 6 cân socola, tỷ lệ thuộc loại cao nhất thế giới. Du khách đến nước Bỉ, ngoài việc viếng thăm chú bé đứng tè, quả cầu Atomium nổi tiếng, hay những trung tâm lịch sử, kiến trúc đặc sắc, hãy nên thưởng thức và mang về cho quê hương mình một chút quà là những thanh socola Bỉ, sản phẩm đã đi cùng lịch sử và văn hóa nước Bỉ suốt hàng trăm năm qua.

Ngọc Diệp
Thạc sỹ ngành quan hệ quốc tế tại đại học Bocconi, Milan, Italy
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: