Vĩnh Trinh (Theo SKCĐ) |
Đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Á, cái chết không có nghĩa là sự chấm dứt, mà là mở đầu của một cuộc sống mới ở một thế giới khác. Vì vậy, cái chết và những linh hồn là điều gì đó rất thiêng liêng và cần được tưởng nhớ. Tùy theo từng nền văn hóa và tôn giáo, mỗi quốc gia có những lễ hội, nghi thức tôn vinh các linh hồn đã khuất độc đáo được gìn giữ hàng thế kỉ.
1. Lễ Vu Lan (lễ Xá tội Vong nhân) – Việt Nam
Vu Lan, còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và phong tục Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông.
Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành; và là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân, nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế để thờ cúng.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn. Ngoài ra, theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, ngày này là ngày "xá tội vong nhân" nên nhiều nhà có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn).
2. Tết Thanh Minh – Việt Nam, Trung Quốc
Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì đây là một ngày quốc lễ. Do chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, nên tết Thanh Minh ở Việt Nam cũng là một ngày lễ quan trọng.
Tảo mộ vào dịp Tết Thanh Minh ở Trung Quốc.
Đối với người Việt, tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3.3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đây được coi là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau tháng Giêng, người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ, mọi người đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà. Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của dân gian là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
3. Lễ Chuseok – Hàn Quốc
Khi những cơn mưa và những đợt nóng gay gắt thất thường cuối cùng của mùa hè kết thúc, cả đất trời Hàn Quốc bắt đầu chuyển mình đẹp dịu dàng trong nắng thu và mọi người náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok – một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất tại Hàn Quốc.
Vì là một dịp lễ quan trọng của Hàn Quốc nên mọi người sẽ được nghỉ tới 3 ngày để chuẩn bị đón chào ngày Tết Chuseok. Vào những ngày nghỉ này, các hàng quán cũng như siêu thị đều đóng cửa và những tuyến đường phố nối dài những hàng xe từ thành phố lớn đổ về các miền quê. Đó chính là không khí và diện mạo của ngày Tết Chuseok ở Hàn Quốc.
Vào buổi sáng ngày Chuseok, các món ăn được chuẩn bị với nguyên liệu tươi từ vụ mùa trong năm được bày biện để làm lễ Charye tạ ơn tổ tiên (lễ cúng gia tiên). Sau Charye, các gia đình đến viếng mộ tổ tiên và tham gia vào nghi thức nhổ cỏ mọc trên gò chôn cất. Qua hoàng hôn, mọi người thường đi dạo và ngắm vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu hoạch hoặc chơi các trò chơi dân gian nhưGanggangsullae (điệu nhảy vòng tròn của Hàn Quốc).
4. Lễ Obon – Nhật Bản
Lễ hội Obon kéo dài 3 ngày nhưng ngày bắt đầu thường khác nhau ở từng vùng. Mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỉ niệm Lễ hội Obon này.
Lễ hội Obon bắt nguồn từ một phong tục của người theo Phật giáo, là dịp để cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên. Trong những ngày này, người Nhật dù đang ở xa cũng tề tựu đông đủ thăm hỏi ông bà, cha mẹ và viếng mộ người thân. Lễ hội này đã có tại Nhật Bản hơn 500 năm và gắn liền với 1 điệu múa truyền thống gọi là Bon-Odori.
Điệu nhảy Bon-Odori hiện nay đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau ngay cả nhạc nền cũng tùy theo từng vùng. Kiểu truyền thống điển hình là các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura, cũng là sân khấu nơi ca sĩ và nhạc công trình diễn. Có kiểu nhảy khác, vũ công lại nhảy múa trên hàng thẳng. Có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khắn đầy màu sắc gọi là Tenugui.
Ngoài ra còn có nghi lễ Toro nagashi, thả đèn lồng chochin trên sông để báo hiệu thời khắc các linh hồn trở về thế giới bên kia. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8.
5. Lễ Gai Jatra – Nepal
Gai Jatra là một lễ hội được tổ chức bởi người Nepal để tưởng nhớ những người đã qua đời vào năm trước. Nếu gia đình nào có người chết, họ sẽ mang theo một con bò đến lễ hội.
Trong khi những lễ hội khách thường mang bầu không khí đáng sợ, thì Gai Jatralại là lễ hội của những trò đùa, tiếng cười, những câu chuyện châm biếm. Tập tục này bắt nguồn từ việc một nhà vua muốn tưởng niệm ngày mất của con trai này bằng cách làm cho vợ mình cười, ông ban thưởng cho những ai có thể làm cho nụ cười xuất hiện trên môi vợ mình.
6. Lễ Día de los Muertos – Mexico
Lễ hội là một phong tục mang tính tôn giáo bản địa ở Mexico, xuất hiện từ trước khi thực dân Tây Ban Nha đến chiếm đóng hồi thế kỉ 15, và được tổ chức vào ngày 1 - 2/11 hàng năm.
Theo quan niệm của người dân bản địa, cứ vào ngày 1 và 2/11 hàng năm, linh hồn của những người quá cố sẽ trở về với người thân trong gia đình. Vì thế, mọi gia đình Mexico đều trang trí bàn thờ trong nhà hay bàn thờ ngoài nghĩa trang bằng các loại hoa quả với màu vàng chiếm chủ đạo, các loại bánh mì, bánh ngọt, đồ thủ công mĩ nghệ...
Ngoài ra, trên các bàn thờ trong ngày này không thể thiếu những cây nên được thắp sáng và ảnh chân dung hay vật dụng kỷ niệm của những người đã mất.
7. Lễ Pchum Ben – Campuchia
Lễ hội này được diễn ra trong 15 ngày của tháng 9 dương lịch hàng năm và thuộc tháng thứ 10 của lịch Khmer. 14 ngày đầu tiên của tháng Pheakta Botđược gọi là Kan Ben (quan sát lễ hội). Ngày thứ 15 được gọi là ngày Brochum Benhay Pchum Ben. Trong những ngày Kan Ben, mọi người dâng cúng quà bao gồm thực phẩm và nến cho các nhà sư. Vào buổi tối, khi các nhà sư tụng kinh chú nguyện thì các nghệ sĩ sẽ trình diễn những điệu nhạc truyền thống như yike andlakhon basac.
Pchum Ben là dịp để người dân Campuchia bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn của mình đối với người thân đã quá cố trong 7 đời quá khứ. Những ngày của lễ hội được cho là thời gian cửa địa ngục mở, chính vì thế mà các chư tăng thay phiên nhau tụng kinh bằng tiếng Pali liên tục không ngừng nghỉ suốt cả ngày và đêm để cầu nguyện và cứu độ những vong linh. Ngoài việc tụng kinh siêu độ vong linh, người dân Campuchia còn dâng phẩm vật lên cúng tổ tiên, ông bà đã quá vãng.
8. Lễ Pitru Paksha – Nepal, Ấn Độ
Pitru Paksha là một lễ hội truyền thống của đạo Hindu, kéo dài 15 ngày trong tháng Ashwin. Đây là thời điểm để tưởng nhớ và cúng kính tổ tiên. Trong thần thoại Hindu, khi linh hồn của chiến binh Karna lên đến thiên đường, ngài không tìm được bất kì thứ gì để ăn ngoài vàng. Không thể chịu nổi, Karna hỏi đức chúa trời Indra rằng thức ăn ở đâu. Đức chúa trời Indra đáp rằng Karna chỉ được ăn vàng bởi khi còn sống, ông chẳng bao giờ chú ý đến việc cúng kính tổ tiên.
Để có được thức ăn, Karna buộc phải trở trở về trần gian trong 15 ngày để chuộc lỗi bằng cách phân phát thức ăn và nước uống cho chúng sinh. Kể từ đó, ngày lễ Pitru Paksha ra đời. Trong ngày lễ này, con cháu phải cầu nguyện và thực hiện đầy đủ các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời đây cũng là dịp để người theo đạo Hindu cầu an, cầu sức khỏe và tiền đồ, sự nghiệp.
9. Lễ Famadihana – Madagascar
Madagascar là một quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương ngoài khơi phía đông châu Phi. Cư dân ở đây có một tập tục độc đáo để thắt chặt tình thân trong gia đình được gọi là Famadihana, hay còn có tên là Lễ Thay Xương.
Theo niềm tin của cư dân tại đây, con người không phải sinh ra từ cát bụi, mà được hình thành từ từng phần máu xương của tổ tiên. Họ còn cho rằng ngoại trừ khi phần xác thịt bị phân hủy hoàn toàn, người chết vẫn chưa biến mất vĩnh viễn mà vẫn còn hiện diện đâu đó để có thể giao tiếp với người đang sống. Vì vậy, cho đến khi xương thịt trở thành cát bụi mãi mãi, họ vẫn được các thành viên gia đình viếng thăm qua các lễ hội Famadihana. Một điều thú vị rằng các nghi lễ này không phải là tập tục cổ xưa gì, mà nó mới chỉ được phổ biến từ những năm sau thế kỉ XVII tại đảo quốc Madagascar.
Để tưởng nhớ những người thân, người Madagascar sẽ bốc những phần còn lại của các bộ hài cốt và bọc trong một miếng vải mới, sau đó sẽ cùng nhau nhảy múa với các bộ hài cốt theo nghi lễ. Đây là một nghi lễ được tiến hành sau 7 năm hoặc lâu hơn đối với một người quá cố được an táng tại hầm mộ trong nghĩa trang của gia đình.
Trong dịp này, những người già sẽ giảng giải cho con cháu, các thế hệ sau về công lao và ơn đức của cha ông đã nằm xuống. Famadihana cũng được xem như là một ngày để mỗi thành viên gia đình có thể ngồi xuống ăn uống, chuyện trò và thăm hỏi cùng nhau để gắn kết với nhau hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét