Iran vẫn yên bình, người bản địa vẫn đông đúc đến chợ |
Trước hành trình này, tôi được biết, cuộc cách mạng Iran năm 1979 đã khiến ngành du lịch nước này rớt thê thảm. Việc nhiều khu vực tại Iran bị cô lập về kinh tế và chính trị, kèm với cảnh báo từ các chính phủ phương Tây rằng tình hình an ninh tại quốc gia này vô cùng nguy hiểm đã khiến lượng khách đến Iran sụt giảm đáng kể.
Thời gian gần đây, Chính phủ Iran đã nới lỏng thủ tục xin visa để thu hút khách du lịch như một động thái tích cực với cộng đồng quốc tế. Mặc dù ngành du lịch ở Iran đang trên đà phát triển nhưng khách phương Tây chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số khách.
Thực tế, thủ đô Tehran khá nhộn nhịp qua từng góc phố với hệ thống cầu vượt hiện đại chằng chịt nối liền những con đường cao tốc phẳng lỳ, hay hệ thống xe điện hoạt động không ngừng nghỉ.
Đường phố ở Iran mang hơi thở đặc trưng của một thành phố Tây Á pha lẫn dáng dấp của các thành phố châu Âu. Các tòa nhà cao tầng xen lẫn những mái vòm của các nhà thờ Hồi giáo tạo nên vẻ cổ kính và hiện đại cho Tehran. Tự hào với 3 thiên niên kỷ lịch sử, đường phố Iran kế thừa các lối kiến trúc riêng biệt và sáng tạo, thể hiện ở những tòa thánh đường, các bảo tàng, quảng trường công cộng.
Những hàng bạch dương cao lớn tỏa bóng xuống những con đường cổ khiến du khách muốn thả bộ để đắm chìm trong không khí của những câu truyện ở xứ sở ngàn lẻ một đêm. San sát nhau trên từng nẻo phố là những quầy hàng nhộn nhịp. Một thoáng hương thơm từ các gia vị hay những loại nước hoa rất đặc trưng cứ lãng đãng trên những con đường thẳng tắp dành riêng cho người đi bộ.
Phương tiện di chuyển của người Iran chủ yếu là hệ thống xe buýt, xe điện ngầm và xe hơi cá nhân. Những chiếc xe hơi đời cũ xen lẫn với đời mới chen chúc nối đuôi nhau theo làn đường phân tuyến nhất định, quanh co trên những con đường dốc nối các quận với nhau.
Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe honda Win của ai đó phá tan sự yên lặng của phố bằng những tiếng nẹt pô. Anh Ahmad, người địa phương ở Tehran, cho tôi biết: "Ở Iran, mỗi nhà đều sở hữu ít nhất một chiếc xe hơi. Những năm gần đây, những chiếc xe Win được nhập từ Pakistan bởi sự tiện dụng của nó trong việc di chuyển với tình trạng kẹt xe liên tục luôn xảy ra ở các thành phố lớn".
Nghe nói, vì kẹt xe và ô nhiễm mà Quốc hội Iran đã thông qua kiến nghị di dời thủ đô Tehran tới địa điểm khác bất chấp sự phản đối từ chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani.
Một chút khó khăn nữa đến với tôi khi các ngân hàng ở Iran không thực hiện giao dịch ngoại tệ USD. Rất may, những người địa phương hướng dẫn tôi đến các quầy giao dịch "chợ đen" nằm khuất đâu đó trong những góc chợ hay ở một góc đường nào đó. Nhưng sự thân thiện và nhiệt tình trong giao dịch ở "chợ đen" khiến tôi chẳng có chút gì nghi ngại.
Iran giữ lại rất nhiều hình ảnh đậm chất Ba Tư |
Hầu hết người bản địa thích gọi quốc gia của mình là Ba Tư. Có lẽ họ muốn thế giới nhìn nhận họ từng có một nền văn hóa Ba Tư hùng mạnh trong thời cổ đại, nơi mang dấu ấn cổ xưa nhất hành tinh, hơn là nghĩ đến cái tên Iran chỉ gắn với thông tin về tên lửa hay hạt nhân. Hầu hết những cái tên trong giao dịch của các ngân hàng, khách sạn hay công ty đều gắn liền với chữ "Parsian - Ba Tư”.
Anh Amir cho biết thêm: "Cậu có thể đi dọc theo biên giới với các quốc gia Hồi giáo nằm liền kề với Iran để hiểu thêm tại sao Iran rất yên bình, không như người ta đồn thổi!". Đúng như anh Amir nói, Iran vẫn yên bình trong nền văn hóa đậm chất Ba Tư khi khu vực biên giới giữa Iran với các quốc gia lân cận được kiểm soát rất chặt chẽ bằng chó nghiệp vụ hay các phương tiện hiện đại khác. Ít nhất, những chiếc xe buýt được kiểm tra khoảng 5 lần khi đi vào những thành phố nằm sát biên giới.
Truyền thông cho thấy những hình ảnh quen thuộc về một Iran cứng rắn, có phần khắc nghiệt. Thi thoảng tôi đọc được ở đâu đó những câu chuyện hà khắc với phụ nữ, về nạn trừng phạt bằng hình thức ném đá đối với những người Iran ngoại tình...
Tuy nhiên, những ngày trải nghiệm ở đây cho tôi cảm giác Iran là một quốc gia Hồi giáo "mở". Nghe nói vị Tổng thống đắc cử theo đường lối cải cách và ôn hòa, gần gũi với phương Tây, đề cao quyền bình đẳng của nữ giới, đã mang đến luồng sinh khí cởi mở hơn trong hơn 30 năm qua cho quốc gia tương đối khép kín này.
Tháp Azadi ở Tehran - biểu tượng của quốc gia |
Không như tôi nghĩ trước đây về cơ sở hạ tầng lạc hậu khi Iran bị cấm vận. Những cung đường cao tốc phẳng lỳ như những chú rắn bạc chạy quanh co trong sa mạc và cho phép xe chạy với tốc độ 150 km/giờ. Vẫn có những trạm thu phí nhưng giá vé để xe qua trạm chỉ khoảng 3.000 đồng/lượt.
Năm 1908, Iran là quốc gia đầu tiên trong khu vùng vịnh khai thác dầu mỏ. Đến những năm 1920, ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ chính thức trở thành ngành công nghiệp xương sống của quốc gia này với lượng dầu khai thác khoảng 3,5 triệu barrel/ngày và thu về khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10% GDP của quốc gia.
Hiện nay, công suất khai thác dầu mỏ của Iran đạt khoảng 3,8 - 4 triệu barrel /ngày, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu với các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Turkmenistan và một số nước châu Âu.
Dầu mỏ giúp chính quyền Iran giải quyết và bố trí hợp lý lực lượng lao động của quốc gia. Hầu hết những thanh niên Iran vào đời bằng cách gia nhập đội quân công nhân trong các công ty khai thác dầu mỏ. Xu hướng xuất khẩu lao động công nhân lành nghề bắt đầu dịch chuyển khi Iran bị cấm vận và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đứng ra đỡ đầu cho Iran.
Iran đã tự cứu mình khi bị thế giới trừng phạt. Họ gửi các nhà khoa học trẻ, những kỹ sư lành nghề đến các quốc gia tiên tiến đào tạo rồi quay trở lại quê hương tự xây dựng nên những nhà máy chế tạo ô tô hay các công trình xây dựng...
Ít nhất, tôi có thể chứng kiến điều này khi đang ngồi trên chiếc xe buýt rất hiện đại hoặc những chiếc ô tô của các hãng xe nội địa như Khodro, Kerman, Rakhsh... trên hệ thống những con đường cao tốc nối liên hoàn quanh co trong sa mạc. Ở Iran bây giờ có thể tìm và mua bất cứ những mặt hàng xa xỉ được bày bán công khai dù giá có đắt hơn một chút do phải nhập khẩu từ nước thứ ba, anh Arash cho tôi biết thêm.
Ngoại ô thành phố Shiraz đã lên đèn, nhấp nhô trên sa mạc, những cột lửa cao to vẫn phì phò phun khói. Những người địa phương cho tôi biết đó là nơi các nhà máy lọc dầu đang hoạt động ngày đêm. Với người Iran, dầu mỏ là nguồn tài nguyên quý giá, nó giúp họ không thiếu thốn bất cứ thứ gì, và trên hết là vẫn có cuộc sống yên bình giữa bão táp của sa mạc và bão táp của những hận thù bất tận...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét