Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Chinh phục đỉnh Kilimanjaro

Nếu được hỏi rằng ngọn núi nào nổi tiếng nhất châu Phi, hầu hết người dân của lục địa đen sẽ trả lời: “Kilimanjaro!”. Với độ cao 5.895m so với mực nước biển và đỉnh núi được bao phủ bởi những dòng sông băng vạn năm tuổi, Kilimanjaro là khát khao chinh phục của hàng triệu người mê leo núi.


Một nhóm du khách đang leo núi
Nhưng Kilimanjaro không chỉ hấp dẫn nhờ đỉnh núi mang tên Uhuru cao vời vợi. Hành trình đi lên những sườn dốc của nó là một chuyến du lịch từ vùng khí hậu nhiệt đới tới vùng khí hậu Bắc cực.
Trước khi vượt qua ranh giới công viên quốc gia tại độ cao 2.700m, những sườn dốc trồng trọt đã nhường chỗ cho các cánh rừng núi cao tươi tốt – nơi sinh sống của voi, báo gấm, trâu, linh dương và linh trưởng. Lên cao hơn là vùng đất hoang, nơi những cây thạch nam khổng lồ bao phủ mặt đất và rải rác đó đây là những cây lobeli to lớn.
Ở độ cao hơn 4.000m, Kilimanjaro là hoang mạc núi cao với rêu và địa y. Cuối cùng, trên đỉnh núi, những dấu vết sự sống của các loài thực vật nhường chỗ cho băng tuyết và vẻ đẹp lộng lẫy của mái nhà châu Phi.

Đỉnh Uhuru cao 5.895m so với mực nước biển
Kilimanjaro nằm ở phía đông bắc của Tanzania, giáp với Kenya. Điểm xuất phát cho các chuyến leo núi là Moshi, thành phố thanh bình tọa lạc ở phía nam của đỉnh núi. Với 1.360 USD tiền tour trọn gói, tôi có ba người khuân vác, một đầu bếp và một người dẫn đường cho chuyến leo núi kéo dài bảy ngày gồm năm ngày lên và hai ngày xuống.
10 giờ 45 phút, chúng tôi tới Machame Gate, điểm khởi đầu hành trình thuộc công viên quốc gia Kilimanjaro tại độ cao 1.800m so với mực nước biển. Thời tiết rất đẹp, hơi se lạnh và có nắng ấm.
Chinh phục núi theo tuyến Machame, chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng nhiệt đới với phong cảnh và cây cối khá giống ở Việt Nam. Tuy không thấy những loài động vật lớn như voi, trâu rừng hay linh dương… nhưng bù lại cảnh rừng tuyệt đẹp, mát lạnh và yên tĩnh.

Cây Senecio Kilimanjaro, một loài thực vật đặc trưng của Kilimanjaro
Càng lên cao thì cây lớn càng ít dần nhường chỗ cho các cây lá kim nhỏ hơn. Edward, người dẫn đường liên tục chỉ ra những loài cây đặc trưng của vùng như loài hoa Kilimanjaro Impatiens hay một số loài hoa lan rất đẹp.
Sau năm tiếng đồng hồ, đoàn tới trạm nghỉ đầu tiên tại độ cao 3.000m. Trời bắt đầu có sương mù và lạnh. Hàng trăm chiếc lều của du khách đã được dựng lên nằm rải rác giữa rừng cây.

Cảnh sắc trên đường leo núi
Trong ngày leo núi thứ hai, đường đi là các con đường mòn vượt qua những núi đá dốc khó đi. Tại độ cao trên 3.000 mét, rừng nhiệt đới đã biến mất và thay vào đó là vùng đất hoang với những cây thạch nam, cây cúc bạc, cây lobeli.
Tới khoảng 1 giờ chiều thì mọi người tới Shira Camp, trạm dừng tại độ cao 3.840 mét. Đây là một khu đất khá rộng lớn với bãi đáp trực thăng cứu hộ bằng phẳng được đánh dấu bằng cách xếp các hòn đá nhỏ thành một hình tròn có đường kính khoảng 40m.
Ngày leo núi thứ ba, chúng tôi đi theo hướng đông trên cao nguyên Shira. Địa hình không khó đi nhưng hành trình khá dài. Thực vật chủ yếu là một loài cỏ trông giống như loài hoa bất tử. Từ độ cao 4.000m trở lên, Kilimanjaro là địa hình sa mạc núi với nhiều viên đá đủ kích cỡ, dấu vết của một thời núi lửa hoạt động tại đây.

Băng qua vách đá
Đến giữa trưa thì mọi người tới Lava Tower Hut, khu cắm trại tại độ cao 4.570m. Từ đây một số người leo núi có thể leo lên đỉnh Uhuru sau khi vượt qua sông băng Arrow. Tuy nhiên đây là một tuyến khó, đòi hỏi nỗ lực lớn của người leo núi.
Còn lựa chọn của đoàn chúng tôi là đi tiếp về hướng đông xuống tới trại Barranco để có thêm thời gian thích nghi với độ cao. Barranco Camp nằm ở sườn phía nam của Kilimanjaro ở độ cao 3.976m và là một hẻm núi khổng lồ nằm dưới dòng sông băng Heim. Barranco Camp có ba mặt bị chắn bởi các dãy núi và nếu muốn lên tới Uhuru, đoàn sẽ phải vượt qua núi đá này vào ngày mai.
Sau bữa ăn trưa với khách mời là mấy con quạ cổ trắng, loài chim duy nhất sống tại độ cao này, chúng tôi đi tới khu vực có rất nhiều cây Senecio Kilimanjaro, một loài cây đặc trưng nữa của Kilimanjaro. Mỗi cây có khoảng hai hoặc ba nhánh mà như lời Edward là mỗi nhánh cần tới 25 năm để phát triển!
Trước ngày leo núi thứ tư, tôi ngủ chập chờn trong cái lạnh tại độ cao gần 4.000 mét với một cái đầu gối đang đau. Cả khu trại vô vùng yên tĩnh, thậm chí không có cả tiếng gió thổi mặc dù đang ở trên núi cao. Điều này thật khác với núi Fansipan ở Việt Nam.

Khu cắm trại nhìn xuống biển mây
Sáng ra trời lạnh nhưng có nắng đẹp nên tâm trạng của mọi người trở nên phấn chấn. Vừa ra khỏi khu trại là chúng tôi phải đối mặt với vách đá Barranco dốc khoảng 70% và cao sừng sững. Ai nấy đều dùng tay để bám và leo qua vách đá. Nơi đây khá nguy hiểm vì một bên là vách núi, một bên là vực sâu.
Mặc dù phải leo khá mệt nhưng chúng tôi cũng vượt qua vách đá Barranco trong vòng một tiếng đồng hồ để lên tới độ cao 4.200 mét. Từ đây đã có thể ngắm nhìn đỉnh Uhuru bị mây phủ và phong cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Karanga.
Cả đoàn leo xuống một ngọn núi nhỏ nữa là tới Karanga Camp tại độ cao 3.930 mét. Hôm nay chúng tôi đã đi một quãng đường khoảng bảy cây số, tuy xuống thấp hơn ngày hôm trước nhưng đây lại là ngày quan trọng vì nó cho cơ thể thêm một ngày để thích nghi với độ cao trên 4.000m.
Vào ngày leo núi cuối cùng, đúng 12 giờ đêm, chúng tôi xuất phát. Xung quanh là ánh đèn pin lấp loáng của những du khách khác. Dù đã trang bị nhiều quần áo ấm nhưng trời càng lúc càng lạnh cộng thêm gió thổi nên ai nấy phải di chuyển liên tục để giữấm cho cơ thể.

Một cánh rừng trên núi
Đường khá dốc và khó đi. Trong một tiếng đầu tiên, mọi người phải vừa đi vừa leo lên vách đá, sau đó là những đoạn đường dốc ngập trong đá nhỏ với độ dày từ 10 tới 20cm. Có lẽ, đây là tro bụi núi lửa phun trào từ hàng trăm năm trước.
Lớp đá nhỏ trên bề mặt khiến cho chúng tôi không thể đi nhanh được, mỗi bước đi là một nỗ lực để giữ bàn chân trên mặt đất. Càng đi lên cao thì đoàn người leo núi càng bị kéo dài ra.
Trời lạnh khiến cho nước trong bình đóng băng không thể uống được. Sau ba tiếng đồng hồ leo núi thì tôi đã có thể cảm nhận rõ ràng tác động của độ cao với cơ thể, hơi thở trở nên gấp gáp hơn và rất khó để thở như bình thường.
Edward hầu như không cho tôi nghỉ vì sợ tôi bị lạnh nếu dừng lại lâu. Mỗi lần dừng, chúng tôi chỉ nghỉ vài chục giây để lấy lại hơi thở rồi sau đó phải tiếp tục đi.

Núi cao mây phủ
Trời sáng dần, và đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của hành trình khi đường càng khó đi còn sức lực của tôi thì hầu như đã cạn kiệt. Lúc này tôi hoàn toàn đi theo phản xạ và ý chí.
Mỗi bước chân giờ đây đều đòi hỏi một nỗ lực lớn khi lượng oxy trong không khí quá thấp, gần như không đủ cho việc hô hấp khiến cho hơi thở của tôi luôn bị hụt. Cứ sau khoảng mười bước chân là tôi lại phải dừng lại để thở.
Đúng vào lúc tưởng chừng như cơ thể không thể chịu đựng thêm được nữa thì Edward reo lên: “Chúng ta tới Stella Point rồi!”. Tôi mừng đến phát khóc vì đến được Stella Point nghĩa là tôi đã lên tới độ cao khoảng 5.750m, từ đây lên đỉnh Uhuru đường không còn dốc nhiều nữa và khá dễ đi.
6 giờ 30 phút sáng, mặt trời bắt đầu ló dạng thì tấm biển gỗ đề tên đỉnh Uhuru cũng hiện ra trước mặt mọi người. Sau những khoảnh khắc xúc động đến ngây ngất, chúng tôi thấy mình đang đứng trên đỉnh núi được bao bọc bởi các dòng sông băng và xung quanh là ánh nắng rực rỡ của một ngày mới.



CORAL ĐINH/DNSGCT

Không có nhận xét nào: