(iHay) “Đi Campuchia chỉ để lang thang vài ngày khám phá quần thể di tích Angkor Wat, Angkor Thom ở thành phố Siem Riep, chạm tay vào từng phiến đá tổ ong có lịch sử ngàn năm như đang chạm, sờ vào nền văn minhKhmer độc đáo của nhân loại”, một chị bạn là Việt kiều Nhật chia sẻ với tôi như vậy khi chị dành hết 4 ngày du lịch sang Campuchia để lang thang trong quần thể di sản thế giới Angkor.
Tôi không quá kiên trì để lang thang, trò chuyện và kể cả lắng nghe các phiến đá cổ nơi này thở. Nên cũng khó để nói rằng, tôi đã chạm được chút nào vào nền văn minh độc đáo của nhân loại từ quần thể kiến trúc độc đáo này. Song tôi cảm nhận từ nơi đây vẻ đẹp bí ẩn, tự nhiên, một sức mạnh vô hình nào đó mà không phải kiến trúc cổ nào cũng có được. Hiện tại, khách du lịch châu Á đến Campuchia dẫn đầu là người Hàn Quốc, mỗi năm có trên 400.000 du khách Hàn tìm đến Siem Riep, kế đến là người Trung Quốc gần 350.000 du khách, rồi người Nhật Bản. Đó là theo thống kê của du lịch Campuchia theo đường hàng không. Nếu tính theo đường bộ, Việt Nam có thể là quốc gia dẫn đầu số du khách sang đất nước này.
Ông Tổng Giám đốc hãng hàng không Combodia Angkor Air, trong một lần gặp đoàn nhà báo Việt Nam tại Campuchia cho biết, người Hàn thích du lịch đến Siem Riep và họ có quan niệm rằng, đây là nơi du lịch tâm linh cực tốt. “Đến đây họ như được nạp thêm năng lượng, nhiều du khách tâm sự sau khi ở đây về họ có khả năng sáng tạo cao hơn và tâm trí sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều. Tôi nghĩ cha ông ngày trước đã tạo ra sự vĩ đại này cho chúng ta ngày nay hưởng thụ. Vậy chính chúng ta hôm nay phải tạo nên sự vĩ đại cho các thế hệ sau nữa”, Tổng giám đốc hãng hàng không đến từ xứ chùa vàng này chia sẻ.
Chỉ riêng chi tiết “đến Siêm Riệp để tiếp thêm năng lượng từ thiên nhiên” đã là chiêu PR cực tốt cho du lịch nơi đây. Nhưng dường như người làm du lịch ở địa phương này không quá chú trọng các “tiểu xảo” đó, họ vô tư kiếm sống, vui chơi, hưởng thụ, bảo tồn và đi bên cạnh di sản nhân loại độc đáo của mình một cách tự nhiên, không một chút kiểu cọ, gượng ép. Bởi chính họ cũng có niềm tin rằng, những phiến đá, ngọn cây ở đây là từ các vị thánh thần trên cao đưa đến. Không như ở Việt Nam, các di tích thắng cảnh đều được quản lý khai thác bởi các cơ quan nhà nước, quần thể Angkor rộng mấy hecta này được đấu thầu quản lý và khái thác bởi một đơn vị tư nhân từ năm 1993, thời hạn là 60 năm.
Theo thông tin từ Chan Sorly, hướng dẫn viên du lịch người Campuchia gốc Việt, năm 2014, đơn vị khai thác trả cho ngân sách nhà nước 52 triệu USD để khai thác bán vé cho du khách tham quan di sản văn hóa này. Đặc biệt, với người dân Campuchia có thể vào ra tham quan di sản miễn phí bởi chính quyền quan niệm, chính người dân là chủ nhà, chủ nhân của di sản này. Đây cũng là điểm khác biệt do với cách khai thác du lịch di sản ở Việt Nam,bán vé thu tiền cho tất tần tật người nhà lẫn khách.
Cũng bởi không quá kiên nhẫn nên sang ngày hôm sau, tôi đã rời Siem Riep khăn gói về thủ đô Phnom Penhbằng xe bus. Đường quốc lộ nhưng không mấy tốt, công trình ngổn ngang, bụi cuốn mù mịt. Nhưng đây cũng là dịp để ngắm phong cảnh của đất nước giàu di sản này. Từ Siem Riep, xuyên qua hai tỉnh Ka pung Thong và Ka pung Chan mới tới Phnom Penh. Nhà cửa hai bên đường chủ yếu thiết kế kiểu nhà sàn, giống ở vùng cao Tây Nguyên Việt Nam. Tuy nhiên, có một chi tiết gây chú ý dọc đường đi là thảng hoặc bắt gặp chiếc rèm ngắn khoảng 30cm màu hồng được treo trên cửa chính hoặc cửa sổ của một số nhà. Chan Sorly, người hướng dẫn giải thích:“Đó là dấu hiệu cho biết, nhà này đang có con gái ở độ tuổi cập kê”. Gia đình nhà gái thông báo cho thiên hạ biết nhà mình đã có con gái đến thì, nhưng ở đây vẫn đang duy trì chế độ mẫu hệ. Thế nên, song song việc treo rèm cửa màu hồng, các cô gái này phải tiến hành nhòm ngó để chủ động “bắt chồng”.
Xe chạy qua nhiều cánh đồng thốt nốt khô cằn dù thời tiết mới vào hạ. Cây cỏ khô cằn, bụi đỏ tung mù mịt phía trước. Lại gặp tiếp nhiều ngôi nhà có rèm hồng đã cũ, thậm chí tả tơi bởi mưa gió. Chan Sorly nói cái rèm hồng đó được treo mãi cho đến khi con gái của họ kiếm được chồng rồi mới thôi. Nhìn vào những khung cửa sổ có chiếc rèm hồng cũ rách te tua ấy, trong tôi trỗi lên cảm xúc thật khó tả. Chế độ mẫu hệ, phụ nữ là kinh tế chính trong gia đình, chủ động bắt chồng, chủ động ra đồng làm rẫy trước khi chồng thức dậy, con cái mang họ mẹ, thế nhưng, có nhiều khi họ rơi vào cảnh yếu đuối cực kỳ. Đó là những lúc, chiếc rèm hồng được cha mẹ quyết định treo lên và cứ bay phất phơ trong mưa gió, ngày lại ngày, tháng qua năm, không ai màn đến…
Campuchia nhiều nơi còn khó khăn quá, theo nghĩa đen lẫn bóng. Nhưng tính cách và con người nơi đây thật đáng trân trọng. Họ sống thật, chân thành và cam chịu. Chan Sorly nhiệt tình hướng dẫn và giải thích cho chúng tôi từng chi tiết nhỏ nơi xe đi qua.
Trong năm 2013, có khoảng 850.000 lượt khách Việt sang nước chùa tháp này, tăng đến 12% so với năm 2012, nhưng tất cả chủ yếu đi bằng đường bộ do giá vé máy bay từ Việt Nam sang Campuchia còn quá cao. Chương trình marketing của hãng hàng không Combodia Angkor Air dành cho khách đi tour bằng máy bay với giá được trợ giá từ hãng hàng không Combodia chỉ khoảng tầm 60 USD/ 2 lượt từ tháng 4-9.2014 có vẻ đang có kết quả khả quan khi mỗi ngày, có một lượng lớn khách du lịch theo tour đã chuyển từ phương tiện đường bộ xe bus sang máy bay. Mỗi ngày, hãng hàng không Combodia Angkor Air có đến 4 chuyến bay từ Việt Nam đến Campuchia (2 chuyến từ Hà Nội và 2 từ TP.HCM).
|
Quang cảnh tại Campuchia - Ảnh: Nguyên Nga |
Phượt ký của Nguyên Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét