Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"

Rum, loại rượu được yêu thích bởi cướp biển, có nguồn gốc gắn liền với vùng biển Caribbean nổi tiếng cùng những vùng nhiệt đới nóng bỏng.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?" 

Trong phim "Pirates of the Caribbean: The Curse of the Black Pearl" có một cảnh rất hài hước giữa Elizabeth Swan và thuyền trưởng Jack Sparrow. Buổi sáng khi Jack thức dậy và thấy Elizabeth ném tất cả đồ đạc xuống bãi biển và đốt, anh nhận ra các thùng rum cũng đang cháy.

Jack Sparrow: Không! Không tốt chút nào! Cô đang làm cái gì vậy? Cô đốt tất cả thực phẩm, linh hồn,... rum! - tiếng "rum" được nhấn mạnh ở cuối câu.

Mặc cho Elezabeth nói như bắn té tát vào mặt rằng: "bởi vì nó là thứ đồ uống kinh tởm có thể biến ngay cả một người đáng kính nhất trở thành một tên vô lại", Jack vẫn ngẩn ngơ với câu hỏi: "Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?".

Cũng có lần Jack tự trả lời cho câu hỏi này khi anh uống say và đứng dậy lảo đảo: "À, đó là lý do tại sao..."

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  1Jack Sparrow: "Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"

Vậy thì, "Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?".
 
Rum, loại rượu được chưng cất từ mật mía hoặc nước mía này có lịch sử gắn liền với những tên cướp biển, và bởi cướp biển không bị giới hạn rượu như trong hải quân, vậy nên họ thường xuyên say khướt. Rum là bạn thân, đồng thời là tử thần của cướp biển. Rum cũng là một trong những loại rượu được chưng cất tại địa phương nhiều nhất bởi về nguyên tắc, chỉ cần chuyển hóa đường thành alcohol là có thể chưng cất ra rượu rum.

Tên gọi "rum"

Không ai dám chắc về nguồn gốc tên gọi rum. Có thể nó được kế thừa từ thuật ngữ "rumbullion" có nghĩa là "hết sức náo động". Một vài ý kiến cho rằng tên gọi được lấy theo tên rummers - những chiếc ly lớn được dùng bởi những thủy thủ Hà Lan. "Rum" cũng được cho là cách gọi ngắn gọn từ "saccharum", từ latin mang nghĩa là đường, hoặc "arôme", từ tiếng Pháp mang nghĩa là mùi hương.

Ngày nay, tên gọi của loại rượu này tùy thuộc vào nguồn gốc của nó. Đối với những loại rum từ những vùng nói tiếng Tây Ban Nha, người ta dùng tên gọi ron và ron añejo cho loại rum nhiều tiểu hảo hạng. Tương ứng với những vùng nói tiếng Pháp, đó là cặp từ rhum và rhum vieux.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  2
Nhóm khách quen tại một bar phục vụ rum địa phương ở Jamaica. Tranh của Richard H. Blackford

Nguồn gốc xa xưa của rum

Là loại đồ uống có cồn xuất hiện rất sớm, rum ra đời từ thời kỳ cổ đại. Mặc dù chính thức đến thế kỷ 17, rum mới được chưng cất ở các đồn điền, người ta tin rằng nó đã tồn tại trước đó hàng ngàn năm ở dạng đơn giản hơn, là rượu của người dân tộc Malay từ thời kỳ đồ sắt. Ấn Độ và Trung Hoa cổ đại cũng được cho là vùng đầu tiên phát triển phương thức chưng cất rượu từ nước mía. Một ghi chép xuất hiện rất sớm vào thế kỷ 14 bởi nhà thám hiểm Marco Polo (1254-1324) miêu tả về "một loại vang rất tuyệt làm từ đường" khiến người ta tin rằng rum đã xuất hiện từ khoảng thời gian đó.

Sản xuất rum được ghi chép là tại Brazil vào những năm 1620, thế nhưng đa số cho rằng lịch sử chưng cất rượu rum bắt đầu từ vùng biển Caribbean cũng vào khoảng thế kỷ 17. Những nô lệ làm việc tại những đồn điền vùng lãnh thổ Caribbean nhận thấy mật đường, phó phẩm của quá trình tinh chế đường, có thể chuyển hóa thành alcohol. Tuy nhiên, thời kỳ đầu loại đồ uống này không được chào đón nồng nhiệt, vị của nó được cho là thực sự kinh khủng.

Quá trình chưng cất cô đặc alcohol lại và loại bỏ những tạp chất, từ đó cho ra loại rum đầu tiên và được cho là bắt nguồn từ vùng lãnh thổ đảo Barbados.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  3
Một loại rượu rum lâu đời tại vùng biển Caribbean


Rượu rum và cướp biển

Rượu vừa là món quà được gửi từ Thượng đế, vừa là tai họa được gieo rắc bởi quỷ dữ. Với ý nghĩa đó, cướp biển vừa có công vừa có tội khi mang nhiều loại rượu luân chuyển khắp các vùng lãnh thổ xa xôi với nhau. Ra đời trong Thời kỳ hoàng kim của cướp biển, lịch sử rượu rum cũng gắn liền với những tay cướp trên biển khơi, cụ thể là những thủy thủ trở thành cướp biển của quân đội Anh.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  4
Cướp biển vác những thùng rum lên boong thuyền

Đó là khi hải quân Hoàng gia Anh đánh chiếm hòn đảo của Jamaica vào năm 1655. Trước đó, loại rượu cấp cho thủy thủ hằng ngày là brandy của Pháp, khi đến với đất nước Jamaica nổi tiếng với rượu rum nội địa, ngay lập tức rum được dùng thay thế cho brandy. Từ đây, người ta cũng tìm ra cách pha rum với nước chanh để làm giảm nồng độ cồn, tiền thân của nhiều loại cocktail với rượu rum ngày nay. Và sau đó vào khoảng năm 1740 là thêm nước để làm giảm tác dụng của cồn lên thủy thủ, được gọi tên rượu grog. Phó đô đốc Edward Vernon của hải quân Hoàng gia Anh là người đã ra lệnh tìm cách thêm nước vào rượu rum khẩu phần hằng ngày của thủy thủ. Grog ngày nay thường dùng nước nóng pha vào rum, hoặc bia nhẹ, đôi khi còn được trộn thêm nước chanh, quế, đường để gia tăng hương vị. Rum cũng được dùng để pha chế thành punch, một đồ uống khác gắn liền với các thủy thủ.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  5
Grog với thành phần gồm rum, chanh, đường và quế

Có một truyền thuyết về một tên gọi của rum liên quan đến tên tuổi của một vị chỉ huy nổi tiếng của hải quân Hoàng gia Anh. Horatio Nelson (1758-1805) nổi danh trong thời kỳ chiến tranh với hoàng đế Napoleon của Pháp. Trong trận Trafalgar vào năm 1805 giữa hải quân Anh với liên minh hạm đội Pháp và Tây Ban Nha, Nelson bị bắn chết. Xác của Nelson được cho vào một thùng rum để vận chuyển trở về nước Anh. Thế nhưng khi đến đích, người ta chỉ nhận được một thùng rỗng, bởi chiếc thùng này trước đó đã bị thủy thủ đục lỗ để uống trộm rượu rum bên trong. Từ đó mới sinh ra cụm từ "Máu của Nelson" để miêu tả về rum.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  6
Chỉ huy Horatio Nelson

Một câu chuyện khác liên quan đến tên cướp biển Edward “Blackbeard” Teach nổi tiếng với dáng vẻ đáng sợ như quỷ dữ trong trận chiến. Người ta đồn rằng Blackberad thường uống rum mỗi khi bắt đầu giương buồm đi đánh chiếm thuyền khác: "Hắn ta trộn thuốc súng vào rum, châm lửa vào cốc rượu và uống ừng ực cái thứ hỗn hợp dễ gây nổ ấy". Ngày nay, nhiều nhãn rượu rum mang đến cho chúng ta loại rum nguy hiểm ấy, nhưng theo một cách an toàn hơn, ví dụ Smoke and Oakum Gunpowder Rum đến từ New Zealand.

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  7
Cướp biển Edward “Blackbeard” Teach khét tiếng

Rượu rum và nô lệ

Có một chi tiết rất thú vị trong việc quảng cáo rượu rum, đó là hình ảnh những nô lệ da đen với một biểu cảm rất hạnh phúc được sử dụng rất nhiều trong áp phích quảng cáo. Không bàn đến tính xã hội hay chủng tộc thì những tấm áp phích này thực sự rất hấp dẫn về mặt đồ họa. Nhãn Rhum Negrita bắt đầu sản xuất rượu rum từ năm 1857 ở hòn đảo Marftinique phía Bắc biển Carribean, và những ảnh quảng cáo của Negrita luôn có sức lôi cuốn tuyệt vời. 

"Tại sao rum lúc nào cũng hết thế?"  8
Áp phích quảng cáo của Rhum Negrita
 

August - Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: