Đảo Lan hay đảo Hoa Lan là một
hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông Nam của Vùng lãnh thổ Đài Loan. Đây là nơi
sinh sống của dân tộc Tao. Theo tiếng địa phương, Tao có nghĩa là
“người”. Dân tộc này còn được gọi là Yami hay Ami.
Đảo Lan được xem là quê hương của dân tộc
Yami. Vào khoảng 1000 năm trước, người Yami đã di cư từ đảo Bantanes
của Philippines đến đây.
Phong cảnh đảo Hoa Lan hiện lên thật thanh bình, quyến rũ
Là một hòn đảo núi lửa nhỏ xinh với diện
tích khoảng 48 km vuông, đảo Lan được biết đến với 8 ngọn núi và những
bãi biển xinh đẹp cùng nguồn hải sản phong phú. Trông từ xa, phong cảnh
trên đảo hiện lên thật đẹp. Sóng vỗ vào các bãi đá, vách núi ven bờ biển
đã góp phần làm nên cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ.
Tuy thời tiết trên đảo hay thay đổi bất
thường nhưng người Yami vẫn có cuộc sống yên ấm trong gần ngàn năm qua
trên hòn đảo này. Họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Do vậy
cuộc sống của dân địa phương luôn gắn liền với tự nhiên. Họ rất yêu đảo
Lan và không hề muốn rời xa đảo.
Khi nghĩ đến cuộc sống của người Yami là
người ta liền nghĩ đến nghề đánh bắt cá. Từ tháng 2 đến tháng 7 hàng
năm, loài cá mà họ đánh bắt chủ yếu là cá chuồn.
Cá là nguồn thức ăn bổ dưỡng cung cấp
lượng protein chủ yếu cho cư dân trên đảo. Mặc dù quanh đảo có nhiều hải
sản nhưng người Yami chỉ có thể đánh bắt trong mùa xuân, mùa hè và mùa
thu. Trong quãng thời gian này, ngoài lượng cá cần dùng hàng ngày, họ
còn phải đánh bắt nhiều hơn để muối rồi đem phơi khô làm thực phẩm dự
trữ cho mùa đông. Loài cá được họ chọn làm khô nhiều nhất là cá chuồn.
Nếu số cá khô nhiều hơn nhu cầu sử dụng thì họ sẵn sàng chia sẻ chúng
với tất cả mọi người, kể cả những người mà họ không quen biết. Người xem
cá chuồn là nguồn thức ăn bổ dưỡng và là món quà mà thượng đế đã ưu ái
ban tặng.
Người Yami phơi khô cá để dành sử dụng trong thời gian dài
Người Yami rất xem trọng cá. Vì vậy rất
nhiều vật trang trí và vật sinh hoạt đều mang hình cá. Trong những buổi
lễ tiệc, cá chuồn thường được đặt trong những cái dĩa gỗ rất đẹp.
Đối với người Yami, thuyền đánh cá là vật
vô cùng quan trọng. Phụ nữ không được phép chạm vào nó vì họ cho rằng,
nếu làm như thế thì khi ra khơi cánh đàn ông sẽ không bắt được cá.
Người Yami rất coi trọng chiếc thuyền đánh cá của họ
Hàng năm, khi mùa cá chuồn sắp đến, ngư
dân trên đảo Lan thường sơn sửa và trang trí thuyền cho thật đẹp. Họ
thường chọn 3 màu sơn chủ yếu là đen, đỏ và trắng. Chúng đều là màu sắc
được lấy từ trong tự nhiên. Hoa văn được xem là quan trọng nhất của
chiếc thuyền là “mắt thuyền”. Người Yami thường tôn kính gọi hoa văn đó
là mata – mutatala. Ý nghĩa của mắt thuyền là giúp người đi biển được an
toàn và đánh bắt được nhiều cá. Người Yami còn xem mắt thuyền là mắt
của mặt trời. Họ hy vọng, mắt thuyền sẽ bảo vệ họ được an toàn, đi đến
nơi, về đến chốn.
Mắt thuyền được vẽ chau chuốt, tôn kính với niềm tin được bảo vệ an toàn
Đối với dân tộc Yami, những món đồ trang
sức làm từ loại hạt cườm thảo, còn gọi là hạt ý dĩ là rất quan trọng.
Xâu chuỗi trang sức làm từ hạt cườm thảo từ lâu đã trở thành một trong
những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Yami.
Ngoài cườm thảo và một số loại hạt khác được lấy từ thiên nhiên, ngày
nay họ còn sử dụng các loại hạt nhựa. Tất cả đều được những người phụ nữ
ở đây xâu kết bằng tay. Vật trang sức này thường được người Yami mang
theo bên mình để cầu bình an.
Phương pháp đóng thuyền của mỗi gia đình
người Yami đều được họ giữ kín. Những chiếc thuyền cỡ nhỏ thường chỉ cần
khoảng 2 – 3 người đóng, nhưng đối với những chiếc thuyền lớn thì phải
cần đến khoảng 10 người. Khi thuyền hoàn tất, người dân Yami sẽ tiến
hành nghi thức vô cùng quan trọng là nghi thức hạ thuyền xuống nước. Ý
nghĩa của hoạt động này là cầu cho chiếc thuyền được thuận buồm xuôi
gió, thu hoạch được nhiều cá. Tuy nhiên, hiện nay nghi thức truyền thống
này ngày càng ít diễn ra.
Vì thuyền truyền thống của người Yami khó giữ thăng bằng như các loại thuyền ngày nay nên nó đòi hỏi người điều khiển phải có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, thế hệ trẻ trên đảo không chuộng sử dụng thuyền truyền thống nữa.
Vì thuyền truyền thống của người Yami khó giữ thăng bằng như các loại thuyền ngày nay nên nó đòi hỏi người điều khiển phải có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, thế hệ trẻ trên đảo không chuộng sử dụng thuyền truyền thống nữa.
Chỉ có nam giới mới được tham gia vào các công đoạn đóng thuyền
Người Yami làm lễ hạ thủy cho một chiếc thuyền
Khoai môn là nguồn thực phẩm chính của người Yami. Địa hình và thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp cho loài cây này sinh trưởng.
Những năm gần đây, ngành du lịch trên đảo
Lan bắt đầu phát triển do vậy ngày càng có nhiều du khách tìm đến du
ngoạn. Chính cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của đảo và nét đẹp văn hóa
của người Yami đã làm say lòng biết bao du khách khiến họ quyến luyến
không muốn rời nơi này. Khi ngành du lịch phát triển, nguy cơ môi trường
bị ảnh hưởng là rất lớn. Vì vậy người ta đã đưa ra rất nhiều giải pháp
để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và môi trường sinh thái trên đảo Lan.
Việc xuất hiện của du khách đã vô tình
làm mai một nền văn hóa truyền thống của người Yami. Ví dụ như ngày xưa,
người Yami không cho phép phụ nữ đến gần hay chạm vào thuyền đánh cá
nhưng ngày nay du khách khi đến đây đều muốn tìm hiểu và chụp hình lưu
niệm với những vật dụng của dân địa phương. Vì vậy, việc chụp ảnh cùng
với thuyền là điều không thể tránh khỏi. Cuộc sống ngày càng phát triển,
chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao. Con người thích ở trong những
ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, do vậy số lượng những ngôi nhà truyền
thống của người Yami cũng ngày càng ít.
Nhà truyền thống của người Yami được cất chìm dưới đất để tránh gió bão
Nhà truyền thống của người Yami có sự
khác biệt rất lớn so với nhà hiện đại. Nét đặc trưng trong cách dựng nhà
của người Yami là họ cất nhà chìm dưới đất. Từ trên cao nhìn xuống,
chúng ta chỉ thấy những mái nhà.
Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, đảo Lan
thường xuyên phải đón những trận gió biển rất mạnh. Vì vậy, người dân
trên đảo phải cất nhà thật thấp, mái dốc xuống, khoảng hơn một nửa chiều
cao ngôi nhà đều được thiết kế nằm dưới đất. Kiểu nhà này không chỉ
giúp họ tránh được những cơn gió biển mà còn có tác dụng giữ ấm trong
mùa đông và làm mát vào mùa hè.
Hầu hết các ngôi nhà truyền thống ở ngôi làng này đều đã được khoảng 150 năm tuổi.
Người đàn ông Yami với chiếc nón truyền thống
Dân số người Yami sống trên đảo Lan hiện
nay chỉ còn khoảng hơn 3.000 người. Ngoài sự quyến rũ của cảnh sắc tự
nhiên, đảo còn hấp dẫn du khách bởi nét đẹp mộc mạc, chân thành trong
văn hóa và lối sống của dân tộc Yami. Đã nhiều thế kỷ qua, người Yami
vẫn sống lặng lẽ tách biệt với thế giới bên ngoài. Chỉ thời gian gần
đây, khi ngành du lịch ở đảo bắt đầu phát triển, họ mới dần tiếp cận với
những tiến bộ của thời đại. Điều đáng mừng là bản sắc văn hóa của tộc
người Yami – một trong những dân tộc thiểu số ở vùng lãnh thổ Đài Loan
cho đến nay vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn.
Gia Nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét