Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Ấn tượng kiến trúc cầu Phong Vũ của dân tộc Động

Những cây cầu kiên cố từ gỗ này được kết nối mà không cần đến dù chỉ một cây đinh.

Người Động là một cộng đồng dân tộc thiểu số, sống rải rác trong các ngôi làng ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Châu và Quảng Tây, Trung Quốc. Người dân nơi đây nổi tiếng với món bánh gạo truyền thống ngon miễn chê cũng như kỹ thuật xây cầu có một không hai. 




Những cây cầu bắc qua sông, hồ ở nơi người Động sinh sống được gọi là cầu Phong Vũ (Gió mưa). Sở dĩ cầu có cái tên như vậy là vì phần mái của cầu giúp che gió, mưa, nắng cho người dân nơi đây. Ngoài ra, cầu còn được gọi là “cầu hoa” vì kiến trúc tuyệt đẹp như hoa nở của chúng. 



Vào những ngày mưa gió cũng như nắng gắt, người dân địa phương thường tụ tập tại đây để gặp gỡ, hẹn hò, tâm sự, xả stress…



Cầu Phong Vũ là sự kết hợp giữa cầu, tháp và mái che, được làm toàn bộ từ chất liệu gỗ. Phía bên trong cầu còn có các hàng ghế để du khách ngồi nghỉ chân dưới mái che của cây cầu. Tháp, mái và thành cầu đều được trang trí với các họa tiết chạm khắc rồng, phượng, hạc… đặc trưng. 





Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc cầu Phong Vũ là không phải sử dụng đến bất cứ một chiếc đinh nào để gắn kết cả một cấu trúc nặng như vậy nhưng cây cầu vẫn trụ vững được hàng trăm năm. 





Cây cầu Phong Vũ nổi tiếng nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Quảng Tây. Cầu được xây dựng năm 1916 với 3 tầng và 5 mái vòm lớn. Cây cầu dài tới 64,4 mét và cao 10,6 mét. 





Trụ cầu được làm từ đá nhưng các cấu trúc phía trên đều là gỗ, phần mái có lợp bằng gạch. Đứng trên cây cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng dòng sông Linxi quanh co bên dưới, hai bên bờ là những cánh đồng chè và rừng xanh mát trải dài theo những sườn đồi thoai thoải. Những cây cầu này thu hút hàng nghìn khách du lịch tham quan mỗi mùa hè.




Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)

Không có nhận xét nào: