Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Mexico kỳ thú - Kỳ 6: Đầu lâu pha lê của người Maya


“Có 13 chiếc đầu lâu pha lê rải rác khắp nơi trên thế giới. Người nào tập hợp được chúng sẽ có quyền năng vô hạn, biết được bí mật của thế giới” - lời truyền khẩu của người Maya đã làm biết bao người trên thế giới tò mò và tôi cũng không ngoại lệ.

Huyền thoại về chiếc đầu lâu pha lê

Chiếc đầu lâu pha lê nổi tiếng nhất được cha con nhà thám hiểm người Anh Mitchell Hedges phát hiện năm 1927. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim Indiana Jones và vương quốc đầu lâu pha lê (do Steven Spielberg đạo diễn với các ngôi sao Harrison Ford, Shia LaBeouf, Cate Blanchett) dựa trên những truyền thuyết về chiếc đầu lâu thần bí này của người Maya đã thu gần 800 triệu USD trên toàn thế giới.
Trong cuốn Sự nguy hiểm - người bạn của tôi, Mitchell Hedges (chủ nhân của “chiếc đầu lâu pha lê định mệnh”) có viết: “Khi các thầy pháp người Maya muốn người nào chết, chỉ cần để họ nhìn vào chiếc đầu lâu pha lê định mệnh đó”. Thực tế, những người nhạy cảm khi tiếp xúc với “chiếc đầu lâu pha lê định mệnh” này đều cho biết như đang bị thôi miên và có ảo giác.
Hiện nay,  còn vài chiếc đầu lâu pha lê khác đang nằm ở Viện bảo tàng Anh, Pháp và một số nhà sưu tập tư nhân. Tạp chí khoa học National Geographic (Mỹ) khẳng định cho đến nay, ai đã tạo ra những chiếc đầu lâu pha lê, và chúng được tạo ra từ lúc nào vẫn là một bí ẩn làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới. Cũng vì thế, huyền thoại về những chiếc đầu lâu pha lê vẫn tiếp tục bao trùm…

Với người Maya, chiếc đầu lâu tượng trưng cho các vị thần, được thờ rất phổ biến

Thầy pháp Miguel Angel đang “làm phép”
Lễ tẩy trần trên vùng đất thiêng
“Phải rồi, Toniná!”, Alberto chợt reo lên. “Toniná là vùng đất thiêng của người Maya. Đến đấy, có lẽ anh sẽ biết thêm nhiều điều hay ho”. Với người tò mò như tôi, làm sao có thể bỏ qua một nơi như thế.
Toniná (cách thủ phủ bang Chiapas gần ba giờ đi xe đò) là khu di tích khảo cổ nổi tiếng ở Mexico. Xưa kia, đây là một trong những thành phố phồn hoa, hiếu chiến nhất của người Maya. Toniná (nghĩa ẩn dụ là ánh sáng thiên đàng và thời gian thần linh) cũng chính là nơi diễn ra các buổi tế lễ quan trọng của các pháp sư, thầy cúng.
Hôm tôi đến Toniná cũng là lúc một nhóm đang làm lễ. Đó là hai vợ chồng người Canada. Họ muốn làm lễ tẩy trần theo nghi thức của người Maya. 
Khác với suy nghĩ của tôi về một ông thầy pháp ở trần, mặt sơn vằn vện, đầu đội mũ lông chim, cổ đeo nanh thú như đã thấy trong những ngày hội văn hóa về người Maya, ông thầy pháp Miguel Angel bận quần jeans, áo thun. Ông trải bốn tấm vải màu trắng, đen, vàng, đỏ (tượng trưng cho bốn hướng đông, tây, nam, bắc), đặt bột trầm và rượu mía lên trên. “Ngày nay, để đơn giản hơn, thay vì rượu người ta có thể mời thần linh uống… Coca hoặc Pepsi”, Alberto lầm rầm giải thích cho tôi.
Bất ngờ, thầy pháp lôi trong túi ra một cái đầu lâu (trông y đúc như hình chiếc đầu lâu pha lê định mệnh) rồi đặt vào giữa bốn tấm vải màu. “Đây là một trong 13 cái đầu lâu pha lê đang rải rác khắp nơi trên thế giới. Nó sẽ giúp chúng ta tiếp cận với nguồn năng lượng vô tận của đất mẹ và khơi dậy được nguồn năng lượng có trong bản thân”, ông nói. Dĩ nhiên, tôi không tin. Không thể nào một trong những chiếc đầu lâu pha lê huyền thoại lại có thể dễ dàng mang đi “làm phép” lung tung như thế.
Hàng chục cây đèn cầy đỏ được thắp lên xung quanh hai vợ chồng người Canada. Đèn cầy đóng vai trò rất quan trọng trong các buổi thờ cúng của người Maya. Sự khác nhau giữa kích thước, màu sắc của đèn cầy đều mang ý nghĩa khác nhau. (Trắng: hạnh phúc, trong sáng. Hồng/Xanh dương: chữa bệnh. Vàng/Cam: trục sự đố kỵ, suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Đỏ: lấy lại năng lực, sức khỏe, tinh thần).
Ông thầy pháp cúi đầu lầm rầm khấn vái thần linh. Trầm được đốt lên và hơ từ đầu đến chân hai vợ chồng (Alberto giải thích khói trầm được xem như thực phẩm cho thần linh). Đoạn, ông lấy dao trích máu mình nhỏ vào rượu rồi rảy vào các cây đèn cầy để kết thúc lễ tẩy trần. Vụ cắt máu khi làm lễ của người Maya tôi có biết. Truyền thuyết viết trong sách thiêng Popol Vuh kể rằng thượng đế dùng bắp (ngô) và máu của mình để tạo ra con người. Vì vậy, khi thờ cúng, người Maya thường trích máu của mình để “trả lại”.
Bị cuốn hút bởi kiến thức sâu rộng về văn hóa Maya của ông thầy pháp Miguel Angel, khi trở về, tôi đã lục tìm tư liệu về ông. Khá bất ngờ, ông từng là giám đốc của kỳ quan thế giới mới Chichen Itza, từng xuất bản sách, tổ chức hội thảo về văn hóa Maya nhiều nơi trên thế giới. Bất giác tôi liên tưởng đến chiếc đầu lâu pha lê của ông. Chẳng lẽ đó là thật? Biết đâu…
Thấm thoát cũng hơn 40 ngày lang thang trên đất nước Mexico. Trước khi về, tôi có ghé thăm bà chủ nhà trọ tại thủ đô. Bà nhắc lại câu hỏi cũ ngày đầu tiên gặp nhau: “Cháu thấy Mexico thế nào?”. Biết trả lời thế nào đây khi đó là cả một chuỗi cảm xúc đan xen lẫn lộn. Sợ hãi. Háo hức. Hoang mang. Hạnh phúc… Tôi ra bưu điện, mua vài tấm bưu ảnh gửi cho người bạn ở quê nhà. Còn một tấm tôi gửi cho... chính mình. Rồi một ngày nào đó, ở quê nhà, lẫn trong hàng đống hóa đơn tiền điện, nước, bảo hiểm, tôi sẽ nhận được một tấm bưu thiếp nhỏ xinh được đóng con dấu từ đất nước Mexico xa xôi với dòng chữ: “Này, khi nào lại vác ba lô lên đường?”. 
Vào thập niên 70, Hewlett-Packard (công ty thẩm định thạch anh uy tín nhất thời bấy giờ) kết luận: “Chiếc đầu lâu pha lê được chạm khắc cực kỳ hoàn hảo, phải tốn khoảng 300 năm làm việc liên tục mới có thể chế tác được (!?). Ngoài ra, bên trong đầu lâu có các lăng kính được xếp đặt khéo léo nên khi đốt nến lên chiếc đầu lâu sẽ phát ra nhiều hiệu ứng quang học kỳ lạ”.
Nguyễn Tập

Không có nhận xét nào: