|
|
Hàng tượng dài hàng trăm mét trong tư thế nâng rắn thần Naga (rắn hổ mang được coi là chúa tể các loài rắn) tượng trưng cho thần Siva tối cao nắm giữ trong tay sự hủy diệt và tái sinh. |
(TBKTSG Online) - Xuất phát từ TPHCM, đoàn chúng tôi bắt đầu chuyến du lịch tám ngày, xuyên qua các địa danh nổi tiếng của Campuchia để đến Bangkok và một số tỉnh đặc trưng cho sự đa dạng về văn hóa, lịch sử của Thái Lan.
Đây là chuyến đi tìm hiểu về đất nước và con người Thái Lan theo tuyến đường bộ ngắn nhất từ TPHCM đi Thái Lan. Chương trình đầu tiên dành cho các sinh viên bộ môn Đông Nam Á học, ngành tiếng Thái của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TPHCM do Tổng lãnh sự quán Thái Lan tổ chức và đài thọ chi phí.
Đúng 6 giờ 30 sáng, xe lăn bánh, bỏ lại sau lưng sự ồn ào náo nhiệt vốn có của Sài Gòn hoa lệ. Đoàn chúng tôi gồm khoảng 20 người; trong đó có 10 sinh viên (học ngành Thái Lan học) và thầy giáo Khải còn rất trẻ của Đại học KHXH&NV TPHCM; chị Natthakarn Sriyaphan, tên thân mật là Gitt, đại diện Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM; chị Umarat Nilaphan, còn có tên là Beau, đại diện của công ty du lịch (người Thái Lan); Diễm Thúy, đại diện Tổng cục du lịch Thái Lan, làm việc tại văn phòng chi nhánh ở TPHCM (cô nói tiếng Thái rất lưu loát); còn lại là bốn phóng viên, làm việc tại các tờ báo của TPHCM.
Sau hơn 2 giờ, vượt khoảng 80 cây số, chúng tôi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet, biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Tại đây, trong khi chờ đợi đoàn hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh, nhóm phóng viên chúng tôi tranh thủ làm tin để kịp chuyển những thông tin đầu tiên của chuyến đi về tòa soạn trước khi bước sang lãnh thổ Campuchia, vì nếu sang đó thì ngoài vùng phủ sóng 3G của Viettel, phải chờ cho đến khi tới khách sạn, chắc cũng đến tối mới dùng Wi-Fi được.
Từ cửa khẩu này đến thủ đô của Campuchia là 155km, tức còn khoảng 4 tiếng nữa sẽ đến Phnom Penh. Trong thời gian này, mọi người làm quen nhau trên xe, mỗi người tự giới thiệu tên và nghề nghiệp của mình. Lúc này, trên xe xuất hiện thêm một hướng dẫn viên du lịch người Campuchia. Anh làm quen với mọi người bằng cái chắp tay, lời chào tiếng Thái “sawarđikhap!” cùng nụ cười rất tươi. Anh tên Kong, khá đẹp trai, ăn nói rất có duyên, thông thạo ngoại ngữ, từ khi có mặt anh, không khí trên xe bỗng hào hứng hẳn lên. Anh huyên thuyên nói về những địa điểm đang và sắp đến. Thỉnh thoảng, anh dừng lại đặt những câu hỏi để kiểm tra xem mọi người có lắng nghe anh nói về vấn đề gì không? Anh rành tiếng Thái và nói được tiếng Anh. Khi biết trên xe có người không biết tiếng Thái (đó là các phóng viên) thì sau khi nói xong tiếng Thái anh lại chuyển sang tiếng Anh. Khi nào, có những từ cao siêu quá thì đã có “cao thủ” tiếng Thái là thầy Khải, dịch sang tiếng Việt, giúp mọi người hiểu rõ hơn!
|
Đồng lúa, làng mạc ở Campuchia không khác với vùng nông thôn Việt Nam. |
Bận đi, chúng tôi chỉ đi ngang qua Phnom Penh, dự định sẽ ghé lại thăm một số địa danh nổi tiếng tại đây lúc quay về. Phnom Penh - trước đây, người Việt hay gọi là Nam Vang. Có một món ăn mà chắc chắn rằng mọi người trong chúng ta đều cảm thấy rất quen thuộc và trong đời đã không ít lần thưởng thức qua. Nói tới đây chắc các bạn đã đoán được là món gì rồi phải không? Đó là món “hủ tíu” - và tên thủ đô Nam Vang đã được gắn liền với tên của món đặc sản hấp dẫn này. Đến nỗi món này còn chu du qua Việt Nam để bây giờ nổi tiếng ở nhiều tiệm ăn khắp các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy mỗi nơi, người chế biến có thể thêm bớt chút nguyên liệu trong thành phần của món ăn này, cho phù hợp với sở thích và khẩu vị của thực khách ở từng vùng, miền, mà tên gọi vẫn là “hủ tíu Nam Vang”.
Sau khi ăn trưa xong, khoảng hơn 13 giờ 30, từ thủ đô Campuchia, chúng tôi tiếp tục hành trình ngang qua tỉnh Kampong Cham để đến thành phố Siem Reap. Theo anh hướng dẫn viên, Kampong Cham là tỉnh đông dân nhất Campuchia với khoảng 1 triệu dân. Lượng du khách tham quan hai di tích lịch sử Angkor Wat, Angkor Thom hàng năm gấp đôi số dân tại Kampong Cham, tức là khoảng hai triệu du khách, trong đó du khách Việt Nam sang tham quan khá đông. Các nước Đức, Pháp cũng có mở các đường bay sang Campuchia. Ngồi trên xe, nhìn hai bên đường là những cánh đồng lúa ngút ngàn, tôi cảm thấy nơi đây thật yên bình và gần gũi. Nếu thỉnh thoảng, không nhìn thấy những cây thốt nốt lúc gần lúc xa, hay những ngôi chùa đặc trưng cho kiến trúc Khmer thì chúng tôi cứ ngỡ rằng mình đang ở một vùng đồng bằng Nam bộ nào đó của Việt Nam.
|
Mênh mông Biển Hồ Tonle Sap. |
Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc chúng tôi dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình dị, mênh mông sông nước của dòng Tonle Sap (Biển Hồ) mà cảm thấy tâm hồn vô cùng thư thái. Đây đó, xa xa trên bầu trời, từng đàn chim ríu rít gọi bầy kéo nhau về tổ, càng làm cho cảnh vật thật nên thơ.
Đến khoảng 7 giờ tối, chúng tôi đến Siem Reap, trải qua lộ trình 350km, tính từ Phnom Penh. Trên đường đến khách sạn, xe dừng lại tại một nhà hàng Campuchia. Một bữa ăn thịnh soạn với nhiều món thịt xào rau củ, thịt xào chua ngọt, cá chiên giòn, canh chua nấu với cá, thơm, cà chua nhưng lại có bí đao và đậu đũa (khác với Việt Nam), cá kho tộ, nước chấm rất ngon… Đặc biệt, các món ăn ở đây rất ít rau tươi, nếu có chăng chỉ là một ít bắp cải, cà rốt xắt sợi nhỏ nhưng chủ yếu chỉ để trang trí, chứ không phải một đĩa rau tươi xanh hấp dẫn như ở Việt Nam. Sau khi đã ăn uống no nê, chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn City Angkor. Tại đây, muốn truy cập Internet, bạn phải xin password của khách sạn và sẽ được sử dụng miễn phí!
Vậy là ngày đầu tiên trên đất Campuchia đã trôi qua chóng vánh
Công viên khảo cổ Angkor
|
|
|
(TBKTSG Online) - Thật sảng khoái sau một đêm ngon giấc tại City Angkor Hotel, mọi người ăn sáng với nhiều món tự chọn, ngoài các món Tây, ở khách sạn này còn có cả món cháo hột vịt muối và dưa mắm… Gần 8 giờ sáng, mọi người háo hức lên đường tham quan quần thể đền đài huyền bí Angkor Thom - Angkor Wat. Siem Reap là thành phố du lịch lớn nhất Campuchia với nhiều địa danh nổi tiếng và một quần thể Angkor (còn gọi là Công viên khảo cổ Angkor) hùng vĩ, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1992.
Quần thể di tích Angkor mở cửa hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 18 giờ. Tất cả du khách đều phải chụp hình để in trên vé vào cổng. Có 3 loại vé khác nhau: 1 ngày (20 đô la Mỹ), 3 ngày (40 đô la) và 7 ngày (60 đô la). Do quần thể Angkor rất rộng lớn nên để tiện việc đi lại, bạn phải thuê xe đạp điện, xe ôm hay xe tuk tuk. Riêng với chúng tôi được ban tổ chức thuê xe bus loại nhỏ để tham quan.
Anh Kong, hướng dẫn viên, cho biết Angkor Wat được xây dựng từ thời vua Suriyaworman II, vào đầu thế kỷ XII, lúc đầu để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Về sau khi vương triều Khmer theo Phật giáo thì nơi đây trở thành đền thờ Phật. Angkor Wat được xem là một trong những di tích lịch sử quan trọng, là đỉnh cao của nền nghệ thuật và kiến trúc Khmer.
Trong khu vực đền Angkor Wat, bạn có thể “chinh phục” một tháp có tên là Thiên Đàng khá cao, hình như cao khoảng 65 mét, cũng may là có thanh vịn bằng sắt để du khách có thể bám víu vào khi bước từng nấc thang một ở lối đi lên hoặc ở lối đi xuống… Trong đoàn, có một số người sợ độ cao đành ngồi phía dưới chờ các bạn, ngắm cảnh xung quanh và chụp hình...
Ở Campuchia, có những quy định khắt khe khi vào viếng những nơi tôn nghiêm, như nơi đây chẳng hạn; du khách phải ăn mặc kín đáo, nghiêm túc, không mặc váy ngắn, áo sát nách, không đội nón, không mang dép lê, không chạy nhảy, không cười nói ồn ào… Mọi du khách đều phải tuân theo quy định này, nếu không muốn bị đứng bên ngoài. Đoàn chúng tôi đến nơi đây đúng lúc giữa trưa nên hầu như mọi người đều đội nón hoặc lấy áo khoác đội lên đầu để che cái nắng khủng khiếp ở xứ nhiệt đới này, cho nên vô tình quên mất trước khi “lên Thiên Đàng” phải gửi nón tại bàn của người kiểm soát, vậy là chúng tôi bị nhắc nhở ngay.
Nếu Angkor Wat làm bạn thán phục về những nét chạm khắc tinh xảo trên các vách tường và các bức tượng tượng trưng cho những công trình nghệ thuật tuyệt mỹ thì Angkor Thom, kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor, sẽ làm bạn kinh ngạc về nét kiến trúc đền núi kỳ vĩ. Vào thế kỷ XV, kinh đô này bị người Xiêm phá hủy, vua Khmer phải dời đô về Phnom Penh. Ngày nay, dấu tích còn để lại ở nhiều nơi, cụ thể là các đền đài không còn nguyên vẹn và ở hai bên con đường dẫn vào đền là hai hàng tượng đá với nhiều pho tượng một bên là thần, một bên là ác quỉ, mỗi hàng nâng một con rắn thần (naga), thì đa số các tượng bên thần đều bị mất đầu.
|
Tượng Phật bốn mặt quay về 4 hướng. |
|
Một gốc cổ thụ trong khu đền Ta Prohm. |
|
Một thanh niên Campuchia ngồi cặm cụi vẽ tranh bán tại đền Ta Prohm. |
Ta Prohm (còn được gọi là lăng mộ hoàng hậu), nơi đây, các rễ cây cổ thụ khổng lồ mọc bao phủ lên những tòa tháp hoang tàn, đổ nát càng làm cho ngôi đền trở nên âm u, kỳ bí và hấp dẫn. Tại đây, tôi bắt gặp, ngay dưới chân đền cổ kính, rêu phong này, có hai thanh niên người Campuchia, ngồi vẽ say sưa các bức tranh về đền Angkor Thom, Angkor Wat, Ta Prohm… Tuy nét vẽ không thật sắc sảo như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng điều làm tôi thán phục ở đây là ẩn sau những bức tranh này là cả một nỗ lực đáng trân trọng trong việc tìm kiếm miếng cơm, manh áo bằng chính sức lao động và năng khiếu của mình.
Ở đền Ta Prohm, chúng tôi được yêu cầu chuyển sang xe bus loại nhỏ mới vào được cổng đền Bayon. Đền Bayon nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom, được xây dựng vào thời vua Jayavarman VII, khoảng năm 1724 -1763. Đây là ngôi đền ấn tượng nhất về kiến trúc đền núi của Campuchia, bao gồm 54 tháp lớn nhỏ, mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của đức Phật mỉm cười, với 4 hướng khác nhau. Tại đây, du khách rất hứng thú khi tạo ra nhiều kiểu hình chụp thật độc đáo (như mũi của bạn chạm vào mũi của đức Phật, tay bạn chạm vào đỉnh tháp…).
|
Chùa Sopheak Monkoc, nơi trưng bày hiện vật liên quan đến nạn diệt chủng đã giết hại khoảng 2 triệu người ở Campuchia. |
Quần thể Angkor với những đền, tháp, phù điêu… được bàn tay con người làm nên từ đá xếp chồng lên nhau mà tưởng chừng thiên nhiên tạo dựng. Trên các vách tường của đền có minh họa sử thi Ramayana… Các họa tiết tinh xảo khắc trên đá trong các đền (như hình tượng Phật, chiến binh, vũ nữ, nàng Apsara…) thể hiện sự kiên trì, tỉ mỉ, tài hoa của các nghệ nhân xưa kia. Quả là một kỳ công. Chính các công trình điêu khắc và kiến trúc tuyệt mỹ bằng đá lớn nhất thế giới này và sự kỳ bí nơi đây đã thu hút đông đảo khách du lịch đến đây. Đặc biệt là các du khách phương Tây.
Rời Siem Reap, đoàn lên đường đi Poi Pet - Aranyaprathet. Đây là cửa khẩu phía đông của Thái Lan, cách Siem Reap khoảng 150km. Trên đường đi, đoàn ghé viếng chùa Sopheak Monkoc, nơi trưng bày hiện vật và di tích (một số xương và sọ người,…) là một phần bằng chứng tố cáo nạn diệt chủng dã man của Pôn Pốt đối với khoảng 2 triệu người dân Campuchia vô tội. Dù sự việc đã diễn ra cách đây hơn 30 năm, nhưng vào đây, mọi người đều cảm thấy lặng người và vô cùng cảm thương cho người dân Campuchia, đã phải chịu đựng quá nhiều đau khổ.
Bangkok - Lộng lẫy đại hoàng cung
|
|
|
|
Đại hoàng cung (The Grand Palace) tại Bangkok. |
(TBKTSG Online) - Đến cửa khẩu Poi Pet - Aranyaprathet, chúng tôi đã làm thủ tục nhập cảnh Thái Lan. Từ đây đến Bangkok khoảng 200km. Cũng tại cửa khẩu phía đông của Thái Lan này, chúng tôi tạm biệt anh Kong (hướng dẫn viên Campuchia) và làm quen với anh Wit, hướng dẫn viên Thái Lan, người sẽ đồng hành với chúng tôi trong những điểm tham quan tiếp theo tại Thái Lan. Wit, da ngăm ngăm, rất nam tính, đẹp trai, vui tính và rất chu đáo.
Trải qua chặng đường dài ngồi trên xe, đến hơn 21 giờ, đoàn đến thủ đô của Thái Lan. Vừa đến khách sạn anh Wit, liền trao cho mỗi người một danh thiếp (carte de visite) của khách sạn I-Residence Hotel, Silom, cùng những lời dặn dò và không quên ghi số điện thoại của mình cho mỗi người. Mọi người vội vã nghỉ ngơi để lấy sức sáng mai tiếp tục chuyến tham quan mới. Chúng tôi có hai ngày lưu lại Bangkok.
|
Một công trình mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây trong đại hoàng cung. |
Sáng hôm sau, sau khi thưởng thức một bữa sáng với nhiều món ngon, đoàn đến tham quan đại hoàng cung (The Grand Palace). Nơi đây là một quần thể kiến trúc phức hợp, tuyệt mỹ của đền, tháp và chùa, thể hiện sự pha trộn của nhiều kiểu kiến trúc: từ truyền thống của Thái Lan, Trung Quốc cho đến kiến trúc phương Tây (Pháp-Ý). Mọi người trong đoàn đều không khỏi sững sờ khi đứng trước vẻ đẹp lộng lẫy của đại hoàng cung và không thể tưởng tượng nổi nơi đây do chính bàn tay con người làm nên. Bởi nó quá tinh tế, tỉ mỉ và công phu. Hầu hết các công trình nguy nga, tráng lệ này đều được dát vàng.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan còn được mệnh danh là xứ sở Chùa Vàng. Khi ánh mặt trời ban mai chiếu vào các công trình đồ sộ này, bạn sẽ thấy những tia sáng phản chiếu lấp lánh đến lóa cả mắt và cảm giác như đang lạc vào những lâu đài trong các câu chuyện cổ tích hay thần thoại thuở ấu thơ, nhưng hồi xưa… chỉ là trong trí tưởng tượng. Còn bây giờ, đó… là sự thật, có tuyệt vời không chứ!
|
Một bức bích họa trong đại hoàng cung. |
Theo anh Wit, đại hoàng cung được thành lập vào năm 1782, dưới thời vua Rama I, diện tích 218.000 mét vuông, được bao quanh bởi bốn bức tường có chiều dài 1.900 mét. Bao gồm hoàng cung, văn phòng hoàng gia, và các ngôi đền, chùa, tháp. Hoàng cung và văn phòng hoàng Gia là nơi diễn ra các sự kiện của hoàng gia như tổ chức các yến tiệc quốc gia, lễ đăng quang hay các nghi thức hoàng gia hàng năm.
Ngôi chùa linh thiêng, quan trọng nhất trong đại hoàng cung là chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew - Temple of the Emerald Buddha) - nổi bật với lối kiến trúc độc đáo của đền chùa - nơi giữ gìn tượng Phật bằng ngọc bích được tôn sùng bậc nhất ở Thái Lan. Ngôi chùa còn được trang trí bằng những bức bích họa tinh xảo về sử thi “Ramayana” có nguồn gốc từ Ấn Độ, miêu tả truyền thuyết về việc dựng và giữ nước của các vương triều thuở xưa.
|
Tháp vàng Phra Sri Rattana. |
Gần đó là thư viện Phra Mondhop, nơi bảo quản toàn bộ kinh Phật Thái Lan và những bộ kinh tiêu biểu trên thế giới. Còn tháp vàng Phra Sri Rattana, được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng chuyển từ Ý về, là nơi để quàn ướp thi hài các vua vừa qua đời… Đại hoàng cung có một sức hút mãnh liệt, khách tham quan, cúng bái ra vào không ngớt.
Khi đoàn chúng tôi ra về thì thấy thấp thoáng những tà áo dài nhiều màu sắc của mấy thiếu nữ rất xinh ở lối vào bên kia, dù biết chắc là người Việt nhưng chúng tôi vẫn hỏi: “Việt Nam phải không?”, và chỉ kịp hỏi như thế rồi phải đi tiếp theo hai dòng người ngược chiều nhau nên không có lời giải đáp. Không biết các cô là sinh viên Việt Nam sang đây học hay là khách du lịch mới qua như chúng tôi.
Buổi chiều, đoàn tham quan Vimanmek Mansion, đây là tòa nhà làm bằng gỗ tếch vàng lớn nhất thế giới, được xây dựng năm 1897, dưới thời vua Chulalongkorn (Rama V). Trước đây là hoàng cung của Thái Lan, nay là viện bảo tàng trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến vua Rama V, mở cửa mỗi ngày từ 9 giờ 30 đến 16 giờ.
|
Vimanmek Mansion, đây là tòa nhà làm bằng gỗ tếch vàng lớn nhất thế giới. |
Rồi viếng Bảo tàng hoàng gia Thái Lan - Arts of the Kingdom V hay Ananta Samakhom Throne Hall, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các báu vật của Hoàng gia. Vào đây, mỗi du khách đều được phát một thiết bị để nghe giới thiệu (bằng nhiều thứ tiếng khác nhau: Anh, Pháp , Nga,…) về các báu vật đa phần được các nghệ nhân làm bằng vàng, bạc, đá quý và gỗ, đây là những tác phẩm nghệ thuật được chế tác, chạm khắc rất tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết...
Giống như Campuchia, Thái Lan cũng yêu cầu khách tham quan đại hoàng cung, chùa Vàng, chùa Phật Ngọc, … phải ăn mặc kín đáo, nghiêm túc,… Riêng ở Bảo tàng Hoàng gia (nữ mặc xà rông, nam nếu mặc quần ngắn cũng phải quấn thêm xà rông – trang phục truyền thống của người Thái), không được quay phim, chụp hình, đồ đạc cá nhân phải gửi trước khi vào phòng trưng bày hiện vật. (Nơi đây mở cửa tham quan từ 10 giờ đến 18 giờ, đóng cửa các ngày thứ Hai, tết năm mới và lễ hội Songkran)
.
Mua sắm ở Bangkok - coi chừng hết tiền!
|
|
|
|
Điểm đến San Francisco ở Terminal 21.Tầng trên cùng là thành phố điện ảnh Hollywood. |
(TBKTSG Online) - Để đến chợ Chatuchak, từ Bangkok, bạn có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng sử dụng Sky train - BTS (tàu điện trên không) là lựa chọn tối ưu vì vừa nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.
Trên tàu điện có hệ thống loa thông báo bằng hai ngôn ngữ tiếng Thái - tiếng Anh, các trạm dừng đang và sắp đến, hoặc bạn cũng có thể theo dõi bảng điện tử (ngay trong toa xe, phía trên cửa sổ) hiển thị các điểm đã đi qua và điểm sắp đến bằng các nút đèn sáng màu đỏ và màu xanh. Các trạm của BTS đều có thang bộ, thang cuốn, thang máy, có lối đi thông với trung tâm mua sắm… Tại đây đều có các quầy bán thức ăn nhanh, nước giải khát, đồ lưu niệm…
|
Hành khách đi Sky train sẽ yên tâm xuống đúng nơi mình muốn, khi theo dõi bảng điện tử thông báo các trạm dừng trên Sky train. |
Mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều được ban tổ chức phát một thẻ đi Sky train, thẻ có giá trị sử dụng trong 24 giờ của ngày hôm đó. Số lần đi không giới hạn. Bạn phải quẹt thẻ mới được vào và ra cổng của trạm đi - đến và nhớ giữ thẻ cẩn thận để sử dụng cho những lần sau. Chợ Chatuchak ở ngay bên dưới của trạm Mo Chit.
Chatuchak là ngôi chợ cuối tuần lớn nhất ở Bangkok, mở cửa ngày thứ Bảy, Chủ nhật, từ 6 giờ đến 20 giờ, về hình thức tương tự như bao ngôi chợ khác, cũng kinh doanh đủ loại mặt hàng; từ vớ, giày, quần áo, hàng lưu niệm, trang trí nội thất, đến túi xách, trang sức, thực phẩm, giải khát… với giá khá rẻ. Ngày tham quan này, ban tổ chức để cho các khách mời được tự do mua sắm, tự túc ăn trưa tùy thích... Chúng tôi có hai giờ để mua sắm và ăn trưa tại đây. Thật thú vị khi chúng tôi được tiếp cận, làm quen với những người bán hàng, họ tiếp đón khách rất niềm nở, ân cần và vui vẻ dù việc giao dịch mua bán có thành hay không.
|
Các khách hàng Việt Nam đang hỏi giá áo thun tại một gian hàng của chợ Chatuchak. |
. Ao pull cổ trái tim, đủ màu sắc và kích cỡ. Giá bình quân 100 baht/chiếc, nếu mua hai chiếc được giảm 10 baht. Một chiếc kẹp tóc có nơ, để kẹp phía sau tạo thành một kiểu tóc búi rất xinh, giá 50 baht/chiếc. Giày cao gót khoảng 5 phân, bằng nhựa, giá 120 baht/đôi. Thắt lưng giả da giá 50 baht/sợi. Cơm bình dân: cơm gà quay, kèm món canh giá 40 baht, trà đá miễn phí; nước trái cây, nước suối 12 baht… Giá bán không phân biệt khách hàng trong hay ngoài nước. Chợ này hàng hóa có giá rẻ hơn khu vực các gian hàng ngoài trời ở các khu trung tâm Bangkok.
Sát bên chợ có một công viên có nhiều cây xanh, bãi cỏ rất thoáng mát, ban tổ chức có yêu cầu chúng tôi tập trung tại đây sau khi mua sắm theo thời gian đã ấn định. Tuy nhiên, có một số bạn vẫn còn mải mê mua sắm, nên trong khi chờ đợi các bạn ra đông đủ, một số bạn - với vẻ mặt đầy thỏa mãn - ngồi xem lại những món hàng đã tậu được và ví chúng như là những “chiến lợi phẩm” vì được mua với giá “bèo” so với nơi khác. Ba lô, túi xách của mọi người đều căng phồng, tưởng chừng như dây kéo sắp bung ra vì quá tải.
|
Điểm đến Tokyo (Nhật) ở Terminal 21. |
Có quá nhiều hàng hóa để lựa chọn và mua sắm, có lẽ đem bao nhiêu tiền cũng hết sạch vì mặt hàng nào cũng đẹp, kiểu dáng lạ mắt và hấp dẫn: nào là quần jean, áo pull, mắt kiếng, đồ lưu niệm… có bạn mua cho mẹ đôi giày, chiếc áo kiểu, có bạn mua cho cha mấy chiếc thắt lưng hay cái bóp giả da cá sấu, hay mua cho anh chị em cái áo thun, khăn choàng thời trang, bộ dụng cụ học sinh, sau khi đã mua cho mình quần jean, áo pull hay chiếc mũ model. Hàng lưu niệm thì chắc chắn ai không thể sót vì vừa làm kỷ niệm cho riêng mình (nhất là đối với nhiều bạn sinh viên do đây là lần xuất ngoại đầu tiên) vừa để tặng bạn bè, người thân.
Tham quan Terminal 21, trung tâm thương mại hiện đại, cao khoảng 7 tầng, mỗi tầng là một điểm đến (arrival) - với thiết kế, bài trí biểu trưng cho một thành phố lớn, hay thủ đô của một trong một số quốc gia trên thế giới - thủ đô Rome của Ý, Paris của Pháp, Luân Đôn (Anh), San Francisco, Hollywood (Mỹ), Tokyo (Nhật), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)… Đến đây, cảm giác như bạn đang đáp máy bay xuống các phi trường để viếng thăm các thành phố xinh đẹp và nổi tiếng này. Và càng thích thú hơn khi bạn thấy điểm đến của nước nào thì người dân của nước đó có mặt đông hơn, tâm lý chung là ai cũng muốn tìm đến những không gian mang hình ảnh quen thuộc của mình.
|
Một du khách Thổ Nhĩ Kỳ đang ngồi bên bức tượng có người đàn ông chơi đàn ở điểm đến Istanbul. |
Có thể nói công trình Terminal 21 là một sáng kiến, một điểm cộng cho ngành du lịch Thái Lan. Họ luôn tìm nhiều cách mới lạ để hấp dẫn du khách, thay vì cứ xây dựng một trung tâm thương mại bình thường như bao nơi khác.
Bangkok còn vô số nơi mua sắm khác như khu Siam với Siam Paragon (điểm mua sắm mới, hiện đại), trung tâm Siam, Mah Boon Krong - MBK (không cách xa khu vực Siam, bày bán nhiều mặt hàng thời trang, quần áo thể thao, điện thoại di động, các sản phẩm và phụ kiện công nghệ thông tin cho nên đây là nơi lui tới thường xuyên của giới trẻ. Trong đây cũng có khá nhiều nhà hàng, tiệm ăn). Ngoài ra, khu vực này còn có Platinum, Central World Plaza, Big C, các gian hàng ngoài trời, các khu chợ sỉ… nếu không được định hướng trước, bạn sẽ thấy choáng ngộp và lúng túng vì không biết phải chọn nơi nào để đến trước.
Ở nước nào cũng có không gian mua sắm, tuy nhiên tạo ra được môi trường phong phú, thân thiện, ấm áp, tin cậy, thoải mái giữa khách hàng và người buôn bán không phải nơi nào cũng thành công như thủ đô Bangkok.
Bang Pa In - Cung điện Mùa Hè
|
|
|
|
Phra Thinang Aisawan Thippa-at nằm giữa hồ nước trong khu "Cung điện Mùa Hè" Bang Pa In. |
(TBKTSG Online) - Bang Pa In Palace - nơi được mệnh danh là “Cung điện Mùa Hè” của hoàng gia Thái Lan. Cung điện này tọa lạc ở một huyện cùng tên, cách thành phố Ayutthaya 18km và cách Bangkok khoảng 60km, về phía bắc. Cung điện được bao quanh bởi một hồ nước mênh mông, thơ mộng, đẹp mê hồn, tựa như một bức tranh thủy mặc sống động được vẽ nên bởi một họa sĩ tài ba. Vào đây, bạn có cảm giác như đang bước vào một thế giới khác, thật yên bình, bao nỗi âu lo, phiền muộn đời thường như tan biến mất.
Có đến đây, du khách mới hiểu được lý do vì sao các triều vua ở Ayutthaya sau triều Prasat Thong đều chọn nơi này làm điểm nghỉ ngơi. Do yêu thích cảnh trí nơi này, vua Chulalongkorn (Rama V, 1868-1910) đã cho xây dựng cung điện này và làm nơi nghỉ ngơi hàng năm cho hoàng gia.
|
Phra Thinang Wehat Chamrun xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa. |
Với lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp hài hòa, cung điện gồm có các công trình nổi bật như tòa lâu đài theo kiểu Thái nằm ở giữa hồ có tên là Phra Thinang Aisawan Thippa-at; tòa nhà có hai tầng thiết kế theo kiểu châu Âu Phra Thinang Warophat Phiman, trước đây vừa làm đại sảnh tiếp khách vừa có phòng nghỉ riêng của nhà vua, ngày nay được dùng làm đại sảnh cho các nghi lễ nhà nước; công trình có kiến trúc theo kiểu Trung Hoa, gọi là Phra Thinang Wehat Chamrun và đài quan sát Phra Thinang Withun Thatsana nằm trên một đảo nhỏ, khi leo lên đài, bạn có thể quan sát và thưởng ngoạn phong cảnh vùng quê yên bình xung quanh.
Bên trong cung điện, một chiếc cầu Tượng (bridge of statues) rất độc đáo, ngay tại cổng đi vào Warophat Throne Phiman Hall, với các pho tượng màu trắng của các vị thần và nữ thần Hy Lạp, phản ánh sự ảnh hưởng lối kiến trúc Hy Lạp trong thiết kế nơi đây, chiếc cầu bằng ciment được sơn trắng, bắc ngang qua hồ nước phẳng lặng, tất cả đều khoác lên mình một màu trắng tinh khiết, sang trọng. Giữa hồ có đài phun nước, những tia nước phun lên phản chiếu bảy sắc cầu vồng của ánh mặt trời trong buổi ban mai, càng làm cho mặt hồ thêm lung linh, huyền ảo. Lúc này, một số người đã kịp chụp được khoảnh khắc đẹp tuyệt vời này.
|
Đài quan sát Phra Thinang Withun Thatsana được xây trên một cù lao nhỏ, nơi tốt nhất để ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan Bang Pa In. |
|
Hồ nước phẳng lặng, thơ mộng tựa như một bức tranh thủy mặc. |
|
Chiếc cầu Tượng (bên phải) ngay tại cổng đi vào Warophat Throne Phiman Hall, với các pho tượng các vị thần Hy Lạp. |
Trong khuôn viên của cung điện, còn có các đài tưởng niệm, trong đó có đài tưởng niệm thứ phi Sunandha Kumariratana, người được đức vua Rama V sủng ái nhất. Anh Witt, hướng dẫn viên, đã kể lại cho du khách nghe một câu chuyện thật thương tâm: thuở ấy, trong một lần đi thuyền trên sông thì nàng thứ phi chẳng may gặp nạn, nhưng không ai dám cứu nàng vì sợ phạm vào lệnh cấm không cho bất cứ người dân nào chạm vào người phụ nữ trong giới hoàng tộc. Lúc ấy, mọi người đành bất lực nhìn dòng nước cuốn trôi, tính ra là đến hai sinh mạng (nàng thứ phi đang mang thai). Đau buồn trước cái chết của nàng Sunandha Kumariratana và thai nhi, kể từ đó, đức vua cho sửa đổi lệnh cấm này.
|
Tương Phật mạ vàng trong tịnh xá Phrachao Phananchoeng. |
Cung điện mở cửa tham quan từ 8giờ 30 đến 16 giờ, mỗi ngày. Giá vé vào cửa 50 baht/người.
Tạm biệt cung điện Bang Pa In, đoàn đến thăm Wat Phanangchoeng Worawihan. Đây là ngôi chùa lớn và linh thiêng nhất Ayutthaya, được xây dựng từ trước khi lập kinh đô Ayutthaya. Trước cổng chùa, là vườn hoa có đài phun nước rất đẹp. Chỉ bức tường rào cũng đã thể hiện bề thế của ngôi chùa. Trên bức tường này có khắc tên chùa bằng song ngữ Thái - Anh. Du khách đến đây tham quan, thường chụp hình lưu niệm trước cổng chùa. Anh hướng dẫn viên cho biết, ngôi chùa này tọa lạc ở phía nam Phra Nakhon Si Ayutthaya - huyện thủ phủ của tỉnh Ayutthaya.
Tượng Phật chính trong tịnh xá của chùa gọi là "Phrachao Phananchoeng" được xây dựng vào năm 1325 trước công nguyên. Tượng đức Phật được mạ vàng, sáng lấp lánh, to lớn, uy nghi, cao đến 19 mét, trong tư thế chế ngự quỷ. Mọi người đều muốn vào bên trong điện thờ Phật, nhưng khó mà chen chân vào được vì quá đông người, nên đành đứng bên ngoài chiêm ngưỡng. Lúc này, tuy là vào giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, nhưng khách thập phương đến đây cầu xin, khấn vái rất đông.
Buổi chiều, chúng tôi được xem các màn trình diễn nhảy theo điệu nhạc hip hop, xiếc đứng hai chân và… cười của các chú voi. Một cảm giác thật thú vị và hồi hộp, đó là lúc được ngồi trên lưng voi. Một chú voi to đùng sẽ chở bạn đi dạo, có đoạn voi sẽ băng ngang qua đường giữa những làn xe cộ qua lại và có lúc dạo ven bờ hồ.
Ngồi trên lưng voi, tôi nghĩ lan man, nếu như chú voi giở chứng không chịu đi tiếp khi qua đường hoặc đi luôn xuống hồ thì… thật không biết chuyện hài hước gì sẽ xảy ra. Lúc ngồi trên lưng voi, bạn còn được thưởng thức bánh “Roti Sai Mai” màu xanh lá dứa, được chế biến bằng bột, khá thơm, ăn cùng với đường kéo sợi.
Khi trời vừa tắt nắng, đoàn chúng tôi được mời xuống thuyền vừa ăn chiều, vừa du ngoạn trên sông thuộc khu vực Ayutthaya, và còn được nghe các bạn sinh viên Việt Nam (đi cùng đoàn) hát karaoke tiếng Thái rất hay. Buổi chiều hôm ấy, một vị đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan đã tiếp đón, trò chuyện và cùng ăn tối với chúng tôi trên du thuyền.
Một ngày tham quan khép lại, với ấn tượng “người Thái thật giỏi trong nghề kinh doanh du lịch”.
Cuộc hồi sinh kỳ diệu
|
|
|
|
Chợ nổi Ayutthaya bán hàng chủ yếu trên các nhà sàn, khách di chuyển bằng thuyền hoặc lối đi bộ nối liền bằng cầu gỗ. |
(TBKTSG Online) - Cách đây một năm, Ayutthaya (tên đầy đủ Phra Nakhon Si Ayutthaya) chính là tâm điểm của trận lũ lụt kinh hoàng khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề cho xứ sở chùa vàng. Cho đến bây giờ, dù đang chinh phục vũ trụ, loài người vẫn chưa thể chế ngự, hóa giải hết sức mạnh tàn phá của thiên nhiên trên hành tinh này. Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ!
Cũng như Việt Nam có Huế là cố đô thì Ayutthaya chính là kinh đô xưa của Thái Lan, Ayutthaya nằm cách Bangkok 80km về phía bắc. Chính phủ Thái Lan có lúc đã ra lệnh đóng cửa gần 200 nhà máy, do nước lụt dâng cao, có nơi ngập đến hơn 5 mét. Cả cố đô ngập chìm trong biển nước… Vậy mà, sau một năm, khi chúng tôi đến tham quan nơi này, thật khó nhận ra chính nơi đây đã từng gánh chịu một trận lụt nặng nề nhất kể từ hàng chục năm qua, ngoại trừ dấu vết duy nhất là chiếc thuyền thúng do Việt Nam tặng còn nằm chơ vơ cạnh bến sông, một vị lãnh đạo ngành du lịch của vùng này đã cho chúng tôi biết. Cuộc sống của người dân nơi đây đã trở lại bình thường như chưa hề có thảm họa xảy ra.
Việt Nam cũng là một đất nước thường gặp thiên tai, lũ lụt nên chúng tôi rất thông cảm với người dân Thái Lan và muốn tìm hiểu thêm tình hình Ayutthaya hiện nay. Ông Pramoth Supyen, Giám đốc Tổng cục du lịch Thái Lan, văn phòng đại diện Ayutthaya, đã dành thời gian tiếp chuyện những sinh viên và phóng viên Việt Nam:
- Ayutthaya đã khắc phục hậu quả lũ lụt năm rồi như thế nào, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, thưa ông?
|
Ông Pramoth Supyen, Giám đốc TCDL Thái Lan, VPĐD Ayutthaya. |
- Ông Pramoth Supyen: Trong giai đoạn đầu, khách du lịch biến mất, nhưng chúng tôi không thất vọng, đã biến khủng hoảng thành cơ hội. Chúng tôi đã kêu gọi du khách với tinh thần tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả, đồng thời chúng tôi ra sức trùng tu lại các điểm du lịch, di tích, đền chùa tại đây. Sau khi phổ biến thông tin này, khách du lịch trong và ngoài nước rất quan tâm và hưởng ứng.
Chính phủ Thái đã ban hành những chính sách thiết thực để khắc phục thảm họa này, thông qua việc tài trợ xây dựng các đê phòng hộ lũ lụt, tạo niềm tin cho người dân cũng như du khách. Kết quả, du khách đến tham quan nơi đây còn nhiều hơn so với trước đây. Ngày 25-5-2012 vừa qua, nhà vua và hoàng hậu đã đích thân đến đây để thăm hỏi và động viên mọi người.
- Du khách có những đóng góp gì cho cuộc vận động khắc phục hậu quả thiên tai của vùng này?
- Khách du lịch nhiều nước trên thế giới đã có những hành động cụ thể, vừa tham quan vừa tham gia trùng tu, đặc biệt là du khách Nhật Bản. Du khách phương Tây thì đạp xe xung quanh các khu di tích để kêu gọi mọi người đến tham quan và giúp đỡ Thái Lan.
|
Ngôi đền cổ Wat Chaiwatthanaram tuyệt đẹp, trên bờ sông Chao Phraya, thuộc cố đô Ayutthaya. |
Hàng năm có khoảng 6 triệu du khách viếng Ayutthaya, nhưng sau khi lũ lụt số lượng khách sụt giảm chỉ còn khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, ước lượng du khách sẽ tăng lên 7 triệu người trong năm nay. Đó là nhờ nỗ lực của chính phủ, nhân dân và cả du khách trong và ngoài nước.
- Lượng du khách người Việt Nam đến Thái Lan có nhiều không, thưa ông?
- Du khách Việt Nam có sang, nhưng không nhiều, có lẽ, Thái Lan không xa lạ với người Việt vì cả hai nước đều có những điểm tương đồng về du lịch và văn hóa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong rằng du khách Việt Nam sang thăm Ayutthaya, thăm Thái Lan nhiều hơn nữa. Đối với giới doanh nhân sẽ là những cơ hội hợp tác làm ăn, nhân những chuyến du lịch. Còn trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng cần có nhiều hơn nữa những chuyến giao lưu văn hóa giữa sinh viên hai nước, chẳng hạn như lần này là sinh viên Việt Nan sang tìm hiểu về đất nước, con người Thái Lan, thực tập ngôn ngữ tiếng Thái… thì lần sau đến lượt sinh viên Thái Lan đến Việt Nam... Sắp tới, vào năm 2015, chúng ta sẽ gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN, do đó tương lai, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng khắng khít hơn.
- Khủng hoảng kinh tế ở các nước châu Âu, chắc hẳn có ảnh hưởng ít nhiều đến lượng du khách sang Thái Lan?
|
Một góc chợ nổi Ayutthaya. |
- Do khủng hoảng kinh tế ở các nước châu Âu, lượng du khách khu vực này giảm sút. Ngược lại, lượng khách châu Á đang tăng. Chính vì thế, Việt Nam và Thái Lan nên liên kết tổ chức các tour du lịch từ Việt Nam sang Thái Lan và ngược lại. Hiện tại, Việt Nam và Thái Lan cũng đã có rất nhiều chuyến bay qua lại giữa hai nước nên rất thuận tiện.
- Xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm để gặt hái thành công trong ngành du lịch?
- Tính cách của người Thái Lan là sẵn sàng phục vụ, luôn xem du khách như bạn bè, người thân của mình và không có tình trạng lừa đảo du khách. Ngoài ra, để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, Thái Lan cũng như Ayutthaya cũng thường tổ chức các chương trình khuyến khích đi du lịch, với các giải thưởng có giá trị.
Bằng nhiều quyết tâm và nỗ lực trong mục tiêu vực dậy mọi lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch, chúng tôi tin chắc rằng Ayutthaya nói riêng và cả đất nước Thái Lan nói chung sẽ nhanh chóng khắc phục những hậu quả của thiên tai vừa qua. Thái Lan sẽ vững bước đi lên trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh trong khu vực để cùng nhau xây dựng một khối cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình và phát triển.
Ayutthaya - một thời vàng son
|
|
|
(TBKTSG Online) - Điểm kế tiếp trong ngày mà mọi người nôn nóng viếng thăm là Công viên lịch sử Ayutthaya (Ayutthaya Historical park). Đây là một trong những di tích lớn của Thái Lan, thu hút rất đông du khách, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1991.
Công viên này là một quần thể kiến trúc cổ đa dạng như Phật điện (Usobot), tịnh xá (Vihara), chùa (pagoda), tháp hình chuông (stupa), bảo tháp (chedi)… minh chứng cho một thời kỳ phồn vinh rực rỡ (1350-1767) của Ayutthaya - kinh thành cổ của Thái Lan.
Đến Ayutthaya, du khách có nhiều lựa chọn phương tiện di chuyển thuận tiện như đi xe tuk tuk (trung tâm Ayutthaya khoảng 30- 50 baht, ngoại ô Ayutthaya từ 50 - 100 baht tùy khoảng cách xa gần) hoặc có thể thuê bao xe tuk tuk với giá một giờ là 150 - 200 baht); xe đạp (giá thuê một ngày khoảng 30 - 70 baht, tại khu vực xung quanh trạm xe lửa hay chợ Chao Phrom); xe “Song Thaeo” (giống xe Lam, có hai hàng ghế hai bên) hoặc xe buýt, giá 5 - 10 baht/lần) hoặc đi thuyền do các công ty cung cấp dịch vụ ở những con đường dọc theo Wat Phananchoeng, Wat Phutthai Sawan và Wat Chaiwatthanaram.
|
Wat Phra Mongkhon Bophit. |
|
Tượng Phật trong chùa Phra Mongkhon Bophit. |
Nổi bật nơi đây là ba ngôi bảo tháp ở chùa Wat Phra Si Sanphet, chùa Wat Phra Mongkhon Bophit và đại hoàng cung (The Grand Palace). Hầu hết du khách đến đây đều muốn tự mình ghi lại những hình ảnh tàn tích của quá khứ một thời vàng son ở cố đô Ayutthaya. Trong thời kỳ vàng son của kinh đô Ayutthaya, ba ngôi tháp này được đánh giá là những đền đài, cung điện vĩ đại nhất châu Á. (Giờ tham quan các tháp này là từ 8 giờ đến 17 giờ).
Năm 1767, cuộc chiến tranh xâm lược của Miến Điện (Myanmar) đã phá hủy toàn bộ kinh đô Ayutthaya, biến nơi này thành phế tích hoang tàn, đổ nát. Tuy nhiên, bên cạnh những đống gạch vụn, vẫn còn nguyên vẹn những tượng phật, sừng sững giữa trời, càng làm tôn lên sự thiêng liêng, huyền bí trong không gian trầm mặc nơi đây.
Và xưa kia, có ai đó đã mang đầu tượng đức Phật đặt vào gốc cây sung, trong khuôn viên ngôi đền Wat Mahathat, nơi đã từng diễn ra các nghi lễ hoàng gia, để giờ đây, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng một tuyệt tác, rất độc đáo - đầu tượng Phật được bao quanh bởi rễ cây cổ thụ to lớn…
|
Bên cạnh những đống gạch vụn của kinh đô Ayutthaya hoang tàn, vẫn có những tượng phật còn nguyên vẹn. |
|
Đầu tượng Phật ở gốc cây sung trong vườn chùa Mahathat. |
Khi vương quốc này bị xâm lược, nơi đây đã bị tàn phá hầu như hoàn toàn, tuy nhiên, khi đến đây, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh rồi nhắm mắt lại, bạn có thể mường tượng được những cung điện xưa kia hẳn là nguy nga, lộng lẫy biết nhường nào!
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham quan một trong những tượng Phật bằng đồng lớn nhất của Thái Lan và một số bức tượng Phật khác được lưu giữ trong Wat Phra Mongkhon Bophit ở phía trước của quần thể kiến trúc này. Sơ đồ, cách bố trí các cung điện, đền, chùa của đại hoàng cung ở Bangkok hiện tại, được thiết kế tương tự như tại đây.
Phra Si Sanphet là ngôi đền lớn nhất nơi đây, bị tàn phá nhiều chỉ còn lại những mảng tường rêu phong, bên cạnh đó là tàn tích của những ngôi đền, chùa, tháp có nguy cơ biến mất theo thời gian. Vì vậy ngày nay, gần những khu vực này, chính phủ Thái Lan đã cho phục chế lại bằng xi măng những đền, đài, tháp tương tự để lưu giữ nguyên vẹn hình ảnh của từng phế tích nơi đây.
|
Điều may mắn là ngôi đền trên bờ tây sông Chao Phraya - Wat Chaiwatthanaram - có kiến trúc tuyệt đẹp này vẫn còn khá nguyên vẹn, sau chiến tranh. |
Trong khi các đền Wat Mahathat, Phra Si Sanphet… bị hủy hoại gần như hoàn toàn thì Wat Chaiwatthanaram, ngôi đền trên bờ tây sông Chao Phraya có kiến trúc tuyệt đẹp này vẫn còn trong tình trạng tốt.
Ảnh hưởng sâu đậm lối kiến trúc Khmer, ngôi đền này được xây dựng gồm các bảo tháp chính với các tháp phụ bao quanh, tương tự như cách bố trí của kỳ quan thế giới Angkok Wat.
Chaiwatthanaram là một ngôi đền nổi tiếng nơi đây, được nhiều du khách ngưỡng mộ, đặc biệt đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống, lúc mặt trời lặn phía sau tòa tháp chính. Cảnh vật càng trở nên kỳ bí và huyền ảo. (Giờ tham quan hàng ngày từ 8 giờ đến 17 giờ).
Có nhìn thấy những cảnh hoang tàn, đổ nát như vậy mới thấy hết sự tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh luôn đồng nghĩa với sự hủy diệt. Bao nhiêu công trình - với bao trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều người - được xây dựng trong thời gian dài, phút chốc đã biến thành đống gạch vụn… chỉ vì chiến tranh. Mong sao cho trên thế giới này, tất cả các cuộc chiến đều chấm dứt để mọi
người được sống trong yên bình và hạnh phúc!
Để đến cố đô Ayutthaya, từ Bangkok, có nhiều phương tiện để chọn lựa. Du khách có thể đi bằng ô tô theo đường cao tốc châu Á (Asia Highway), đường Phahonyothin, khoảng 80 cây số; hay đi bằng xe lửa ở các tuyến Bắc và Đông Bắc, dừng ở các trạm Bang Pa In hay Ayutthaya (J6) hoặc dùng xe buýt ở trạm phía Bắc của Bangkok (Bangkok’s Northern Bus Terminal), đường Kamphaeng Phet II, mỗi 30 phút, đều có một chuyến khởi hành, từ 5 giờ 40 đến 19 giờ 20 (cho xe loại 1) hoặc từ 4 giờ 25 đến 19 giờ (xe loại 2).
Ngoài ra, bạn cũng có thể đi xe có máy lạnh (Air-Conditioned Van) tại đài chiến thắng (Victory Monument) ở Bangkok, có rất nhiều công ty khai thác dịch vụ vận chuyển các tuyến đến Ayutthaya, cứ 20 phút là có một chuyến, từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày.
Dạo chợ
|
|
|
(TBKTSG Online) - Không nhộn nhịp, tấp nập ghe thuyền như các chợ nổi Cái Răng, Cái Bè… ở vùng sông nước tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, chợ nổi Ayutthaya nằm trên một con kênh đào, khá yên ả với những chiếc thuyền bán trái cây (bưởi, xoài, mít…), hay các loại bánh gói lá chuối… Hàng hóa ở đây chủ yếu là quần áo, các gian hàng lưu niệm, các món ăn Thái… thu hút không ít khách tham quan, mua sắm.
So với chợ Ayutthaya, chợ Pattaya có phần quy mô hơn. Đây là một điểm văn hóa thu hút của Pattaya, nơi có những ngôi nhà sàn với lối sống sông nước đơn giản, bình dị từ các vùng miền khác nhau của Thái Lan hội tụ về đây. Ngoài ra, tại đây còn có các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các gian hàng ven hai bên bờ hoặc kiểu nhà sàn bán các sản phẩm địa phương và các con thuyền đưa du khách tham quan vòng quanh chợ, ngang qua những chiếc cầu uốn lượn, bằng gỗ.
|
Một góc chợ nổi Ayutthaya, xa xa có chiếc cầu gỗ bắc qua sông. |
|
Mặt tiền chợ nổi Ayutthaya. |
Dù chợ có đông người cách mấy, dù có len lỏi vào bao nhiêu ngõ ngách, bạn cứ yên tâm trao đổi, mặc cả mua hàng vì rất khó bị lạc đường do dưới chân bạn, trên sàn gỗ đã có những mũi tên rất to chỉ hướng ra, vào được sơn hai màu xanh - đỏ. Chợ mở cửa hàng ngày từ 9 giờ đến 21 giờ.
Khi tham quan các chợ nổi Ayutthaya, Pattaya, chợ ven đường Kong Khong, chúng tôi luôn nhận được sự tiếp đón ân cần. Các chủ gian hàng cũng là những diễn viên ca múa những bài hát, điệu múa dân gian vui vẻ ra tận cổng chợ đón khách và mời khách vào tham quan các gian hàng bên trong.
|
Các diễn viên không chuyên hát múa theo nhịp trống. |
Chợ Kong Khong gồm hai dãy hàng bán các trang phục truyền thống (xà rông) với nhiều màu sắc rực rỡ, có gian bán hàng lưu niệm, hàng trang trí nội thất bằng gốm sứ, hoặc các hàng trái cây đủ loại bằng nhựa (nào là nhãn, hồng, dưa hấu, mãng cầu, táo, khế, xòai…) mà nhìn từ xa cứ tưởng trái cây thật, có gian bán bánh chiên giòn bọc nhân đậu xanh (tương tự bánh cam bên mình, nhưng nhỏ hơn), có cả gian hàng bán dầu gội hay xà bông cục làm từ các loại dược thảo, ở đây cũng bán dầu gió, đầu tròn dạng lăn (mùi rất dễ chịu), giống loại dầu bán ở Watson nhưng giá rẻ hơn khoảng 30%.
Có một điều làm tôi khá bất ngờ, khi chứng kiến cách tiếp khách mua hàng (những sinh viên Việt Nam trong đoàn chúng tôi) rất thân tình của một cô chủ (người Thái) bán hải sản tại chợ nổi Pattaya. Dù một bạn sinh viên chỉ mua một con sò nướng (hơi to) ăn thử và đây là lần đầu tiên gặp gỡ, nhưng cô chủ quày hàng này rất vui vẻ, hỏi thăm các bạn từ đâu tới, họ trao đổi với nhau bằng tiếng Thái rất thân mật, nói cười rôm rả, cứ tưởng như là họ đã quen thân nhau từ lâu lắm rồi, hay giống như một người cô gặp lại đứa cháu cưng của mình sau bao năm xa cách. Sau đó, cô chủ quán còn tặng cho “đứa cháu cưng” một món tráng miệng là một hộp rau câu nhỏ nữa.
|
Hàng trái cây bằng nhựa ở chợ Kong Khong, Ayutthaya. |
|
Gian hàng hải sản ở chợ nổi Ayutthaya. |
|
Hàng bán gia súc ở chợ nổi Ayutthaya. |
|
Các món hải sản ở chợ nổi Ayutthaya. |
Có một nơi du khách không thể bỏ qua, khi đến chợ nổi Ayutthaya, đó là gian hàng bán tranh cát, trưng bày nhiều bức tranh rất độc đáo với các biểu tượng của các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch nổi tiếng như Bangkok, Pattaya, công viên lịch sử Ayutthaya, chợ nổi Ayutthaya, các đền đài, chùa chiền…; tranh cây cảnh, tĩnh vật, động vật…
Thường các bức tranh có bố cục là một cảnh phản chiếu qua mặt nước của một dòng sông có thác, có suối… Dòng thác hay suối cũng làm từ cát này sẽ đổ xuống như dòng nước, tạo thành một bức tranh rất sống động, đến khi cát đã chảy cạn thì bạn lại lật ngược bức tranh lại, các dòng thác hay suối cát này sẽ tiếp tục đổ xuống (tương tự như chiếc đồng hồ cát), nhưng bên trong bức tranh này còn có một loại chất lỏng.
|
Du khách tham quan chợ nổi Pattaya bằng thuyền, phía sau là affiche giới thiệu một chương trình biểu diễn nghệ thuật tại đây. |
|
Thuyền chở du khách dạo quanh khu vực chợ nổi Ayutthaya. |
Nơi đây, tôi cùng hai bạn sinh viên nữa được chủ nhân gian hàng đón tiếp rất niềm nở, tử tế. Khi biết, chúng tôi từ Việt Nam sang, cô chủ đã gói hàng rất kỹ lưỡng, ngoài tờ hướng dẫn cụ thể từng bước một, cô chủ còn dặn dò cách bảo quản bức tranh cát và giảm giá cho chúng tôi. Bức tranh cố đô Ayutthaya, tôi mua có giá 170 baht.
Xế chiều, chúng tôi ghé mua sắm tại siêu thị Tesco Lotus (đây là thương hiệu nổi tiếng thuộc hệ thống siêu thị lớn của Anh), với các mặt hàng rất đa dạng, phong phú… như vốn có ở các siêu thị trên thế giới. Tesco được xây dựng chỉ một tầng trệt, trên một mặt bằng rộng lớn, kiểu dáng tương tự như một siêu thị ở phương Tây.
Chiều dạo biển Pattaya, dọc hai bên đường có nhiều nhà hàng, quán, bar và hộp đêm. Hàng quán, cửa hiệu, có cả Seven Eleven (cửa hàng mở cửa 24/24 giờ) bán đủ loại sản phẩm (từ quần áo thời trang, truyền thống, giày dép,… cho đến vô số các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng). Đi vào bên trong là các dãy phố sầm uất, khách Tây ngồi trong các quán bar, hộp đêm rất đông…
Vui vẻ ở Pattaya
|
|
|
|
Nhà hát tại Pattaya, Thái Lan. |
(TBKTSG Online) - Pattaya cách Bangkok khoảng 150 cây số về phía đông nam, là một trong những thành phố biển nổi tiếng của Thái Lan. Theo anh hướng dẫn viên, từ Bangkok hoặc sân bay Suvarnabhumi đều có xe buýt đi Pattaya. Cứ mỗi 30 phút là có một chuyến khởi hành. Ở Bangkok, đón xe đi Pattaya ở bến xe Ekkamai.
Pattaya là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế, nơi đây nổi tiếng với nhiều loại hình du lịch. Bạn có thể đi viếng các ngôi đền, chùa, chợ, chợ nổi, các điểm du lịch hấp dẫn khác (như vườn nhiệt đới Nong Nooch (Nong Nooch Tropical Garden) - điểm du lịch đoạt giải nhất nhiều năm liền), hoặc vừa có thể khám phá trên núi vừa có thể tắm biển, đi du thuyền hoặc chơi các môn thể thao dưới nước (lướt ván, nhảy dù, bơi thuyền kayak, câu cá),… Ngoài ra, du khách còn có thể giải trí với những chương trình ca múa nhạc như Alcazar Show, Tiffany Show... mà các bạn trẻ trong đoàn còn gọi chương trình này một cách nôm na là “pede show”.
|
Phía trước nhà hát, là khoảng sân rộng có vườn hoa, và những bức tượng nam giới (kiểu tượng Hy Lạp) vây quanh một tấm bảng quảng cáo đề tên Tiffany Show. |
Phía trước nhà hát, là khoảng sân rộng có vườn hoa, và những bức tượng nam giới (kiểu tượng Hy Lạp) vây quanh một tấm bảng quảng cáo đề tên Tiffany Show. Xe ô tô đậu kín sân. Khu vực bên trong nhà hát rất đông người chen nhau mua vé. Giá vé: 500 - 700 - 800 baht.
Sau mỗi một suất diễn, các diễn viên, ca sĩ với trang phục lộng lẫy nhưng khá “mát mẻ”, ùa ra trước sân của tượng đài, bằng những cái chìa tay điệu đàng họ chào mời, kêu gọi các khán giả đến cùng chụp hình chung với họ. Khán giả chụp hình với “em” nào thì sẽ trả tiền cho “em” đó (khoảng từ 50 baht/lần). Đa số là đàn ông châu Á (nhiều quốc tịch), còn lại là một số phụ nữ phương Tây tới chụp chung với các người đẹp chuyển giới.
Sau khi chụp hình với khán giả, họ lại vội vã vào bên trong để chuẩn bị cho buổi diễn tiếp theo. Một đêm ở đây có ba suất diễn 18 giờ, 19 giờ 30 và 21 giờ cho chương trình Tiffany Show. Còn Alcasar Show cũng có ba suất diễn nhưng giờ giấc có khác một chút: 18 giờ 30, 20 giờ, 21 giờ 30. Giá vé là 600 và 800 baht. Cả hai show này đều diễn cùng địa điểm, nhà hát ở Pattaya.
Đây là một chương trình mang hơi hướng của một đại nhạc hội, với các tiết mục văn nghệ hoành tráng và hấp dẫn do các diễn viên chuyển giới biểu diễn. Họ là những diễn viên rất xinh đẹp về ngoại hình (còn đẹp hơn cả người mẫu, hoa hậu), có khả năng ca múa chuyên nghiệp. Khi xem họ biểu diễn, bạn cứ ngỡ đây là những diễn viên nữ thật sự vì những động tác của họ quá dịu dàng, uyển chuyển và đầy nữ tính.
|
Những diễn viên, vũ nữ chuyển giới rất gợi cảm với ngoại hình không thua kém hoa hậu và động tác mua hết sức chuyên nghiệp, uyển chuyển và đầy nữ tính. |
Trong chương trình, có phần trình diễn các bài hát của một số ít quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ và Việt Nam. Đến màn trình diễn về Việt Nam, sân khấu trang trí rất nhiều ngôi sao lấp lánh màu vàng, đỏ và có cả xe xích lô, một diễn viên trẻ, đẹp duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam, nón lá, cùng một đoàn vũ công cũng xinh đẹp không kém, trong cùng trang phục, trình bày nhạc phẩm “Sài Gòn đẹp lắm!” của nhạc sĩ Y Vân rất hay, bởi vì… đó là giọng hát chuẩn của ca sĩ Việt Nam, còn ca sĩ này chỉ hát nhép.
“… Lá la la lá la, lá la la lá la. Ôi đời đẹp quá, đẹp quá, tràn bao ý thơ. Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca. Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !”...
Trong khán phòng, nhiều nhóm khán giả vừa vỗ tay, vừa hát theo; dễ nhận ra rằng họ chính là người Việt Nam. Bài hát vui tươi này, vừa khơi dậy niềm tự hào của người Sài Gòn nói riêng và cả người Việt Nam nói chung, lại vừa đánh thức tình yêu quê hương, đất nước của những ai phải sống tha hương bởi những ca từ nghe thân thương và tình cảm thiết tha quá. Cũng may mà chúng tôi chỉ đi du lịch ngắn ngày thôi, chứ nếu như những ai phải sống ly hương thời gian dài hay vì lý do nào đó, phải định cư nơi đất khách mà nghe bản nhạc này dù là giai điệu có rộn ràng, vui tươi đến đâu, thì chắc hẳn sẽ nhớ đến Sài Gòn, nhớ đến quê hương da diết lắm.
|
Sân khấu Tiffany show ở Pattaya. |
Không đơn giản trong cách trang trí sân khấu như tiết mục của Việt Nam (có lẽ chỉ cần tà áo dài, chiếc nón lá cũng đủ nói lên hình ảnh Việt Nam rồi, vì trang phục truyền thống này quá đặc biệt, nên không cần phải bài trí chi nhiều?), màn trình diễn của các nước khác, sân khấu được thiết kế công phu hơn, cảnh trí, màu sắc rực rỡ hơn với các biểu tượng của từng quốc gia: cung điện lộng lẫy của nước Nga, ngôi nhà mái ngói đỏ, cong cong kiểu xưa của Trung Quốc…
Có điều hơi lạ là trong màn trình diễn bài hát của Trung Hoa thì lời đầu là tiếng Hoa nhưng lời hai lại là tiếng Việt: “Kìa một nàng Trung Hoa…”, chắc là họ dùng đĩa nhạc do... Việt Nam sản xuất. Các màn trình diễn của các nước khác, không thấy có khán giả hát theo, chỉ có màn của Việt Nam là được hưởng ứng nhiệt tình nhất.
Vào khán phòng, du khách không được quay phim, chụp hình.
Sẽ là một thiếu sót nếu bạn đến Pattaya mà không xem Tiffany Show (hay Alcasar Show) – một chương trình giải trí ca múa nhạc khá đặc sắc
|
|
Nghĩ... trên đường về
|
|
|
|
|
Đàn bồ câu trong cung điện hoàng gia Campuchia ở Phnom Penh. |
(TBKTSG Online) - Trên đường về, đi qua Phnom Penh, chúng tôi đến thăm cung điện hoàng gia Campuchia (The Royal Palace) lúc 7giờ 30, nhưng 8 giờ nơi đây mới mở cửa nên chúng tôi đã đi loanh quanh khu vực này và ngạc nhiên khi thấy rất nhiều chim bồ câu tại đây, chúng rất dạn dĩ. Khi chúng tôi rải thức ăn thì chúng liền sà xuống mổ lấy mổ để, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và yên bình. Mọi người trong đoàn đều tranh thủ chụp những tấm hình hiếm có này.
Hoàng cung ở Phnom Penh là một khu phức hợp gồm các đền, chùa, tòa nhà, với kiến trúc đặc trưng mái cong, đỉnh nhọn của Campuchia, được làm nơi ở, sinh hoạt của hoàng gia, nơi tiếp các quan khách nước ngoài, đây còn là nơi diễn ra các nghi thức ngoại giao và nghi lễ hoàng gia. Chùa Vàng và chùa Bạc là những kiến trúc đặc sắc, có khoảng 5.000 tấm bạc được lát dưới sàn, trong chùa có rất nhiều tượng Phật lớn, nhỏ. Đặc biệt, bức tượng ngay chánh điện là bức lớn nhất được đúc từ 90 ký vàng, và nạm 2.086 viên kim cương, hoàn thành vào năm 1904. Tại đây, khách tham quan không được quay phim, chụp hình.
|
Tháp Vàng ở đại hoàng cung Thái Lan. |
|
Hoàng cung Campuchia ở Phnom Penh. |
So với đại hoàng cung Thái Lan, hoàng cung Campuchia có vẻ yên ả hơn, khách tham quan không đông lắm, các hạng mục trong quần thể nằm cách xa nhau hơn, nhưng đều nguy nga, tráng lệ, đều bao trùm một không khí trang nghiêm, trầm mặc…
Khi đi ngang đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, chúng tôi dừng lại, từng nhóm người một thắp nhang, để một ít tiền Việt Nam trên một cái đĩa gần đó và chụp hình lưu niệm tại đây. Sau đó, chúng tôi tham quan một ngôi chợ, phía trước chợ có bán rất nhiều hoa tươi, gợi nhớ về các cửa hàng bán hoa trên đường Lê Thánh Tôn ở chợ Bến Thành và dùng cơm trưa tại một nhà hàng Campuchia, có món lạp xưởng tôm rất ngon.
Chúng tôi tiếp tục đi theo tuyến đường nối các tỉnh duyên hải của Campuchia. Cảnh vật hai bên đường rất đẹp, núi rừng trùng điệp, nhìn xa xa là màu xanh quyến rũ của biển, lúc ẩn lúc hiện. Có lúc xe dừng lại để chúng tôi viếng một ngôi chùa nhỏ hay một cái miếu ven đường.
Khoảng gần 15 giờ, chúng tôi về đến cửa khẩu Mộc Bài - Bavet, hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh; tại đây, chúng tôi cũng chia tay và hẹn gặp lại anh Kong, hướng dẫn viên du lịch người Campuchia rồi tiếp tục lên đường.
Chúng tôi về đến TPHCM lúc 17 giờ, kết thúc chuyến đi. Mọi người chia tay trong sự tiếc nuối, quyến luyến và bịn rịn. Bởi sau một chuyến đi gần 10 ngày, có biết bao nhiêu kỷ niệm, hầu như toàn kỷ niệm vui. Trước đó, chúng tôi cũng đã kịp nhắn tin số điện thoại, địa chỉ email hay đọc “nick name” cho nhau để “add” vào Facebook nữa!
Nghĩ... trên đường về
So với đi du lịch bằng đường hàng không, đi đường bộ thú vị hơn nhiều bởi trong suốt lộ trình, bạn có thể dừng lại tham quan rất nhiều nơi, được chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh, cách sinh hoạt, nét văn hóa vùng miền của người dân địa phương. Cảm giác như hòa nhập vào cuộc sống đang diễn ra quanh bạn và quan trọng là bạn sẽ thu thập được rất nhiều kiến thức, đúng như câu nói rất xưa mà không bao giờ cũ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!”.
|
Đoàn du khảo Campuchia-Thái Lan do Tổng lãnh sự quán Thái Lan tổ chức chụp ảnh lưu niệm trước một công trình mang kiến trúc châu Âu trong Đại hoàng cung, Bangkok. Trong ảnh có sự hiện diện của ông Keartisak Aeumsamank (bìa trái hàng đứng), Trợ lý Giám đốc, Tổng cục Du lịch Thái Lan, VPĐD Bangkok. Ông đã ân cần tiếp đón và đi cùng đoàn đến các điểm tham quan trong Đại hoàng cung.
|
Kiểu du lịch này thích hợp với đối tượng du khách trẻ, khỏe, có nhu cầu tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ.
Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp về các nước láng giềng, ấn tượng nhất là nét văn hóa kiến trúc đền chùa. Những công trình kiến trúc đồ sộ, lộng lẫy, tuyệt vời, hẳn đã được xây dựng từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, trong đó một số công trình đã tồn tại cách đây nhiều thế kỷ… đã làm cho thế hệ sau phải nghiêng mình thán phục.
Bangkok như một bức tranh sống động, với nhiều sắc màu rực rỡ, xen lẫn những nét tương phản (chỗ này là các đền đài, cung điện hoàng gia, được xây dựng cách đây hàng nhiều thế kỷ, chỗ kia là những tòa nhà chọc trời hiện đại bên cạnh những tuyến tàu điện trên cao hay tàu điện ngầm dưới đất… hoặc khi ban ngày bạn viếng thăm các đền đài cổ kính, phải ăn mặc nghiêm túc và quấn thêm xà rông mới được vào viếng và lúc tối đến bạn đi xem một show diễn của các diễn viên chuyển giới ăn mặc vô cùng mát mẻ trong Tiffany Show, Alcasar Show - Pattaya,…), tất cả đã tạo nên một sức hút mãnh liệt, khiến người chiêm ngưỡng bức tranh không hề biết chán.
Về tôn giáo, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều có những nét tương đồng, các mẫu tượng Phật đều giống nhau, cũng có tục xin xăm để biết vận may rủi...
Ấn tượng sâu sắc từ những điều nhỏ nhặt
Văn hóa giao tiếp của nước bạn là một điều đáng trân trọng và học tập, du khách cảm thấy rất thân thiện, gần gũi, không có nạn chèo kéo, chặt chém. Đặc biệt, các hướng dẫn viên du lịch (người Campuchia và Thái Lan) rất nhiệt tình, vui vẻ, mến khách, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước.
Do chuyến tham quan chủ yếu tìm hiểu về đất nước và con người Thái Lan, nên tôi có dịp tiếp xúc với người Thái Lan nhiều hơn người Campuchia. Tôi đã từng ngạc nhiên khi chứng kiến cách đối xử quá thân tình, tử tế với khách hàng của cô chủ bán hải sản ở chợ nổi Pattaya, cô bán tranh cát ở Ayutthaya, những chủ gian hàng - cũng là diễn viên ca múa không chuyên - ở chợ Kong Khong. Nhưng bất ngờ lớn nhất, thú vị nhất lại đến vào phút chót... Trong đoàn có một chị người Thái, tên gọi thân mật là “Beau”, ngoài tiếng Thái chị còn nói rành cả 3 thứ tiếng: Anh- Hàn -Việt và biết một ít tiếng Pháp.
Trong suốt thời gian, từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc chuyến đi, tôi và nhiều người trong đoàn cứ nghĩ chị là một hướng dẫn viên du lịch tháo vát, chu đáo và rất đáng mến. Vì trong suốt hành trình, chị luôn chăm sóc lo lắng, phục vụ cho từng thành viên trong đoàn (từ chiếc bánh ăn cho vui miệng trên xe, chai nước suối, đến từng chiếc khăn lạnh cho mỗi người). Đến đâu chị cũng phụ mang hành lý cho mọi người và kiêm luôn việc chụp ảnh cho các thành viên trong đoàn, khi họ cần có mặt mình trong những tấm hình chụp chung; có lúc trên tay chị cầm đến 4, 5 chiếc máy ảnh của du khách. Vì vậy, rất ít khi thấy trong những bức ảnh chụp cả đoàn lại thấy có sự xuất hiện của chị.
Mãi đến trước khi chia tay, chị trao cho tôi một tấm danh thiếp với lời dặn “Có cần gì, chị liên hệ với em”. Thật là một ngạc nhiên thú vị. Bạn có biết chị ấy là ai không? Người phụ nữ năng nổ và khả ái đó là chị Umarat Nilaphan - giám đốc Công ty Vietnam Star Travel, một công ty du lịch liên quốc gia ở Việt Nam!
Các dịch vụ du lịch đi kèm như về ẩm thực, mua sắm, giải trí, phương tiện đi lại (đường không, đường bộ, đường thủy) ở Bangkok và các tỉnh khác, đều đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách.
Tóm lại, du khách đến tham quan Thái Lan, Campuchia không chỉ vì bị hấp dẫn bởi vẻ huyền bí, sự tuyệt mỹ của các công trình kiến trúc đền, chùa, tháp… bởi các dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng… mà còn vì sự nhiệt tình, hiếu khách của người Thái Lan, Campuchia và cả niềm tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước của họ.
Những điều nêu trên có lẽ phần nào lý giải được vì sao du khách đến Thái Lan, Campuchia thường mong muốn trở lại lần sau.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét