Có lẽ đây là một trong những khu làng kỳ lạ nhất thế giới. Trừ những đứa con nít, còn lại hầu hết đều bịt kín mặt. Phụ nữ chiếm 50% trong thành phần lãnh đạo Zapatista và một nhiệm kỳ của các “quan chức” chỉ là… hai tuần.
Phóng viên và chiến binh Zapatista - Ảnh: Tác giả cung cấp |
Thần tượng Che Guevara
Làng Oventic có một trục đường đắp xi măng (rộng chừng 6 m) làm trục chính. Bám dọc đó là nhà dân và các các “cơ quan công quyền” như: ủy ban cảnh vệ, nhà của chính quyền tốt, Hội phụ nữ danh dự, trạm y tế, trường học... Gọi thế cho sang, chứ tất cả đều là “nhà cấp bốn” mái tôn, vách gỗ ọp ẹp. Dãy nhà vệ sinh tồi tàn, chỉ là những tấm vách ngăn, có cái còn không có nóc.
Khẩu hiệu, hình vẽ đầy trên những bức tường, nhà, cửa: “Không có vũ khí nào hiệu quả hơn sự thật trong suy nghĩ”. Nhiều nhất có lẽ là hình Che Guevara. Có đi vùng Trung Nam Mỹ này mới thấy sức ảnh hưởng của Che lớn mức nào. Hầu như những vùng quê nghèo nơi tôi qua đều có hình và khẩu hiệu của Che: “Nói những gì bạn nghĩ, và làm những gì bạn nói”. Che đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh cho tự do, công bằng.
“Tại sao các anh lại dùng mũ trùm đầu hoặc khăn bịt mặt?”, tôi hỏi. “Ninja” hộ tống trả lời: “Mũ trùm đầu và khăn bịt mặt là biểu tượng của đấu tranh. Chúng tôi phải dùng chúng bởi chính phủ có thể bắt và giết chúng tôi qua việc chụp ảnh”.
“Có sự phân biệt giữa những người dùng mũ trùm đầu và khăn bịt mặt?”, tôi tiếp. “Dĩ nhiên khác nhiều chứ. Dùng mũ trùm đầu sẽ nóng hơn nhiều”, “ninja” trả lời, mắt ánh lên nụ cười.
Ngoài lý do đề phòng bị nhận diện, mặt nạ còn là biểu tượng của Zapatista - những người nông dân nổi dậy. “Với cái mặt nạ, tôi là một chiến binh Zapatista đấu tranh cho tự do và công bằng. Không có mặt nạ, tôi chỉ là một người dân tộc thiểu số bình thường”, anh cho biết.
Chúng tôi đi bộ xuống trường học cách đó chừng vài trăm mét. Đấy là một dãy nhà một lầu dài, cũ kỹ. Trên bức tường có dòng chữ: “Dân chủ, công bằng trong giáo dục”. “Tôi có thể phỏng vấn thủ lĩnh của các anh?”, tôi hỏi. Người dẫn đường đến trước một cái lán gỗ với hàng chữ “nhà của chính quyền tốt” (casa de la junta del buen gobierno) và yêu cầu chúng tôi đứng chờ. Tôi thắc mắc: “Chính quyền tốt?”. “Đúng, vì chúng tôi là chính quyền tốt, chứ không như chính quyền hiện nay của Mexico”, ninja trả lời.
Phỏng vấn chiến binh Zapatista
Lát sau, ninja ra dấu kêu chúng tôi vào trong rồi đóng sầm cửa lại. Một thoáng lo ngại vụt qua… Đấy là một căn phòng nhỏ nóng hầm hập. Giữa phòng, một người đàn ông trùm kín mặt mũi với khăn trùm đầu đen và một khăn quàng đỏ ở cổ đại diện Zapatista đã ngồi chờ sẵn... “Tôi từng là chiến binh trong cuộc nổi dậy năm 1994. Cứ gọi tôi là Guerrero (chiến binh)”, anh tự giới thiệu sau khi đã kiểm tra kỹ càng giấy tờ và thông tin cá nhân của chúng tôi.
Căn phòng đầy poster của Che Guevara, Hugo Chavez (Tổng thống Venezuela), khẩu hiệu cổ động cho các cuộc cách mạng. Tuy nhiên, ngay bên cạnh lá cờ của các chiến binh Zaptista: cờ đen sao đỏ với hàng chữ: “Công bằng, tự do, dân chủ”, vẫn là lá cờ Mexico.
“Zapatista tuy lập khu tự trị, cách ly với chính quyền, nhưng họ vẫn là những người yêu nước”, tôi thầm nghĩ.
Nghe giới thiệu tôi là người Việt Nam, ông cười lớn:
“Vietnamita bum bum Estados Unidos” (Việt Nam “bùm bùm” Mỹ). Lòng tôi dấy lên chút tự hào. Thì ra tên tuổi Việt Nam cũng vang dội đến đây. Cuộc nói chuyện nhờ vậy mà cởi mở hơn (dù vậy, nhưng đôi mắt của anh vẫn ánh lên chút cảnh giác, dò xét). “Anh có 15 phút để phỏng vấn”, giọng chiến binh đầy vẻ dứt khoát. Tôi vào đề ngay.
Các anh muốn điều gì khi nổi dậy?
Chúng tôi không muốn nắm chính quyền, chỉ muốn rằng chính phủ Mexico phải quan tâm dân tộc thiểu số hơn. Điều chúng tôi cần là: công bằng, dân chủ, tự do.
Chính quyền Zapatista hoạt động thế nào?
Zapatista không có một lãnh tụ cụ thể. Thay vào đó, mọi người đều có thể tham gia vào những quyết định quan trọng về cách quản lý, hướng phát triển... Để tăng sự dân chủ, một nhiệm kỳ của các “quan chức” Zapatista chỉ là... hai tuần và phụ nữ chiếm 50% trong thành phần lãnh đạo.
Có tồn tại mối quan hệ nào giữa chính phủ và Zapatista ?
Không. Mặc dù chính phủ đã cố gắng đề nghị hỗ trợ vật liệu để làm mái nhà, hoặc 1 bao xi măng cho từng gia đình, nhưng chúng tôi không nhận bất kỳ thứ gì của chính phủ.
Các anh có những dịch vụ công cộng nào khi không nhận sự hỗ trợ của chính phủ ?
Chúng tôi có trạm y tế và phòng khám bệnh ở mỗi khu tự trị, hơn 60 trường học dạy tiếng Tzotzil (tiếng thổ ngữ của dân tộc thiểu số ở vùng Chiapas và Oxaca, nơi tập trung các chiến binh Zapatista) và tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có các hợp tác xã để trao đổi một cách công bằng hơn với nước ngoài.
Người dân trong khu tự trị sống bằng cách nào ?
Zapatista sống nhờ vào nông sản tự trồng trọt và những hỗ trợ tiền bạc, y tế từ các tổ chức trên thế giới. (Chiến binh nhìn vào đồng hồ, nhưng tôi làm như không để ý và dồn dập hỏi tiếp).
Những ưu điểm gì khi sống trong những khu tự trị ?
Tất cả cho mọi người. Đó là tôn chỉ của chúng tôi. Mọi người có nhiều tự do hơn, được cùng bàn bạc để quyết định điều gì tốt nhất cho cộng đồng. Cạnh đó, họ được sự ủng hộ của nhiều tổ chức trên thế giới cho phong trào đấu tranh đòi hỏi sự công bằng.
Còn bất lợi ?
Khi một ai đấu tranh cho công bằng và lý tưởng thì không có bất lợi vì họ có chính nghĩa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội cố gắng xâm nhập vào ngôi làng của những chiến binh Zapatista ?
Dân chúng sẽ không để họ yên (chiến binh gằn giọng).
Có bao nhiêu chiến binh Zapatista ? Tập trung nhiều nhất ở đâu ?
Không đếm xuể. Trên toàn đất nước Mexico.
Chiến binh cắt ngang câu chuyện và đứng dậy lịch sự nói với tôi: “Anh là một trong những người hỏi nhiều nhất rồi đấy”.
Tiễn tôi ra tận cổng, ninja bắt tay chúng tôi thật chặt: “Khi nào đăng báo thì nhớ gửi chúng tôi xem nhé”. Tôi cười và nghĩ: “Vâng, có thể sẽ có cả những bức ảnh chụp lén nữa”.
Nguyễn Tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét