- Thiên Cầm
Chuyện kể rằng vào thời Xuân Thu, cổ nhân đã bắt đầu chưng hấp bột mỳ sau khi lên men mà ăn. Tới thời nhà Hán, thức ăn chế biến từ bột lúa mỳ vẫn chưa lên men, tất cả đều là những món ăn có hình từng khối hay từng phiến, và đều được gọi là bánh.
Trong cuốn “Sự Vật Cám Châu” ghi lại rằng Tần Chiêu Vương làm bánh hấp. Cuốn “Tề Thư” cũng chép rằng triều đình quy định khi tế lễ trong thái miếu (nơi thờ cúng tổ tiên của hoàng đế) phải dùng bánh làm từ bột mỳ, là thứ bánh được làm từ loại bột mỳ mềm và xốp vì đã lên men.
Đến thời Tam Quốc mới bắt đầu có tên gọi Man Đầu (Chữ Man 蠻 ở đây chỉ đất Man). Lương Anh, người thời Minh từng ghi lại trong cuốn “Thất Tu Loại Cảo” như sau: “Đất Man dùng đầu người tế Thần, khi Gia Cát Lượng chiêu hàng Mạnh Hoạch, ông lệnh dùng bánh bao làm thành đầu người mà tế, gọi là Đầu người trên đất Man. Nay viết nhầm thành Màn Thầu.”
Tổng hợp những ghi chép trong lịch sử thì thấy rằng, từ “Màn Thầu” chủ yếu xuất hiện trong tay Gia Cát Lượng triều Thục Hán thời Tam Quốc. Lúc đó dân Nam Man không ngừng xâm chiếm phương Nam của nước Thục, nên Gia Cát Lượng quyết định dẫn binh thân chinh thu phục vị vua Nam Man này. Nơi đó có phong tục là trước khi đại quân vượt sông phải dùng đầu người tế lễ thần sông mới được bình an. Lúc đó thuộc hạ của Gia Cát Lượng bèn nghĩ tới việc giết một vài tù binh Nam Man, như vậy có thể dùng đầu của người Nam Man tế lễ.
Gia Cát Lượng nghe xong không mấy đồng tình, nên muốn tìm kế sách khác để cổ vũ sĩ khí. Cuối cùng, Gia Cát Lượng nghĩ ra một kế hay, lệnh cho người nhào bột mỳ thành hình đầu người, sau đó cho vào chút thịt bên trong và hấp lên. Gia Cát Lượng dùng loại đồ ăn này thay cho đầu người, ném xuống sông làm vật tế Thần sông.
Gia Cát Lượng còn đặt tên cho bánh này là “Man Đầu”, cũng có ý là che giấu Thần sông (Man 瞞 nghĩa là che giấu). Còn có một truyền thuyết khác nói rằng Gia Cát Lượng đặt tên là “Man Đầu”, ngụ ý chỉ đầu của người Man. Nhưng chữ Man 蠻, nghĩa là man rợn, nghe rất đáng sợ, nên mọi người đã dùng từ Man 饅 nghĩa là “Bánh mỳ hấp” thay thế. Sau này loại bánh Màn Thầu này đã lưu truyền tới Bắc Trung Hoa, trở thành món ăn chính của người ở đây.
Nghe nói sau khi Gia Cát Lượng dùng bánh Màn Thầu thay cho đầu người tế thần sông Lô Thuỷ, Màn Thầu dần trở thành vật không thể thiếu trong các buổi tế lễ, yến tiệc. Đến cuối thời Tống, bánh Màn Thầu đã trở thành món điểm tâm thường xuyên của học sinh trường Quốc Tử Giám. Đến thời nhà Thanh, Màn Thầu đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau. Người phía Bắc Trung Hoa gọi bánh không nhân là Màn Thầu, bánh có nhân là bánh bao. Người phía Nam lại gọi ngược lại, bánh không nhân là bánh bao (loại to), bánh có nhân lại là bánh Màn Thầu. Trong tiếng địa phương ở Thượng Hải, dù có nhân hay không nhân thì loại bánh này vẫn được gọi chung là Màn Thầu.
Màn Thầu còn đảm nhiệm vai trò là vật cúng tế. Trong cuốn “Cư gia tất dụng sự loại toàn tập” (Toàn tập về những việc cần dùng trong nhà ở), đã ghi chép lại rất nhiều kiểu bánh Màn Thầu khác nhau, kèm theo minh hoạ cách dùng. Lý Hủ thời Minh có ghi lại trong cuốn “Giới am lão nhân mạn bút” rằng: “Khi cúng tế Thần miếu, dùng một kho Màn Thầu, 5.048 cái. Hai huyện Giang Ninh, Thượng Nguyên cung tiến 20 gánh bột mỳ, cúng tế xong tặng lại cho thợ thuyền bộ Công (cai quản về ruộng đất, thuỷ lợi, xây dựng) làm cơm ăn.”
Nói đi thì cũng phải nói lại, Màn Thầu không chỉ dùng trong việc tế tự, mà còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong văn hoá của người dân châu Á. Không chỉ dân tộc Trung Hoa mà các dân tộc khác ở vùng này cũng có loại bánh tương tự.
Thiên Cầm biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét