Nằm ngay trên con đường tơ lụa cổ xưa, Kyrgyzstan là cái tên tương đối lạ lẫm nhưng lại là thiên đường tập hợp những cảnh đẹp ngoạn mục nhất của thế gian đối với những người yêu thích du lịch mạo hiểm.
Truyền thuyết kể rằng, khi con người bắt đầu xuất hiện trên quả đất, Chúa đã ban phát đất đai cho từng người để họ định cư sinh sống. Mỗi người dựa trên tài năng và ước nguyện của mình sẽ được nhận lấy mảnh đất mà mình mong muốn. Người thì muốn có thảo nguyên bao la, người thì muốn có sông ngòi phì nhiêu hoặc những ngọn núi cao hùng vĩ… Trong khi tất cả mọi người đều ra sức để có được mảnh đất tốt nhất, Chúa nhận thấy có một anh chàng vẫn đang mải mê nằm ngủ, say sưa tận hưởng buổi chiều yên bình dưới tán cây. Sự an yên của anh chàng làm Chúa hài lòng lắm, quyết định dành ra mảnh đất đẹp nhất của Ngài để trao cho chàng, và đặt tên cho mảnh đất xinh đẹp này là Kyrgyzstan.
ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG TRÁI TIM DU MỤC
“Không ai yêu thiên nhiên và yêu tự do nhiều như người Kyrgyz!” – Mina, một giáo viên đại học làm việc ở thủ đô Bishkek, bạn đồng hành cùng tôi trong suốt chuyến road trip 10 ngày, khẳng định chắc nịch như vậy. Để minh chứng cho lời mình nói, Mina kể rằng mỗi năm, trong 3 tháng nghỉ Hè, hầu hết các gia đình trong làng hoặc thành phố đều đóng yurt (một loại lều của người Kyrgyz) lên thảo nguyên Song-Kul, để được trở về với thiên nhiên, cho trẻ con tập cưỡi ngựa, tập chăn cừu, uống sữa ngựa… Nếu những gia đình nào bố mẹ không đi được, ít nhất cũng sẽ gửi con cái cho những gia đình du mục mà họ biết. Đây là một phần quan trọng trong nghi thức trưởng thành của mỗi thanh niên Kyrgyz.
Qua câu chuyện được truyền miệng từ nhiều đời này, Mina cũng đã lý giải vì sao giữa xứ Trung Á khô cằn sỏi đá lại xuất hiện một quốc gia xanh rì xinh đẹp đến như vậy. Tôi cũng phải thừa nhận mảnh đất này đã nhận được quá nhiều ưu ái của tạo hóa. Nơi đây có những cánh rừng thông bạt ngàn được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Á”, cũng có dãy Tian Shan hùng vĩ với những ngọn núi tuyết vĩnh cửu có thể được nhìn thấy từ bất cứ đâu trên mảnh đất hơn 2.000 năm tuổi. Kyrgyzstan vừa có sa mạc lửa hun hút chỉ có đường chân trời mới cho bạn thấy được điểm giao nhau giữa trời và đất, lại vừa có biển hồ Issyk-Kul mênh mông lớn thứ nhì thế giới. Liệu có quá không khi nói rằng chỉ cần đến Kyrgyzstan, bạn sẽ được du ngoạn khắp thế gian?
THIÊN ĐƯỜNG ROAD TRIP
Trên dọc chuyến đi, tôi dễ dàng bắt gặp rất nhiều đoàn caravan xuôi ngược trên các cung đường. Họ là nhóm bạn trẻ từ Pháp tôi quen trong một chặng leo núi giữa chuyến road trip. Các bạn nói thích leo núi ở đây vì có cảm giác như đang leo ở Alps nhưng hoang dã hơn và chi phí rẻ hơn. Quả thật vậy, leo núi ở Kyrgyzstan chưa bao giờ là điều dễ dàng, kể cả với những tay leo núi chuyên nghiệp. Bên cạnh địa hình hiểm trở, việc thời tiết thay đổi đột ngột một cách thường xuyên dễ dàng xóa đi các dấu vết đường mòn cũng là yếu tố khiến cho việc đi lạc diễn ra rất thường xuyên. Trừ phi bạn đã rành các cung đường như lòng bàn tay, bạn nhất định phải có một người hướng dẫn địa phương đi cùng trong bất kỳ cung đường leo núi nào.
Một lần khác, tôi tình cờ gặp được một anh chàng người Anh sành sỏi, chủ một quán bar tại London, lúc anh đang lao chiếc Jeep băng băng vượt đoạn đường đèo trơn trượt lên đến Song-Kul vào một buổi chiều sập tối. Anh tỏ ra mừng rỡ khi bắt gặp được ánh đèn le lói trong yurt của một gia đình du mục nơi chúng tôi đang ở. Trong bán kính hơn 10km tối đen như mực, bạn khó lòng tìm được một căn lều nào khác. Anh dừng lại xin vào trong uống một ít trà nóng cho ấm người và kể cho chúng tôi nghe về hành trình điên rồ suốt 3 tuần qua của anh tại Kyrgyzstan trên chiếc xe Jeep. Chúng tôi mời anh ngủ lại chung trong yurt cùng tất cả mọi người, bởi bên ngoài tuyết đã bắt đầu rơi. Nhưng anh một mực từ chối và khăng khăng muốn qua đêm trên chiếc Jeep yêu thương của mình cùng chiếc túi ngủ. Anh nói, mỗi năm, anh dành ra vài tuần, bỏ lại tất cả phố thị để đến tận nơi thâm sơ cùng cốc này, cốt chỉ để cảm thấy được hạnh phúc.
Ở gần cuối đoạn hành trình đi xuyên đất nước du mục này, tôi cũng đã kịp trải qua một đêm đầy trăng và sao cùng với một nhóm biker phân khối lớn đến từ Ba Lan có đến hơn 25 xe, đều đặn hằng năm rong ruổi hằng tháng trời trên các cung đường uốn lượn ở độ cao hơn 3.000m. Có người khi tôi bắt chuyện đã hào hứng khoe rằng, đây đã là năm thứ 4 liên tiếp họ trở lại Kyrgyzstan, bởi vì “đã trót mê thiên đường bị lãng quên này rồi!”.
TRÁI TIM CỦA CON ĐƯỜNG TƠ LỤA
Không phải ngẫu nhiên mà những con người mê xê dịch ấy lại có điểm dừng tại đất nước xa xôi hẻo lánh này. Kyrgyzstan đã mang trong mình cả chiều dài hơn hai ngàn năm lịch sử của những tộc người du mục và những lữ đoàn caravan trên con đường tơ lụa huyền thoại. Nằm ở độ cao hơn 4.000m trên mực nước biển và sát ngay biên giới với Trung Quốc, thung lũng Tash Rabat là chứng nhân lịch sử đã đón tiếp bao nhiêu đoàn thương gia dừng chân giữa các chuyến buôn nối liền Trung Hoa cổ đại với các nước phương Tây khi rẽ lên hướng Tây Bắc, hoặc dọc xuống các quốc gia Trung Đông khi xuôi theo hướng Tây Nam. Di tích Tash Rabat vốn là một khách sạn được xây dựng từ thế kỷ 13 hiện vẫn còn sừng sững nơi đây để nhắc ta luôn nhớ về những giai thoại lịch sử huyền ảo gắn liền với Con đường tơ lụa, những câu chuyện mà chúng ta từng được học từ trong sách vở đó là hoàn toàn có thật.
Những người đàn ông thảnh thơi cưỡi ngựa dạo quanh đồi sau khi đã lùa hết đàn cừu hàng trăm con về chuồng sau một ngày mệt lả, những đàn ngựa tung vó dưới ánh chiều tà dần buông trên thung lũng Tash Rabat… là những khung cảnh huyền diệu nhất trong ký ức và trái tim của tôi mãi mãi về sau. Không còn đoàn người với ngựa hay lạc đà rong ruổi cùng túi hàng gồ ghề trên lưng, con đường tơ lụa ngày nay là mạch huyết quản nối liền hai thành phố lớn nhất nước là Osh và thủ đô Bishkek bằng những chú ngựa sắt. Cũng không còn hình ảnh đoàn người lặn ngụp giữa các ngõ hẹp trong lòng núi đá hay vượt đèo dốc qua những ngọn núi cao, chỉ còn lại những con đường phẳng lì, đồi dốc quanh co liên tục cùng những hầm chui qua núi. Cũng giống như ngày xưa, con đường tơ lụa ngày nay chỉ được sử dụng từ mùa Xuân cho đến giữa mùa Thu, bởi tuyết đã bao phủ tất cả các con đường vào mùa Đông.
QUỐC GIA CỦA LÒNG HIẾU KHÁCH
Có khoảng 70% người Kyrgyz theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Hồi giáo tại Kyrgyzstan là một nền tảng văn hóa chứ không đơn thuần chỉ là sự thực hiện nghi thức hằng ngày. Nền tảng này hòa quyện cùng với cốt cách của dân du mục đã tạo nên những con người Kyrgyz hào sảng và đậm đà bản sắc. Người Kyrgyz sống theo theo cộng đồng và những nếp sinh hoạt hằng ngày là sợi dây liên kết các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ rất bền chặt. Có hai thứ không thể thiếu trên bàn ăn mỗi ngày của người Kyrgyz, đó chính là trà và bánh mì. Buổi sáng với một bát súp thịt cừu nấu khoai tây và xé nhỏ ổ bánh mì tròn bỏ vào súp, mọi người vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả.
Bên cạnh đó, trà đen là nước uống “tinh thần” không thể thiếu của người Kyrgyz, và đặc biệt, họ không bao giờ uống một mình. Khi uống trà nóng, người Kyrgyz sử dụng bát nhỏ bằng bát ăn cơm, thêm chút đường vào, uống trước và sau các bữa ăn chính. Đôi khi, bát nước trà đen được sử dụng như bát súp trong các bữa ăn. Xé nhỏ bánh mì và chấm vào trà là thói quen kỳ lạ của người Kyrgyz. Trà có hương thơm nhẹ, một chút vị nhẫn trên đầu lưỡi và có vị ngọt. Cùng với mùi thơm phức của bánh mì mới nướng, chúng hòa quyện làm cho hương vị thật lạ lẫm khó quên.
Bàn ăn trong các quán ăn ở Kyrgyzstan trông giống như một giường ngủ nhỏ. Những tấm thảm đầy màu sắc văn hóa Trung Á được lót trên giường. Bàn để thức ăn nhô cao ở giữa và cứ bốn người ngồi xếp bằng vào một bàn. Bánh mì là lương thực chính của người Kyrgyz. Trên bàn ăn, người Kyrgyz sẽ vuốt mặt bằng hai tay từ trán xuống đến miệng sau bữa ăn như là sự tạ ơn Thánh Allah đã cho họ một bữa ăn ngon.
Đến Kyrgyzstan bằng cách nào?
• Visa: Kyrgyzstan cấp visa du lịch tại chỗ cho công dân Việt Nam với phí là 50 đô-la. Nếu bạn đi thông qua công ty du lịch sẽ được miễn visa (có thư mời).
• Di chuyển: Không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Kyrgyzstan mà phải nối chuyến với các hãng bay Aeroflot, Emirates, Air Astana…
• Ngôn ngữ: Tại Kyrgyzstan, ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất là tiếng Nga do lịch sử là một phần của Liên minh Xô Viết. Ở các vùng hẻo lánh, người ta vẫn còn sử dụng ngôn ngữ địa phương là tiếng Kyrgyz, tuy nhiên tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chính.
• Ăn uống: Kyrgyzstan là quốc gia Hồi giáo nên thức ăn theo chuẩn Halal với rất nhiều món ngon nổi tiếng từ thịt cừu, thịt ngựa.
Nhóm thực hiện
Bài: Louise Phan
Hình ảnh: Louise Phan, Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét