Từ quán cà phê trên đỉnh đồi, nhìn xuống đồng hoa vàng ươm, rộn rã sắc màu, những mái nhà thấp thoáng trong làn khói mỏng, hít một hơi thật sâu căng tràn lồng ngực, tôi nhận ra hạnh phúc thật gần, trong ánh mắt nụ cười, trong sự tử tế, chân thành của người bản địa, trong tĩnh lặng, hiền hòa của những ngôi chùa trăm năm tuổi. Hạnh phúc ở đây, ngay lúc này, khi tôi nhâm nhi ly cà phê nóng hổi giữa điệp trùng núi đồi của dãy Himalaya huyền thoại.
10/03/2017, 16:41
Bài ALEX TU Ảnh A.T.
Nằm sâu trong dãy Himalaya, Bhutan được mệnh danh là “vùng đất của Thần Sấm”, nơi phần lớn dân số không biết chữ nhưng lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Chỉ riêng sự đối lập ấy thôi đã đủ để một kẻ tò mò, thích phiêu lưu như tôi xách ba lô lên đường. Tôi lên kế hoạch sắp xếp chuyến đi năm ngày tới Bhutan để tìm cho mình câu trả lời về hai chữ “hạnh phúc”.
Chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) tới Paro (Bhutan) kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi, may mắn đầu tiên của tôi là được ngồi cạnh cửa sổ nên tôi có cơ hội chiêm ngưỡng thật gần đỉnh Everest – nóc nhà thế giới, và đỉnh Kanchenjunga nổi tiếng của Bhutan. Máy bay hạ cánh đúng giờ xuống Paro là may mắn thứ hai trong chuyến hành trình này. Do địa hình đặc biệt, nên Bhutan chỉ có một sân bay quốc tế duy nhất đặt tại Paro.
Nằm giữa vòng cung bao quanh bởi trập trùng núi, đường băng ngắn nên các chuyến bay đến và đi đều tuân thủ theo nguyên tắc tầm nhìn thực tế (Visual Flight Rules), nghĩa là cơ trưởng phải nhìn thấy đường băng và khu vực bao quanh bằng mắt thường trước khi hạ cánh hay cất cánh. Trong điều kiện thời tiết nhiều mây, các chuyến bay có thể bị hoãn tới vài ngày, và đương nhiên sẽ không có chuyến bay nào vào ban đêm. Máy bay giảm độ cao từ từ, xuyên qua khe núi hẹp như trong phim hành động, khiến tôi được một phen thót tim, và chỉ thở phào khi hai chân đã vững trên mặt đất.
“Vương quốc hạnh phúc” chào đón tôi bằng nụ cười của hai người đàn ông trong bộ váy truyền thống của Bhutan, đó là anh chàng hướng dẫn viên và cậu tài xế người bản địa. Gho – tên gọi của trang phục dành cho nam giới ở Bhutan, là một chiếc áo khoác dài đến gối, quấn thắt lưng to bản ngang eo. Khi được hỏi về bộ váy độc đáo này, chàng hướng dẫn viên hóm hỉnh trả lời tôi rằng chiếc váy cậu mặc đẹp hơn tất thảy những loại váy khác trên thế giới, và đàn ông Bhutan mặc nó hàng ngày mà không lo bị nữ giới ghen tị.
Gần như đứng ngoài thế giới văn minh nhưng cuộc sống ở Bhutan diễn ra theo một trật tự hết sức nhịp nhàng khiến những du khách như tôi không khỏi ngạc nhiên. Thành phố Paro và cả thủ đô Thimphu đều không có đèn giao thông, xe cộ đi lại theo sự điều hành của cảnh sát. Để ngăn chặn tác động xấu có thể đến từ các nền văn minh ngoại lai, chính phủ Bhutan kiểm soát rất chặt chẽ các kênh truyền hình và internet. Tỉ lệ tội phạm ở đất nước này có lẽ vì thế cũng ít hơn hẳn so với nhiều nơi. Đặc biệt, sống giữa thiên nhiên, người dân yêu quý, bảo vệ núi rừng như chính cuộc sống của mình. Một cây bị gãy sẽ được thay thế bởi ba cây non như một sự bù đắp cho mẹ thiên nhiên.
Một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Bhutan là ngôi chùa Chimi Lhakhang, nơi thờ “người điên thần thánh” Drukpa Kunley (1455 – 1529). Drukpa Kunley là một thánh tăng, một nhà thơ, nhà truyền bá đạo Phật với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng được ngợi ca. Tư tưởng về cuộc sống phồn thực của ông được nghệ thuật hóa qua những bức vẽ, tượng gỗ hình dương vật trên tường nhà người dân trong làng với ý nghĩa chống tà ma, mang lại điều may mắn, tốt lành.
Bhutan là một trong những thánh địa của Phật giáo; cảm giác yên bình không chỉ có trong những thiền viện mà còn từ nụ cười, ánh mắt của người dân địa phương. Từ quán cà phê trên đỉnh đồi, nhìn xuống đồng hoa vàng ươm, rộn rã sắc màu, những mái nhà thấp thoáng trong làn khói mỏng, hít một hơi thật sâu căng tràn lồng ngực, tôi nhận ra hạnh phúc thật gần, trong sự tử tế, chân thành của người bản địa, trong tĩnh lặng, hiền hòa của những ngôi chùa trăm năm tuổi. Hạnh phúc ở đây, ngay lúc này, khi tôi nhâm nhi ly cà phê nóng hổi giữa điệp trùng núi đồi của dãy Himalaya huyền thoại.
Mỗi ngày ở Bhutan, tôi lại gom nhặt cho mình một trải nghiệm hạnh phúc diệu kỳ. Đó là một buổi sớm mai trong trẻo trên đỉnh Dochula Pass, mây bồng bềnh trôi qua kẽ ngón tay. Hay đơn giản là một buổi tối chuyện trò cùng người phụ nữ Bhutan, những hạt ngô rang còn đang nóng hổi, trong căn bếp nhỏ xinh, giữa làn khói mờ ảo.
Sức mạnh của Bhutan nằm trong sự tĩnh lặng, trong cuộc sống thanh bình và vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo. Hạnh phúc hiện hữu trong mọi ngóc ngách, trên mỗi gương mặt bạn gặp nơi đây. Và tôi thấm thía hơn bao giờ hết ý nghĩa câu nói nổi tiếng của Lord Byron (1788-1824): “Trong sự tĩnh lặng, chúng ta ít cô đơn nhất.”
Để đến Bhutan, bạn phải đặt tour thông qua công ty du lịch do chính phủ Bhutan quản lý. Chi phí trọn gói ở Bhutan khoảng 200 – 250USD/ngày (tầm 4.500.000-5.700.000VND).
Từ Việt Nam, có ba đường chính để tới Bhutan: qua Thái Lan, Nepal hoặc Ấn Độ.
Giá vé máy bay đến Bhutan khá cao dù chặng bay ngắn, do không có nhiều lựa chọn hãng chuyên chở. Giá vé khứ hồi từ Bangkok (Thái Lan) tới Paro (Bhutan) khoảng 750USD (tầm 17.200.000VND).
Hãy cố gắng thu xếp một chỗ ngồi sát cửa sổ máy bay để có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp bên ngoài.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét