Nếu có mặt ở Nhật Bản vào đêm giao thừa, người ta sẽ thấy lễ mừng năm mới ở đây là sự hòa trộn độc đáo giữa truyền thống phương Đông và nét hiện đại phương Tây.
Trước nửa đêm, đường phố Tokyo tràn ngập những người trẻ tuổi và du khách nước ngoài. Hàng chục nghìn người tụ tập gần một nhà ga tại trung tâm Tokyo cho màn đếm ngược chào năm mới.
Trước cửa nhà ga Shibuya, an ninh được thắt chặt. Lực lượng cảnh sát cấm các phương tiện lưu thông ở khu vực ngã tư đông đúc này vào đêm giao thừa.
Trong khi đó, một đám đông khác chào đón năm mới theo cách truyền thống và yên tĩnh hơn tại một ngôi đền cách đó không xa. Vài giây trước nửa đêm, vị thần chủ lo lắng nhìn đồng hồ đợi nghe tiếng bíp báo đúng 12h.
Khi thời khắc đã điểm, ông đánh chiếc trống lớn ở lối vào đền thờ, báo hiệu sự khởi đầu của năm mới. Các du khách bắt đầu tung đồng xu qua rào chắn, vỗ tay 2 lần rồi yên lặng cầu nguyện.
Đông Tây hòa hợp
Cảnh tượng này có thể đã không diễn ra vào ngày 1/1 Dương lịch nếu không có cuộc cải cách Minh Trị giữa thế kỷ 19 nhằm biến Nhật Bản từ một nước phong kiến, bế quan tỏa cảng thành một đất nước văn minh, sánh ngang với các cường quốc phương Tây.
Thời kỳ Minh Trị là giai đoạn xoay chuyển thần kỳ của nước Nhật, từ một nước nông nghiệp thành một nước tư bản hùng mạnh, xóa bỏ những hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây, phát triển quân đội và tiếp thu những thành tựu văn minh thế giới.
Cuộc cách mạng không chỉ khiến kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ mà còn đem lại những thay đổi sâu sắc về văn hóa, xã hội.
Đám đông tham gia sự kiện đếm ngược mừng năm mới tại Shibuya, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Cuối năm 1873, chính phủ tuyên bố áp dụng Dương lịch thay cho Âm lịch truyền thống. Nguyên nhân của sự thay đổi này là vấn đề tài chính.
Việc chính phủ bắt đầu trả lương hàng tháng cho công chức (thay vì trả lương hàng năm như thời kỳ trước) đã làm phát sinh tháng lương thứ 13 nhưng nguồn thu lại không đủ để thanh toán khoản tiền này. Họ quyết định áp dụng Dương lịch để khép lại một năm ở tháng thứ 12.
Kết quả là người Nhật đã bỏ Tết Nguyên đán để theo Tết Tây nhưng lễ đón năm mới của họ không vì thế mà mất đi những đặc trưng riêng có.
Nếu có mặt ở đây vào thời khắc giao thừa, người ta sẽ nhận thấy nghi lễ mừng năm mới của nước Nhật vừa giống với màn đếm ngược ở Quảng trường Thời đại ở Mỹ lại vừa mang nét thần bí phương Đông.
“Đây không hẳn là một dịp lễ tôn giáo”, ông Kitagawa, trụ trì một điện thờ Thần đạo ở phía nam Tokyo, nói với phóng viên New York Times. “Mọi người chỉ muốn cảm nhận năm mới và hòa mình vào đám đông khi đến thăm điện thờ này”, vị thần chủ đời thứ 5 của gia đình Kitagawa nhận xét.
Tìm về truyền thống
Trên khắp nước Nhật, người ta chào mừng buổi sáng đầu năm theo các cách vừa phổ biến vừa khác biệt. Hàng chục triệu người đến cầu nguyện tại các đền chùa trên khắp đất nước.
Hàng chục nghìn người khác tham gia leo núi theo truyền thống của Thần đạo. Tại thủ đô, hàng triệu người đến cầu nguyện tại Đền Meiji, điểm đến nổi tiếng nhất trong những ngày đầu năm mới ở Nhật.
Người Nhật cầu nguyện trong ngày đầu năm mới tại Đền Meiji, Tokyo. Hàng triệu người tới các đền chùa trên khắp nước Nhật trong 3 ngày đầu năm mới để cầu nguyện cho người thân và gia đình trong dịp Tết dương lịch. Ảnh: Getty. |
Mỗi người đến cầu nguyện tại điện thờ lại có một động cơ khác nhau, có người thực sự tin theo Thần đạo, có người chỉ muốn làm điều gì đó thú vị và mới mẻ để đầu óc được thanh thản trong ngày đầu năm mới.
Đối với bất cứ đền thờ nào, năm mới là thời điểm kinh doanh quan trọng. Việc mua bán bùa cầu may và đồ trang sức rẻ tiền mang lại phần lớn nguồn thu để duy trì hoạt động, bao gồm chi phí bảo trì điện thờ và thu nhập cho gia đình trụ trì.
“Giờ đây, chức năng chính của ngôi đền này là giáo dục những người trẻ về truyền thống Nhật Bản”, vợ của ông Kitagawa nói với phóng viên New York Times trong lúc dọn dẹp điện thờ.
“Trước đây, người ta sống trong các đại gia đình nên không cần phải học về điều này. Giờ thì các gia đình truyền thống đã không còn nữa”, bà nói.
Trong mắt một số người nước ngoài, năm mới ở Nhật không khác nhiều so với Lễ Giáng sinh ở phương Tây.
Theo truyền thống, người Nhật sẽ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa trước Tết, sum họp bên người thân, gia đình, tổ chức tiệc mừng năm mới, ngắm mặt trời mọc trong ngày đầu năm và đi lễ ở các đền chùa.
Họ thường lên kế hoạch làm việc đến ngày 29/12 sau đó bắt đầu ồ ạt đổ về quê ăn Tết, khiến các thành phố như Tokyo trở nên trống trải và yên tĩnh hơn thường ngày.
Tuy nhiên, ông Kitagawa lại mong muốn Nhật Bản được thế giới nhìn nhận dưới một góc độ khác.
“Nước Nhật nổi tiếng khắp thế giới là một quốc gia thịnh vượng. Nhưng thông qua tất cả những nghi lễ này, chúng tôi mong muốn mọi người trên thế giới thấy rằng Nhật Bản cũng là một đất nước của truyền thống”, ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét