Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Hòn đảo đi sau thế giới

(NLĐO) - Với dân số hơn 30 người, đảo Foula thuộc quần đảo Shetland - Scotland có truyền thống đón Giáng sinh và năm mới muộn hơn những nơi khác 2 tuần.

Đây là hòn đảo có người ở hẻo lánh nhất nước Anh.
Đến ngày 6-1 qua, cư dân trên đảo này mới chào đón Giáng sinh. Ngoài ra, họ đón năm mới muộn hơn phần còn lại của thế giới 2 tuần, tức vào ngày 13-1. 10 trẻ em trên đảo chắc chắn phải học cách kiên nhẫn để được gặp mặt ông già Noel.
Vào ngày này, người dân tụ họp tại một ngôi nhà để chào đón ngày giáng Sinh và trao đổi quà cho nhau.
Lý do là đảo này vẫn sử dụng lịch Julius xa xưa cho dịp lễ cuối năm - lễ hội Yule hôm 6-1 và lễ hội Newerday hôm 13-1.

Đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Đảo Foula. Ảnh: Scotland Now

Sân bay trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Sân bay trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now

Một con hải âu tại đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Một con hải âu tại đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Cộng đồng này chịu ảnh hưởng của truyền thống về âm nhạc và lễ hội đặc biệt của người Scandinavia xa xưa. Cư dân trên đảo là những người cuối cùng nói được tiếng Norn, một dạng ngôn ngữ Norse cổ biến mất vào những năm 1800.
"Người dân trên đảo đã ăn mừng những ngày này trước khi lịch Gregorius (còn gọi là Tây lịch, Công lịch) ra đời. Đó không chỉ là truyền thống của chúng tôi mà của cả thế giới. Chúng tôi không thay đổi, chỉ có người khác làm thế" - ông Stuart Taylor, người người dân 44 tuổi trên đảo, giải thích.
Theo ông, vẫn có một số địa phương khác trên thế giới sử dụng lịch cũ giống Foula.

Cảnh đẹp trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Cảnh đẹp trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now

Bốt điện thoại công cộng trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Bốt điện thoại công cộng trên đảo Foula. Ảnh: Scotland Now
Lịch Gregorius hiện được sử dụng phổ biến nhất thế giới. Tên của lịch được đặt theo Giáo hoàng Gregory XIII, người đưa ra nó vào năm 1582. Ngay cả khi nước Anh bắt đầu sử dụng lịch này năm 1752, đảo Foula vẫn duy trì sử dụng lịch Julius.
Sự thay đổi này khiến lịch của Foula chậm hơn 13 ngày so với phần còn lại của Anh. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 12 ngày bởi hòn đảo không có năm nhuận vào năm 1900.
Vì lý do này, ngày Giáng sinh 25-12 trở thành ngày 6-1 theo lịch trên đảo Foula.

Người dân trên đảo Foula chào đón giáng sinh và năm mới muộn hơn phần còn lại của thế giới. Ảnh: Mirror
Người dân trên đảo Foula chào đón giáng sinh và năm mới muộn hơn phần còn lại của thế giới. Ảnh: Mirror
Hòn đảo Foula - theo ngôn ngữ Norse cổ có nghĩa là "đảo chim" - nằm cách đất liền Scotland 160 km về phía Bắc, dài 5,6 km và rộng 0,8 km.
Có lúc, cư dân trên đảo lên đến 287 người. Hòn đảo có nước máy sinh hoạt năm 1982 và điện đầy đủ vào năm 1984.
"Chúng tôi hiện gần như có điện 24/7. Tình trạng cúp điện hiếm khi xảy ra, và nếu có thì cũng diễn ra trong thời gian ngắn. Chúng tôi có mọi tiện nghi hiện đại ở đây, như internet và truyền hình..." - ông Taylor cho biết.
Dù vậy, ông nói thêm rằng thời tiết trên đảo vào mùa đông qua khá đáng sợ với sự xuất hiện của các cơn bão. Vị trí địa lý xa xôi, cộng với thời tiết cực đoan khiến mục sư Tom Macintyre có năm phải từ bỏ nỗ lực bay từ đất liền ra đảo Foula trong dịp Giáng sinh.
Du khách có thể đến Foula bằng máy bay hoặc phà (hành trình mất khoảng 2 giờ 15 phút).
Phương Võ (Theo Mirror)

Không có nhận xét nào: