Khủng bố, chiến tranh, địa hình phức tạp khiến Pakistan bị coi là vùng đất bất an. Tuy nhiên đây là nơi có sự đa dạng văn hóa, các di tích cổ xưa và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Nói bất an vì nơi đây có quá nhiều thông tin về tình trạng khủng bố (thậm chí trùm khủng bố Osama Bin Laden của tổ chức khét tiếng Al-Qaeda đã từng bị biệt kích Mỹ giết tại thị trấn Abbottabad cách thủ đô Islamabad không xa).
Vùng chiến sự ở Kasmir cũng luôn là một hiểm họa cho những khách du lịch còn chưa đủ trải nghiệm, và không biết tiếng bản địa như tôi trong khi hành trình đến Pakista, phải đi bằng được cung đường huyền thoại Karakoram.
Tôi chỉ quyết định mọi thứ trước chuyến đi khoảng một tuần. Tôi gấp gáp gửi hộ chiếu ra Hà Nội làm visa, tìm kiếm các đường bay hợp lý trong hành trình 14 ngày rồi nhanh chóng đặt vé máy bay. Tôi cũng chỉ đặt trước một đêm khách sạn ở điểm đến đầu tiên (thành phố Lahore), và mua một balo 48 lít để một mình rong ruổi nơi xa xôi với vài gói mì, cà phê hòa tan vì nghe đâu ẩm thực xứ Nam Á này cũng toàn cà ri và trà sữa.
Hoàng hôn trên bãi biển Karachi.
|
Những điểm đến trong hai tuần của tôi chỉ gói gọn ở những thành phố du lịch hàng đầu của Pakistan: Lahore - Islamabad - Rawalpindi - Gilgit - Hungza Vally - Murree và Karachi.
Lịch trình cụ thể:
Ngày 1: TP.HCM - Kuala Lumpur - Lahore
Ngày 2: Lahore - Lahore Fort - Biên giới Wagah
Ngày 3: Lahore - Islamabad
Ngày 4: Islamabad - Làng Saidpur - Thánh đường Faisal
Ngày 5: Islamabad - Walrapindi - Karakoram Highway
Ngày 6: Đường Karakoram - Gilgit - Thung lũng Hunza
Ngày 7: Thung lũng Hunza Valley - Pháo đài Altis - Hồ Attabad
Ngày 8: Trekking Karakoram Range
Ngày 9: Hunza – W-lrapindi –-Murree
Ngày 10: Murree - Kasmir Point - Bazzar
Ngày 11: Murree - Islamabad - Bazzar
Ngày 12: Islamabad - Karachi
Ngày 13: Karachi - Paradise Point
Ngày 14: Karachi - Kuala Lumpur - TP.HCM
Ngày 1: TP.HCM - Kuala Lumpur - Lahore
Ngày 2: Lahore - Lahore Fort - Biên giới Wagah
Ngày 3: Lahore - Islamabad
Ngày 4: Islamabad - Làng Saidpur - Thánh đường Faisal
Ngày 5: Islamabad - Walrapindi - Karakoram Highway
Ngày 6: Đường Karakoram - Gilgit - Thung lũng Hunza
Ngày 7: Thung lũng Hunza Valley - Pháo đài Altis - Hồ Attabad
Ngày 8: Trekking Karakoram Range
Ngày 9: Hunza – W-lrapindi –-Murree
Ngày 10: Murree - Kasmir Point - Bazzar
Ngày 11: Murree - Islamabad - Bazzar
Ngày 12: Islamabad - Karachi
Ngày 13: Karachi - Paradise Point
Ngày 14: Karachi - Kuala Lumpur - TP.HCM
Vùng đất Pakistan là điểm đến hấp dẫn với những ai yêu thích du lịch bởi sự quyến rũ từ những dãy núi quanh năm tuyết phủ, những vùng đất hoang sơ với núi rừng, các loài động vật hoang dã, những mặt hồ trong xanh như ngọc và những đỉnh núi cao thử thách lòng người.
Không những vậy, Pakistan còn chứa đựng một nền văn minh rực rỡ với các công trình kiến trúc từ Phật giáo, Hindu cho đến Hồi giáo đã có hàng nghìn năm lịch sử.
Nhưng thiên nhiên và di tích không đủ để có thể khuyến khích bất cứ một du khách nước ngoài nào nếu không nói đến sự thân thiện của người dân bản địa. Họ thân thiện, giúp đỡ du khách. Cách họ giúp đỡ mặc dù không thắm thiết như người Iran nhưng đủ để du khách quyến luyến không rời.
Sau chuyến đi, tôi đã thêm vào trong danh sách bạn bè trên Facebook gần 10 người bạn Pakistan mà tôi đã nói chuyện và kết bạn trong hành trình. Tôi muốn giữ các mối quan hệ này vì thật sự trân quý, và tôi muốn trở lại Pakistan thăm họ một khoảng thời gian không xa. Có dịp tôi sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện lý thú về vùng đất này. Còn bây giờ, nếu bạn có ý định khám phá vùng đất Nam Á quyến rũ này trong kế hoạch sắp tới, hãy đọc những chia sẻ của tôi nhé.
Hồ Attabad trong xanh như ngọc trước kia từng là điểm giao cắt trên con đường tơ lụa.
|
Visa: Bạn có thể nhờ dịch vụ ở Hà Nội để làm visa khi chỉ nộp cho họ hộ chiếu, 2 ảnh 3x4, photo giấy chứng nhận công việc, hay bạn có thể liên hệ Đại sứ quán Pakistan ở HN để nộp hồ sơ, và quan trọng là phải có thư mời từ Pakistan.
Vé máy bay: Từ TP.HCM và Hà Nội không có đường bay trực tiếp đến bất kỳ thành phố nào thuộc Pakistan, vì thế bạn cần đặt một vé máy bay quá cảnh ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Singapore, Thái Lan… Có hai thành phố mà có nhiều đường bay nước ngoài đến Pakistan là Lahore và Karachi.
Tôi đi theo lộ trình Sài Gòn - Kuala Lumpur - Lahore - Karachi -Kuala Lumpur – Sài Gòn. Tôi đi lần lượt của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Mandino Airlines, PIA Airlines và Air Asia.
Phương tiện công cộng di chuyển trong thành phố: taxi, rickshaw (một loại xe 3 bánh có thể chở được 6 người) và xe buýt. Riêng taxi và rickshaw đều không có đồng hồ tính giờ, phải thương lượng số tiền với tài xế tùy khoảng cách. Bạn có thể chia tiền với người dân địa phương hai phương tiện di chuyển này, hoặc bao trọn gói cho hành trình của mình. Chi phí vận chuyển công cộng ở Pakistan khá rẻ, chỉ khoảng 2/3 so với Việt Nam, và bạn cũng cần phải thương lượng đôi chút với tài xế để có giá hợp lý.
Phương tiện di chuyển đường dài ở Pakistan: Bạn có thể sử dụng máy bay, xe lửa, xe buýt chất lượng cao và xe buýt địa phương. Nếu dư dả thời gian, để đảm bảo sức khỏe và an ninh, bạn nên sử dụng loại xe buýt của công ty Daewoo, hãng xe chất lượng cao rất nổi tiếng ở Pakistan. Bạn có thể mua vé trực tiếp tại bến xe hoặc đặt trên mạng cho những hành trình trong phạm vi 5 ngày theo website. Xe buýt Daewoo có lộ trình khắp đất nước Pakistan nên rất thuận tiện cho khách du lịch bụi.
Tuy nhiên, những nơi xa xôi như khu vực Gilgit-Baltistan, bạn phải đi xa buýt địa phương với giá cả rẻ nhưng chất lượng theo kiểu tiền nào của nấy. Nếu có lộ trình trước, bạn cũng có thể di chuyển bằng máy bay với giá cả phải chăng từ hãng hàng không quốc gia của Pakistan PIA.
Nhà thờ Hồi giáo Faisal, nhà thờ lớn nhất khu vực Nam Á.
|
Ẩm thực: Ẩm thực Pakistan rất phong phú và đa dạng, tất nhiên cũng giống như một số nước Nam Á và Trung Đông sử dụng nhiều gia vị. Họ rất thích ăn thịt gà, bò, cừu và dê. Riêng thịt gà, họ không sử dụng da, chân, cánh và đầu. Tôi rất thích món súp gà ở Pakistan với một tô cỡ trung khoảng tầm 12.000 đồng Việt Nam.
Các loại bánh ngọt cũng rất phong phú, đa dạng và cũng theo phong cách Ấn. Nếu bạn nào cảm thấy khó ăn thì có rất nhiều các cửa hàng fastfood như Mac, KFC, Buger King hay pizza các kiểu.
Pakistan là thiên đường của hoa quả, đặc biệt là quýt, chuối, táo hồng và lựu. Quýt rất ngọt và thanh, là đặc sản với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Các loại nước giải khát rất nhiều chứ không đơn điệu như Ấn: nước quýt, nước bưởi, nước chanh, nước mía, nước lựu, sinh tố chuối, táo…, với giá khoảng 8.000 -10.000 đồng/ly. Nếu bạn hòa nhập văn hóa bản địa, nơi đâu cũng có bán trà sữa rất ngon khoảng 4000-5000 đồng/tách.
Khách sạn: Giá cả khách sạn ở Pakistan khá đắt và dịch vụ không tốt lắm. Bạn có thể khảo sát một vòng qua các wesite agoda hay booking sẽ thấy. Pakistan chưa có nhiều dạng nhà nghỉ hostel, mà đa phần là các guesthouse phòng riêng hoặc các khách sạn từ 2-5 sao.
Tôi đi vào mùa thấp điểm nên không đặt trước qua các website, mà đến trực tiếp các khi các sạn để thương lượng. Giá cả vì thế thấp đôi chút. Trung bình giá phòng guesthouse ở Karachi hoặc Islamabad khoảng 500.000-600.000 đồng, tương đương khách sạn 1 sao ở Việt Nam. Wi-Fi ở các khách sạn tương đối tốt nếu có điện.
Chụp ảnh: Đây là đất nước của selfie. Người người selfie, nhà nhà selfie. Có thể nói ở đây gậy selfie là mặt hàng bán chạy nhất. Và người dân có thể chủ động selfie với du khách mọi lúc mọi nơi. Kể cả phụ nữ Hồi giáo cũng sẵn sàng xin selfie với bạn nhưng phải bằng máy của họ. Vì thế, đây là một quốc gia Hồi giáo mà bạn có thể dễ dàng chụp được những bức ảnh ưng ý.
Nhưng tất nhiên cũng phải xin phép trước khi chụp, bạn sẽ dễ dàng nhận được những cái gật đầu tình cảm. Lưu ý, các bạn cũng không được chụp ảnh ở những khu vực cấm, nhất là chốt chặn của cảnh sát.
Điện và cơ sở hạ tầng: Điện là một vấn đề nan giải ở Pakistan. Hầu như ở đây nhà nào cũng có máy phát điện vì điện luôn bị cúp ngay cả những thành phố lớn. Bạn có thể sử dụng chấu hai dẹp để sạc các thiết bị điện tử khi cần. Đường sá khá tốt, nhưng một số tuyến đường do xe tải chạy nhiều cũng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là cung đường Karakoram.
Con người: Nhìn chung người dân thân thiện, vui vẻ và hòa đồng. Nhưng với 200 triệu dân, ắt có người này người khác. Tôi vẫn có cảm giác bất an vì trong sự thân thiện của họ vẫn còn những yếu tố do sự mưu sinh, vất vả hình thành tính cách xởi lởi bề ngoài. Nhưng đây là chuyến đi tôi có rất nhiều người bạn thân từ những người dân bản địa.
An ninh: Tôi luôn đề phòng và cảm giác bất an trong những ngày ở đây. Hầu như đâu đâu cũng có chốt cảnh sát. Trên đường, bạn cũng sẽ thấy những xe cảnh sát di chuyển như con thoi với trang bị súng ống đầy đủ. Trước mỗi khách sạn, nhà hàng, nhà băng đều có 1-2 nhân viên giương sẵn súng khi cần.
Ở khu vực tiệm vàng ở Karachi, hầu như cửa hàng vàng nào cũng che chắn và bảo vệ với súng ống. Tôi đi từ thành phố Ralwapindi đến Hunza mất khoảng 20 tiếng đồng hồ, phải kiểm soát 10 chặng, mỗi nơi phải đều gửi lại bản photocopy visa và hộ chiếu.
Hộ chiếu: Phải giữ kỹ trong người và nên photo thật nhiều để mang theo nộp cho khách sạn, hay di chuyển đến vùng Kasmir hoặc các khu vực xa xôi hẻo lánh khác.
Giá vé tham quan dành cho người nước ngoài ở các khu di sản luôn cao hơn gấp 40-50 lần so với người dân địa phương. Nếu bạn là sinh viên thì trả chi phí gần như người bản địa.
Trang phục: Tuân thủ đúng trang phục là yêu cầu cần thiết khi bạn đặt chân lên lãnh thổ Pakistan. Bạn hãy nhớ shalwar (quần dài), kamees (áo dài tay) cho nam giới và dupatta (khăn choàng đầu) cho phụ nữ. Tuy nhiên tôi vẫn thấy nhiều người phụ nữ Pakistan là Hồi giáo nhưng không dùng khăn choàng đầu và đa phần còn trẻ.
Chi phí: Sinh hoạt phí ở Pakistan khá thấp, tương đương như ở Việt Nam. Tổng cộng toàn bộ hành trình của tôi cho 14 ngày cũng tương đương chuyến đi Ấn năm nào, tất nhiên tôi sử dụng khá nhiều xe buýt công cộng, ngủ trên những chuyến xe đêm để tiết kiệm thời gian, chỉ duy nhất một lần bay nội địa từ Islamabad đến cố đô Karachi.
Đồ lưu niệm: Hàng hóa của Pakistan đa phần là từ Trung Quốc, và các sản phẩm lưu niệm cũng vậy. Bạn có thể mua những tấm khăn choàng tuyệt đẹp hoặc một số gia vị đặc trưng của xứ Nam Á. Đây là chuyến đi mà tôi không thể mua được gì ngoài 2 miếng dán tủ lạnh và một cái nón truyền thống của người Pakistan.
Trên dãy Karakoram, dãy núi có đỉnh K2 cao thứ 2 trên thế giới.
|
Sự mê hoặc của cung đường Karakoram: Karakoram là một dãy núi lớn bao trùm các ở khu vực Gilgit-Baltistan (Pakistan), Ladakh (Ấn Độ), và khu vực Tân Cương (Trung Quốc). Đây là một trong những dãy núi lớn của châu Á, thuộc một phần của dãy Himalaya. Karakoram cũng là nơi có đỉnh K2 cao 8.611 m và là đỉnh cao thứ 2 thế giới sau Everest.
Nhắc đến Karakoram còn nhắc đến con đường cao tốc Karakoram thần thánh, đây chính là Con đường tơ lụa cổ xưa từ Kashgar xuống Nam Á năm nào. Bạn có thể trải nghiệm cung đường này từ thành phố Rawalpindi đến thung lũng Hunza. Đoạn đường này dày hơn 600 km và phải trải qua hơn 20 tiếng đồng hồ di chuyển liên tục. Gần 50% đoạn đường qua những khe núi hiểm trở, vực sâu và giữa dãy Karakoram âm u tuyết phủ.
Bạn có thể dành nhiều thời gian để trekking, hikking ở thung lũng Hunza, nơi có những ngôi làng bằng đá thơ mộng, những hồ nước trong xanh huyễn hoặc, những ngọn ngúi tuyết va vào trời xanh và những thảm đào đỏ thẳm vào mùa xuân để cảm nhận phong cảnh thiên nhiên hiếm có bậc nhất trên thế giới ở chốn thâm sâu này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét