Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Bangladesh – Tàn tích của Phật Giáo tại Paharpur (1985)

(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục vào Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận – Tàn tích của Phật Giáo tại Paharpur của Bangladesh là Di sản văn hóa thế giới năm 1985.
Tàn tích của Phật Giáo tại Paharpur,Bangladesh
Trong một khoảng thời gian rất dài của lịch sử, đất nước Bangladesh ngày hôm nay đã từng là một phần của đất nước Ấn Độ. Thời gian đó được gọi là Bengal, lịch sử của đất nước Bangladesh hiện đại khá ngắn. Các biên giới của Bangladesh ngày nay được thành lập với sự phân vùng của Bengal và Ấn Độ vào năm 1947, khi khu vực này đã trở thành một phần của Đông Pakistan, một quốc gia mới thành lập. Điều là lùng là mặc dù Bangladesh là một đất nước có số lượng tín đồ Hồi giáo áp đảo song Phật giáo vẫn giữ một vai trò không hề nhỏ trong lịch sử và văn hóa của quốc gia. Xét trên toàn quốc thì Phật giáo là tôn giáo lớn thứ ba ở đất nước này.
Tàn tích của Phật Giáo tại Paharpur, trước đây khu vực này Phật giáo cực kỳ hưng thịnh

Số lượng tín đồ Phật tử không phải là yếu tố khiến cho đạo Phật trở nên quan trọng ở Bangladesh, mà điều quan trọng chính là lịch sử của Phật giáo ở đây. Khoảng cách từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Bengal không xa và khu vực này đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển của Phật giáo. Các học giả Phật giáo ở Bangladesh cho rằng, Đức Phật thuyết giảng tại Majjhimadesh của vương quốc Ấn Độ, một vùng đất mở rộng đến thị trấn Kajangal, đó là thành phố của Mahasal ở Bangladesh ngày nay. Họ tin rằng Đức Phật đã đến Kajangal và thuyết giảng hai bài pháp cho tín đồ ở đấy. Tuy nhiên, không có bất kỳ một cứ liệu lịch sử nào chứng minh rằng Đức Phật đã đến một vùng nào đó của Bangladesh để thuyết giảng trong cuộc đời của Ngài.
Dưới thời của Hoàng đế A Dục (304-232 TCN), Phật giáo được phát triển vững vàng như là tôn giáo số một tại Bengal, và Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong khu vực cho đến thế kỷ thứ XII. Bengal trở thành thành lũy cuối cùng của Phật giáo trong khi Ấn Độ giáo và Hồi giáo đang dần thống trị Tiểu lục địa.
Vào thế kỷ thứ V, nhà chiêm bái người Trung Quốc, ngài Pháp Hiển, đã đến thăm Tamralipti (phía Tây Bengal, Ấn Độ) và đã thấy 24 tu viện Phật giáo. Đến thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Trang đã đến thăm các vùng khác nhau của Bengal. Tại Samatata (huyện Noakhali của Bangladesh hiện nay), ngài đã thấy có 30 ngôi tự viện với hơn 2.000 Tăng sĩ, và ở Karnasuvarna (Bắc Bengal) thì có 10 tu viện với 2.000 Tăng sĩ. Ngoài ra, tại Tamralipti, ngài thấy có 10 tu viện với 1.000 Tăng sĩ. Tại Pundravardhana (Mahastan, huyện Bogra trong hiện tại), ngài thấy có 20 ngôi tự viện với 3.000 Tăng sĩ. Những khai quật khảo cổ tại Mainamati, huyện Comilla đã phát hiện thấy tu viện Salvana, nơi lưu lại những tàn tích của tu viện lịch sử Kanakastupa, nơi ngài Huyền Trang đã từng đến thăm. Từ năm 750 đến năm 1150, Phật giáo phát triển đến đỉnh cao trong lịch sử của Bangladesh dưới sự bảo trợ của các vị vua thuộc triều đại Pala, như vua Gopala, Dharmapala và Devapala. Từ năm 1150 đến năm 1760, Phật giáo dần biến mất khỏi Bangladesh. Sau sự suy thoái của các vị vua thuộc triều đại Pala, đội quân Ấn giáo đã đến thống trị Bengal và đàn áp Phật giáo. Những người Phật tử còn sống sót đã rút về khu vực Chittagong. Trong chưa đầy một thế kỷ sau, các triều đại Sena đã bị tràn ngập bởi dòng thủy triều của Hồi giáo.
Các bức tường chạm khắc và tượng phật còn lại tại Paharpur

Khu vực Viahara Paharpur có những ngôi đền chùa nổi tiếng trong đó có thể kể đến Somapura Mahavira. Ngôi đền này được xây dựng bởi các hoàng đế Pala Dharmapala (770 – 810). Paharpur là một làng nhỏ cách quận Rajshahi của Bangladesh khoảng 5 km về phía Tây.  Nơi đây có những ngôi chùa và đền lớn, được coi là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất, lớn nhất của dãy Himalaya.
Somapura Mahavira là một ngôi đền lớn với kiến trúc hoàng tráng, cả về kích thước cũng như sự cầu kỳ trang trí. Somapura Mahavira có hình dáng bên ngoài như một hình tứ giác, sân ngôi đền vô cùng rộng lớn với hình chữ thập khổng lồ ở giữa sân và ở phía Bắc ngôi đền có một khu liên hợp các cổng to nhỏ. Các bức tường bao quanh ngôi đền có chạm khắc trang trí rất cầu kỳ, tường dày 3,5m và cao 5m, các mảng trang trí bằng đất nung được chạm khắc phản ảnh tôn giáo của Bengal. Nhiều những bức phù điêu bằng đá chạm khắc những hình ảnh của Phật giáo vô cùng tinh tế. Kiến trúc của ngôi đền đã có rất nhiều ảnh hưởng đến kiến trúc của các quốc gia Phật Giáo khác kể cả những đất nước xa xôi như Campuchia hay Indonesia.
Cận cảnh các hình chạm khắc tại Viahara Paharpur

Đền Somapura Mahavira của Viahara Paharpur chứa đựng bằng chứng của sự phát triển Phật giáo Đại Thừa. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12, đây là trung tâm Phật giáo lớn và nổi tiếng của cả khu vực. Ngôi đền được thiết kế hoàn toàn phù hợp với chức năng tôn giáo của mình vậy nên nó đã có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc của các đền chùa khác trong khu vực về sau này.
Trong những đợt khai quật khảo cổ ở khu tàn tích này, các nhà khảo cổ đã khai quật được khá nhiều các hiện vật. Tuy nhiên các hiện vật khảo cổ của Somapura Mahavira cũng đã bị lấy trộm và hư hỏng nhiều. Các nhà sưu tập đồ cổ ở nhiều quốc gia đã tranh thủ khoảng trống trong công tác quản lý để mua được nhiều hiện vật tại khu tàn tích này.
Đến năm 1956 -1957, chính phủ Bangladesh đã cho xây dựng một bảo tàng để lưu giữ và trưng bày các hiện vật được khai quật từ khu tàn tích Phật Giáo tại Paharpur. Đồng thời tìm và mua lại những cổ vật bị lấy trộm từ các nhà sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng, những hiện vật được trưng bày gồm các mảnh đất nung có hình ảnh các vị thần, các nữ thần, tiền xu, bản khắc, gạch trang trí và những tượng đất sét nhỏ.
NLH

Không có nhận xét nào: