Quảng trường Piazza Garibaldi
Forlimpopoli - ngôi làng xa tít nơi vùng đông bắc Ý với những tòa kiến trúc đậm nét trung cổ ở quảng trường Piazza Garibaldi, thánh đường, tu viện, lâu đài Rocca Albornoziana đón khách phương xa trong nét đẹp thật dịu dàng, mộc mạc và e ấp chứ không rộn ràng hào nhoáng, vĩ đại như Venice, Rome, hay Florence.
Lữ khách khi đến Forlimpopoli, ngoài chuyện ngoạn cảnh, còn là cuộc “hành hương” về cái nôi của ngành ẩm thực Ý.
Nếu nói về danh thắng, ngôi làng Forlimpopoli với diện tích khoảng 24km2 nằm cách “kinh đô nghệ thuật” Florence gần 100km này vẫn còn xa lạ với các điểm “nên đến” trong sổ tay lữ hành so với một danh sách trải dài qua các thành cổ, làng mạc, biển đảo đẹp mê hồn trên đất Ý.
Forlimpopoli có 6 nhà hàng, 12 quán cà phê, bar rượu, 9 điểm mua sắm đồ lưu niệm, một lâu đài cổ, các tòa thánh đường, một bảo tàng khảo cổ, một trường nhạc, một nhà hát. Nhưng sự thanh bình cùng những nét duyên ngầm khác ở Forlimpopoli, đặc biệt ở lĩnh vực ẩm thực dễ khiến lữ khách mải mê khám phá đến quên cả thời gian.
Nét quyến rũ trung cổ
Từ thời La Mã cổ đại, Forlimpopoli đã là một điểm giao thương quan trọng trên “con đường muối cổ” vận chuyển thứ “vàng trắng” từ các mỏ muối quanh vùng Cervia đến khắp nơi trong đế chế La Mã.
Những công trình kiến trúc lần lượt định hình ở Forlimpopoli gắn liền với sự phát triển của ngôi làng, tiêu biểu nhất là lâu đài Rocca Albornoziana ở quảng trường Piazza Garibaldi, do đức Hồng y Albornoz xây dựng năm 1360, vừa làm nơi trú ngụ đồng thời cũng mang công năng phòng vệ như tên gọi khi ấy là Salvaterra (Người bảo vệ đất).
Đến thế kỷ XV, toà lâu đài được gia cố thêm đôi tháp canh hình trụ tròn tạo thêm sự bề thế, vững chắc như một pháo đài. Kiến trúc nguyên bản từ thời ấy cho đến nay vẫn đứng vững, được bảo tồn nguyên vẹn giúp cho Rocca Albornoziana hiện là điểm nhấn kiến trúc độc đáo nhất của Forlimpopoli.
Lâu đài Rocca Albornoziana được bảo tồn nguyên vẹn |
Nội thất của lâu đài gồm nơi làm việc của chính quyền sở tại, một trường nhạc, Nhà hát Teatro Verdi, Bảo tàng Khảo cổ học Tobia Aldini - nơi lữ khách tự do khám phá các vật dụng liên quan đến giao thương trên “con đường muối cổ”, như các loại hũ đựng lương thực, rượu, dầu olive, muối và các thực phẩm khác.
Toàn cảnh lâu đài Rocca Albornoziana ở quảng trường Piazza Garibaldi |
Nếu kiến trúc, hiện vật - những di sản bất định ở Forlimpopoli hấp dẫn trí tò mò khám phá về văn hoá, lịch sử của khách lữ hành thì nét sống động từ không gian làng qua chợ phiên đặc sản địa phương mỗi chiều quanh lâu đài lại có sức hấp dẫn khác.
Nơi đó những người bán hàng trong trang phục thời trung cổ, chậm rãi, thong dong bày những lọ giấm nhỏ, các loại muối mỏ, gia vị, trái cây, rau củ quả, cùng những vật dụng chế tác từ gỗ, sợi trên những chiếc bàn nhỏ cạnh chân tường thành của lâu đài và miệt mài giới thiệu chúng rất nhiệt tình, theo kiểu “không mua cũng là bạn”!
Những cư dân của làng Forlimpopoli trong trang phục từ thời trung cổ ở chợ phiên |
Người mua ở chợ phiên Forlimpopoli đa phần là người bản xứ, họ đến tìm chọn những phần nguyên liệu tươi ngon và thô mộc nhất cho bữa cơm chiều.
Không khí thân thương, đậm chất quê và cổ xưa của nhịp sống nơi chợ phiên ở Forlimpopoli hẳn có cái lý riêng mới tồn tại mãi đến thế, bởi người nổi tiếng nhất của nền ẩm thực Ý là Pellegrino Artusi - một cư dân của Forlimpopoli - đã từng viết: “Hãy luôn chọn loại nguyên liệu thô mộc nhất, bởi đó là khởi đầu cho việc tạo ra các món ăn tuyệt hảo”.
Nghệ thuật lưu giữ món ngon
Forlimpopoli có một công trình mang dáng dấp kiến trúc thời kỳ Phục Hưng, được xây từ thế kỷ XV với diện tích hơn 3.000m2 với công năng như một tu viện. Toà nhà này giờ đây có tên Casa Artusi, hẳn là liên quan đến Pellegrino Artusi đã nhắc đến ở trên.
Casa Artusi hiện nay là khu phức hợp gồm bảo tàng, thư viện, phòng dạy nấu ăn, nhà hàng, hầm rượu, quán bar, và là không gian tổ chức các sự kiện về ẩm thực. Casa Artusi được ví như là “linh hồn” của Forlimpopoli, bởi là nơi lưu giữ những công thức quý giá nhất trong nền ẩm thực Ý.
Không gian thư viện của bảo tàng - trường dạy ẩm thực Casa Artusi |
Forlimpopoli là nơi khai sinh ra nền ẩm thực Ý bởi nhân tài Pellegrino Artusi (1820 - 1911) - một thương gia chứ không phải là đầu bếp hay người quen chuyện bếp núc gia đình.
Thời của Pellegrino Artusi, nước Ý chưa là một vùng lãnh thổ toàn vẹn như ngày nay mà chia thành nhiều tiểu vùng, mỗi nơi mang một phong cách ẩm thực, ngôn ngữ, nếp sinh hoạt khác biệt.
Artusi cất công sưu tầm công thức nhiều món ăn từ gia đình, đến tận các gian bếp để tìm hiểu về cách chế biến và viết lại ngắn gọn, dễ hiểu, để ra đời cuốn sách về nghệ thuật ẩm thực Ý đầu tiên từ 1891, có tênBếp núc huyền diệu và nghệ thuật ăn ngon (La Scienza in cucina e larte di mangiar bene). Đây là cuốn “bếp kinh” về ẩm thực mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên kể từ sau khi nước Ý thống nhất (1861).
Artusi tâm sự về ẩm thực trong một trích đoạn ở lời mở đầu của cuốn “bếp kinh”: “Tôi yêu món ngon và cái đẹp, bởi đó là thứ bạn có thể tìm thấy bất cứ ở đâu”. Và trong suốt từ năm 1891 - 1911, Artusi đã cho ra đời 15 ấn bản “bếp kinh”, bao gồm 790 công thức món ăn kinh điển của nền ẩm thực Ý.
Để có được 790 công thức ấy, ngoài công phu sưu tầm của Artusi, người nội trợ Ý đã gửi về hơn 2.000 bức thư (từ các phụ nữ Ý) góp ý chỉnh sửa, hiệu đính để các ấn phẩm “bếp kinh” thêm hoàn thiện. Ở Ý, ba cuốn sách kinh điển được nhiều người đọc nhất là I Promessi Sposi,Pinocchio và La Scienza in cucina e larte di mangiar bene.
Để tưởng nhớ và tôn vinh Pellegrino Artusi, từ 1997, làng Forlimpopoli hàng năm trao hai giải thưởng quốc tế: một dành cho cá nhân có công đóng góp mối liên hệ giữa ẩm thực và cuộc sống, một dành cho đầu bếp nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực ẩm thực chuyên biệt.
Lữ khách khi đến bảo tàng Casa Artusi, ngoài khám phá kho lưu trữ hơn 45.000 đầu sách về ẩm thực Ý, còn là cơ hội để học chế biến các món ngon do các đầu bếp địa phương chỉ dạy trong gian bếp được trang bị đầy đủ các dụng cụ chế biến món Ý.
Marietta Caterina dạy cách tạo hình Pasta trong lớp học nấu ăn ở Casta Artusi |
Những tinh hoa của vùng Emillia-Romagna như phô mai Parmigiano, giấm nho Balsamic, những món heo muối Parma Prosciutto, rồi Culatello, Felino, đến Salami, các dòng vang nổi tiếng với Sangiovese, Lambrusco… càng trở nên tinh tế hơn khi hội tụ ở Forlimpopoli bởi được ăn kèm cùng những món ngon chế biến tại chỗ trong các lớp ẩm thực không phân biệt nghiệp dư hay chuyên nghiệp.
Những nghệ nhân ẩm thực ở Casa Artusi quan niệm, nếu không lưu giữ và chia sẻ những công thức chế biến, những kinh nghiệm gia truyền nơi bếp ăn gia đình, món ngon sẽ dần mất đi theo năm tháng. Thứ triết lý mang đậm âm hưởng Công giáo La Mã: “Cho đi để lãnh nhận” đã mở ra một hướng phát triển những công thức nấu ăn mà từ hơn trăm năm trước Pellegrino Artusi đã hiểu rất rõ.
Sẽ thật dễ chịu khi ai cũng có thể chế biến một món mì Ý Pasta truyền thống, nắm rõ công thức nhồi bột, kỹ thuật cắt bột, tạo hình, cách đun nấu để cho ra một bữa ăn hoàn chỉnh, hơn là phải lũ lượt xếp hàng chờ được phục vụ trong thái độ không mấy thoải mái, giống như những món ngon đóng mác “gia truyền” quen thấy ở xứ khác.
Thế nên ở Ý, không có khái niệm nhà hàng với món ngon trứ danh phải đi kèm hai chữ “gia truyền” trong bảng hiệu, bởi từng món ngon trong ẩm thực Ý khi đưa lên bàn đãi khách cho dù ở một nhà hàng hạng sang hay một quán nhỏ đã “đóng dấu sẵn” thương hiệu “gia truyền”.
Món ngon ấy là sự đóng góp, chia sẻ, tổng hợp, đúc kết từ bao thế hệ, để không chỉ người Ý mà cả thế giới hôm nay đón nhận. Cái triết lý và có lẽ cũng là nét duyên ngầm của Formipopoli đã góp thêm cho ngành ẩm thực Ý hoàn thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét