Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Indonesia – Rừng nhiệt đới của Sumatra (2004).

(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận – Rừng nhiệt đới của Sumatra của Indonesia là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2004.
Di sản rừng nhiệt đới của Sumatra là một khu vực rừng mưa nhiệt đới gồm có ba công viên là Gunung Leuser, Kerinci Seblat và Bukit Barisan Selatan. Cả ba công viên này đều được đưa vào danh sách di sản bởi vẻ đẹp nổi bật với có hệ sinh thái đặc biệt và môi trường sống tự nhiên tốt. Tổng diện tích của rừng lên tới 25.000 km2, trong đó công viên Gunung Leuser có diện tích 8.629 km2; công viên Kerinci Seblat có diện tích 13.753 km2 và cuối cùng công viên Bukit Barisan Selatan có diện tích nhỏ nhất 3.568 km2.
Công viên Gunung Leuser  là một trong ba công viên quốc gia lớn nhất ở Sumatra, Indonesia. Với diện tích 8.629 km2 nằm ở phía bắc Sumatra, giáp biên giới  tỉnh Aceh, nơi đây là một trong hai địa điểm có môi trường sống cho đười ươi Sumatra (Pongo abelii). Năm 1971, nhà khoa học Herman Rijksen đã thành lập trạm nghiên cứu Ketambe, một khu vực nghiên cứu đặc biệt dành riêng cho loài vượn này. Ngoài ra tại công viên còn có những động vật có vú khác như voi Sumatra, hổ Sumatra, tê giác Sumatra, nai Sumatra...
Một số loài động vật tại Rừng nhiệt đới của Sumatra: Chim mỏ cong, tê giác, hổ và voi Sumatra.
Loài hoa khổng lồ tại rừng nhiệt đới của Sumatra
 

Công viên Kerinci Seblat  là công viên quốc gia lớn nhất ở Sumatra, Indonesia với diện tích 13.753 km2 và kéo dài bốn tỉnh: Tây Sumatra, Jambi, Bengkulu và Nam Sumatra. Khu vực công viên bao gồm một phần lớn của dãy núi Barisan, trong đó có đỉnh cao nhất ở Sumatra. Trong công viên bao gồm các suối nước nóng, sông với thác ghềnh, hang động, thác nước phong cảnh đẹp và  hồ Caldera cao nhất ở Đông Nam Á. Công viên này là nơi có sự đa dạng của hệ thực vật và động vật. Hơn 4.000 loài thực vật phát triển trong khu vực công viên, bao gồm  loài hoa lớn nhất thế giới như Rafflesia Arnoldi. Quần thể động vật bao gồm hổ Sumatra, tê giác Sumatra, voi, báo gấm, lợn vòi, và 370 loài chim…
Công viên Bukit Barisan Selatan là công viên quốc gia thứ 3 ở Sumatra, Indonesia. Tuy là công viên nhỏ nhất nhưng công viên này cũng kéo dài ba tỉnh: Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra với diện tích là 3.568 km2.
Xuất phát từ những mối đe dọa liên quan đến nạn khai thác gỗ, đánh bắt cá trái phép, lấn chiếm đất rừng, săn trộm và sự lỏng lẻo trong việc quản lý của cơ quan nhà nước, Unesco đã đưa rừng mưa nhiệt đới Sumatra vào danh sách di sản thế giới nhằm bảo vệ khu vực tự nhiên này. Hiện nay các dự án làm đường đang là hiểm họa lớn với Sumatra, nơi đang tồng tại 2,5 triệu héc ta rừng với 180 loài động vật có vú và 450 loài chim. Theo tổ chức Unesco việc đưa rừng nhiệt đới vào danh sách di sản sẽ khiến các cơ quan quản lý tập trung nỗ lực vào việc bảo vệ rừng, tăng cường sự hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của người dân hạn chế tình trạng săn bắn trộm..
Bên cạnh hệ sinh thái và môi trường sống tự nhiên với hàng trăm loài động vật, di sản rừng nhiệt đới ở Sumatra đang tồn tại nhiều loại động vật đặc biệt quý hiếm như: Voi Sumatra; Thỏ sọc Sumatra; Tê giác Sumatra (có khoảng 70 -80 con sinh sống trên đảo Sumatra); Hổ Sumatra ( có khoảng 40 con ).
NLH

Không có nhận xét nào: