Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Phát thèm với những món tráng miệng ngọt ngào của Ấn Độ

Ngoài những lễ hội mang đậm màu sắc tôn giáo, Ấn Độ còn nổi tiếng với những món tráng miệng ngon không cưỡng được.
Gulab Jamun
Đây là món tráng miệng được yêu thích nhất ở Ấn Độ trong hàng thế kỉ qua. Gulab Jamun được làm từ sữa đặc cô đọng, chiên ngập trong dầu và sau đó lăn qua siro đường ngọt lịm. Ở Ấn Độ, không một lễ hội nào có thể trọn vẹn nếu như thiếu đi một dĩa bánh Gulab ngọt ngào truyền thống này. Bạn có thể thưởng thức chúng khi còn nóng, hoặc ăn lạnh với kem vani. Mỗi cách ăn đều có một hương vị khách nhau nhưng chắc chắn những chiếc bánh Gulab Jamun sẽ làm hài lòng những vị khách khó tính nhất.
Rasgulla
Rasgulla là món tráng miệng nhẹ nhàng có vị ngọt thanh và xốp được làm từ phô mai làm từ sữa đã lược bỏ phần kem. Phô mai này được nấu trong hỗn hợp siro đường pha loãng tạo nên vị ngọt phảng phất nhẹ nhàng. Khi ăn rasgulla, thực khách sẽ cảm giác được sự tươi ngon và mềm xốp của món ăn, làm gợi nhớ lại món kẹo bông gòn tuổi thơ của chúng ta. Dường như, khi đã nếm thử một viên rasgulla, du khách sẽ khó lòng dừng lại được trước hương vị ngọt ngào của món ăn này.
Ghevar
Ghevar là món bánh truyền thống của vùng Rajasthan với hương vị tuyệt ngon đã lan khắp đất nước Ấn Độ rộng lớn. Món ngọt này có hình dạng như tổ ong với những lỗ thoát khí dày đặc trên bề mặt. Màu vàng ươm cùng vị giòn ngọt ngào của món bánh này thật sự tạo nên một hương vị ngon khó cưỡng lại đối với du khách phương xa cũng như người dân bản địa.
Phirni
Khác với những loại kẹo bánh đặc trưng thường thấy, Phirni là một món pudding gạo mềm mượt thơm lừng rất được yêu thích ở Ấn Độ. Món ăn này được làm từ những hạt gạo bị vỡ, nấu chín cùng với sữa, đường, hạt bạch đậu khấu, nghệ tây và hạnh nhân. Phirni thường được dọn trong những chiếc tô làm từ đất nung và được dùng lạnh. Vị mát lạnh, thanh thanh và thơm nhẹ của món pudding gạo chắc chắn xứng đáng là món tráng miệng mùa hè được yêu thích nhất tại Ấn Độ.
Motichoor Laddoo
Du khách có thể dễ dàng tìm thấy Motichoor Laddoo ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ, từ những quán xá ven đường tới nhà hàng sang trọng. Món ăn này thực chất là những viên kẹo ngọt tròn trịa thường được ví như “viên ngọc ngọt ngào” của đất nước Ấn Độ. Chúng được làm từ bột mì phủ với bột nghệ tây và sirô đường, tạo nên cho viên kẹo màu vàng óng ánh hấp dẫn. Đối với người Ấn Độ, không một sự kiện nào có thể diễn ra tốt đẹp và trọn vẹn nếu không có một hộp kẹo Motichoor Laddoo ngọt ngào.
Besan Laddoo
Món tráng miệng này có hình dáng trông đơn giản đến ngạc nhiên nhưng lại đòi hỏi khá nhiều kĩ thuật để có thể chế biến thật ngon. Những chiếc bánh Besan Laddoo - hương vị tuổi thơ của người dân Ấn Độ được làm từ bột mì, đường và bơ đã tinh chế. Những nguyên liệu giản dị và dễ kiếm đến bất ngờ qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp đã tạo nên một món bánh thơm mùi bơ, ngọt vị đường ngất ngây khó quên trong lòng mỗi người dân nước  Ấn.
Moong Dal Ka Halwa

Trong tiếng Ấn, Halwa nghĩa là một món pudding mềm mại nhẹ nhàng. Moong Dal Ka Halwa là món tráng miệng quen thuộc thường xuất hiện vào mùa đông ở Ấn Độ. Món ăn này có nguồn gốc từ bang Rajasthan và được chế biến vô cùng phức tạp để tạo nên một món tráng miệng đầy hương vị. Người ta thường làm món ngọt này với số lượng lớn với lý do vô cùng đơn giản và dễ thương: món ăn này quá ngon nên làm ít sẽ không đủ ăn.
Gajar Ka Halwa
Gajar Ka Halwa lại là một món tráng miệng vào mùa đông khác rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Khác với Moong Dal Ka Halwa, Gajar Ka Halwa được làm từ cà rốt đỏ nấu với đường, sữa và bơ tinh chế. Gần như gia đình Ấn Độ nào cũng đều tự làm món này tại nhà và trữ nó trong suốt những tháng mùa đông. Người ta nói đùa rằng có lẽ cà rốt đỏ được tạo ra là vì món ăn này.
Petha
Petha là một loại kẹo khá đặc biệt trong ẩm thực Ấn Độ. Những viên kẹo ngọt ngào này được làm từ nguyên liệu cơ bản là bí đỏ trắng, sau đó thêm các loại nguyên liệu khác để tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng như nghệ tây hoặc sôcôla. Bạn có thể ăn từng viên nhỏ hoặc nhúng chúng vào sirô để thưởng thức. Mỗi cách ăn đều tạo nên những sự thú vị riêng nhưng chắc chắn vị ngọt thanh nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi của viên Petha sẽ khiến những kẻ sành ăn nhất phải xiêu lòng.
Sandesh
Sandesh là một món ăn truyền thống của vùng Bengal thuộc Ấn Độ. Món bánh này được làm từ phô mai làm từ sữa đã gạn bỏ kem và đường trắng hoặc đường thốt nốt. Món tráng miệng nhẹ nhàng này được thêm thắt một số nguyên liệu khác như sôcôla, hoa hồng hoặc nghệ tây để tạo nên những hương vị khác nhau cho từng chiếc bánh. Đây chắc chắn là một món ăn gây nghiện mà bạn khó có thể chỉ ăn một cái bánh mà không ăn thêm một cái nữa.
Jalebi
Jalebi có thể coi là món tráng miệng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của Ấn Độ. Chúng có hình dáng độc đáo và hấp dẫn với màu vàng ươm bắt mắt và vị ngọt ngào đến mê lòng của sirô đường bọc quanh. Cắn một miếng jalebi, du khách thấy ngập ngay trong miệng một cảm giác giòn tan nhưng nhẹ nhàng và đơn giản của những nguyên liệu giản đơn tạo nên món ăn này. Thưởng thức loại bánh này trong một buổi chiều mùa đông, nhâm nhi bên tách trà thơm thoảng nhẹ thì còn gì bằng.
Kulfi
Ấn Độ có rất nhiều món bánh ngọt hay kẹo đặc trưng cho văn hóa ẩm thực, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Kulfi – một món kem rất được trẻ em (và cả người lớn) yêu thích. Khác với loại kem phương Tây mà ta thường hay ăn, kem Ấn Độ có độ đặc cao hơn và hương vị mang những nét truyền thống đặc trưng đến từ những nguyên liệu quen thuộc của Ấn Độ như quả bạch đậu khấu hay quả hồ trăn. Ngoài ra, cách ăn của Kulfi cũng rất thú vị. Nó thường được dọn ra đĩa chứ không phải ăn trong hộp hay trong bánh ốc quế như chúng ta thường thấy.
Shrikhand
Shrikhand là món tráng miệng cực kì phổ biến ở những bang phía Tây của Ấn Độ như Gujarat hay Maharashtra. Món ăn này được làm từ sữa chua và đường cùng một số nguyên liệu khác để tạo hương vị như nghệ tây hoặc quả bạch đậu khấu. Ở những vùng này, không có đám cưới nào có thể thiếu món tráng miệng mát lạnh và béo thơm này. Món ăn này đã trở thành đặc sản của vùng phía Tây Ấn Độ.

Sửng sốt trước 5 di tích cổ đại ẩn chứa nhiều bí mật

Những di tích cổ đại có niên đại lên tới hàng nghìn năm đến nay vẫn là dấu chấm hỏi lớn đối với các nhà khảo cổ, nhà khoa học hàng đầu. Tuy nhiên, chính nhờ các bí ẩn chưa được giải đáp đã làm nên vẻ cuốn hút đặc biệt cho các di tích này.
1. Thành phố cổ Lagunita, bang Campeche, bán đảo Yucatan

Thành phố cổ Lagunita trầm mặc giữa rừng già hàng nghìn năm nay không ai biết đến. 
Người Maya đã để lại cho nhân loại rất nhiều tinh hoa đáng quý từ nền văn minh của họ, đồng thời cũng thách thức trí tuệ chúng ta bởi những điều bí ẩn, kì lạ và khó lí giải từ các công trình, di chỉ khảo cổ. Là một trong hai thành phố cổ đại vừa được phát hiện gần đây, Lagunita lại tiếp tục đặt thêm nhiều dấu chấm hỏi cho các nhà khoa học và khảo cổ học.

Bia mộ cổ thuộc khu di tích này.
Hàng thế kỉ qua, Lagunita nằm ẩn giấu trong rừng rậm tại bang Campeche, bán đảo Yucatan. Thành phố này bị bao phủ bởi thảm thực vật dày và rất khó tiếp cận. Theo các nhà khảo cổ, thành phố này đã từng rất thịnh vượng vào khoảng năm 1000 – 600 TCN. Họ cũng tìm thấy những công trình được cho là nhà cửa, kim tự tháp và thành quách ở thành phố cổ này. Một trong số những kim tự tháp có độ cao đến 20m.

Hàng thế kỉ qua, Lagunita nằm ẩn giấu trong rừng rậm tại bang Campeche, bán đảo Yucatan
Nền văn minh Maya bắt đầu suy tàn từ khoảng thế kỉ thứ 8 và 9, với nguyên nhân được cho là chiến tranh kết hợp với hạn hán. Tuy nhiên đó không phải là lí do duy nhất cho sự suy tàn của nền văn minh này. Vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá đang đợi những công trình cổ xưa này lên tiếng.

Hơn 30 hầm chứa nước, thường gọi là chultun, được tìm thấy tại đây. Chultun là một loại hầm ngầm dưới đất có dạng hình chai, chủ yếu được người Maya dùng để chứa nước mưa.
2. Khu phế tích Loropéni, Burkina Faso

Khu phế tích Loropéni vuông vức, khép kín, không hoan nghênh người lạ mặt.
Khu phế tích Loropéni là một thị trấn nằm ở phía tây của Burkina Faso. Nơi đây bao gồm các phế tích đá trước khi người châu Âu đặt chân tới nơi này. Loropénitrải dài trên diện tích 11.130m2 với những bức tường đá tuyệt đẹp; là địa danh đầu tiên của Burkina Faso được UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới vào năm 2009.

Những tưởng nơi đây chỉ là một phế tích đổ nát, cũ kĩ...
Dường như Loropéni từng là một công trình chết, vì các nhà khảo cổ không hề tìm thấy bất cứ một dấu hiệu nào về sự tồn tại của con người cũng như dấu tích của đền đài, nhà cửa tại đây. Đặc biệt, khu tàn tích có dạng hình vuông khép kín này không có lối vào. Những bức tường gạch kín kẽ vây thành hình vuông, có chiều cao khá bất thường so với các công trình phổ biến ở khu vực này (6m), ngoài ra cũng không có cửa sổ và lỗ thông hơi.

... nhưng phải đến thật gần, quan sát trực tiếp mới cảm nhận được nguồn năng lượng bí ẩn mà nó tỏa ra. 
Nhìn qua ảnh, bạn chỉ thấy đây là một đống gạch vụn, nhưng phải chứng kiến ngoài đời thực mới cảm nhận được nguồn năng lượng phát ra từ công trình này. Khu tàn tích im lìm, trầm mặc giữa rừng sâu được cho là nơi trú ngụ của nhiều linh hồn từ thời xa xưa. 
3. Đền Göbekli Tepe, Thổ Nhĩ Kì

Có vẻ Göbekli Tepe không được tạo ra để phục vụ cho mục đích sinh sống, mà nó có thể là một thánh đường tôn giáo được những người săn bắn hái lượm xây dựng nên. 
Göbekli Tepe là ngôi đền trên đỉnh của một mỏm thuộc dãy núi dài khoảng 15km ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kì. Địa điểm này hiện đang được các nhà khảo cổ học Đức cùng Thổ Nhĩ Kì khai quật. Họ cho rằng ngôi đền này đã được những người săn bắn - hái lượm dựng lên vào 9.000 năm TCN (khoảng 11.000 năm trước).

Tại Göbekli Tepe, chúng ta có thể tìm thấy nhiều bức họa khắc hình tượng các sinh vật như tatu, lợn hoang và ngỗng, vốn là những động vật không có mặt ở địa phương. 

Người cổ đại xây dựng Göbekli Tepe có ý nghĩa gì? Có phải họ chỉ đơn giản là khuân đá từ những nơi chỉ cách hang động vài bước chân rồi đem về và “hóa phép” cho chúng thành những công trình đá khổng lồ? 
Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kì được tạo nên từ những khối đá cự thạch khổng lồ trước cả thời kì Đồ Đá khoảng 6.000 năm. Nhà khảo cổ học Klaus Schmidt tin rằng đây là nơi thờ phụng lâu đời nhất của con người, có niên đại ít nhất 11.000 năm tuổi, được xây dựng tại thời điểm mà các nhà khoa học cho rằng loài người thậm chí còn chưa phát triển nông nghiệp.

Chúng ta không biết một lực lượng phải mạnh mẽ và hùng hậu đến như thế nào mới có thể xây dựng, củng cố, và duy trì một phức hệ trọng yếu như vậy.
4. Di tích khảo cổ Mohenjo Daro, Pakistan

Mohenjo Daro - di tích cổ đại còn chất chứa nhiều bí ẩn.
Nền văn minh sông Ấn được mọi người chú ý đầu tiên, sau khi khai quật di chỉHarappa thế kỷ XVIII. Năm 1922, một sự ngẫu nhiên, người ta đã phát hiện ra di tích Mohenjo Daro cách Harappa 600km về phía Nam.

Cổ vật nơi này rất giống ở Harapp - một thành phố cổ đại được khai quật trước đó không lâu và không quá xa (cách Mohenjo Daro 600km về phía Nam).
Điều kì lạ là cổ vật khai quật tại đây rất giống ở Harapp. Theo khảo sát, hai di chỉ này bắt đầu xây dựng khoảng 5.000 năm trước, thậm chí xa hơn. Điều khiến người ta ngạc nhiên không chỉ là diện tích và niên đại của hai di chỉ mà là chúng đều thuộc cùng một nền văn minh, nhưng mức sống không giống nhau. Vì sao có hiện tượng khác nhau kì lạ như vậy? Đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Những bức tường gạch tạo nên lối đi hẹp, vòng vèo như một mê cung dẫn đến nơi vô thực nào đó không ai biết...
Ban đầu, mọi người tưởng rằng, nền văn minh này phát triển nhờ sự ảnh hưởng của nền văn minh khác. Nhưng khai quật khảo cổ chứng minh kết luận này hoàn toàn sai lầm. Giám định xương người khai quật ở đây cũng chứng tỏ, người ở đây mang rất nhiều dòng máu của các chủng loại người khác nhau, không phải một dân tộc ngày nay chúng ta biết. Những bộ xương khai quật đều chết trong tình trạng kì lạ. Người chết không được chôn cất trong mộ và đều có nguyên nhân tử vong là đột tử. Thêm một điểm gây tò mò khác là có di thể hai tay ôm mặt như đang bảo vệ mình.

Ban đầu, mọi người tưởng rằng, nền văn minh này phát triển nhờ sự ảnh hưởng của nền văn minh khác, nhưng khai quật khảo cổ chứng minh kết luận này hoàn toàn sai lầm. 
5. Kim tự tháp Bosnia, thị trấn Bosnia Visoko, Sarejevo

Từ trên cao, nhìn bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra các yếu tố cơ bản của một tòa Kim tự tháp kinh điển: bốn mặt dốc hoàn hảo cùng chụm vào một điểm, chóp nón bằng phẳng và một lối vào phức tạp.
Thật ra, thuật ngữ kim tự tháp Bosnia đã được sử dụng để chỉ một cụm của các kiến tạo địa chất tự nhiên đôi khi được gọi là flatiron gần thị trấn Bosnia Visoko, phía tây bắc của Sarajevo. Ngọn đồi có tên là Visočica trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong tháng 10 năm 2005, sau một chiến dịch truyền thông, thúc đẩy ý tưởng rằng chúng là nhân tạo và là kim tự tháp cổ đại lớn nhất trên Trái Đất.

Trên đỉnh của Kim tự tháp khổng lồ này, người ta phát hiện những lớp gạch được lát rất ngay ngắn như thế này.

Và cả một hố sâu không biết dẫn về đâu.

Hố này được xây dựng từ những khối đá chắc chắn.
Trên đỉnh của Kim tự tháp cũng từng tồn tại một tòa thành có tường lớn bao quanh thời Trung cổ, nơi trị vì của một vị vua hùng mạnh trong lịch sử dân tộcBosnia: vua Tvrtko xứ Kotromanic (1338 - 1391). Kim tự tháp Mặt Trời của Bosnia có chiều cao 220 mét, cao thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Kim tự tháp Lớn của Ai Cập.

"Nín thở" với khung cảnh mùa thu đẹp lộng lẫy của châu Á

Nhắc đến mùa thu, người ta thường liên tưởng ngay đến những hàng cây và con đường tràn ngập lá vàng rất lãng mạn.
Mùa thu mang lại cho con người ta cảm giác yên bình, thi vị và cả một chút mơ mộng nữa, nhất là khi thả hồn vào quang cảnh tuyệt mĩ của thiên nhiên. Cùng khám phá những địa điểm ngắm lá vàng đẹp nhất châu Á để lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ dưỡng mùa thu thật hoàn hảo nhé.

Những con phố cổ đầy mê hoặc của Hà Nội đã làm biết bao du khách trong và ngoài nước mê đắm, nay lại càng quyến rũ lạ kì hơn khi đất trời thủ đô bước vào thu. 

Bầu trời xanh trong, nắng nhè nhẹ, bốn bề là sắc vàng, sắc đỏ của hàng cây rợp bóng… còn gì tuyệt hơn tản bộ trên thảm lá vàng khô xào xạc dưới chân, hít thở khí trời Hà Nội và thưởng ngoạn toàn bộ khung cảnh nên thơ này?

Gánh hàng rong trở thành nét chấm phá đặc sắc cho cảnh thu Hà Nội. 

Ánh nắng rực rỡ len lỏi qua tán lá vàng vào một buổi sớm mai.
2. Kyoto, Nhật Bản
Kinh đô cũ của Nhật Bản – thành phố Kyoto, là một trong những điểm du lịch lí tưởng nhất vào mùa thu. Sự kết hợp hài hòa của các kiến trúc cổ và tầng lá màu đỏ có thể mê hoặc bất cứ ai.
Trong suốt mùa thu, hàng ngàn người Nhật đổ xô đến Kyoto để thưởng ngoạn vẻ đẹp như tiên cảnh nơi đây, do đó Kyoto luôn rất đông khách vào mùa này. Nếu có ý định đến Kyoto vào mùa thu, tốt nhất bạn nên đặt phòng từ rất sớm, tuy nhiên cảnh đẹp vùng này rất đáng để “hi sinh” đấy.
3. Hokkaido, Nhật Bản
Mỗi năm, cứ vào khoảng giữa tháng 9, lá cây nơi đây bắt đầu chuyển màu tạo nên khung cảnh đa sắc nên thơ. Ở Hokkaido, những rặng núi thuộc công viên quốc gia Daisetsuzan là nơi đầu tiên nhìn thấy sắc lá chuyển vào độ thu hàng năm.
Đây là thời điểm rất nhiều du khách đổ xô về vùng này để được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ở khu Noboribetsu, khung cảnh đặc biệt bắt mắt với cả một thung lũng ngập trong sắc lá vàng, đỏ đẹp mê hồn. Mùa thu tại Nhật Bản, đặc biệt là Hokkaido quyến rũ đến lạ, chắc chắn sẽ khiến bạn luyến tiếc khi chia tay.
4. Hồ Biwa, tỉnh Kansai, Nhật Bản
Khu vực hồ Biwa là một trong những nơi đẹp nhất vào mùa thu ở vùng Kansai. Đặc biệt, đừng quên ghé thăm chùa Keisoku-ji.
Những bậc thang đá nhuốm màu thời gian và các bức tường rêu phong dọc lối đi lên ngôi đền cùng sắc đỏ choáng ngợp từ 200 cây phong, gợi nhắc cho mỗi người chúng ta về sức mạnh của thời gian, đồng thời còn có tác dụng kích thích cảm xúc rất tốt.
5. Cửu Trại Câu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
Cửu Trại Câu mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, nhưng đối với nhiều du khách thì đẹp nhất là vào cuối tháng 10 hàng năm (từ 15/10 - 31/10). Đây là thời điểm rừng lá xanh bạt ngàn chuyển màu vàng - đỏ, tương phản với lòng hồ xanh ngọc trong vắt.
Thời tiết trở lạnh, lá cũng đổi màu sớm. Ngoài ra, nhiệt độ không quá nóng hay lạnh, khoảng 8 - 15 độ, cộng thêm nắng nhẹ, rất thích hợp để đi thăm quan. Từ giữa tháng 11, thời tiết trở lạnh và bắt đầu có tuyết, nên việc di chuyển khó khăn hơn.
6. Vườn quốc gia Erawan, Thái Lan
Vườn quốc gia Erawan tọa lạc tại tỉnh Kanchanaburi thuộc miền tây Thái Lanđược thành lập năm 1975 và là vườn quốc gia thứ 12 của Thái Lan. Điểm thu hút chủ yếu của khu vực này là thác nước Erawan – được đặt tên theo con voi trắng 3 đầu trong truyền thuyết Hindu.
Khi thu về, cây cối xung quanh thác Erawan chuyển sang sắc vàng hoặc đỏ, làm nổi bật màu nước xanh trong hấp dẫn dưới cái nắng dìu dịu đặc trưng của mùa thu, tạo nên một khung cảnh hết sức thanh bình và hữu tình.
7. Đảo Nami, Hàn Quốc
Nami là một hòn đảo du lịch nổi tiếng nằm ở thủ đô Seoul, cách trung tâm khoảng hơn 50km. Con đường dẫn đến đảo vào mùa thu rất đẹp với những hàng cây bạch quả lá vàng rực.
Nếu bạn đã từng một thời say mê bộ phim Bản tình ca mùa đông thì nên du lịch đến đây ngay lập tức, bởi đảo Nami chính là bối cảnh của những thước phim đẹp lung linh này. Hàng cây rợp bóng với thảm lá vàng phía dưới, những băng ghế gỗ, hàng rào đã từng xuất hiện trong phim đều có thật ngoài đời và đang đợi bạn đến khám phá đấy.

Bức tượng hai nhân vật chính của bộ phim Bản tình ca mùa đông.

Hàng cây rợp bóng với thảm lá vàng phía dưới, những băng ghế gỗ, hàng rào đã từng xuất hiện trong phim đều có thật ngoài đời.
8. Trang trại Fu Shou Shan, Đài Trung, Đài Loan
Nằm ở Đài Trung – một thành phố phía tây Trung bộ Đài Loan - trang trại Fu Shou Shan không chỉ nổi tiếng với thương hiệu trà ngon mà còn là một nơi ngắm sắc thu rõ nhất, đẹp nhất nơi này.
Bạn sẽ dễ dàng bị chinh phục bởi rừng lá vàng đỏ, bầu trời trong, đồi trà xanh mướt và không khí trong lành nơi đây.
Cửu Trại Câu (miền Bắc Tứ Xuyên, Trung Quốc) nghĩa là thung lũng 9 làng của người Tạng, được mệnh danh là "Thiên đường hạ giới" với khung cảnh ngoạn mục đẹp tựa tranh vẽ, độc nhất vô nhị ở Trung Quốc và trên thế giới.
Cửu Trại Câu có nhiều thác nước đa cấp, chuỗi 108 hồ nước màu xanh ngọc trong vắt, đỉnh núi bao quanh phủ tuyết trắng có độ cao từ 2.000 - 4.000m.
Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới năm 1992, dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997, thuộc vào danh mục 5A - khu vực cần bảo vệ cảnh quan cao nhất của Trung Quốc. Vào dịp cao điểm cuối tháng 10 hàng năm, mỗi ngày Cửu Trại Câu có thể đón hàng chục nghìn người tới tham quan.